Kỳ 2: Nhật ký 80h trong động đất Nepal - Chúng tôi đã sống sót trở về như thế nào

, Theo Trí Thức Trẻ 16:40 03/05/2015
Chia sẻ

Liệu cặp đôi Việt Tú và Tất Luật đã có thể sống sót và rời khỏi Nepal như thế nào khi trước đó họ vẫn còn mắc kẹt trên vùng thảo nguyên hoang tàn và đầy sạt lở?

Ngày 24/04/2015, một cặp đôi người Việt là Nguyễn Tất Luật, sinh năm 1982 cùng bạn là Trần Ngọc Việt Tú, sinh năm 1984 đã đến Nepal du lịch và gặp phải trận động đất lớn nhất sau 81 năm tại quốc gia này. May mắn sống sót, nhưng những gì Việt Tú và Tất Luật đã trải qua trong hơn 80 giờ dài như một thế kỷ ấy sẽ là những kỉ niệm đầy ám ảnh không bao giờ quên trong cuộc đời. 

Cho tới chiều ngày 30/4, Việt Tú (Turine Tran) và Tất Luật sau khi trải qua gần 5 ngày kinh hoàng, cuối cùng cả hai đã an toàn đón chuyến bay rời khỏi Nepal để đến Kuala Lumpur. 

Trước đó, bài nhật ký đầu tiên của Việt Tú đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của mọi người khi nhìn thấy được những thay đổi đáng sợ của thành phố Nepal, cũng như cách đối mặt với nguy hiểm trong trận động đất của Tú và bạn đồng hành Tất Luật.


Tiếng quạ kêu trong đổ nát

Quá ngán ngẩm phải nhìn thấy cảnh con người tranh giành bạt lều để ngủ, miếng bánh để ăn, chúng tôi đi tản bộ dọc con đường mòn để tìm nước uống. Khắp nơi, nhà dân địa phương đều đổ nát. Đi ngang một căn nhà đã sập, vừa nhìn thấy một vài chăn bông, chúng tôi định mang về để tối đắp ngủ, nhưng đến gần mới hay đó là chăn đang đắp xác người chết. Lúc sau chúng tôi mới biết căn nhà đó chỉ có 2 mẹ con. Bà mẹ già bị mù. Động đất làm nhà sập xuống, đứa con gái cố cứu bà nhưng không được nên đã bị đè chết chung trong nhà. 

Gần trưa hôm đó, dân làng mỗi người mang một cành củi rồi đưa xác những người chết lên triền đồi hỏa táng… Chúng tôi không thấy hoảng sợ, chỉ thấy ngậm ngùi trong mùi khói và tiếng quạ kêu không ngừng giữa những căn nhà thô sơ đổ nát. Những thửa ruộng đầu mùa, đất còn tơi, cây còn non, sẽ không còn bao nhiêu người gặt nữa.

Quang cảnh vùng núi nơi Việt Tú và Luật đã tạm trú trong trận động đất. Nhà cửa của người dân nơi này tất cả đều đã đổ nát.


Những túp lều trại dựng tạm bợ này đã giúp chúng tôi trú qua đêm trên vùng núi.


Cảnh núi bốn bề xung quanh đều sạt lở tạo thành những cơn cát bụi khổng lồ bao trùm khu vực trú nạn.


Mọi người vẫn thẫn thờ khi nhìn thấy bốn bề xung quanh các dãy núi đang sạt lở.

Ngóng chờ Trực thăng

Cỡ 2 giờ ngày 27/4, bỗng tiếng cánh quạt trực thăng từ xa bay tới, chúng tôi như đất hạn gặp mưa. Tất cả mọi người đổ ra ngoài vẫy tay, lấy áo cắm vào xào tre quơ liên tục lên trời. Bọn con nít la hét mừng rỡ chạy loạn xạ. Nhưng chưa tới 1 phút, tiếng trực thăng lại xa dần rồi mất hẳn về phía biên giới Tây Tạng. Tôi nghe lòng chùn xuống, nhìn hy vọng tan chảy trên mặt mọi người.

