Trắng đêm thay nhau hứng nước trong biệt thự cũ
Trước mỗi trận mưa lớn, 14 hộ dân trong khu biệt thự cổ số 3 Trần Nguyên Hãn (phường Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn phải trữ hàng chục chiếc thau, xô, bình để hứng nước thấm, dột từ trần nhà chảy xuống.
Clip khu biệt thự số 3 Trần Nguyên Hãn xuống cấp trầm trọng - (Thực hiện: Kiên Nguyễn).
Chị Lê Thị Hường, một người dân trong khu, cho biết: "Gia đình chị ở trong căn nhà 3 tầng với 12 người sinh sống, đó là chưa kể 2 người giúp việc, mỗi tầng chỉ vỏn vẹn 10m2. Khi trời mưa lớn mọi người thường phải túc trực thay nhau hứng nước mưa thấm qua tường nhà, dột xuống. Nếu không có người thay phiên nhau trực hứng nước dột thì sáng hôm sau nước lênh láng khắp sàn nhà”.
Gần như toàn bộ lớp hồ trát phía ngoài khu biệt thự cổ số 3 Trần Nguyên Hãn đã bị bong bóc khiến nước thấm vào nhà.
Gia đình anh Bùi Anh Tuấn, hộ dân sống tại phòng 203, nhà số 3, (Trần Nguyên Hãn, phường Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) than: “Khu biệt thự cổ này đã tồn tại hơn 100 năm, có lịch sử lâu đời hơn cả biệt thự số 107. Sau mỗi trận mưa nhà cửa ẩm ướt vì nước thấm qua khe tường chảy xuống nền nhà, sau cả tuần trời mới ráo”.
Sau trận mưa lụt ngày 22/9 vừa qua, nhà chị Bùi Thị Thu Hằng đã phải thay phiên nhau trắng đêm liên tục để hứng nước mưa. Chị Hằng cho biết: “Tường nhà hiện không còn chức năng chống thấm nữa nên mỗi lần mưa lớn là nước thấm qua tường chảy lênh láng xuống nền nhà, trông rất bẩn. Mưa bình thường còn đỡ chứ mưa lớn thì tôi phải hứng gần 100 lượt xô nước đem đi đổ mỗi ngày. Có lẽ nguyên nhân do lớp hồ trát trên tường bên ngoài tòa nhà đã bị bong tróc hoàn toàn”. Đó là chưa kể, sau đợt mưa vừa rồi, chị Hằng phải dành trọn 2 ngày để lau dọn nhà cửa.
Những ngày mưa bão, tất cả hộ gia đình trong căn biệt thự này đều phải dùng xô, chậu, thau để hứng nước cả ngày như thế này.
Cầu thang đã bị bong tróc, mọt ăn gần như không thể tu sửa
Những trụ đỡ bằng sắt được người dân làm tạm bợ trong khi chờ đợi chính quyền cho phép tự sửa.
Khu sinh hoạt khá ẩm thấp.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa (người dân cùng khu biệt thự) phân trần, gia đình bà chuyển đến ở từ năm 1954, đến nay đã hơn 50 năm. Nhiều năm qua, sau mỗi trận mưa, nước trong tường phun ra từ tứ phía như vòi hoa sen trong nhà tắm khiến mọi người ướt như chuột lột. “Anh thử hình dung xem có ai phải đội nón, mặc áo mưa trong nhà như gia đình tôi không? Ở khu biệt thự này thì điều “điên rồ” ấy luôn hiện hữu trong ngày mưa bão. Mọi người sẽ nghĩ chúng tôi có vấn đề nhưng không làm như vậy thì nước từ tường phun ra tứ phía sẽ khiến mọi người ướt lẹp nhẹp trong chốc lát” – bà Hoa chia sẻ.
Do phần móng đã bị đào bới, thay thế hoàn toàn nên căn nhà đang dần nghiêng sang một bên.
Căn hộ chưa đầy 20m2 của bà Hoa có 11 nhân khẩu và 2 người giúp việc. Cứ đến mùa mưa bão là mọi người chuẩn bị tinh thần, vật dụng để thâu đêm hứng nước dột từ trần nhà và thấm nước từ tường. Người khác có thể mong mưa nhiều cho mát còn người dân trong khu biệt thự cổ số 3 này thì mong trời nắng hơn mưa. Vì mỗi dịp mưa lớn, cư dân ở đây lại khổ sở thay phiên nhau hứng nước, đem con đi gửi vì lo sập nhà.
