Ngày 24/04/2015, một cặp đôi người Việt là Nguyễn Tất Luật, sinh năm 1982 cùng bạn là Trần Ngọc Việt Tú, sinh năm 1984 đã đến Nepal du lịch và gặp phải trận động đất lớn nhất sau 81 năm tại quốc gia này. May mắn sống sót, nhưng những gì Việt Tú và Tất Luật đã trải qua trong hơn 80 giờ dài như một thế kỷ ấy sẽ là những kỉ niệm đầy ám ảnh không bao giờ quên trong cuộc đời. Cho tới chiều qua (30/4), Việt Tú và Tất Luật sau khi trải qua gần 5 ngày kinh hoàng, cuối cùng cả hai đã an toàn đón chuyến bay rời khỏi Nepal để đến Kuala Lumpur. Bài viết này được Việt Tú thực hiện trong thời gian chờ đợi đằng đẵng và gửi về cho chúng tôi. |
KATHMANDU – Những thời khắc trong lành trước cơn động đất dữ dội
Từ lúc bắt đấu lên kế hoạch cho chuyến leo núi 14 ngày, cả 4 đứa trong đoàn chúng tôi đã chuẩn bị tất cả mọi thứ sẵn sàng. Riêng tôi, vốn đã muốn được nhảy bungy ngay từ khi học cấp 3 nên trong đoàn, có lẽ tôi luôn là đứa háo hức hơn cả. Cách Kathmandu hơn 100km dọc theo sông Koshi, cách biên giới Tây Tạng chưa đầy 10km, Nepal có một cầu nhảy bungy 160m tuyệt đẹp và gần như cao nhất thế giới. Cũng vì mê bungy mà 2 đứa tôi nhất định phải đến Nepal cho bằng được trước 2 ngày để dành hơn nửa ngày thứ 7 cho chuyến đi đến sông Koshi.Thiên nhiên Nepal thật đẹp và thơ mộng.
Nepal thật sự rất đẹp. Luật – bạn trai tôi trầm trồ bảo Nepal còn đẹp hơn cả Thụy Sỹ. Cũng đúng thôi, vì Nepal vốn được gọi là “Thuỵ Sỹ của Châu Á” mà! Còn tôi, bất giác nhớ đến vùng biên giới Scotland và Anh mà tôi từng nhiều lần đi qua, thầm nghĩ có lẽ Nepal còn đẹp hơn. Hít đầy vào lồng ngực không khí trong lành của cao nguyên, 2 đứa tôi hào hứng bảo nhau đủ chuyện: Rằng là ở đây vài tiếng đồng hồ thôi là quá ít, rằng là cắm trại qua đêm ở đây chắc rất vui, rằng là trekking ở đây mới thật là thích, rằng là nên quay lại đây cho những lần trekking sau…
Giá như chúng tôi biết tất cả những dự tính đó, vốn không cần đợi đến một lần sau…
Cảnh trên đường đi
từ Kathmandu đến sông Koshi.
Chúng tôi đến The Last Resort khoảng hơn 10 giờ sáng. Xe dừng ở đầu một cây cầu treo sắt rất to, mà ngay từ xa đã thấy từng sợi dây bungy 160m thả xuống. Chúng tôi đi qua cầu, nhìn xuống vực thẳm bên dưới mà mình sắp nhảy xuống. Tôi còn nghĩ không biết các bác phụ huỵnh của những em trai, em gái ưa cảm giác mạnh đang đứng đây sẽ suy nghĩ gì khi tận mắt nhìn thấy cảnh tượng này (?) Còn đang lờ đờ buồn ngủ, 2 đứa tôi vào bên trong resort chờ đợi được thông báo và hướng dẫn trước khi nhảy.
Cùng những đứa háo hức đi đầu tiên, hai đứa tôi đi ra giữa cầu. Luật bảo tôi đến gần chỉ thấy đẹp, không gì đáng sợ, chắc sẽ là một trải nghiệm cảm giác mạnh khó quên. Tôi đứng chờ nhóm hướng dẫn viên, giơ điện thoại chụp lấy khung cảnh 2 bên bờ trước khi chuẩn bị nhảy.
Cảnh nhìn từ giữa
câu sắt đi đến Last resort.