Người lớn thì vẫy tay, trẻ em thì kêu thét, nhưng cuối cùng họ vẫn không nhận được bất cứ tín hiệu đáp trả nào từ những chiếc trực thăng cứu hộ.


Người dân ngồi ngóng chờ trực thăng cứu hộ trong tuyệt vọng.

Suốt buổi chiều hôm đó, khoảng 3, 4 lần trực thăng bay ngang đầu chúng tôi, rồi lại bay mất. Đến lần thứ 3, mấy đứa bé địa phương ngồi bệt xuống òa khóc. Người lớn vốn giỏi đối phó hơn với thất vọng, dỗ dành tụi nó rồi ai nấy quay lại làm việc riêng. Chúng tôi biết rõ hầu hết khách du lịch ở đây đều có mua bảo hiểm và đều có quyền gọi trực thăng cứu hộ. Nhưng không một ai trong chúng tôi biết số để gọi và có cũng không làm được gì vì không có bất cứ mạng điện thoại nào hoạt động tại khu vực này.

Đến gần tối, một chiếc trực thăng tư nhân đáp xuống. Mọi người hò hét mừng rỡ chạy đến, nhưng chỉ chưa đến 10 phút sau, nó bay đi mà không đưa theo bất cứ một người nào, kể cả những người bị thương. Nó được cử đến đón đúng một người du khách, có lẽ đã rời đi từ sáng hôm đó. Luật - người bạn đồng hành cùng tôi may mắn nói chuyện được với phi công. Hắn bảo đây là trực thăng của chính phủ, nhưng nếu muốn có thể… gọi để đặt nó tới cứu rồi… trả tiền! Hắn chỉ đưa cho mình Luật số để gọi, nhưng cũng vô dụng, vì chúng tôi không gọi điện được.


Khoảnh khắc một người phụ nữ thẫn thờ nhìn từng chiếc trực thăng cứ thế bay đi mà không mang theo bất cứ ai trong số họ.

Mọi người về lều, không ai nói với ai, nhưng mùi của tuyệt vọng càng lúc càng lan dần. Tối đó, trong khi Luật và vài người nữa đi kiếm củi về đốt lửa trại thì tôi và mọi người nằm dài, vô cảm với tiếng trực thăng bay lượn qua lại trên đầu.

28/4/2015 - Băng rừng, vượt suối

Sau một ngày chờ đợi trong thất vọng, khi những chiếc trực thăng từng chiếc, từng chiếc rời bỏ chúng tôi. Sáng hôm sau, ngày 28/4, tôi dậy khi trời vừa hửng sáng. 2 đứa tôi cùng một số người từ Albany, Ấn Độ, Dubai, chuẩn bị rồi quyết định lên đường tìm cách trở về! Ban đầu cứ tưởng chỉ có chúng tôi, nhưng một lúc sau cả bọn hướng dẫn viên của resort quyết định đưa tất cả mọi người cùng đi. 

Chúng tôi khởi hành từ 6 giờ ruỡi sáng bằng con đường mòn vắt qua núi. Đường dốc lên rất cao, qua những mỏm đá có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Do chỉ mang giày thể thao mỏng, dù có mỗi đứa một cây gậy chống cho đỡ mỏi, sau 3 tiếng leo đèo, vượt suối, đầu gối và mắt cá chân chúng tôi mỏi nhừ. Đường đi càng lúc càng hiểm trở, dốc xuống và gập ghềnh nhiều đá hơn. Đầu gối tôi liên tục gồng chịu lực qua những đoạn dốc đứng, bắt đầu run lẩy bẩy và mắt cá chân tê rần làm bước đi bắt đầu xiêu vẹo. Hai bên đường những cây gai quẹt trúng tay chân tôi khá độc, vì vừa chạm phải thì đau nhức dữ dội như bị ong chích. Vài đứa hướng dẫn viên đi đầu đã bỏ xa chúng tôi. Vừa chậm rãi bước qua con đường mòn chông chênh mà chỉ một bước là té xuống vực đá, chúng tôi phải cố gắng đuổi kịp sợ bị lạc. 


Con đường đá gập ghềnh nằm cạnh vách núi và chúng có thể sạc lỡ đè lên chúng tôi bất cứ lúc nào.

