Người Sài Gòn lo lắng cho “số phận” tòa nhà 120 tuổi trên đường Lý Tự Trọng

Phạm An, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 11/11/2015

Trong quá trình TP. HCM khởi động việc xây dựng trung tâm hành chính, số phận của tòa nhà 120 năm tuổi có khả năng chỉ bảo tồn được phần đứng khiến người dân thành phố vô cùng tiếc nuối, lo lắng.

Theo đề bài thi tuyển ý tưởng sáng tạo kiến trúc năm 2014 mà Sở Quy hoạch - Kiến trúc công bố, trong phần yêu cầu thiết kế kiến trúc khu trung tâm hành chính TP. HCM thì tòa nhà trụ sở chính của HĐND, UBND TP. HCM hiện nay ở 86 Lê Thánh Tôn được bảo tồn. Trong khi đó đối với tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng, đề bài chỉ yêu cầu nghiên cứu bảo tồn mặt đứng.

Tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng trước đây là tòa nhà Nha Giám đốc nội vụ, mà người dân hay gọi là dinh Thượng Thơ, do chính quyền xứ Nam kỳ xây vào những năm 1860 với vai trò điều hành trực tiếp toàn bộ các vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa. Công trình này chỉ quan trọng sau Dinh Norodom (phiên bản trước của Dinh Thống Nhất ngày nay).

Hiện nay tòa nhà này là trụ sở chính của Sở TT-TT TP. HCM và văn phòng của một số cơ quan, đơn vị nhà nước. Công trình kiến trúc này gắn liền với lịch sử vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa và TP. HCM ngày nay.

IMG_3438-e3528
Tòa nhà được xây theo kiến trúc thuộc địa Pháp, nay đã hơn 120 năm tuổi và vẫn giữ được chiếc cổng sắt được thiết kế tinh xảo và lối vào lát đá xanh.

IMG_3436-e3528
Tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng có kết cấu còn nguyên vẹn và hiện là nơi làm việc của hàng trăm cán bộ, công chức. Nếu chỉ yêu cầu nghiên cứu bảo tồn mặt đứng thì về căn bản tổng thể kiến trúc sẽ không còn được nguyên vẹn.

Được biết, ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP đã gửi văn bản cho Thường trực UBND TP kiến nghị bảo tồn nguyên trạng kiến trúc và vị trí tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng. Theo ông Hỷ, công năng sử dụng của tòa nhà vẫn còn tốt. Khi đã bảo tồn có thể bố trí sử dụng làm trụ sở tiếp khách quốc tế hoặc tiếp dân trên địa bàn thành phố.


IMG_3465-e3528
Những cửa sổ mái vòm, trụ cột vẫn còn đậm chất cổ xưa.

Cũng có thông tin hiện TP vẫn chưa có quyết định cuối cùng là di dời nguyên trạng tòa nhà dịch sang vị trí mới, hay là tháo dỡ tòa nhà hiện hữu rồi xây lại ở vị trí mới ở đoạn giữa 2 đường Pasteur và Đồng Khởi. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia nếu tòa nhà buộc phải di dời, thì về căn bản, tổng thể kiến trúc sẽ không còn được nguyên vẹn.

Người dân tại khu vực tỏ ra tiếc nuối khi biết được thông tin trên. Với họ, tòa nhà này ngoài là nơi thân thuộc của người Sài Gòn, nó còn là niềm tự hào của người dân Sài Gòn xưa khi trải qua nhiều thăng trầm lịch sử.

Bên cạnh đó, những người bán hàng gần tòa nhà này cũng nhiều tâm sự khi biết tòa nhà có thể bị di dời, hoặc sẽ chỉ bảo tồn mặt đứng. Một chị bán nước trước tòa nhà cho biết: "Tôi bán ở đây đã nhiều năm, thân thiết với khá nhiều nhân viên trong tòa nhà này, cứ giờ nghỉ trưa, họ đều ra quán nước của tôi để trò chuyện. Nếu tòa nhà dời đi, thì ở đây sẽ thiếu vắng lắm".

IMG_3464-e3528
Tuy có nhiều nơi đang xuống cấp, hư hỏng nhưng với người dân TP thì tòa nhà 120 năm tuổi Lý Tự Trọng một thời là niềm tự hào về góc Sài Gòn xưa.

IMG_3446-e3528
Khu vực trung tâm TP. HCM đang được chỉnh trang trên nền diện mạo đô thị hiện hữu ít nhiều ảnh hưởng đến “hồn vía của Sài Gòn xưa”.

Trước những ý kiến liên quan đến việc bảo tồn tòa nhà, ông Võ Văn Luận, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TP. HCM, cho biết TP sẽ tham vấn các nhà nghiên cứu về giá trị lịch sử của tòa nhà để xem xét, quyết định phương án cụ thể về việc bảo tồn. Do đó, hiện nay chưa thể kết luận được “số phận” của tòa nhà là giữ nguyên hay tháo dỡ.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày