Chán ngán “văn hóa” đổ lỗi của nhiều người trẻ

Sứ Giao, Theo Pháp luật xã hội 00:01 01/03/2014
Chia sẻ

Một ca sĩ “đạo” đến 70% thơ của một nhà văn, đổ lỗi tại “tình cờ ngẫu nhiên” lấy thơ trên Facebook. Một nam sinh trường đại học “điểm” viết status phản cảm về mẹ, khi bị cộng đồng mạng lên án thì cho rằng mình bị hack tài khoản.

Hai ví dụ này khiến người ta chợt nhớ đến hình ảnh mà ai cũng đã gặp ngoài đời: Khi đứa trẻ hư, bố mẹ chúng sẽ đổ cho trường lớp, môi trường bạn bè bôi xấu nó. Để khi trẻ lớn lên, chúng cũng quen với sự đổ tội đấy và nghiễm nhiên nghĩ mình không sai, nếu có sai thì lỗi tại kẻ khác. Khi bị cảnh sát giao thông giữ lại vì không đội mũ bảo hiểm, nhiều thanh niên đổ tại trời nóng nên ngại đội mũ, đi vội nên quên, hoặc đổ cho chính cảnh sát. Trái ngang nhất là người dân di chuyển vô ý thức trên đường, đi sai làn đường, tạt đầu ô tô nhưng khi xảy ra va chạm thì kiểu gì cũng phải đổ tại ô tô, hoặc “số đen”. Nói chung, dù ở góc độ nào, người ta đều cố tìm ra một ai đó, một lý do nào đó để gánh trách nhiệm chứ không phải là tại chính bản thân họ.

Chán ngán “văn hóa” đổ lỗi của nhiều người trẻ 1
Khi có vấn đề gì, nhiều người trẻ sẽ nhanh chóng đổ cho người khác hoặc lý do nào đó, chứ ít khi thẳng thắn nhận lỗi về phía mình (Ảnh minh họa)

Vụ ca sĩ Hồng Phước bị tố đạo thơ của nhà văn Việt Hà đã trở thành scandal trong giới nghệ sĩ lẫn khán giả thời gian vừa qua. Khi sự việc trở nên ầm ĩ, Hồng Phước quyết định lên tiếng bằng cách trả lời độc quyền trên JAM về chuyện “đạo thơ”. Thế nhưng, sau đoạn clip dài hơn 6 phút của Hồng Phước, người ta vẫn không thể tìm thấy một lời xin lỗi hoặc nhận lỗi thẳng thắn, trực tiếp về việc đạo thơ. Clip rất dài nhưng vấn đề chính lại không được nhắc tới, anh lan man sang vấn đề khác để đỡ phải nói câu nhận lỗi. Ca sĩ còn xin lỗi khán giả nhưng không xin lỗi nhà văn Việt Hà, thậm chí còn cố ý đổ lỗi cho nhà văn vì đã “làm lớn chuyện”, gây scandal.

Sự giống nhau đến kỳ lạ giữa ca khúc mà anh tự nhận đã "sáng tác" và bài thơ “Khi chúng ta già” là điều ai cũng thấy. Thế nhưng theo như Hồng Phước thì đây là "một sự tình cờ ngẫu nhiên" và chỉ một lần đọc trên Facebook câu "gói cả thế gian vào lòng bàn tay" nên đã nảy ra các câu từ cho bài hát.

Chỉ tới khi sự việc trở thành nỗi bức xúc của số đông, thì ca sĩ mới nói lời xin lỗi nhà văn Việt Hà sau bao lần né tránh. Có lẽ, ca sĩ này cũng giống như hàng trăm nghìn người trẻ khác, rất tài giỏi, cực kỳ thông minh, nhanh nhẹn trong xử lý tình huống nhưng lại nhiễm thứ văn hóa đổ lỗi. Để được họ nghiêm túc nhận lỗi thì phải qua... nhiều cầu.

Cũng là một người trẻ, nam sinh trường Đại học Ngoại thương Hà Nội lại gây bão trên mạng vì câu status chê mẹ nấu ăn dở: “Nấu với nướng gì mà như … í. Mẹ với cả mung. Sao đời mình giống Rapunzel (công chúa tóc mây) trong Tangled thế. Rau thì già như gì xin lỗi như rau lợn í, tôm thì cắt nát bét ra. Thôi thì có gì ăn vậy cho no cái bụng...”. Phát ngôn này đã khiến cậu thanh niên tên L.T.H nổi tiếng rần rần trên mạng, nhưng toàn là bị “ném đá” vì tội bất hiếu, nhất là với “địa vị” một sinh viên trường đại học hàng đầu như thế, lại có profile học hành đáng nể.

Sau khi sự việc ầm ĩ, L.T.H đã lên tiếng cho rằng mình bị hack Facebook. Chia sẻ với báo mạng, H. khẳng định mình không viết lời chê mẹ trên mạng xã hội, sau khi status được post lên, tài khoản cá nhân của cậu cũng đã bị xóa.

Thế nhưng, người ta khó mà tin lời giải thích bị hack Facebook của nam sinh. Một độc giả comment: “Giờ anh cứ lập Facebook, anh đăng status lên rồi bảo bị hack ư. Tại sao không vào Facebook kiểm tra xem mật khẩu đã bị thay đổi chưa. Muốn xem thì xem pass được cập nhật vào lúc nào. Chả có ai bị hack tài khoản mà không vào mail đổi lại mật khẩu ngay. Nói chung là rất khó tin. Cứ làm rồi đổ cho bị hack”.

Còn rất nhiều ví dụ khác về thứ văn hóa đổ lỗi này, khi mà người trẻ đổ tội thành thói quen chứ bản thân họ chẳng có vấn đề nào. Một cô tiểu thư đi làm ở công ty liên doanh, tuyên bố làm không vì tiền mà vì đam mê. Nhưng vì là công ty liên doanh, sếp không quan tâm gia thế nhà cô thế nào, chỉ cần hiệu quả công việc. Cô bị phạt hết lần này đến lần khác vì chậm deadline, ảnh hưởng tiến độ. Thay vì nhận lỗi và làm việc đúng với vị trí nhân viên, cô cho rằng mình bị chị sếp trù dập, tị nạnh. Chuyển công ty, cô lại đầu quân cho văn phòng khác và cái vòng luẩn quẩn làm như chơi - ăn phạt - ghét sếp vì nghĩ bị trù dập - cho rằng ai cũng ghen tị với mình… cứ theo cô mãi.

Đến nay, cô gái đã chuyển tới 4 công ty, và luôn khăng khăng với bạn là mình đi đâu cũng bị trù, tới đâu người ta cũng ghen tị vì mình vừa xinh vừa nhà giàu.

Thế nên, bạn bè cô thì lương cao chót vót, đi nước ngoài công tác liên miên và nhảy lương, thưởng % doanh số liên tục. Còn cô, vẫn hàng ngày cà phê than thở, nói xấu những người sếp cũ vì đã dám trù mình, và dĩ nhiên là cô vẫn thất nghiệp.

Khi chuyện đổ lỗi đã thành thói quen, thành phản xạ tự nhiên mỗi khi mắc lỗi của nhiều người trẻ hiện nay thì nó khiến nhiều người chán ngán, và cả lo lắng về một thế hệ sống vô trách nhiệm, thiếu bản lĩnh. Bởi chắc chẳng thể trông chờ gì vào những con người thiếu lòng tự trọng, tự tôn, dám làm nhưng không dám chịu trách nhiệm như vậy!
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày