Hơn 9h, sự kiện gắn tên đường 3 danh nhân được tổ chức tại sân khấu chính nằm trên ngã tư giao cắt giữa đường Võ Chí Công và đường Nguyễn Hoàng Tôn (quận Tây Hồ). Tham dự buổi lễ có Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cùng các cán bộ thuộc Trung ương, các Bộ, ngành liên quan... Đáng chú ý, buổi lễ có sự chứng kiến của đại diện gia đình các danh nhân Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt và Võ Nguyên Giáp.
Việc đặt và gắn biển tên đường nói trên nhằm tuyên truyền, giới thiệu về những đóng góp to lớn của các danh nhân Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt và Võ Nguyên Giáp đối với đất nước, dân tộc.
Tên đường Võ Nguyên Giáp được gắn trên tuyến đường hiện đại nhất Thủ đô
Theo văn bản của UBND TP Hà Nội, biển đường Võ Nguyên Giáp (huyện Đông Anh, Sóc Sơn) được gắn cho đoạn từ đầu cầu phía Bắc cầu Nhật Tân đến điểm giao cắt giữa đường dẫn nút giao phía Nam QL18 với đường Võ Nguyên Giáp. Chiều dài tuyến đường là 10,5km, chiều rộng 70-100m.
Đường Võ Nguyên Giáp được đầu tư và xây dựng 6.742 tỷ đồng. Phần đường chính Võ Nguyên Giáp được thiết kế theo tiêu chuẩn đường phố chính chủ yếu với vận tốc thiết kế 80km/h dành cho ô tô lưu thông. Các đường gom sử dụng cho xe máy, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp V, vận tốc thiết kế theo đường nội đô 40km/h.
Tuyến đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Biển đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ, Cầu Giấy) sẽ được gắn cho đoạn đường từ phía Nam cầu Nhật Tân đi qua phường Phú Thượng, Xuân La (Tây Hồ), phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) đến giao cắt với đường Hoàng Quốc Việt. Độ dài tuyến đường là 4,25km; rộng 57,5 – 64,5m.
Và cuối cùng là lễ gắn biển tên đường Võ Văn Kiệt diễn ra tại khu vực ngã tư giao với đường đi Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh). Biển đường Võ Văn Kiệt (huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn) được gắn cho đoạn từ cầu phía Bắc cầu Thăng Long đến sân bay Nội Bài. Tuyến đường đài 12km, rộng 23m.
Việc làm trên thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô đối với những danh nhân có công lớn đối với đất nước thông qua việc đặt tên đường phố mới nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.
Sự kiện này còn có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu quê hương, đất nước, tạo không khí phấn khởi, sự đồng thuận trong xã hội để cổ vũ các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng năm 2015.
Một số hình ảnh tại buổi lễ gắn biển ý nghĩa này:
Trước khi làm lễ gắn biển, BTC đã đọc tiểu sử, công lao của ba danh nhân họ Võ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng các vị lãnh đạo thành phố tham gia sự kiện.
Người nhà của các danh nhân có mặt tại sự kiện.
Ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch thành phố Hà Nội làm lễ gắn biển tại đường Võ Nguyên Giáp.
Người nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các lãnh đạo thành phố lưu hình kỉ niệm.
Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp vui mừng tham gia buổi gắn biển tên đường
Cũng trong buổi sáng nay, lễ gắn biển đường Võ Chí Công được tổ chức.
Đường Võ Văn Kiệt.
Ông Võ Chí Công (1912-2011), nguyên là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam từ năm 1987 đến năm 1992.
Ông Võ Văn Kiệt (1922 – 2008), nguyên là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và sau đó là Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1991 đến năm 1997.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 – 2013) là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông là người chỉ huy đầu tiên Quân đội Nhân dân Việt Nam.
|