Các bị cáo trong vụ án nghiêm trọng này gồm: Trần Lê Đức (SN 1979, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội); Nguyễn Anh Tuấn (SN 1977, trú tại Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu, Nghệ An); Bùi Thế Ái (SN 1969, trú tại phường Quang Trung, TP.Vinh); Nguyễn Sơn Hải (SN 1973, trú tại xã Diễn Kỷ, Diễn Châu, Nghệ An); Nguyễn Thế Anh (SN 1977, trú tại Long Biên, Hà Nội).
Theo hồ sơ vụ án, Trần Lê Đức có 3 năm theo học công nghệ viễn thông, thông tin ở một trường tại Hà Nội, rồi làm ở một công ty chuyên sản xuất lắp đặt các thiết bị cột bơm xăng dầu. Trong thời gian 5 năm làm việc ở đây, Đức thạo nhiều kiến thức về kỹ thuật lắp đặt cột bơm xăng dầu. Năm 2009, Đức nghỉ việc, mở Công ty TNHH Hệ thống điện tử số Việt Nam chuyên ứng dụng công nghệ tự động hóa. Với nhiều kinh nghiệm trong đo lường điều khiển, Trần Lê Đức đã sử dụng mạch tổ hợp (IC chương trình) điều khiển đo lường trong các cột bơm xăng dầu của công ty CP KTS SEEN (gọi tắt là công ty SEEN) rồi cài đặt chương trình điều khiển đo lường của mình tạo lập thay thế IC chương trình tại các cột bơm xăng dầu do SEEN sản xuất, làm thay đổi độ chính xác về chức năng đo lường của các cột bơm xăng dầu điện tử từ 1% - 10%. Nguyễn Thế Anh là người kiểm định, thử nghiệm các IC của Đức trước khi bán cho người mua.
Trần Lê Đức đã sản xuất và bán cho các đối tượng ở Nghệ An gồm Nguyễn Anh Tuấn, Bùi Thế Ái, Nguyễn Sơn Hải, Phạm Đình Tuấn tộng cộng 114 IC chương trình.
Sau đó, Nguyễn Anh Tuấn, Bùi Thế Ái, Nguyễn Sơn Hải, Phạm Đình Tuấn đã dùng 16 IC chương trình của Trần Lê Đức lắp đặt tại 16 cột bơm xăng dầu của 11 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Nghệ An.
Cáo trạng cũng làm rõ, Nguyễn Anh Tuấn là thợ sửa chữa các cột bơm xăng dầu. Trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến cuối năm 2013, Tuấn đã mua của Trần Lê Đức khoảng 20 IC chương trình với giá 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/chiếc. Sau đó, Tuấn bán lại cho Bùi Thế Ái với giá 2 triệu đồng/chiếc, bán cho Phạm Đình Tuấn 1 IC giá 1 triệu đồng/chiếc, Nguyễn Sơn Hải 5 IC với giá 2 triệu đồng/chiếc.
Nguyễn Anh Tuấn cũng lắp cho cửa hàng xăng dầu Dương Long xã Quỳnh Thiện, Quỳnh Lưu, Nghệ An 1 IC với giá 1,5 triệu đồng. Chủ cửa hàng xăng dầu này đã bớt của khách hàng 1545 lít xăng trị giá hơn 36 triệu đồng. Năm 2009, Tuấn có mua của Đức 1 bộ nạp IC với giá 50 triệu đồng nhưng không sử dụng được.
Bùi Thế Ái đã mua của Trần Lê Đức khoảng 10 -15 IC từ năm 2011 – đến cuối năm 2012 với giá từ 1,5 triệu đồng – 3 triệu đồng/chiếc; mua của Nguyễn Anh Tuấn khoảng 10 IC với giá 2 triệu đồng/chiếc. Sau đó, Ái đã lắp cho 7 cửa hàng xăng dầu thu lợi 16 triệu đồng, gián tiếp gây thiệt hại cho khách hơn 254 triệu đồng. Nguyễn Sơn Hải đã mua của Nguyễn Anh Tuấn 10 IC với giá 2 triệu đồng/chiếc, mua của Phạm Đình Tuấn 2 IC với giá 2 triệu đồng/chiếc. Tiến hành lắp đặt cho 7 cột bơm của 6 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, Hải thu lợi hơn 15 triệu đồng, gián tiếp gây thiệt hại cho khách hơn 100 triệu đồng. Tại phiên xét xử các bị cáo đều thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình.
Sau 5 ngày nghị án, HĐXX đã tuyên phạt 6 bị cáo về tội "Truy cập bất hợp pháp vào thiết bị số của người khác", gồm: Trần Lê Đức mức án 24 tháng tù, phạt tiền 30 triệu đồng, Nguyễn Anh Tuấn 18 tháng tù cho hưởng án treo, phạt tiền 20 triệu đồng, Bùi Thế Ái 18 tháng tù cho hưởng án treo, phạt tiền 30 triệu đồng; Nguyễn Sơn Hải mức án 24 tháng tù cho hưởng án treo, phạt tiền 40 triệu đồng, Nguyễn Thế Anh bị phạt tiền 30 triệu; Phạm Đình Tuấn 12 tháng tù cho hưởng án treo.
HĐXX đã tuyên phạt 2 bị cáo về tội "Lừa dối khách hàng" gồm: Bạch Quốc Huy nhận mức án 9 tháng tù giam, phạt tiền 40 triệu đồng; Hồ Xuân Hà nhận 7 tháng tù cho hưởng án treo, phạt tiền 30 triệu đồng.
Trước đó, từ tháng 10 đến đầu tháng 11/2014, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ- Công an Nghệ An liên tiếp bắt quả tang 12 cây xăng tại Nghệ An đã ăn bớt từ 4 đến 11% lượng hàng bán ra trong suốt thời gian dài, thông qua việc sử dụng chíp điện tử. Trần Lê Đức được xác định là người đứng đầu việc chế tạo, bán và lắp đặt các thiết bị này.
Ngày 14/11, lực lượng chức năng đã bắt được Trần Lê Đức tại TP.Nha Trang. Tại CQĐT, Đức khai nhận đã có “thâm niên” 6 năm tổ chức chế tạo, cung ứng và lắp đặt các IC "ăn bớt" tại nhiều cây xăng ở Nghệ An và các tỉnh khác nhằm giúp người bán “móc túi” khách hàng.