Dân chơi cũng nợ "ngập cổ" với thẻ tín dụng

Sứ Giao, Theo Pháp luật xã hội 00:01 05/03/2014
Chia sẻ

Phong cách tiêu trước trả sau khi dùng thẻ tín dụng đã biến vô số người trẻ làm văn phòng trở thành những con nợ kinh niên, nói một cách khác là “trả mãi không hết nợ”.

Với mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng, Mai Anh (nhân viên một công ty quảng cáo trên phố Thái Hà) đang sở hữu tới 3 chiếc thẻ tín dụng của các ngân hàng khác nhau, trong đó có 2 ngân hàng quốc tế. Mai Anh liên tục được mời chào làm thẻ Visa, Mastercard và cô đã làm tới 3 chiếc thẻ. Hạn mức chi tiêu của mỗi thẻ là khoảng 18 triệu đồng.

Mai Anh chia sẻ: “Ngoài việc thanh toán trực tuyến thì các hàng quán, shop thanh toán bằng thẻ hiện nay ngày càng nhiều, đến mua hoa quả cũng có thể cà thẻ nên mình thấy rất tiện. Trong người chỉ cần 1 - 2 triệu đồng tiền mặt, còn đâu chỉ cần có thẻ thì tiêu lúc nào cũng được”.

Thế nhưng, cái tiện lợi của việc “cà” bất cứ lúc nào đã biến thành ác mộng với những người có thu nhập không cao như Mai Anh. Với mức lương chưa đến chục triệu đồng mỗi tháng, còn bao nhiêu khoản phải chi tiêu, tới ngày ngân hàng nhắn tin hoặc gửi mail thông báo nợ phát sinh là Mai Anh lại tái hết cả mặt. Cô than thở: “Sao lúc người ta cấp thẻ thì vui thế, lúc cà sướng tay lắm, cảm giác mình đầy tiền trong người. Nhưng khi phải đi trả nợ thì thật kinh khủng!”.

Dân chơi cũng nợ "ngập cổ" với thẻ tín dụng 1
"Lúc cà sướng tay lắm, cảm giác mình đầy tiền trong người"

Ám ảnh đối với cô là xoay như chong chóng để trả nợ. Mai Anh thú nhận cô vẫn “để lại” 30 triệu đồng trong đống thẻ vì không có khả năng thanh toán hết, hiện mới chỉ thanh toán số tiền thấp nhất hàng tháng. Chỉ cần chậm 10 ngày là thành nợ quá hạn, bị đánh dấu mức 2 trong lịch sử tín dụng. Thế nhưng khi đã tạm yên ổn với những trát đòi nợ từ ngân hàng, thì cô lại tiêu như “phá”.

Những người trẻ làm văn phòng trở thành con nợ dài kỳ của thẻ tín dụng như Mai Anh không hề ít. Lương không cao nhưng chi tiêu vượt mức, vô tội vạ và tuyên bố nếu không có thẻ tín dụng thì “khó sống”, họ trở thành những kẻ bóng sáng, ăn tiêu toàn chỗ sang xịn, trả tiền thì rút thẻ nhanh chóng, hiện đại nhờ thẻ tín dụng. Để rồi cuối tháng, khi đống bill được gửi qua mail, ít ai nghĩ họ lại thành con nợ ngập cổ.

Với thủ tục cực kỳ đơn giản, nhân viên ngân hàng chăm sóc tận nơi, thậm chí lên tận văn phòng công ty để chào mời, các nhân viên trẻ dễ dàng tự “sắm” cho mình 1 đến 3 - 4 chiếc thẻ. Tâm lý có thẻ là có tiền lại càng khuyến khích họ chi tiêu khi suy nghĩ “mình đang cầm 1 đống tiền trong tay”. Mỗi lần cà thẻ không nhìn thấy tiền mặt, chỉ toàn con số hiện lên trong tin nhắn báo khiến họ càng mua sắm mạnh tay hơn, nhất là trong những lần đi mua sắm, du lịch nước ngoài.

