Dự thảo “Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư” đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan.
Người dân tới làm sơ yếu lý lịch để xin việc phải mang theo sổ hộ khẩu. Nếu có mã số định danh cá nhân, cán bộ phường chỉ cần tra số trên mạng điện tử thì sẽ không cần mang các loại giấy tờ khác để kiểm tra, đối chứng.
Thông tin chứa đựng trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm 22 nội dung: Số định danh cá nhân, ảnh, họ và tên, tên thường gọi, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, số chứng minh nhân dân, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số hộ chiếu, họ tên cha, họ tên mẹ (số định danh cá nhân đối với người Việt Nam và quốc tịch đối với người nước ngoài, không quốc tịch), tình trạng hôn nhân, họ tên vợ hoặc chồng, họ tên con, ngày tháng năm mất. Như vậy, với 22 nội dung này, cơ sở số về dữ liệu cá nhân sẽ cung cấp mọi thông tin về một cá nhân từ khi họ chào đời cho tới khi mất.
Về thẩm quyền cấp mã số cá nhân, công an cấp huyện, cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền cấp cho công dân đối với người đã đăng ký khai sinh trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực.
Sau khi Luật Hộ tịch có hiệu lực, ủy ban nhân dân cấp xã, phường cấp số định danh cá nhân cho công dân mới sinh khi công dân đăng ký khai sinh.
Thanh Lan, sinh viên năm thứ 2 Khoa Luật – ĐH Mở cho biết, em chưa nghe nói về mã số nào cả. “Em thấy mọi việc đều phải dùng đến chứng minh thư nhân dân. Em muốn đi làm thêm mà hồ sơ xin việc phải có xác nhận của chính quyền xã nên hơn 1 tháng nay vẫn chưa về quê lấy được”.
Anh Nguyễn Đăng Khoa, 30 tuổi là kỹ sư trong một công ty tin học có trụ sở ở Đống Đa, Hà Nội cho biết, mới chỉ đọc tin trên báo về việc mỗi người sẽ có một mã số cá nhân. Còn việc cấp mã này thế nào và dùng để làm gì thì chưa biết rõ. “Mình hy vọng khi có mã số cá nhân, mọi thủ tục giấy tờ hành chính sẽ được đơn giản hóa đi, không phải cần chút việc lại phải sang phường xin xác nhận, công chứng” – anh Khoa nói.
Ông Doãn Đức Bảo, Phó chủ tịch phường Phố Huế cho biết, nếu mã số định danh cá nhân có đủ 22 thông tin như dự thảo của Bộ Tư pháp nêu thì sẽ rất hữu ích. Theo ông Bảo, hiện nay ở cấp phường quản lý hơn 150 loại mẫu giấy tờ liên quan tới thủ tục hành chính. Chỉ tính trung bình, mỗi ngày 1 cán bộ tiếp dân phải giải quyết 50 hồ sơ. “Một cán bộ phải chạy như con thoi từ phòng công chứng, sang phòng phó chủ tịch để lấy chữ ký. Đa số người dân đến làm giấy xác nhận xin việc làm, làm bản sao các loại giấy tờ tùy thân…” – ông Bảo cho hay.
Theo vị Phó chủ tịch phường, nếu mã định danh cá nhân có đầy đủ thông tin về một công dân thì sẽ giúp cho phường rất nhiều trong công tác quản lý. Vấn đề là người dân có trung thực, tự giác khi cung cấp thông tin đúng về 22 nội dung trong dự thảo nêu hay không. “Nhiều công dân thay đổi chỗ ở, hộ khẩu, sinh con thứ 3 ở nơi khác không tự túc khai báo thì cán bộ phường cũng không thể quản hết mà cập nhật vào được. Việc có mã số cá nhân, giao tiếp điện tử giữa công dân và chính quyền tăng sẽ làm giảm áp lực đối với nhân lực nhưng sẽ phải đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng” – lời ông Bảo.
Tham khảo ý kiến của Luật sư Trịnh Trực, Đoàn luật sư TP Hà Nội, ông cho hay nếu dùng mã định danh cá nhân, nên để ngành công an quản lý và cấp. “Nên chăng cả số hộ chiếu cũng trùng với mã định danh cá nhân để tránh phiền hà cho công dân. Nhiều nội dung như nhóm máu, tên chồng, vợ không nên để trong số 22 nội dung cá nhân. Đây là quyền riêng tư của họ. Ví như công dân có gia đình, sau khi ly hôn mà kết hôn lại sẽ phải xóa tên người này, điền tên người khác thế nào, thực hiện ở đâu? Thêm nữa, cần quy định cấp nào quản lý và được truy vấn vào thông tin cá nhân này vì đây là quyền riêng tư của mỗi công dân”.
Một cán bộ thuộc Cục cảnh sát về quản lý hành chính về trật tự xã hội cho hay, số chứng minh nhân dân mới 12 số sẽ trùng hợp với mã định danh cá nhân. Khi Luật Hộ tịch có hiệu lực, một lượng đầu số sẽ được cấp cho bộ phận hộ tịch để họ cấp cho những người mới khai sinh. Như vậy, mọi thủ tục hành chính sẽ được giảm bớt rất nhiều khi công dân thực hiện các giao dịch liên quan tới thủ tục hành chính.
Theo thống kê, hiện nay trong số 5.400 thủ tục hành chính các loại thì có tới 1.600 thủ tục yêu cầu khai thông tin cá nhân liên quan tới giấy tờ của công dân. Chỉ tính riêng cấp xã, phường đã có gần 400 loại tờ khai. Bộ Tư pháp thống kê, nếu thực hiện đơn giản hóa về mặt hành chính, quản lý công dân theo công nghệ số sẽ tiết kiệm được 461 tỷ đồng/năm.