Gần giữa trưa, sau khoảng hơn 6 tiếng băng qua rừng bằng đường núi, chúng tôi đến Barahbise, thị trấn nhỏ mà theo tin chúng tôi biết, sẽ có bus đi về Kathmandu. Khác với chúng tôi nghĩ, Barahbise không ổn hơn bao nhiêu so với nơi chúng tôi vừa đi qua, thậm chí, trông còn đổ nát nặng nề hơn. 

Một người nhân viên cứu hộ Israel lại nói chuyện và thuê bus cho chúng tôi về cùng cả nhóm. Lúc đầu, anh tài xế nhất định không chịu, bảo “tại sao tao phải cho tụi mày thuê, bộ dân Nepal của tao không đáng cứu hơn sao?” Nhưng sau một hồi, ông chủ xe đồng ý. Vài người chúng tôi lần lượt lên xe trước tiên, chờ cả bọn phía sau lên rồi khởi hành. Chiếc bus ọp ẹp chắc chỉ chở được cỡ 30 nguời. Nhưng số lượng người dân địa phương trèo lên nóc xe cứ tăng dần, tăng dần, lên đến gần 60. Tất cả họ đều nóng lòng muốn ra khỏi vùng thảm hoạ, nên dù leo lên chiếc xe cũ mèm đi vòng qua núi, có lẽ nguy cơ lật xe hay đá đè vẫn đỡ hơn là ở lại chờ đợi cứu trợ trong tuyệt vọng.


Luật đang thương lượng để thuê xe tại trạm quản lý Barahbise.

Một lúc sau, nhóm du khách trong đoàn chúng tôi đến và lần lượt lên xe. Không biết người chủ xe nói gì bằng tiếng địa phương, nhưng những người dân Nepal vừa nãy leo lên xe lần lượt thay phiên đi xuống nhường chỗ cho bọn chúng tôi. Gương mặt khắc khổ của họ vẫn bình yên, không một chút tức giận, bất bình. Họ bồng bế nhau đi xuống trong trật tự. Với một tình hình kinh tế không ổn định, ngoài du lịch, Nepal không còn điểm mạnh kinh tế nào khác. Có lẽ vì vậy, người dân Nepal có một ý thức chấp nhận, nhường nhịn, dành tất cả mọi lợi thế, ưu tiên cho khách du lịch. Tôi tự hỏi nhận thức đó xuất phát từ đâu? Từ giáo dục, tuyên truyền, hay từ di sản văn hóa tâm linh đã ăn sâu vào nhiều thế hệ, đến ngay cả cư dân ở những vùng hẻo lánh, cùng cực nhất cũng có thể hiểu được.


Tôi và Luật ngồi trên xe bus để trở về Kathmandu

Thủ đô Kathmandu sau động đất

Gần 4 giờ, xe đi vào cửa ngõ Kathmandu. Nhà cửa hoang tàn, tất cả các cửa tiệm đều đóng cửa, mọi người đều tập trung ở những khoảng đất trống trong công viên, công trình công cộng. Đến cửa ngõ, chúng tôi xuống xe, chia ra 3 nhóm. Một nhóm ra thẳng sân bay, một nhóm về Thamel và một nhóm đến Đại sứ quán. Hai đứa chúng tôi được thông báo đã liên lạc được với khách sạn nơi chúng tôi ở. Ba nhân viên của resort đưa chúng tôi về tận trung tâm quận Thamel rồi quay về văn phòng. Đứng đợi chưa được 15 phút giữa phố phường Thamel đang hỗn loạn, tôi nhìn thấy từ xa bóng anh hướng dẫn viên Prem hớt hải chạy lại. Chúng tôi ôm lấy nhau mừng rỡ. Vậy là lo lắng lớn trong chúng tôi những ngày qua đã cất đi được hơn phân nửa. Prem bảo tư trang của chúng tôi tại khách sạn vẫn bình an. Hai người bạn của tôi từ Việt Nam vừa đáp cánh đến Kathmandu cách đó chưa lâu, đang trên đường từ sân bay đến. 


Kathmandu sáng ngày 30/4 cũng hoang tàn như những nơi khác.