Duy Phong (26 tuổi, phó phòng một công ty thiết kế) là người nghiện du lịch. Hàng tháng, người ta thấy cậu hết đi Thái lại tới Sing, Hongkong… Lâu lâu, cậu còn khiến bạn bè ghen tị khi sang hẳn châu Âu, hoặc đi Nhật, sang Hàn. Với mức lương khoảng 25 triệu đồng/tháng, để có được những chuyến đi như thế quả là không tưởng đối với Phong.

Thế nhưng, thẻ Visa và Master là “cứu cánh” cho dân chơi nghiện du lịch và đồ hiệu này. Cậu đang là khách hàng – chính xác hơn là “con nợ” của 4 ngân hàng với định mức cao chót vót. Với 3 tài khoản ngân hàng nước ngoài, Phong có thể mua vé online, tiêu pha ở các nước cậu đi du lịch, và vào store mua đồ hiệu.

Dân chơi cũng nợ "ngập cổ" với thẻ tín dụng 2
Những chiếc thẻ không có lỗi trong việc chi tiêu vô tội vạ, vung tay quá trán của người trẻ

Nhìn Phong: công việc ổn định, lương vài chục triệu đồng mỗi tháng, đi ô tô và đồ hiệu cả cành, nhưng ít ai nghĩ cứ tới ngày 20 hàng tháng, cậu lại cuống cuồng lên lo tiền trả nợ ngân hàng để không bị liệt vào nhóm nợ xấu. Mỗi lần đi chơi, lúc thanh toán thấy cậu rút thẻ ra trả luôn vài triệu tiền rượu không tiếc tay, nhiều cô tỏ ra ngưỡng mộ dân chơi văn phòng. Thế nhưng, khi có bất cứ khoản thu nhập trong lẫn ngoài nào, Phong phải nhanh nhanh chóng chóng nộp vào tài khoản tín dụng. Nhiều lúc trong người không còn lấy 1 triệu tiền mặt, bạn rủ đi ăn, Phong toàn gợi ý đi chỗ nào “cà thẻ” được. Bạn thì cứ nghĩ cậu hoành tráng, chỉ Phong mới biết mình đang “ngập đầu” vì nợ ngân hàng gần 100 triệu đồng.

Nhiều người sau thời gian chi tiêu quá đà, không gánh nổi số nợ hàng tháng đã bực dọc đổ tội cho ngân hàng và chiếc thẻ tín dụng là tính phí vô tội vạ, rồi đưa họ vào chiếc bẫy ngọt ngào. Thế nhưng, tất cả ở đây đều do cách chi tiêu của người sở hữu chiếc thẻ. Không biết quản lý chi tiêu, vung tay quá trán và thói sĩ diện khi cầm chiếc thẻ trong tay đã khiến những người trẻ trở thành “con nợ” thường niên của ngân hàng.

Cũng là người có thẻ Visa lẫn Master của vài ngân hàng, nhưng Tuyết Lan (sinh năm 1989) chưa bao giờ bị áp lực nợ nần, lo chạy tiền đóng vào thẻ để tránh nợ quá hạn. Cô cho biết mình chỉ sử dụng thẻ khi mua vé máy bay, mua vé xem phim online, trả tiền viện phí và các dịch vụ cần thiết. Sau đó, trong vòng 45 ngày, Lan sẽ thanh toán đầy đủ với ngân hàng để tránh bị tính lãi. Lan chưa bao giờ dùng thẻ tín dụng để vào trung tâm mua sắm mua đồ, vì cô biết điều này sẽ gây cảm giác nghiện và dẫn đến cảnh nợ nần. “Khi mua quần áo, đi siêu thị, tôi dùng tiền mặt vì nhìn lượng tiền vơi đi tôi sẽ tiếc mà không dám vung tay. Theo tôi, thẻ tín dụng rất tiện lợi và có ích. Miễn sao phải dùng đúng cách!”, Lan chia sẻ.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày