Nhiều năm nay, cái tên Tranh Khúc được biết đến như một công xưởng sản xuất bánh chưng lớn nhất miền Bắc. Vào dịp cuối năm, tất cả người dân trong làng đều tất bật với công việc rửa lá dong, vo gạo, đãi đỗ, thái thịt, gói, luộc bánh chưng...
Đầu tháng 12 Âm lịch, các tiểu thương ở Tranh Khúc bắt đầu nhập rất nhiều lá dong từ Tuyên Quang, Thanh Hóa về và thuê nhân công rửa gấp để chuẩn bị gói bánh phục vụ Tết Nguyên đán.
Theo anh Nguyễn Văn Thắm, chủ một hộ sản xuất bánh chưng ở Tranh Khúc cho biết, hiện nay, các gia đình sản xuất bánh chưng bắt đầu nhận đơn đặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán. Trong vòng một tháng cuối năm, mỗi gia đình ở đây làm ra ít nhất khoảng vài nghìn chiếc bánh, nhà nào làm nhiều có thể cho ra lò hàng vạn chiếc.
Vì số lượng đơn đặt hàng tăng cao gấp chục lần so với ngày thường nên các công đoạn chuẩn bị gói bánh phải làm từ đầu tháng. Trong đó, việc rửa, chọn và chuẩn bị lá dong được xem là công đoạn mất nhiều thời gian và tiêu hao nhiều nhân lực nhất.
Lá dong phải được rửa từ 3 đến 4 nước mới sạch. Sau khi rửa xong, các nhân công sẽ phân loại lá lớn nhỏ, xếp gọn gàng và dựng xuống cho lá ráo nước.
Anh Thắm cho biết, hiện anh đã nhận được đơn hàng khoảng 4.000 chiếc. Để đảm bảo giao hàng đúng hẹn cho khách, từ đầu tháng anh phải thuê thêm khoảng 3 nhân công chuyên việc rửa, xếp lá dong.
Công việc rửa lá này rất nhẹ nhàng nên thu hút chủ yếu lao động nữ tham gia. Tiền công được tính theo khối lượng công việc hoàn thành. Nhiều nhân công ở đây có thể rửa được khoảng 8.000 - 10.000 lá/ngày. Với mức giá thuê là 2.500 đồng/100 lá dong, mỗi ngày họ có thể kiếm được từ 200.000 – 250.000 đồng.
Theo chị Nga, lá dong rừng có đặc điểm giòn, dễ gãy, rách nhưng để được lâu, ít nhất là 10 ngày sau khi cắt. Khi gói bánh, loại lá này cho màu xanh đậm hơn lá dong quê.
Chị Nguyễn Thị Hương, người rửa lá dong thuê tại nhà anh Thắm cho biết, từ đầu tháng chạp, những người rửa lá dong thuê như chị rất bận rộn vì hầu hết tiểu thương trong làng đều có nhu cầu thuê thêm nhân công. "Việc rửa lá dong phải làm nhanh tay trong vòng vài ngày để có thời gian hong khô lá và chuyển sang làm những công đoạn tiếp theo nên dịp này, nhà nào cũng cần người" – chị Hương nói.
Người dân ở đây gói bánh rất chuyên nghiệp. Không cần cân đo đong đếm hay dùng khuôn thước, mỗi phút họ gói được 3 – 4 chiếc bánh đều chằn chặn.
Tuy nhiên, theo chị Nga - vợ anh Thắm, dù là thuê người lá rửa lá dong, các gia đình ở đây cũng phải tìm đúng người làng Tranh Khúc. "Chỉ có người làng Tranh mới thạo việc, làm đâu ra đấy. Lá dong ở đây là lá dong rừng, không dẻo dai như lá dong quê nên rất dễ rách, mình phải thuê những người thạo việc về làm mới yên tâm" – chị Nga giải thích.
Cũng bởi lý do kén người làm nên dịp cuối năm, nhiều gia đình ở đây còn không thuê nổi nhân công vì khan hiếm thợ lành nghề. Theo chị Nga lý giải, làng Tranh Khúc có 200 hộ thì hầu hết đều tự mở xưởng làm bánh chưng. Số lượng những gia đình biết nghề, đi làm thuê mà không mở xưởng riêng rất ít.