5 phút sau, taxi đưa cô bạn thân của tôi tới cùng 2 người bạn nữa. Không gì vui bằng gặp lại họ, biết họ vẫn bình an. Suốt từ sáng sớm 26 tháng 4, họ đã bay suốt từ Việt Nam sang Kualar Lumpur, từ Kualar Lumpur đến Bangladesh, Dahka, rồi bay đi bay lại Dahka - Kathmandu đến sáng nay mới hạ cánh, cùng một đoàn cứu trợ Chữ thập đỏ. Trong suốt thời gian lê la hết sân bay này đến sân bay khác, bạn tôi đã cùng gia đình dùng đủ mọi cách liên lạc, kiếm thông tin để tìm cho bằng được chúng tôi. Mãi đến hôm trước đó, nhờ một người từ trại chúng tôi đi về thông báo trên Facebook rằng mọi người vẫn an toàn, lúc đó người nhà chúng tôi mới phần nào được yên lòng.

29/4/2015 - Người đi và người ở lại...

Suốt tối hôm đó và sáng hôm sau, chúng tôi tìm cách liên hệ, tìm chuyến bay quay về Singapore, nơi 2 đứa đang sinh sống và làm việc. Theo tin của nhiều nguồn báo lại cho gia đình chúng tôi, chỉ cần chúng tôi ra đến sân bay sẽ có lực lượng của chính phủ Singapore đưa về. Đêm đó, tôi được tắm sau hơn 80 giờ lê lết, trăn trở với thiên nhiên, đất trời Nepal. 

Trước khi chợp mắt ngủ trên chiếc giường êm ái ở khách sạn, tôi không khỏi nghĩ đến gương mặt đã thôi tươi cười của Bee Pool trước lúc chúng tôi đi. Nó nói giọng nghèn nghẹn: “Mọi cứu trợ sẽ ưu tiên cứu tụi mày, vì mày là khách du lịch. Đừng quên tụi tao. Nhớ đừng quên tụi tao…”. Chúng tôi, nếu sống sót, chắc chắn không sớm thì muộn cũng sẽ về với quê hương, với gia đình và những mái nhà yên ấm. Còn những người dân điạ phương vừa mất nhà, mất người thân còn ở lại giữa cao nguyên hoang tàn, khi nào lực lượng cứu trợ sẽ đến với họ?


Tôi và Bee Pool. Tôi vẫn sẽ nhớ lắm nắm Chura mà em đã tặng tôi trong đêm đói rét trên vùng cao nguyên.

Sáng hôm sau, chúng tôi định sẽ đến viếng một vài đền chùa trước khi ra sân bay, nhưng gần như nơi nào cũng đóng cửa. Một vài đền thờ cổ bị hư hại nặng nề. Đa số dân điạ phương đều đã cùng nhau ra tập trung nơi những khoảng đất, quảng trường lớn. “Vùng đất của di sản” chào đón chúng tôi vài ngày trước giờ nhìn đâu cũng chỉ thấy điêu tàn, đổ nát và tang thương len vào từng góc phố.

Suốt chiều và tối hôm đó, tôi liên lạc với hãng bảo hiểm để nhờ họ giúp tìm vé máy bay về nhà. Với mạng internet chập chờn khi được khi mất, hy vọng từ phía họ cũng khá mong manh. Tôi thức đến 5 giờ sáng vừa đợi thông tin từ bên phía bảo hiểm, vừa viết lại hành trình trong những ngày vừa qua. Gần sáng, khi mắt tôi đã nặng trĩu và đầu óc lùng bùng, bên bảo hiểm cuối cùng cũng liên lạc lại, báo đã tìm được cho chúng tôi chuyến bay vào hôm sau.

Lục lại những tấm hình, video đã ghi lại sự kiện vài ngày trước đó, tôi vẫn chưa khỏi bàng hoàng. Vài ngày vừa qua với hơn 80 giờ hoàn toàn mất liên lạc giữa 2 bờ vực cao nguyên Nepal đang sạt lở, dường như dài không đo đếm được. Tôi nhớ lại lời thằng bạn cùng xây lều người Ấn Độ trong lúc thiếp đi: “Theo đạo Hindu thì sau khi sống sót, tụi mình được hồi sinh một kiếp mới. Vậy giờ tụi mình đều sinh cùng ngày, và cùng là anh chị em”.


