Học sinh Trường Vstar - Ảnh: H.HG.
Từ status trên Facebook
Bài trên Facebook Lê Quảng An viết:
"Thứ nhất, mời quý trường xem hình cà vạt của hai trường tiểu học Việt Nam và Hàn Quốc để so sánh!
Mẫu của trường Hàn Quốc chiếc cà vạt được may cố định, tống vào máy giặt quay điên đảo cũng không bung bét ra mất phom, học sinh sáng ra đi học mắt nhắm mắt mở cũng lôi cài lên cổ cái rẹt với hai cái nút hai bên là tươm tất đến lớp!
Còn mẫu cà vạt của trường ta là hai cọng dây vải phải khéo léo thắt vào nhau mới thành hình cái cà vạt, con nhà cháu nông dân không biết cách thắt thế là mẹ cháu cứ buộc thắt nút vào như dây giày rồi treo lên cổ anh Tin.
Nhiều sáng, cáu tiết mẹ cháu bảo con nhét đại vào túi đến nhờ cô giáo thắt cho đẹp! Nhưng đến chiều cháu về cà vạt vẫn nguyên trong túi!
Tin nói cô bảo con tự thắt đi. Nên mẹ cháu kính đề nghị quý trường vào năm học mới thay đổi khẩn trương mẫu cà vạt cho các bé!
Nếu không làm được thì dẹp đi ạ, chả khác nào cái giẻ rách vắt lên cổ các cháu! Xấu hình ảnh của nhà trường ghê nơi".
Theo lời phụ huynh, sau khi status được đăng lên, nhà trường có mời chị lên làm việc vài lần nhưng chị bận ở Hà Nội nên đến ngày 3-8 mới lên trường.
Đó là ngày học sinh Vstar School tựu trường mà chị không được thông báo về nội dung này. Khi lên trường gặp thầy hiệu phó chị mới biết con mình bị cho thôi học.
"Không phù hợp với gia đình của nhà chị"
Nội dung của cuộc nói chuyện giữa phụ huynh và thầy phó hiệu trưởng nhà trường đã được ghi lại.
Theo băng ghi âm mà phụ huynh cung cấp, cuộc trao đổi giữa phụ huynh và ông Huỳnh Châu Lộc, phó hiệu trưởng Vstar School, như sau:
- Tụi tui nhận thấy là môi trường giáo dục của tụi tui có lẽ không phù hợp với gia đình của nhà chị. Cả hội đồng đã thống nhất là mình không phù hợp với người ta mà người ta đến đây để nói mình như thế thì không nên. Đó là lý do tụi tôi không nhận.
- Tôi đồng ý với lý do đó của thầy nhưng một việc như thế tại sao không thông báo cho tôi bằng email hay bằng văn bản. Việc ngưng học của học sinh rất nghiêm trọng chứ không phải là ngày 3-8 tôi sang thầy mới thông báo với tôi.
- Tụi tôi có mời chị đến mà chị cứ báo là như thế thì lấy đâu để nói chuyện.
- Tức là ngày 15-6 trường gọi cho tôi và tôi nói là tôi đi Hà Nội, không sang được.
- Nhưng khi nào chị về chị phải báo cho tụi tôi biết?
- Ngày 15-7 là ngày thi xếp lớp tiếng Anh, tôi có gọi và báo cho cô Thủy, giáo viên chủ nhiệm.
- Cô Thủy tụi tôi đã kỷ luật và không cho cô Thủy dạy.
- Tôi nghĩ là chuyện tôi viết trên Facebook về việc khen cà vạt trường này đẹp, chê cà vạt trường kia xấu đó chỉ là việc cá nhân thôi. Tôi không hiểu sao nhà trường lại lấy việc cá nhân ấy để ngưng học một học sinh thì nhà trường thấy có đúng hay không?
- Vì tụi tui thấy rằng chuyện này không phải lỗi của tụi tui, do gia đình có lẽ không phù hợp như thế nào đó thì chuyện có một chút xíu như thế mà gia đình nói nặng nói nhẹ như cái giẻ rách, thế này thế nọ tụi tui không chịu được. Với những lời lẽ rất ảnh hưởng tới nhà trường. Nếu như thông tin này còn nhiều hơn nữa thì nó sẽ như thế nào. Vả lại chuyện này nói thật với chị nếu đánh giá ngược lại thì nó như thế nào đối với gia đình. Nên thành ra thôi thì chuyện này cũng đã qua, tôi cũng mong rằng nếu mà cháu đi thì chị cũng nên làm sao giúp cho bé nó học tốt.
Cô hiệu trưởng: "Tôi thấy buồn, rất buồn"
Nói với Tuổi Trẻ, bà Chu Thị Ngọc Thịnh, hiệu trưởng Trường Vstar, cho biết:
Ngày 18-5, phụ huynh N.T.T.H., phụ huynh em L.Q.M.H., học sinh lớp 2 T, có gửi email cho nhà trường một tấm hình cà vạt của học sinh Hàn Quốc cùng với nội dung: “Gửi nhà trường tham khảo”.
Ngày 19-5, ban giám hiệu chúng tôi đọc mail này. Đến ngày 20-5, ngày nhà trường tổ chức lễ tổng kết năm học thì phụ huynh em M.H. viết trên Facebook về cà vạt của trường cộng với việc tấm hình tập thể lớp 2 T, trong đó có đoạn: “Nếu mẹ cháu là người phụ trách truyền thông của trường sẽ không bao giờ để một cái hình chụp tổng kết cuối năm nhòe nhoẹt, trang trí quê mùa lọt ra ngoài cổng trường Vstar School. Nếu đã chụp cho các cháu phải có sự đầu tư cẩn thận, trang phục của các cháu phải tươm tất chứ, ai lại để các bé trai treo lủng liểng cái gì trên cổ vậy trời ơi? Trang trí hoa hòe hoa sói gì vậy ông nội con ơi?”.
