Gần 2 tháng không có nước sạch
Gần 2 tháng nay, hàng trăm hộ dân ở làng Phú Mỹ, thuộc phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang phải sống trong cảnh không có nước sinh hoạt. Thậm chí nhiều hộ dân phải chấp nhận mất một khoản tiền lớn đào nước giếng khoan nhiễm bẩn để sử dụng.
Nhiều hộ dân ở làng Phú Mỹ, đường Mỹ Đình gần 2 tháng nay bị mất nước và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống.
Theo phản ánh của người dân, từ giữa tháng 6 đến nay, các hộ gia đình ở tổ 1 và tổ 2 (đặc biệt là ngách 52/25/43) làng Phú Mỹ, đường Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị mất nước liên tục khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn, gặp nhiều khó trong sinh hoạt.
Nhiều hộ dân trong ngõ phải tiến hành khoan giếng lấy nước dùng.
Tương tự, bà Hệ - sống tại tổ 2 kêu than: “Nước sạch không có gần 2 tháng nay rồi, dân chúng tôi không có nước sinh hoạt đành phải dùng nước giếng khoan. Biết là nước giếng khoan có nhiều độc tố nhưng vẫn nhắm mắt để dùng. Nhiều gia đình phải bỏ ra 7 triệu đồng thuê thợ về đào nước giếng khoan để sử dụng. Từ hôm mất nước sạch đến giờ, ở xóm tôi đào được hơn 10 cái giếng rồi”.
Theo tìm hiểu, các hộ dân ở trên đều sử dụng nguồn nước sạch của Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Nông Nghiệp Mỹ Đình (nguồn nước sạch Sông Đà). Từ khi mất nước sạch đến nay, nhiều gia đình đã thuê thợ về đào nước giếng khoan để sinh hoạt, mỗi lần đào giếng mất 7 triệu đồng chưa kể máy móc.
Ông Nguyễn Văn Trường, đại diện Hội nông dân tổ dân phố số 2 cho biết: “Cả tổ 1 và tổ 2 có khoảng 200 hộ dân. Từ khi chưa vỡ đường ống nước Sông Đà lần thứ 13, chúng tôi đã bị mất nước sạch rồi. Trước tình trạng trên, người dân đã viết 2 lá đơn gửi xuống cho đơn vị cấp nước”.
Cũng theo ông Trường, sau khi khắc phục xong sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà lần thứ 11, người dân ở các xã phường khác họ đã có nước sinh hoạt còn chúng tôi không có một giọt nước chảy về bể, tính đến nay đã gần 2 tháng. Chủ yếu mọi người cải tạo lại nước giếng khoan từ lâu đã bỏ hoặc thuê thợ về đào giếng mới khoan mới".
Nhiều hộ phải mua nước lọc về dùng vì nguồn nước sạch bị mất nhiều ngày nay.
Liên quan đến sự việc trên, ông Nguyễn Văn Ngà, Phó chủ nhiệm HTX Dịch vụ Tổng hợp nông nghiệp Mỹ Đình cho biết, đơn vị chưa thấy người dân có kiến nghị về việc mất nước sạch mà chỉ nhận được đơn của người dân đề nghị thay đường ống nước.
“Sự việc này sau khi họp chúng tôi đã đưa ra ban quản trị để bàn luận và xét duyệt, còn thay đường ống nước phải có kế hoạch chứ không thể làm ngay được. Tình trạng mất nước sạch như người dân phản ánh là đúng bởi tất cả các hộ dân ở phường Mỹ Đình 1 đều sử dụng nguồn nước sạch Sông Đà của Tổng Công ty Vinaconex. Đơn vị tôi chỉ là bên trung gian đấu thầu lại nguồn nước của Công ty Vinaconex để cấp nước cho người dân. Hiện nay, việc mất nước sạch là do nước Sông Đà yếu cho nên không cung cấp đủ nước cho người dân. Ngay như nhà tôi ở ngoài đường chính cũng không có nước dùng”, ông Ngà cho hay.
Ông Ngà cho biết thêm, một phần nữa là do đường ống dẫn nước thiết kế cho các hộ dân sử dụng được làm từ năm 1998 quá nhỏ nên khi có nước thì các hộ gia đình ở bên ngoài dùng hết, các hộ sâu bên trong không có nước chảy vào. Hiện nay, HTX chưa có kế hoạch và đủ kinh phí để thay toàn bộ đường ống nước này nên mới dẫn đến việc thiếu nước sạch chứ không phải mất hoàn toàn. Bên phía Tổng công ty nước sạch Vinaconex cũng vừa gọi điện cho chúng tôi về vấn đề này, có thể ngày 18/8, chúng tôi sẽ ra làm việc với Vinaconex để giải quyết mọi việc”.