Nơm nớp nỗi lo…
Theo bà Dương Thị Kim Dung, tổ phó tổ dân phố số 3 Trần Nguyên Hãn (phường Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội), khu biệt thự cổ đã có tuổi thọ trên 100 năm, lâu năm hơn cả khu biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo. Mỗi khi mưa lớn, người dân phải trắng đêm để hứng nước đem đổ. Vì trần nhà lợp bằng ngói, trên 100 năm qua chưa được phép tu sửa nên tình trạng dột qua ngói, thấm nước qua tường diễn ra thường xuyên. Lan can cầu thang hiện đã mục nát, cầu thang đi lên cảm nhận được sự đung đưa nên cảm giác rất sợ.
Lớp hồ bên ngoài tòa nhà gần như bị bong tróc, cùng với đó là những khu bếp, công trình phụ được người dân trong khu cơi nới để mở rộng không gian sinh hoạt khiến ngôi nhà càng trở nên nguy hiểm...
Sau lần sập biệt thự 107, phần lớn mọi người đều có cảm giác bất an, nơm nớp nỗi lo. Vậy nên, gia đình có con nhỏ đều đem đi gửi ở nhà ông bà hoặc anh em chứ không dám cho các bé ở lại trong nhà. Hiện tại, trong khu nhà có 14 hộ nhưng mỗi hộ phải trên 10 nhân khẩu. Trung bình tổng số nhân khẩu trong khu biệt thự này lên đến gần 200.
Theo bà Dung, phần mái tôn nhựa che mưa trên nóc nhà đã bị bung, rơi xuống khiến mỗi khi trời mưa nước chảy theo đường trên vào nhà hộ dân. Được biết, khu biệt thự cổ do Pháp xây dựng có thiết kế bể ngầm chứa nước. Nếu mưa lớn, bể chứa sẽ có tác dụng hút nước chống ngập. Tuy nhiên, sau khi tiếp quản nhà (năm 1954), các hộ dân đã phá bể nước ngầm, sử dụng diện tích trên để làm thêm tầng nữa. Hơn nữa, trong quá trình làm thêm tầng 1, các hộ dân đã vô tình làm mất phần móng nên khu biệt thự dần bị nghiêng sang một bên như hiện tại. Như vậy, bể thoát nước ngầm trước kia đã bị chuyển sang làm tầng 1 nên cứ mưa là ngập.
Gần như tất cả bốn hướng của tòa nhà đều bị bong tróc hoàn toàn lớp hồ. Mỗi khi mưa, các gia đình trong khu biệt thự đều phải trắng đêm để hứng nước từ trần nhà dột, thấm nước ngấm qua tường.Phía trên nóc tòa nhà có những cây lớn gấp hai lần người lớn sinh trưởng trên này khiến ngôi biệt thự càng trở nên nguy hiểm khi gặp những cơn bão lớn hay mưa to.
Từ năm 2006, bà Dung và các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị lên UBND phường để được tu bổ, đảm bảo cuộc sống không bị phó mặc cho tử thần nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức.
Xung quanh khu nhà xuất hiện rất nhiều vết nứt lớn từ móng đến tận nóc nhà khiến gần 200 người sống tại khu biệt thự này thấp thỏm hằng ngày.
Bà Dung (tổ phó tổ dân phố số 3 Trần Nguyên Hãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết toàn bộ tòa nhà bị nứt rất nhiều, đặc biệt là phần móng.
Theo bà Dung gần như toàn bộ cầu thang trên đều bị mọt ăn nên không có tác dụng chống đỡ nữa.
Những khi mưa lớn, các hộ dân trong khu luôn phải trắng đêm, thay phiên nhau để hứng nước từ trần nhà dột xuống, thấm nước từ tường nhà.
Phần cầu thang hiện đã hư hỏng nặng. Mỗi khi bước lên cầu thang, mọi người nghe tiếng cót két và cảm thấy như bị đong đưa nên cảm giác lo sợ tòa nhà bị sập.
Hai đêm nay ở khu này không ít người mất ngủ sau vụ sập ở tòa biệt thự 107 khiến 2 người tử vong. “Ở trong khu biệt thự này nếu không mất ngủ vì mưa bão, nhà thấm, nước dột tứ tung thì cũng mất ngủ vì sợ cảm giác nhà sập bất chợt trong đêm. Từ hai đêm nay, mọi người sang nhà anh em ngủ nhờ nhiều lắm. Đến tắm gội, đi vệ sinh còn thấp thỏm đứng ngồi không yên chứ nói gì đến chuyện ngủ, nghỉ. Cứ tối là họ lại về tắm rửa rồi khăn gói đưa con đi gửi ông bà, chỉ để giúp việc ở lại trông nhà” – chị D. người dân trong khu tỏ vẻ chán nản nói.