Chiều 23.9, Tổng công ty Đường sắt đã trả lời về việc quản lý, sử dụng ngôi nhà hơn 100 năm tuổi tại số 107 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị đổ sập vào trưa 22.9 làm 2 người tử nạn và 6 người bị thương.
Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt cho hay, khu nhà 107 Trần Hưng Đạo nằm trong quần thể khu vực Ga Hàng Cỏ (nay là Ga Hà Nội), được thực dân Pháp khởi công xây dựng năm 1900, hoàn thành năm 1905. Ngay sau đó, ngôi nhà được giao cho Công ty hoả xa Vân Nam trực tiếp quản lý, khai thác.
Ngày 15.11.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 05/SL về việc huỷ bỏ quyền quản lý, khai thác của Công ty hỏa xa Vân Nam. Trong sắc lệnh cũng quy định các đường xe lửa cùng tất cả những động sản, bất động sản phụ thuộc đường sắt đều là của công, giao Bộ Giao thông công chính (nay là Bộ Giao thông Vận tải) trực tiếp quản lý, khai thác.
Khu đất có diện tích 2.800m2 gồm 7 ngôi nhà với tổng diện tích sàn xây dựng 2.669m2.
Cụ thể, ngôi nhà 1 (2 tầng, 1 tầng hầm) diện tích xây dựng 643m2, có 500m2 là trụ sở làm việc của Ban quản lý dự án Đường sắt khu vực I thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Trong đó, có dành 143m2 cho cán bộ công nhân viên làm nhà ở (có hợp đồng thuê nhà với Công ty Quản lý, phát triển nhà đường sắt, nay là Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông vận tải).
Tiếp đó, từ ngôi nhà số 2 đến nhà số 6 (được xây dựng từ năm 1970) có diện tích 907m2 bố trí làm nhà ở cho cán bộ công nhân viên. Ngôi nhà 7, cấp 4, diện tích xây dựng 60m2, Bệnh viện Giao thông mượn làm phòng khám đa khoa. Tổng công ty Đường sắt đã có văn bản yêu cầu bệnh viện trả lại trước ngày 10.8.2015.
Theo ông Hoạch, do thời gian sử dụng đã lâu nên nhà số 1 bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sụp đổ, úng ngập toàn bộ tầng hầm. Do vậy, năm 2008, đơn vị đã có nhiều văn bản báo cáo UBND, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội cho phép di dời các hộ gia đình trong khuôn viên khu nhà 107 và phá dỡ để xây dựng trụ sở làm việc của Tổng công ty Đường sắt.
Ngày 20.9.2013, Bộ Tài chính có văn bản số 12859/BTC-QLCS thống nhất để Tổng công ty Đường sắt giữ lại tiếp tục làm trụ sở làm việc theo quy hoạch của thành phố, liên hệ với Sở Xây dựng TP Hà Nội để được xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Tổng công ty Đường sắt đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng của TP Hà Nội để thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính và vẫn trong quá trình được xem xét, giải quyết.
Qua thời gian sử dụng, đơn vị đã sửa chữa, cải tạo, chống sập sàn tầng 1, trần tầng 2 hội trường; thay thế cửa tầng 2 hội trường; xây dựng hệ thống trạm bơm thoát nước, chống úng ngập tầng hầm.
Ông Đoàn Duy Hoạch cho biết thêm, hiện nay các cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân sự cố. Tuy nhiên, nguyên nhân bước đầu được xác định là do tòa nhà qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp và thời tiết mưa liên tục những ngày gần đây cũng khiến tòa nhà bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực.
Ông Hoạch khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết, khắc phục sự cố (dù rằng đã phát hiện ra ngôi nhà rơi vào tình trạng nguy hiểm nhưng giải quyết chậm nên đã gây hậu quả đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân sống trong khu nhà).