Công tơ nước sạch không hoạt động vì không có nước.
“Di cư” về quê vì không có nước sinh hoạt
Trưa ngày 17/8, trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty nước sạch Vinaconex cho biết: “Đơn vị đã khắc phục xong sự cố vỡ đường ống nước và cấp nước trở lại cho người dân từ 3 đến 4 hôm nay rồi, còn việc không có nước sạch thì phải hỏi đơn vị cấp nước”.
Khi đề cập đến việc đơn vị cấp nước nói là do Công ty Vinaconex không cung cấp đủ nước cho người dân, ông Tốn khẳng định: “Bên tôi đã cung cấp nước đều đặn, không giảm áp trong đợt này thì việc thiếu nước là không thể xảy ra”.
Tuy nhiên, đến 17h chiều ngày 17/8, tại nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội vẫn rơi vào tình trạng mất nước sạch. Tại các khu vực như đường Vũ Ngọc Phan (phường Láng Hạ), phường Thành Công, Ngọc Khánh (Đống Đa), phường Hạ Đình (Thanh Xuân), phường Cầu Diễn (Nam Từ Liêm)… hàng ngàn hộ dân vẫn đang khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt.
Ngồi múc từng gáo nước để chuẩn bị cơm chiều, bà Nguyễn Thị Thanh (56 tuổi, ở số nhà 45, đường Vũ Ngọc Phan, phường Láng Hạ, Hà Nội) cho biết, khu nhà bà cũng mất nước sạch vài ngày nay kể từ khi đường ống nước sông đà bị vỡ lần thứ 13 vào sáng ngày 13/8.
“Mất nước sạch khiến cuộc sống của chúng tôi khổ lắm, cả nhà có 5 nhân khẩu nhưng lấy xô chậu hứng mãi mới được vài xô dùng dè dặt cả ngày, cũng may là nhà tôi ở đầu khu phố nên còn vớt vát được vài chậu nước, còn nhiều hộ ở trong ngõ sâu thì không có lấy một giọt nước sạch nào nên phải dùng nước giếng khoan bẩn hoặc mua nước bình về dùng”, bà Thanh cho hay.
Bà Lê Thị Ly (54 tuổi, ở tổ 5, phường Láng Hạ) cho biết, nhà bà mất nước sạch từ cách đây 1 tuần. “Không có nước sinh hoạt, gia đình tôi phải kéo vòi bơm đi xin nhờ nước giếng khoan của nhiều nhà trong xóm và chỉ dám dùng dè dặt. Nắng như thế này cần đến nước nhiều mà chỉ dám dùng để rửa mặt, rửa rau nấu cơm, còn tắm rửa phải đi sang nhà người thân cách nhà vài cây số”, bà Ly tâm sự.
Theo bà Ly, vì mất nước sạch trầm trọng nên một số gia đình đành đưa người già và trẻ nhỏ về quê đến khi có nước sạch trở lại thì đón lên. "Mất nước sinh hoạt, bên nhà hàng xóm nhà tôi có hai ông bà già và mấy đứa nhỏ được đưa về quê để qua mấy ngày khổ sở này. Đến khi nào nước được khắc phục thì đón lên. Quả thực, không gì khổ bằng việc mất nước sạch, nhất là những ngày oi nóng như thế này", bà Ly chia sẻ.
Vợ chồng bà Mạch than thở vì mất nước sạch.
Chăm chú nhìn nước chảy nhỏ giọt vào xô, vợ chồng bà Nguyễn Thị Mạch chia sẻ: “Xin mãi xung quanh nhà hàng xóm bơm được khoảng 10 phút nước dùng dè dặt cả ngày, các con qua nhà bạn tắm nhờ, mấy đứa cháu hai ngày mới được tắm 1 lần. Cháu tắm xong, bà dùng tắm lại. Hôm qua có xe nước đến nhưng khi chạy ra thì mọi người hứng hết rồi”.
Là hộ có bể nước to nhất, ông Toan đang bơm cho các hộ hàng xóm sử dụng.
Nhà ông Nguyễn Khắc Toan (60 tuổi) có bể chứa to nhất khu nên vẫn còn nước sử dụng. Mấy ngày nay, chiếc máy bơm của ông Toan phải hoạt động liên tục, chia nước cho bà con trong khu.
Ông Toan cho biết: “Cứ tình trạng này, chắc ngày mai bể nhà tôi cũng cạn nước. Nước khan hiếm nhưng không cho không đành được. Hàng xóm cũng chỉ dám xin nước để rửa mặt, đánh răng, tắm cho trẻ con thôi”.