Tuy nhiên, sau đó khi biết được tấm hình tập thể lớp 2 T là do giáo viên chủ nhiệm tự chụp và tặng các học sinh chứ không phải do nhà trường tổ chức chụp nên phụ huynh đã gỡ phần này xuống, chỉ còn phần nội dung về cà vạt như mọi người thấy.
Đến giữa tháng 6, nhân viên trường đã gọi điện mời phụ huynh vào trường. Tuy nhiên, phụ huynh nói không sắp xếp được thời gian. Nhân viên của trường có nói rằng khi nào phụ huynh vô được thì báo với trường.
Đến ngày 19-6, trường gửi tin nhắn thông báo đóng học phí cho năm học mới nhưng phụ huynh điện thoại nói mình đang ở Hà Nội đến tháng 7 mới về. Nhân viên của trường lại tiếp tục xin lịch hẹn sau khi phụ huynh về TP.HCM. Phụ huynh nói khi nào về sẽ liên lạc với trường.
- Mục đích của việc mời phụ huynh vào trường để làm gì, thưa bà?
- Phần nội dung trên Facebook là ý kiến cá nhân của phụ huynh. Chúng tôi cũng xem như đó là một trong những góp ý của rất nhiều phụ huynh khác và rất trân trọng những góp ý ấy. Tôi cho rằng trong lúc viết Facebook có thể phụ huynh rất bức xúc hoặc do áp lực nào đó. Bài trên Facebook là tháng 5, tôi muốn để đến tháng 6 để bức xúc ấy nguôi ngoai đi. Mục đích của buổi gặp gỡ là để ban giám hiệu trường lắng nghe và giải tỏa ẩn ức, giải thích cho phụ huynh hiểu.
- Nhưng theo phụ huynh thì giáo viên gọi điện yêu cầu cô ấy gỡ status xuống?
- Đó là giáo viên chủ nhiệm kêu chứ nhà trường không yêu cầu việc ấy. Thực tế là phụ huynh có gỡ bỏ phần nội dung liên quan đến tấm hình do giáo viên chụp.
- Như vậy, thưa bà, trường đuổi học em M.H. vì phụ huynh chê cà vạt của trường hay vì phụ huynh chưa đóng học phí?
- Tôi nhấn mạnh trường chúng tôi là trường tư, chắt chiu từng em học sinh chứ không có lý gì lại đuổi học sinh chỉ vì chuyện cỏn con như thế. Ngay cả những em có vấn đề về trí tuệ, có em tự kỷ nhưng không phá rối các bạn, chúng tôi vẫn nhận. Vấn đề học phí lại càng không vì thời điểm tháng 9 mà vẫn còn nhiều phụ huynh chưa đóng học phí.
Theo tường trình của thầy hiệu phó thì cuộc trao đổi ngày 3-8 hai bên có trao đổi về chuyện cà vạt, có tranh luận nhưng cuối cùng hai bên không tìm được sự đồng thuận trong cách hành xử, trong việc giáo dục học sinh nên phụ huynh xin rút học bạ.
Tôi được biết đoạn băng ghi âm mà phụ huynh cung cấp cho báo chí không phải là cuộc trao đổi ngày 3-8 mà là ngày 11-8, khi phụ huynh quay lại để làm giấy chuyển trường. Sau đó phụ huynh tung lên mạng đúng ngày khai giảng năm học mới - thời điểm rất nhạy cảm.
- Xin quay lại chuyện cái cà vạt, bà có ý kiến như thế nào về việc này?
- Đồng phục học sinh của trường đã được tất cả học sinh sử dụng 5 năm nay. Việc chọn lựa đồng phục có cà vạt là ý kiến của cả hội đồng, trong đó có tôi.
Hằng năm, nhà trường đều xin ý kiến của phụ huynh về những mong muốn mà họ kỳ vọng nhà trường sẽ làm cho con em họ, tuyệt nhiên không có ý kiến nào về cà vạt học sinh.
Về việc thắt cà vạt, có em chỉ nghe qua là làm được ngay, cũng có em phải có thời gian mới làm được. Quan điểm của trường là giáo viên không làm thay mà cần hướng dẫn để học sinh tự làm.
- Qua vụ việc lùm xùm này, bà có suy nghĩ như thế nào?
- Tôi thấy buồn, rất buồn! Em H. học ở Trường Vstar từ đầu năm học lớp 2. Hằng ngày hiệu trưởng và hiệu phó nhà trường đều đứng đón học sinh trước cổng. Muốn góp ý với trường, tại sao phụ huynh không gặp trực tiếp tôi hoặc điện thoại, nhắn tin, gửi email? Cả năm học phụ huynh không có ý kiến gì, đến cuối năm lại viết lên Facebook như vậy có nên không?
Nếu học sinh đọc được những lời lẽ không thể hiện sự trân trọng và thiếu tính xây dựng của mẹ mình đối với trường thì em sẽ nghĩ về trường như thế nào? Muốn dạy con mình ngoan, lễ phép thì trước tiên phụ huynh phải tôn trọng nhà trường, tôn trọng thầy cô giáo của con mình. Quá trình giáo dục con trẻ cũng cần sự hợp tác giữa nhà trường và gia đình.