Giữa 2 bờ vực thẳm
Chưa đầy 30 giây sau, tôi bỗng cảm giác dưới chân cầu lắc nhẹ rồi rung lên bần bật. Do trên cầu cũng đông người, tôi thầm rủa hay là lại có đứa nào chơi dại rung cầu hù doạ mọi người. Nhưng chỉ tích tắc sau đó, cây cầu rung lên càng dữ dội, không gian tràn ngập từng tiếng thét lên đầy thất thanh. Ngay lúc ấy, Luật bình tĩnh đến bất ngờ, anh hét lên với tôi và mọi người: "Ngồi thấp xuống, bám chặt dây hành lang cây cầu" - Anh lo cầu rung lắc quá mạnh sẽ đánh bật mọi người xuống vực thẳm và nếu cầu đứt thì vẫn có thể bám trụ được. Chúng tôi không chần chừ lấy một giây phút nào mà thực hiện ngay!
Tích tắc sau, trong lúc tất cả còn đang hoang mang không biết có phải vừa rồi là do gió mạnh gây ra hay không thì ngay trước mắt tôi, từ trên vách núi, từng tảng đá khổng lồ lăn liên tục xuống lòng sông, mang theo tất cả mọi thứ trên đường và cuốn theo bụi bay mù mịt. Chiếc cầu nơi tôi đang đứng đột nhiên trở thành tâm điểm của đá lở từ cả 2 phía bờ vực. Cả 2 đứa tôi hạ thấp người chạy nhanh về phía đầu cầu. Mọi người tán loạn, la hét. Đến lúc chúng tôi vào đến bờ, tôi nhận ra tất cả những gương mặt hăm hở chuẩn bị trải nghiệm cảm giác mạnh vừa rồi, vậy mà chỉ chưa đầy 2 phút sau đều có chung một biểu hiện: hoảng sợ!
Chỉ trong phút chốc, vách núi với hàng cây xanh nước chảy róc rách đã bị bao phủ bởi lớp bụi dày đặc quánh với khung cảnh hoang tàn xung quanh.
Người dân địa phương từ những căn nhà nhỏ 2 bên bờ vực tràn xuống đứng cùng chúng tôi. Tất cả mọi người, già, trẻ, lớn, bé, người thì khóc thét, người thì ngã khuỵu, người thì chết lặng, người thì vỡ oà. Ngay trước mắt tôi, một du khách đầu loang lổ máu, có lẽ anh bị một tảng đá rơi trúng đầu. 2 đứa tôi nắm chặt tay nhau tìm chỗ đứng ở một bãi đất trống. Thật lạ lùng, giữa khung cảnh thiên tai trải ngay trước mắt mà không bộ phim nào của Hollywood có thể tả được chính xác, thế mà trong cái xiết tay này, chúng tôi lại cùng chung một ý nghĩ duy nhất: “Bình tĩnh. Bình tĩnh. Bình tĩnh.”
Người đàn ông thẫn thờ nhìn xung quanh và ngôi nhà đổ nát.
Chưa đầy 2 phút sau khoảnh khắc tôi chụp được trong bức ảnh xanh ngắt của 2 bờ vực núi đá sông Koshi, tất cả trước mắt tôi giờ đây chìm ngập trong cát bụi, đất đá liên tục sạt lở. Mỗi độ 5 giây, dưới chân tôi lại rung theo từng cơn điạ chấn. Mọi người ôm lấy nhau khóc lóc, kêu gào, sợ hãi và cùng nhau cầu nguyện.
Khoảng 5 phút sau cơn địa chấn kinh hoàng đó, tôi và Luật đi đầu, dắt theo một nhóm vài người tương đối vẫn còn giữ được bình tĩnh băng qua cầu sang một bãi đất trống khá lớn. Chúng tôi, một số dân địa phương và một cặp vợ chồng trẻ người Ấn Độ tìm một bãi đất khá an toàn ngồi xuống, nhìn ra 2 bên bờ vách núi mù mịt. Mọi người chưa ai đủ tinh thần để nói chuyện, nhưng trong giây phút đó, có lẽ mọi người đều đồng lòng, chung một suy nghĩ và khát khao duy nhất là “Phải sống!” Riêng tôi, ngồi trên dải đất ruộng lúa mì còn ấm nắng trưa, thỉnh thoảng lại run bần bật lên vì dư chấn, thấy thoáng qua rất nhanh nhiều đợt ký ức: lúc bố mất, lúc mẹ mất, lúc anh em tôi lớn lên rồi mỗi đứa đều tự tìm đường ra nước ngoài học, những năm tôi kiên trì đi hết nước này sang nước nọ để tìm kiến thức, tìm văn hoá, tìm trải nghiệm, tìm nhiều sắc màu của cuộc sống. Tôi thầm cám ơn cuộc đời trong vài giây ngắn ngủi đó, vì tất cả những rủi ro lẫn may mắn, thầm cám ơn mình đã sống một cuộc đời thành thật để nếu có bất trắc gì xảy ra, sẽ được ra đi với lòng thanh thản.