Công đoạn làm bánh chưng được làm riêng rẽ. Theo các nghệ nhân ở đây, để làm được một chiếc bánh chưng ngon, quan trọng nhất là khâu chọn lựa gạo, đậu và thịt. Gạo phải là gạo nếp Hải Hậu. Đậu phải chọn loại đều hạt, chính gốc Thái Bình.
Tùy theo kích thước của bánh mà thợ gói nặn thành các loại nhân khác nhau
Cô Trần Thị Thuận, chủ một hộ sản xuất bánh chưng cho biết, vào dịp Tết, gia đình cô phải thuê thêm khoảng hơn chục nhân công chuyên gói bánh. Thợ gói bánh ở đây được thuê với giá rất cao, thông thường khoảng 500.000 – 600.000 đồng/ngày, bao ăn 3 bữa. Nhiều gia đình khác lại trả công theo sản phẩm với giá 2.000 đồng/chiếc bánh gói thành phẩm. Thợ gói ở đây đều là những người lành nghề nên một ngày, họ có thể cho ra từ 300 – 400 chiếc bánh.
Mỗi chiếc bánh chưng thành phẩm được bán ra với giá từ 30.000 – 50.000 đồng/chiếc loại khoảng 800gr. Loại bánh lớn, có trọng lượng 1.5 – 2kg, có giá dao động từ 100.000 đến 200.000 đồng. Theo các tiểu thương ở đây, dịp Tết giá cả có thể tăng thêm nhưng không nhiều vì đơn giá đều được thỏa thuận từ trước Tết khá lâu.
Ngày thường, các hộ gia đình tập trung sản xuất loại bánh chưng nhỏ để làm quà sáng với giá 5.000 đồng/chiếc, chủ yếu cung cấp cho các mối hàng ở nội thành
Anh Quốc, một người gói bánh thuê ở đây cho biết, công việc gói bánh nhàn hạ hơn rất nhiều so với đi làm thuê những việc khác. Nhờ tích cực "chạy xô" gói bánh, dịp tết năm trước, chỉ trong vòng 10 ngày cao điểm, anh Quốc kiếm được khoảng 8 triệu đồng. Theo anh, so với mức sống ở nông thôn thì đây là một khoản thu nhập không nhỏ, đủ để gia đình anh đón một cái Tết sum vầy đầm ấm.
Những lúc rảnh rỗi, nhiều nhà còn làm thêm bánh tẻ, bánh dày giò để bán cho khách. Trong ảnh là những chiếc bánh tẻ vừa được nặn thành hình. Mỗi chiếc bánh như thế này sau khi hấp chín được bán với giá khoảng 7.000 đồng/chiếc
Ngoài việc phải thuê người rửa lá dong và gói bánh, các gia đình ở đây phải thuê thêm người làm đủ mọi công đoạn khác như thái thịt, làm nhân, luộc bánh... Mức thù lao tùy theo tay nghề của thợ, thấp nhất là 150.000 đồng/người/ngày.
Vào dịp Tết, tại làng Tranh Khúc, không chỉ có các chủ hộ mới có thu nhập cao mà ngay cả những người lao động làm thuê cũng có thể kiếm được cả chục triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, công việc sản xuất bánh chưng thuê mang tính thời vụ bởi hầu hết các tiểu thương ở đây chỉ cần người làm vào dịp cuối năm. Ngày thường, họ chỉ sản xuất khoảng vài trăm chiếc/ngày để cung cấp cho các nhà hàng ở nội thành Hà Nội. Vì số lượng đơn hàng không nhiều nên các gia đình đều huy động người thân ra làm, tiết kiệm chi phí đầu vào.
Cô Nguyễn Thị Hoa, một thợ rửa lá dong, cười, nói: "Nhìn chung công việc không vất vả lắm nhưng nó chóng vánh và hơi gò bó vì phải ngồi suốt ngày và làm luôn tay nhưng thu nhập khá nên những người như chúng tôi phải cố gắng làm hết nhà này đến nhà khác, làm càng nhiều càng tốt".