Mất nước sạch kéo dài, hơn 1.000 người Hà Nội phải dùng nước giếng khoan

Thành Nam, Theo Mask Online 00:33 03/10/2014
Chia sẻ

Sơ tán tới nhà dân, đi tắm, giặt quần áo nhờ, xin nước… là nỗi vất vả của hàng nghìn người dân tổ 12, phường Mỗ Lao (Q. Hà Đông, TP. Hà Nội) trước thực trạng mất nước sạch kéo dài. Đặc biệt hơn, nhiều hộ dân đang khôi phục lại giếng khoan để thoát khỏi cơn khát.


Ghi nhận tại tổ 12, Khu tập thể trường Cao đẳng Xây dựng số 1 (Hà Nội), câu chuyện mất nước sạch vẫn là nỗi bức xúc của người dân nơi đây. Từ nhiều ngày nay, các hộ dân phải thức đêm chờ những giọt nước “nhỏ giọt” để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.


Những đường ống nước dài loằng ngoằng kéo dài trên khu phố. Họ phải chia nhau từng xô nước mỗi ngày.


Trao đổi với phóng viên, bà Đào Thị Sửu (67 tuổi) - Tổ trưởng tổ dân phố số 12, cho biết: “Đợt mất nước sạch này bắt đầu từ ngày 9/9 đến nay. Cuộc sống người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Thế nhưng chúng tôi kêu mãi, kêu nữa cũng không thấy có nước về…”.


Cũng theo bà Sửu, tổ 12 có 162 hộ dân sinh sống. Hơn 1.000 người dân đang phải sống nhờ vào những giọt nước của Hợp tác xã Thống Nhất cung cấp. 


Những chiếc máy bơm nước án ngữ trước nhà để chờ đợi nước về sẽ bơm luôn. “Thức đêm đợi nước sạch về, thế nhưng đêm qua chỉ bơm được 10 phút thì lại hết.” – ông Nguyễn Văn Khang, số nhà 71, tổ 12, phường Mỗ Lao chia sẻ.


Trước thực trạng mất nước sạch kéo dài, nhiều hộ dân trong tổ 12, phường Mỗ Lao đã khôi phục lại giếng khoan để có nước sinh hoạt. “Nhà tôi làm hàng ăn, một ngày sử dụng rất nhiều nước. Nếu không có nước sạch mà phải đi mua nước đóng thùng về dùng thì rất tốn kém. Tôi khắc phục giếng nước để lấy nước rửa ráy…” – chị Lê Thị Duyên (40 tuổi) tổ 12 này chia sẻ.


Theo chị Duyên cho biết, nước giếng khoan bơm lên không đảm bảo, phải lọc qua thùng cát, sỏi nhưng cũng chỉ dùng để rửa ráy và giặt giũ quần áo. 


Đối phó với việc mất nước sạch dài ngày, không chỉ gia đình chị Duyên mà còn nhiều hộ dân trong tổ dân phố này đang sửa chữa lại giếng khoan để có nước sinh hoạt hàng ngày. 


Đến giờ nấu cơm trưa, nhiều người lại tìm đến bể nước giếng khoan nhà chị Duyên để xin nước sinh hoạt.


“Hàng ngày, tôi phải mua nước đóng bình về nấu nướng, còn việc tắm giặt thì phải dùng nước giếng”, bà Nguyễn Thị Nga, tổ 12 chia sẻ.


 Gia đình bà Nguyễn Thị Nga có tới 5 người nhưng từ ngày nước sinh hoạt không có, 4 người trong gia đình bà đã phải chuyển về nhà người thân ở gần phố Bạch Mai sinh sống.


Những xô nước xin về nhà phải được tận dụng và dùng tiết kiệm hết sức có thể.


Những bể nước ngầm trong nhà cũng chỉ còn lại một lượng nước rất ít từ đêm bơm vào.


Cảnh mất nước sinh hoạt khiến nhiều hộ dân rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười”. Người dân không biết rõ thời gian nào nước sạch về nên ngày cũng như đêm phải luân phiên nhau trực chờ nước.


 Hàng ngày, gia đình bà Phạm Thị Oanh (số nhà 78) phải bỏ ra 250 nghìn đồng mua 10 bình nước để 6 người trong nhà có nước ăn uống.


Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Cường, Giám đốc Hợp Tác xã Thống nhất (phường Trung Văn, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, đơn vị đang đảm nhận cung cấp nước sạch cho tổ dân phố Phùng Khoang và 9 khu tập thể trên địa bàn phường Trung Văn, cấp nước sạch cho khoảng 3.500 hộ dân.

Theo ông Cường, đơn vị hợp đồng với bên Viwaco (đơn vị bán nước sinh hoạt) mua nước với công suất 2.700m3/ngày đêm. Tuy nhiên, hiện nay, công suất nước cấp cho người dân mới chỉ đạt từ 1.700 đến 2.300m3/ngày đêm. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất nước sạch kéo dài là do lượng nước không đủ nên đơn vị phải tổ chức cắt luân phiên nhau từng khu vực.

“Khi bị mất nước sạch, chúng tôi đã liên hệ với đơn vị bán nước (Viwaco) mua thêm nước để đáp ứng nhu cầu của bà con nhưng phía đơn vị bán nước nói không có đủ nước để cấp thêm. Do vậy, chúng tôi không còn cách nào khác ngoài việc nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ, đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn”, ông Cường chia sẻ.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày