Người dân trong vùng đã không còn lạ với khu vườn của cụ ông Nguyễn Bá Khoát (81 tuổi, khu phố 4, phường Bình Đa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) bởi nơi đây có "Vườn Kiều" độc nhất vô nhị, được nhiều người yêu thích. Từ đầu ngõ, du khách đã được chào đón bởi hai câu thơ: “Vườn Kiều đón khách du xuân - Đọc thơ ngắm cảnh thương thân nàng Kiều”. "Vườn Kiều" rộng 3.000 m2 và cụ Khoát phải mất gần chục năm để xây dựng nên.
Cơ duyên xây dựng "Vườn Kiều" đến ngày hôm nay là bắt nguồn từ căn bệnh suy tim của cụ. "Năm 32 tuổi, tôi bị suy tim và được khuyên thường xuyên tắm biển. Mỗi năm phải tắm ít nhất 15 ngày, mỗi lần đi ra biển, tôi lại mang theo cuốn Truyện Kiều (của đại thi hào Nguyễn Du) để đọc. Rồi dần dần tôi cảm nhận được nội dung ẩn chứa bên trong. Sau đó bắt đầu nghiền ngẫm từng câu từng chữ, tìm đọc đủ 104 điển tích trong truyện Kiều. Tôi nghĩ có nhiều cách thể hiện tình yêu truyện Kiều như phổ nhạc, vẽ tranh, nhưng tôi thấy thể hiện trong vườn là độc đáo nhất" - cụ Khoát bộc bạch.
Theo cụ Khoát, trong truyện Kiều có loại cây nào, cụ đều sưu tầm mang về khu vườn nhà trồng bằng được. Không chỉ trang trí khu vườn bằng cây lá, cụ còn xây dựng những bức tượng được nhắc đến trong truyện Kiều như Liễu Chương Đài, Am Các Tự, Hồ Xuân Hương... Dưới mỗi bức tượng hay cây cảnh đều có chú thích bằng chính thơ trích ra từ truyện Kiều.
Bên cạnh đó, cụ còn thiết kế những công trình giống trong truyện Kiều như Lầu Ngưng Bích, xung quanh đó, cụ đào ao thả cá để mang lại cảm giác thanh bình.
Đồng thời, bức tường rào cụ đều tạo hình điêu khắc các nhân vật trong trong Truyện Kiều. "Những bức tường này do chính tay tôi thiết kế. Vì tường rào chỉ dài 200m nên chỉ chép đủ 20 bức điêu khắc tương đương 20 chương, nhưng cũng thấy vui rồi" - cụ chia sẻ.
Tính đến nay, Vườn Kiều của cụ đã hình thành gần được 20 năm. Cụ tâm sự: "Lên ý tưởng từ rất lâu rồi, nhưng đến năm 1996, tôi mới bắt tay vào cải tạo khu vườn và biến nơi này thành Vườn Kiều như ước nguyện để có thú vui ở tuổi già".
Ở khu vực trung tâm Vườn Kiều, cụ Khoát tự thiết kế và xây dựng đền thờ Đại thi hào Nguyễn Du. Tại đây, ngày 16/9 hàng năm, cụ cùng những người yêu Truyện Kiều lại tổ chức đám giỗ tưởng nhớ tác giả Truyện Kiều.
“Đây chính là Quan Âm các, nơi Hoạn Thư (vợ Thúc Sinh) bắt Kiều ra đó ngày ngày tụng kinh, gõ mõ, đày đọa nàng vì ghen. Tôi xây dựng để thể hiện lòng thương xót đối với cô Thúy Kiều” - cụ Khoát cho biết.Mỗi câu thơ trong Truyện Kiều đều mang ý nghĩa đặc biệt. Cứ câu nào nhắc đến những cây cối trong vườn Kiều là cụ đều đặt câu thơ tại đó.
Đường dẫn đến lầu Ngưng Bích có bụi dâu, trên đó cụ Khoát cho treo hai câu thơ Kiều: “Ra tuồng trên bộc trong dâu - Thì con người ấy ai cầu làm chi” là câu Kiều khuyên Kim Trọng không nên “vượt quá giới hạn".
Hàng ngày cụ vẫn thường xuyên nghiền ngẫm những câu Kiều để tạo thêm những ý tưởng độc đáo khác cho khu vườn Kiều.