Giữa nắng trưa, tôi hít một hơi thật sâu, nghe trong cát bụi mịt mờ làn gió mát dịu, nhân từ của cao nguyên, của Nepal, của cuộc sống…
Sống còn
Trong vòng 1 giờ sau, tất cả mọi người còn lại từ resort lần lượt đi qua cầu, tập trung quanh khoảng ruộng chúng tôi đang ngồi, không làm gì khác ngoài chờ đợi. Sợ hãi vẫn chưa hề tan biến. Những người không hề quen biết ôm lấy nhau trong nước mắt và an ủi. Nhiều người dân địa phương nhìn về nhà mình vừa vỡ vụn trong chưa đầy vài phút. Có người bàng hoàng, có người thì òa khóc, có người ôm nhau nức nở rồi chắp lấy tay cầu nguyện. Có lẽ một vài người thân của họ vẫn còn kẹt lại khi nhà sụp. Có lẽ họ tốn rất nhiều tiền đã tích góp trong nhiều năm mới dựng được vài mái nhà chông chênh, thô sơ đó. Có lẽ tất cả những gì họ quý giá nhất trên đời đều đã hóa thành cát bụi. Nhìn nỗi đau tan nhà nát cửa của họ, tôi thấy mình không có quyền để than phiền hay sợ hãi. Và tôi bắt đầu nghĩ đến cách để sống, nếu không, chúng tôi sẽ mãi bị kẹt lại đây giữa cơn động đất kinh hoàng này.
Toàn bộ nhà cửa tại đây đều bị sập đổ.
Luật chạy đi tìm nước. Ngồi lại, tôi nhìn những cây lúa mì chung quanh mới chợt nhận ra hình như mình vẫn chưa ăn gì suốt từ tối qua. Tôi bẻ lấy cây lúa mì còn non, bóp ra từng hạt trắng dẻo màu sữa, nhấm lấy từng hạt. “Ít nhất cũng sẽ có lúa mà ăn” - Tôi nghĩ. Chắc không ai ngờ, giữa cơn hoảng loạn đáng sợ của 200 người, giữa 2 bờ vực thẳm thì hạt lúa mì sắp chín vẫn dẻo và thơm lừng!
Cùng ngồi trên khoảng đất ấm bình yên thơm thơm mùi lúa, mọi người chúng tôi nắm tay nhau chờ đợi từng đợt dư chấn cách 5 phút một lần. Hoảng loạn dần dịu đi, chỉ còn chừa lại một thứ: chấp nhận. Còn tôi, trong đầu chỉ lặp đi lặp lại một câu duy nhất: “Dù sao thì mình vẫn sống!"
Khoảng nửa giờ sau, một nhóm thanh niên người Đan Mạch đi lên từ đáy thung lũng, đội nón bảo hiểm và áo chống nước. Sáng hôm đó họ đi trượt thác và bị đá lở ngay lúc còn kẹt dưới chân thác. Một bạn bị trật cổ và vài người khác bị gãy tay hoặc bầm tím mặt. Nhờ trong đoàn có một người là sinh viên Y khoa nên những người bị thương nhanh chóng được băng bó. Suốt hơn 1 giờ sau đó, chúng tôi ngồi chờ cho mọi thứ dịu đi mà chẳng biết nên làm gì.
Sau khoảng nửa tiếng giảm hẳn địa chấn, Luật mạo hiểm đi xuống phía dưới tìm nước và đồ ăn, mang lên mấy bịch bánh quy và chai nước suối. Chúng tôi ăn tiết kiệm rồi chia cho vài người đứng gần. Nghe mùi bánh, một con chó lon ton lại khều xin ăn. Chúng tôi cho nó 2 cái bánh quy nên sau đó đứng dậy đi đâu nó cũng hăm hở đi theo. Tiếc là từng cái bánh lúc đó đều là xa xỉ…
2 giờ sau, chúng tôi theo hướng dẫn của ban quản lý resort leo lên khoảng hơn 1 km đường núi, tới một khoảng đất trống trên cao. Quanh đó lác đác vài nhà dân điạ phương, tất cả đều đổ nát. Mọi người ngồi rải rác, la liệt khắp nơi trên khoảng đất trống. Lúc này, tôi mới nhận thấy nhóm người tập trung ở đây đã tăng lên gấp đôi, do có một đoàn người theo đạo Hindu Nepal từ vùng khác đến hành hương vừa đến đây thì kẹt lại. Mọi người nằm la liệt. Gà chạy tán loạn khắp nơi, dê thì kêu gào, bò thì rống liên tục trong chuồng. Chỉ có dăm chú chó theo chúng tôi đi từ dưới thung lũng lên và vài con dê con là có vẻ ngây thơ, bàng quan, không hề liên can gì đến động đất.
Đến lúc này, tôi và Luật vẫn bình tĩnh như khi vừa xảy ra động đất. Nhưng ít phút sau, một vài người từ resort chaỵ lên với tin không lành: hơn 70 người chết ở Kathmandu, tất cả mọi tuyến đường đều bị khoá và thông tin liên lạc toàn bộ bị gián đoạn. Lúc này, tôi bắt đầu lo lắng. Ít nhất, khi phải đối diện trực tiếp nguy cơ động đất còn tiếp diễn, chúng tôi vẫn tin chỉ cần tìm đường về Kathmandu thì sẽ được an toàn và người thân sẽ không ai biết những gì đã xảy ra với chúng tôi. Nhưng nếu Kathmandu nằm trong vùng động đất, tin tức chắc chắn sẽ đến tất cả các nước. Mọi người sẽ biết, sẽ lo lắng, mà chúng tôi lại không làm gì được. Chưa kể đến những thứ quan trọng mà tôi và Luật đều đã để lại ở Kathmandu trước khi đi. Giờ đây, những thứ trong ba lô chẳng còn gì, đến cả một chiếc áo khoác chúng tôi cũng không có. Không một số điện thoại để liên lạc, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ở lại đây ít nhất là qua đêm.
Sống sót kì diệu sau động đất, trở về tâm chấn
Cũng như tôi, dấu hiệu rõ nhất của sự chấp nhận hoàn cảnh là mọi người bắt tay vào dựng lều ngủ qua đêm. Vài người chia nhau đi tìm cây đóng cọc và tìm vải bạt làm nóc. Luật hăng hái đi cùng một vài thanh niên người Ấn và Nepal. Tôi thì kiếm dây để buộc lều. Chúng tôi tận dụng tất cả mọi thứ có thể dùng được, dây diện, dây nylon cũ, xé vải màn, dây thừng. Mãi chú tâm căng lều, trải bạt, cuốc đất, cắm cọc, đến một lúc sau tôi mới nhận ra, gần 200 người đang ngồi rải rác, nằm la liệt trên bãi đất, ngoại trừ gần một nửa là người già, phụ nữ trung niên và trẻ em, thì chỉ có hơn 10 người chúng tôi là đang làm việc. Các bạn nam nữ cao to, xinh đẹp hoặc nằm tắm nắng, hoặc đọc tiểu thuyết, hoặc chìm vào suy nghĩ riêng. Nhưng mỗi khi chúng tôi dựng xong một căn lều, thì các bạn lại dọn ngay vào nằm.
Trong lúc Luật và 3 thanh niên người Ấn hì hục đóng cọc, còn tôi loay hoay buộc dây, một nhóm thanh niên Israel khoảng 6, 7 người lại nhảy vào. Bọn con trai thì phụ trải được vài tấm bạt, còn bọn con gái ngồi… bàn, phân tích và góp ý: “Ê, ê, tụi bay lấy cây đó ngắn quá. Kiếm cây khác đi mày. Đóng vậy sai rồi, đóng sâu vô.”
Những tấm lều được chúng tôi dựng lên một cách tạm bợ để trú trong cơn dư chấn.
2 gian lều to nhất vừa đóng xong thì cả nhóm đó cũng nín ngay, đi lấy thật nhiều rơm về chui ngay vào giành góc trong cùng ấm nhất và tốt nhất rồi ngồi nói nhảm. Lúc này, tôi không thể không nghĩ về sự kỳ thị chủng tộc đặc sệt của dân Paris dành cho các bạn đến từ khu vực này mà tôi thấy hàng ngày khi sống ở Pháp. Chẳng ai đồng tình với việc vì vài cá thể mà đánh giá cả một dân tộc, nhưng tôi vẫn khó ngăn được sự "kết nối" từ nhóm người này đến cả một cộng đồng. Nhưng rồi vì tất cả, tôi đã bỏ mặc những điều này.