Luật cùng người bạn đường Ấn Độ. Lúc này nụ cười trên môi của chúng tôi vẫn không tắt và chúng tôi sẽ mãi là những người anh em.

30/4/2015 - Nguyện cầu cho Nepal

Taxi đưa chúng tôi ra sân bay khá sớm cho kịp chuyến bay lúc giữa trưa. Sân bay đông nghịt người nhưng vẫn tương đối trật tự. Chó hoang thất thểu chạy đầy sân bay, du khách mọi quốc tịch tập trung lại thành nhiều nhóm. Theo một vài nguồn thông tin, chúng tôi nghe nói cứu trợ từ các nước càng lúc càng khó đến Nepal, vì toàn bộ sân bay nhỏ bé Kathmandu đang phải hoạt động tích cực để đưa du khách ra ngoài. Sinh mạng con người đều trân quý như nhau, nhưng khi thiên tai ập đến, những người dân hồn hậu, khó nghèo của Nepal lại mất quyền ưu tiên ngay trên quê hương của chính mình.

Tại sân bay có khá nhiều người nước ngoài ngồi xin viện trợ, thuốc men để mang đến cho dân địa phương, nhưng họ không ngừng bị làm khó dễ từ phía quản lý sân bay. Riêng chuyến bay của chúng tôi bị hoãn suốt 5 giờ mới được cất cánh. 


Mọi người mòn mỏi chờ đợi ở sân bay.


Những người tình nguyện ở lại ở lại để giúp đỡ người dân Nepal.


Tôi bỏ lại toàn bộ thuốc men cho những người tình nguyện ở lại giúp người dân Nepal.

Khi đã an toàn ngồi trên ghế máy bay, cất cánh bay ngang qua đỉnh Everest trông ngang tầm, thật gần như vừa trong tầm với, tôi bỗng nhớ da diết màu xanh rì của cao nguyên những ngày trước. Giữa ngàn mây trắng, những đỉnh của dãy Himalaya vươn cao, trùng trùng hòa lẫn vào mây trên nền trời xanh thẳm. Tôi nhớ đến bầu trời xanh dịu nắng của Nepal. Thiên nhiên Nepal sẽ vẫn vậy, vẫn giàu có, phì nhiêu và đa dạng sắc màu. Động đất có là gì với thiên nhiên? Chẳng qua chỉ là một cơn dịch chuyển điạ tầng, một cơn trở mình của đất. Nhưng con người và những di tích văn hóa của Nepal, khi nào mới gượng dậy hoàn toàn? Trong sự bình an và sự mong mỏi được về nhà, tôi lại thấy thấp thoáng đâu đó màu sắc rực rỡ của những dải cờ dây ngũ sắc trên bầu trời Kathmandu, bình yên phất phơ trong gió như thì thầm nhắc nhở: “Nguyện cầu cho Nepal. Nguyện cầu cho Nepal…”

Dù đã may mắn trở về bình an, nhưng Việt Tú và Tất Luật vẫn không thể nào quên được chuỗi ngày sống còn mà mình đã trải qua tại vùng đất Nepal, cũng như tận mắt nhìn thấy sự khó khăn, thiệt thòi mà người dân bản địa nơi đây đang chịu đựng. 

Vì thế cả hai đã quyết định thành lập một quỹ nhỏ với tên gọi: Help Bhote Koshi Villagers, Nepal, Rebuild Homes để giúp đỡ những người dân làng sống tại sông Koshi, Nepal - nơi họ bị mắc kẹt trong trận động đất, với hy vọng hỗ trợ việc xây dựng lại nhà cửa, mua thực phẩm và tạo lập một cuộc sống mới.

Hiện quỹ nhỏ của Việt Tú và Tất Luật đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của những người bạn và giới trẻ tại Việt Nam, Singapore, Úc,... Với mục tiêu là 5.000 USD và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn cả hai đã nhận được gần 1.000 USD cho quỹ hỗ trợ này.


Nhật ký của Turine Tran
Kim Thanh (biên tập)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày