Khu dân cư số 4 (phường Thanh Nhàn, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) nằm trong ngõ 281, đường Trần Khát Chân, với diện tích rộng và số dân sinh sống lên tới gần 2000 người. Đây là khu vực thuộc trung tâm TP và nhìn bề ngoài, cuộc sống ở đây khá sôi động, nhộn nhịp với những căn nhà nằm san sát nhau. Thế nhưng, nếu đi sâu vào bên trong hoặc đến thăm từng hộ gia đình, hẳn nhiều người sẽ phải ngỡ ngàng vì cuộc sống "4 treo" vô cùng khổ ải của người dân nơi đây.
Nói là "4 treo" vì người dân sống ở đây không được tách/nhập hộ khẩu, không được sửa chữa nhà cửa, không có sổ đỏ, giấy tờ nhà đất. 45 năm qua, tuy số dân đã tăng lên theo cấp số nhân nhưng những căn nhà ở đây lại không được phép tu bổ, sửa chữa. Điều ấy khiến cho cuộc sống của hàng nghìn người đang lâm vào cảnh bí bách, ngột ngạt vô cùng. Vì diện tích đất thuộc khu dân cư này đang nằm trong diện giải tỏa quy hoạch để mở rộng công viên Tuổi trẻ, nhưng gần nửa thế kỉ trôi qua, dự án này vẫn chưa được triển khai.
Nỗi khổ sống "treo" suốt gần nửa thế kỉ
Đại gia đình ba thế hệ với gần 10 con người sống chen chúc trong những căn nhà rộng chỉ bằng một manh chiếu, những căn nhà cấp 4 nằm sâu trong hẻm nóng bức, dột nát, có thể sập bất cứ lúc nào nhưng không được phép sửa chữa, hàng tháng phải chịu tiền điện theo mức tính lũy tiến giá cao, không có sổ hộ khẩu, sổ đỏ... là những nỗi khổ chung được người dân ở khu dân cư số 4 kể ra vanh vách mỗi khi được hỏi về cảnh sống trong quá khứ và hiện tại của bản thân mình.
Ngồi giữa căn nhà cấp 4 chật hẹp, bà Trần Thị Nguyệt (62 tuổi), chán nản nói: "Căn nhà của gia đình tôi rộng chưa đầy 13m2 nhưng có tới 8 người thuộc 3 thế hệ cùng sinh sống. Nơi tôi đang ngồi, cảm giác như chỉ vừa trải đủ một manh chiếu này, là chỗ sinh hoạt chung của toàn bộ gia đình".
Căn nhà lọt thỏm so với mặt đường.
Bên trong căn nhà chật hẹp của gia đình bà Nguyệt.
Mọi sinh hoạt từ nấu ăn cho đến tắm giặt, đi vệ sinh, các thành viên trong gia đình bà Nguyệt đều phải thực hiện ở... ngoài đường.
Căn nhà cấp 4 của gia đình bà Nguyệt được xây dựng từ thời bố mẹ bà còn sống. Đến nay, sau gần 60 năm vẫn không hề được tu bổ, sửa chữa. Vì diện tích đất eo hẹp nên bà Nguyệt không xây dựng thêm nhà vệ sinh. Toàn bộ nhà ở chỉ đủ kê giường ngủ và đựng một số đồ gia dụng. Những sinh hoạt khác như tắm giặt, nấu ăn, đi vệ sinh... đều được các thành viên trong gia đình thực hiện ở... ngoài đường.
Ngoài ra, do mặt đường ngày càng được nâng cao nên nhà bà Nguyệt đang dần bị lọt thỏm, những ngày mưa lớn, nước tràn vào cả trong nhà gây ra đủ nỗi bất tiện. "Nhà tôi quay hướng Tây, mùa nóng, nắng chiếu xuyên tới tận giường ngủ. Quần áo không cần phơi cũng tự khô. Mùa rét thì lạnh cắt da, cắt thịt và mỗi khi mưa gió thì dột nát, bụi bặm và ngập úng. Nói chung sống ở đây quá khổ, nhà ổ chuột có khi cũng không khổ bằng", bà Nguyệt bức xúc.
Cùng chung cảnh ngộ với gia đình bà Nguyệt, gia đình 3 thế hệ nhà bà Nguyễn Thị Báu (66 tuổi) với 8 nhân khẩu cũng đang chật vật với cảnh sống "4 treo" trong căn nhà rộng chừng 12m2. "Nhà tôi nằm sâu trong ngõ hẻm, nền nhà thấp hơn mặt đường nên mỗi mùa mưa gió là vô cùng khổ sở. Căn nhà cấp 4 quá nhỏ và chung quanh đều là nhà cửa san sát nên không có lối mở cửa sổ khiến nơi đây chẳng khác nào một cái lò bát quái".
Cảnh sống chật chội, nhếch nhác của 3 thế hệ gia đình ông Trần Thế Long, Tổ trưởng tổ dân phố 4B, khu dân cư số 4, phường Thanh Nhàn.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đinh Xuân Tế, Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc, địa bàn khu dân cư số 4, cho biết: "Năm trước, do mưa bão, 2 căn nhà ở khu vực này đã bị sập đổ hoàn toàn. Rất may là không xảy ra thương vong. Ở đây, mọi người đều sống trong nơm nớp lo sợ vì cảnh dột nát, tối tăm, nóng bức, thậm chí một số hộ dân đã không chịu được đã phải khóa cửa bỏ đi. Nhà ở đây thì bán không ai mua vì không có sổ đỏ, giấy tờ hợp lệ".
Căn nhà bỏ hoang vì quá dột nát của gia đình bà Trần Thị Lan Anh. Ảnh: Doãn Tuấn.
Không chỉ chịu khổ từng ngày về mặt thể xác, người dân ở khu dân cư số 4 còn chịu đủ thứ ám ảnh về tinh thần khi luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ sẽ bị thu hồi nhà đất để phục vụ dự án mở rộng công viên Tuổi trẻ. "Tôi trước đây là công nhân thuộc công trình xây dựng dân dụng 25 và được cơ quan phân nhà ở đây. Suốt 25 năm từ khi chuyển về đây, tôi không được nhập khẩu, vợ con mỗi người nhập khẩu vào một nơi nên chuyện giấy tờ, hộ khẩu, nhân thân của từng người rất phức tạp. Mặt khác, chúng tôi cũng luôn lo lắng là có thể bị thu hồi nhà đất bất cứ lúc nào", anh Hải (một người dân sống tại khu vực này cho biết).
Gia đình ông Bùi Quốc Thành phải tận dụng cầu thang làm chỗ để đồ đạc, vật dụng. Ảnh: Thu Hường.
Căn nhà cấp 4 rộng 12m2 này là nơi sinh hoạt của 8 người thuộc 3 thế hệ gia đình bà Nguyễn Thị Báu.
Cảnh sống chật chội của gia đình ông Thiện trong căn nhà rộng chừng 12m2.
Vì nhà quá chật nên ông Thiện phải phơi quần áo kín lối đi bên ngoài. Căn nhà bên trong vốn nhỏ càng trở nên tăm tối và ngột ngạt hơn vì thiếu ánh sáng.
Những ngôi nhà chật chội là nơi sinh hoạt chung của 3,4 thế hệ là tình cảnh chung của người dân nơi đây.
Cuộc sống "4 treo" trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân khu dân cư số 4. Những căn nhà không được tu bổ, theo năm tháng dần trở nên cũ kỹ, chật chội và xuống cấp. Ảnh: Doãn Tuấn.
Không chỉ “trắng” sổ đỏ và “vắng” GPXD, việc người dân không được nhập - tách hộ khẩu đang buộc người dân khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn phải chi trả tiền điện sinh hoạt hàng tháng lũy tiến giá cao hơn hẳn các khu vực lân cận khiến người dân chịu thêm gánh nặng trên vai.
Bà Thủy, tổ 4D cho biết: “Nhiều năm người dân khu 4 phường Thanh Nhàn đều phải dùng điện lũy tiến theo giá cao, bởi rất nhiều hộ gia đình phải dùng chung công tơ do không được nhập - tách hộ khẩu theo quy định. Đất lỡ rơi vào quy hoạch “treo” dẫn đến việc dân không được cấp sổ đỏ, không được sử dụng tài sản hợp pháp thế chấp vay vốn kinh doanh khiến cuộc sống hàng ngày của người dân ngày càng bức bối...”.
Giấc mơ được thực hiện quyền sử dụng đất
Chịu đủ nỗi khổ trong cảnh sống "treo" suốt gần nửa thế kỉ, hơn 2.000 người dân ở đây đều có chung một giấc mơ là hoặc được hiến đất cho dự án mở rộng công viên Tuổi trẻ, hoặc là sẽ được thực hiện quyền sử dụng đất theo luật sở hữu đất đai quy định hiện hành.
Tương tự, ông Đỗ Hữu Thiện (một người dân khác) chia sẻ: "45 năm qua, nhà cửa chật chội đang kìm hãm rất nhiều thứ, muốn ở cho tốt cũng chưa được chứ chưa kể việc dự định kinh doanh hay cầm cố nhà đất để vay vốn".
Các văn bản chỉ đạo báo cáo tình hình khu dân cư số 4 và tiến hành họp bàn tìm hướng giải quyết khó khăn cho người dân ở đây do UBND TP. Hà Nội, sở Quy hoạch kiến trúc TP ban hành. Ảnh: Thu Hường.
Ông Trần Thế Long (tổ trưởng tổ dân phố 4B, khu dân cư số 4) cho biết: "Bản thân gia đình tôi cũng thuộc diện 3 thế hệ sống trong căn nhà rộng 12m2 nên tôi rất hiểu nỗi khổ của bà con. Nhiều năm qua, tôi cùng chính quyền phường Thanh Nhàn cũng đã liên tục gửi đơn kiến nghị lên cấp quận và TP nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện".
Trao đổi với chúng tôi, Phó chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn, ông Triệu Như Long cho biết, chính quyền địa phương đã nắm được toàn bộ tình hình cuộc sống của người dân nhưng việc mà họ muốn được giải quyết lại không nằm trong phạm vi thẩm quyền của phường.
"Việc quản lý dân cư trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do dân cư ở đây nhiều hộ không có sổ đỏ, sổ hộ khẩu. Chúng tôi cũng rất mong muốn có thể góp sức giúp bà con nên đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cấp, các sở ngành có liên quan. Theo thông báo mới nhất mà chúng tôi nhận được thì TP. Hà Nội hiện đang tiến hành kiểm tra, rà soát lại dự án mở rộng công viên Tuổi trẻ để sớm đưa ra quyết định hoặc là thực thi hoặc từ bỏ dự án này", ông Long cho hay.