Ở tuổi 70, cái tuổi “gần đất xa trời”, nhưng chưa bao giờ lão được ăn no một bữa, mặc đủ ấm một ngày. Cái nghèo, cái khổ cứ mãi đeo bám dai dẳng lấy gia đình lão qua từng thế hệ. Đêm xuống, cũng là lúc lão cùng vợ hai và 5 người con “bách bộ” xuống tượng đài Lê Lợi (thành phố Thanh Hóa) để “hành nghề”. Đó là câu chuyện về “đại gia đình cái bang” của ông Lê Hữu Tân.
Ông lão mù "đào hoa" có tới 2 người vợ, 10 người con
Chúng tôi tìm về nhà ông Tân mù trong cái nắng chói chang ngày hè ở phường An Hoạch – thành phố Thanh Hóa. Hỏi đến ông Tân mù thì bà con từ đầu làng đến cuối làng ai cũng biết. Gia đình ông nổi tiếng bởi cái nghèo, cái khổ, gia đình đông con và điều đặc biệt là cái tên “đại gia đình cái bang”.
Ông Tân trò chuyện với bà con hàng xóm.
Sau những phút trò chuyện, ông Tân bắt đầu kể về cuộc đời cơ cực của mình. Năm lên 4 tuổi, ông bị đau mắt, nhưng do gia cảnh quá nghèo khó, không có tiền đi chữa trị, gia đình ông được hàng xóm mách nước dùng vỏ cây quế sắc thành thuốc để uống. Nhưng mắt thì chẳng thấy khỏi, mà lại mù hoàn toàn.
Cầm chiếc quạt nan phe phẩy, ông Tân kể tiếp: Năm 33 tuổi, ông lấy người vợ thứ nhất là bà Nguyễn Thị Mùi (sinh năm 1947) và sinh được 4 người con (1 trai, 3 gái). Do bà Mùi không được nhanh nhẹn, hoạt bát như người bình thường nên ông đã cưới thêm vợ nữa. Ông kết duyên cùng bà Lê Thị Khánh (sinh năm 1955) và sinh được 6 người con (2 trai, 4 gái). Đã nghèo lại lắm vợ nhiều con nên cuộc sống gia đình ông càng thêm khó khăn, cơ cực. Căn nhà nhỏ cũ nát, mái ngói đã bạc màu chắp vá bởi những mảnh nilon là tất cả tài sản đáng giá của ông lúc này.
Ông Tân vui vẻ tâm sự: “Mặc dù gia đình tôi không được như người ta, đã đói khổ lại thêm nỗi đông con, nhưng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vô cùng, ăn cơm với rau luộc tôi cũng phải cố nuôi các con khôn lớn”.
Ngôi nhà lụp xụp trong ngõ nhỏ của ông Tân.
Nói đến đây, ông vội vàng gọi ngay đứa con gái út đang học lớp 2 ra để khoe. Đó là đứa con duy nhất trong số 10 người con được đi học. Năm nay đã 10 tuổi nhưng Lê Thị Quế nhìn có vẻ còi cọc hơn nhiều so với những đứa bạn cùng trang lứa.
Trong số 10 người con thì có 2 người bị dị tật bẩm sinh, một bị câm và một bị lác mắt, khèo tay (cả hai đều là con của bà hai). Hiện cả 2 người con này đều theo cha mẹ đi ăn xin ở tượng đài Lê Lợi.
Bác Nguyễn Thị Tươi, hàng xóm của ông Tân, cho biết: “Cả cái làng này ai mà chả biết gia đình bác Tân mù. Rõ khổ! Nhà đã nghèo, lại đông con. Con cái đứa thì tật, đứa thì ngây ngô nên đã nghèo lại càng nghèo thêm. Cả gia đình chỉ biết bám víu vào nhau từ những đồng tiền ít ỏi đi ăn xin có được".
Hai nhóm “cái bang” trong một gia đình
Hàng ngày, cứ đến 17h chiều, ông Tân cùng vợ và các con lại đi bộ hơn 5km xuống khu vực tượng đài Lê Lợi để “hành nghề” ăn xin. Vận những bộ quần áo cũ nát, những chiếc mũ bạc màu, ông Tân cùng các con bắt đầu hành khất tại các ghế đá, quán nước xung quanh.
Cả gia đình chia ra thành từng tốp nhỏ để hành nghề. Cách “tác nghiệp” của gia đình ông khiến mọi người không hề hay biết đây là một gia đình “cái bang”.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, hình ảnh ông lão mù cùng các con đi quanh các quán nước, ghế đá gần tượng đài để ăn xin đều đặn xuất hiện. "Gần 3 năm nay, kể từ khi có tượng đài, ngày nào cũng vậy, gia đình ông ấy cứ tối tối lại rủ nhau đi ăn xin ở quanh tượng đài", một người bán nước tại khu vực tượng đài Lê Lợi cho hay.
Một điều đặc biệt là gia đình ông Tân mù "thành lập" hẳn hai nhóm "cái bang" riêng biệt. Hiện giờ, bà vợ cả của ông Tân cùng các con sinh hoạt và ăn uống riêng, còn ông Tân thì ăn ở với bà vợ hai cùng các con của bà này. Đây cũng là hai nhóm "cái bang" có "lịch hoạt động" khác nhau.
Ban ngày là khoảng thời gian bà Mùi (vợ cả) dẫn con đi ăn xin. Cứ mỗi sáng sớm, bà cùng đứa con gái út, có khi đi một mình, đi bộ khắp thành phố Thanh Hóa để xin ăn. Buổi đêm lại là thời gian hành nghề của ông Tân và bà vợ hai cùng các con ở tượng đài Lê Lợi.
Căn nhà nhỏ với nhiều vết chắp vá trên mái nhà là tài sản đáng giá duy nhất của gia đình ông Tân.
Nhiều năm nay, đại gia đình nhà lão sống chỉ nhờ vào nghề ăn xin. Khi được hỏi về “cái bang”, ông Tân cười nhạt nói: “Gia đình nghèo khổ, đông con mà chẳng có việc làm, quanh năm chỉ biết làm ruộng, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Chẳng biết làm gì thêm, chúng tôi đành rủ nhau đi ăn xin, gọi là có thêm miếng rau miếng cháo sống cho qua ngày qua tháng”.
Nói đến đây, ông Tân mù không thể kìm nổi những giọt nước mắt. Kể từ khi sinh ra, ông chưa được một lần ăn no mặc đủ. Ông trời bất thần cướp đi đôi mắt khiến ông không còn được nhìn khuôn mặt của từng đứa con. Chỉ biết lặng thinh với số phận nghiệt ngã như một món nợ đời bắt ông phải gánh vác, ngày qua ngày, ông vẫn cùng vợ và các con an phận sống một cuộc sống khổ cực nhưng yên bình.