Chúng
tôi vẫn tiếp tục đóng xong thêm 1 gian lều cuối cùng. Tôi may mắn tìm được 2
khoảng nhỏ gần bên ngoài lều, một bên là nhóm người Israel, một bên là nhóm người
Hindu đi hành hương. Trời gần tối thì mọi thứ mới xong hẳn. Lúc này đầu tôi nhức
như búa bổ, tôi chợt nhớ ra mình đang đói. Hớp vài ngụm nước lã, đầu gối lên ba
lô, tôi lả đi trong ánh nắng chiều đang tắt.
Đêm lạnh, lửa trại và Chura
Tôi giật mình dậy khi trời đã tối đen, với cơn sốt chạy rần rật lên trán và cảm giác tê chồn lan khắp người. Luật đang cùng vài người dân điạ phương xếp củi đốt lửa trại. Đờ đẫn, tôi nhìn sang bên trái, bọn con trai Israel duỗi chân hết cỡ chiếm hết chiều rộng lều. Nhìn lên trên, bọn con gái trùm kín chăn bông, duỗi chân ngay xuống nơi tôi với Luật sẽ đặt đầu ngủ. Nhìn sang phải, một đứa nhóc da ngăm đen nằm cạnh tôi, hình như cũng mới vừa tỉnh ngủ, đang toe miệng cười. Một bà lão gần đó kéo một mảnh chăn bông ném qua người nó, nhìn về phía tôi. Thằng bé nhiệt tình đưa tôi mảnh chăn, lân la làm quen. Nó gầy gò, đen đúa, nhưng cười thật tươi. Nó tự giới thiệu tên Bee Pool, người Nepal. Nó đi cùng với bà nội và cộng đồng người Hindu cùng làng đến đây để hành hương rồi bị kẹt lại. Hơn 60 người trong đoàn, nhưng họ chia nhau chỗ nằm ngay ngắn và trật tự trong chưa đầy 2 gian lều, chia nhau chưa đến 20 chiếc mền bông. Phụ nữ ở trong lều cầu nguyện. Nam giới đi sang nhà dân địa phương để xin mền và thực phẩm, rồi ngủ bên ngoài lều.
Bee Pool lấy khăn tay hứng lấy một nắm thức ăn khô từ bà nội nó rồi chia cho tôi. Lúc này tôi đã mất cảm giác đói, chỉ thấy rã rời. Thấy thằng bé nhiệt tình, tôi lấy một vốc ăn để uống thuốc. Đó là một thứ đồ ăn khô thú vị, pha với mì gói khô. Thằng bé bảo tôi cái đó kêu là Chura, một loại thức ăn khô làm từ gạo ngâm phơi khô rồi đập dẹp. Nhìn sơ qua trông nó như yến mạch khô nhưng nhỏ hơn và trắng. Bee Pool vui vẻ giải thích cho tôi cách làm chura, rồi hỏi xin tôi nickname trên Facebook (!)
Cơn động đất sạt lở mất một phần cao nguyên hình như không làm méo mó được nụ cười của nó, như con dê con ngây ngô ăn cỏ trên đường tôi leo lên đồi. Thằng bé đưa tôi hết phần chura của nó, chạy đi lấy nước uống rồi chia cho tôi. Tôi nhai kĩ từng miếng, thấy khỏe hơn từng chút một, không biết vì chura thật sự ngon, hay nhờ sự lạc quan mà tình thương giữa người với người trong thiên tai còn quan trọng hơn nước và lương thực…
Đêm đó, sương xuống lạnh buốt vào tận trong xương. Lửa trại và lớp rơm mỏng phủ trên nền đất ẩm không đủ cho tôi và Luật, mỗi đứa chỉ mỗi cái áo thun và quần jeans mỏng. Tôi nghe xuyên qua lớp rơm lót dưới lưng cao nguyên của Nepal đang thở trong từng đợt dư chấn âm ỉ suốt đêm. Gió thốc từng cơn vào những gian lều thô sơ. Tôi thiếp đi trong tiếng hát kinh nhịp nhàng suốt vài giờ của các cụ bà người Nepal. Co ro trong mưa phùn tạt vào lều lúc gần sáng, tôi thấy một ông lão Nepal nằm gần đó đẩy cho tôi hơn nửa chiếc chăn bông. Ông lão co rúm vào một góc chăn, ngủ ngon lành.
Và tôi ngủ ngon lành, bất chấp động đất. Trong cơn mơ bình an không có bóng dáng thiên tai, hình như tôi được về nhà, gặp lại người thân và 3 con chó, hình như tôi bẻ bánh quy cho chúng ăn. Trong cơn mơ, tôi nghe thấy giọng của chính mình: "Cho đến giờ, dù sao thì mình vẫn sống!”...
Nhật ký của Turine Tran
Kim Thanh (biên tập)