Những ngày này, người dân tham gia giao thông qua trạm chắn đường ngang Km 10 + 357 tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng (thuộc địa bàn phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) cảm thấy thú vị khi chứng kiến hình ảnh cô gái trẻ có mái tóc buộc cao gọn gàng, cần mẫn làm nhiệm vụ đẩy thanh chắn ray đường tàu dù đang mang bầu ở cuối tháng thứ tám.
Chỉ ít tuần nữa, chị sẽ hạ sinh một bé trai kháu khỉnh nhưng ở thời điểm hiện tại, chị vẫn cần mẫn thực hiện công việc kéo dài 12 tiếng/ca, với nhiệm vụ đẩy thanh chắn đường tàu, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông khi có tàu chạy qua.
Chị là Đào Mai Hương (SN 1993), sinh ra trong một gia đình tiểu nông ở Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng nghề đường sắt (hệ trung cấp), chị Hương được nhận về làm công nhân trực chắn đường tàu khu vực Km 10 + 357 tuyến Gia Lâm - Hải Phòng từ tháng 11/ 2012, đến nay đã được gần 2 năm gắn bó.
Chị Đào Mai Hương (SN 1993) - nữ công nhân đường tàu đang mang thai ở tháng thứ 8.
Chị bắt đầu ca làm việc từ 6 giờ đến 18 giờ, kéo dài 12 tiếng...
Sau 24 tiếng, chị lại bắt đầu ca tiếp theo là ca đêm (từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau).
Chị Hương nhận được tín hiệu báo có tàu về từ các trạm trực khác.
Chị cho biết, nhóm trực của chị gồm có 3 người. Ngoài chị còn có 2 cô lớn tuổi, đã hơn 20 năm trong nghề, là những người hàng ngày gắn bó, chia sẻ nỗi nhọc nhằn với chị. Để nói về thời gian làm việc của mình, chị khái quát một cách dễ hiểu: "Bọn tôi làm 12 tiếng, nghỉ 24 tiếng. Sau đó lại bắt đầu vòng quay của ca trực như vậy!". Một ca trực của chị và các đồng nghiệp kéo dài 12 tiếng. Nếu ngày hôm nay nhóm của chị trực 12 tiếng ca sáng, thì 24 giờ sau, ca trực của chị sẽ là làm 12 tiếng ca đêm.
Hàng ngày, nhóm của chị đón khoảng 13 - 15 chuyến tàu chạy qua tuyến đường ngang thuộc phường Thạch Bàn trong đó có khoảng 5 - 6 chuyến tàu khách, còn lại là tàu hàng. Thời gian của các chuyến tàu cũng không cố định, ban ngày thì sáng khoảng 6 giờ, chiều từ 3 giờ 30 phút đến 4 giờ là khoảng thời gian nhiều tàu chạy qua nhất. Đêm về, đa phần là các chuyến tàu hàng, tập trung nhiều từ khoảng 18 giờ 30 phút đến 20 giờ 30 phút.
Khi nhận được tín hiệu có tàu, chị và các cô trong nhóm nhanh chóng có mặt tại khu vực làm việc.
Mang bầu tháng thứ 8, chị Hương vẫn đảm nhiệm tốt vai trò của người kéo thanh chắn đường tàu.
Với chị, mỗi công việc đều có sự vất vả riêng, nhưng đã gắn bó thì sẽ tìm được niềm vui trong nghề.
Hình ảnh "bà bầu" làm nhiệm vụ khiến nhiều người đi đường phải chú ý. Chăm chú dõi theo tàu chạy qua. "Bà bầu" chăm chỉ làm việc.
Công việc nếu nói ra cũng không có gì nặng nề, tức là khi nhận được tín hiệu tàu đến, nhóm của chị thực hiện kéo thanh chắn rào sắt, ngăn luồng giao thông hai bên khi có tàu chạy qua nhưng mọi việc không thật sự đơn giản như vậy.
Một ca trực kéo dài 12 tiếng, liên tục phải canh trực tín hiệu tàu từ các trạm khác, trong khi giờ giấc không hề cố định. Môi trường làm việc trực tiếp trên đường quốc lộ, tiếp xúc với bụi bẩn, tiếng ồn. Đấy là còn chưa kể đến ý thức của một số người tham gia giao thông. Khi thanh tàu chắn đang được kéo dang dở, một số người vẫn cố "ăn thua" luồn lách bằng được để qua dù chỉ còn vài giây. Những lúc như thế, người làm công việc như chị không khỏi giật mình vì những pha "vượt rào" nguy hiểm thiếu ý thức.
Đối mặt với luồng giao thông đông đúc. "Bà bầu" 9X băng qua đường... Nhiều lúc chị mờ mắt vì khói bụi tàu xe. 24 giờ sau, khi màn đêm buông xuống, chị lại bắt đầu ca trực kéo dài 12 tiếng với "em bé 8 tháng" đang ngày một lớn trong bụng. 18 giờ 30 phút, những chuyến tàu đêm đầu tiên chạy qua khu vực đường ngang phường Thạch Bàn. Giơ cao chiếc đèn báo hiệu trên tay, chị Hương lại làm tròn vai trò của một công nhân đường ray, đảm bảo sự an tâm cho cả lái tàu và người đi đường.
Căn phòng ở trạm làm việc khá thiếu thốn về cơ sở vật chất. Ngoài ghế ngồi ra thì không có giường, ti vi hay bất kì phương tiện thông tin giải trí nào được trang bị. Bởi yêu cầu đầu tiên với những
"người canh tàu" là luôn phải tập trung và tỉnh táo cao độ. Với một người bụng bầu như chị Hương, công việc này cũng đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn.
24 tiếng sau, chị Hương lại bắt đầu ca trực mới của mình.
"Bà bầu" 9X sẽ làm công việc này liên tục trong 12 tiếng với tinh thần luôn phải tỉnh táo và tập trung cao độ.
Chia sẻ về nỗi vất vả của nghề, chị Hương cho biết: "Với tôi thì công việc nào trong xã hội cũng có sự vất vả. Nghề của tôi cũng như vậy! Nhưng đã quyết theo nó rồi thì sẽ tìm ra được niềm vui trong công việc thôi. Như các cô ở đây đều gắn bó với công việc này hàng chục năm, cũng sắp đến tuổi về hưu rồi. Để hiểu hết nỗi vất vả của nghề này thì các cô là rõ nhất. Tôi xác định bản thân còn trẻ, cứ nhìn vào các cô mà cố gắng mỗi ngày là lại thấy vui vẻ, phấn chấn hơn!"
Chị Hương nổi bật giữa những thanh chắn ngang hữu ích.
Hình ảnh "bà bầu 9X" trở nên quen thuộc với những người đi đường qua khu vực này thời gian gần đây.
Đúng như chị Hương chia sẻ, công việc nào trong xã hội cũng có những nỗi vất vả, nhọc nhằn riêng. Với những người làm công việc trông rào chắn đường ray tàu như chị, hàng ngày vẫn làm công việc thầm lặng nhưng ý nghĩa, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Hình ảnh cô gái 9x đường tàu, bụng bầu "vượt mặt" nhưng vẫn chăm chỉ với công việc thầm lặng ngày đêm khiến nhiều người đi đường phải khâm phục.
Ảnh: Ngọc Tuấn