Cuộc đời buồn của gia đình 4 thế hệ gắn nghiệp với... rác bẩn

Linh Trang, Theo Trí Thức Trẻ 00:26 25/04/2014
Chia sẻ

Trước mặt chúng tôi là người đàn ông với nước da ngăm đen, rắn rỏi... Người dân trong vùng gọi người đàn ông mưu sinh trên dòng kênh đục ngầu ở Sài Gòn ấy là ông Hoàng "ve chai".

Từ lâu người dân sống trong con hẻm nhỏ 295 đã quá quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông gầy gò, khó nhọc đạp chiếc xe chở đầy sắt vụn hay những ống nhựa về nhà. Ông tên là Nguyễn Văn Hoàng (SN 1964), người ta thường gọi ông bằng cái tên Hoàng “ve chai”. 

Hơn 35 năm gắn bó với nghề, mưu sinh trên các dòng kênh nước hôi hám đen sì ở Sài thành nhưng chưa bao giờ ông có ý định từ bỏ cái nghề này. “Đặc sản” của nghề đem lại cho ông đó là những lần mò tìm đụng phải thi thể, tiền vàng hay hung khí.

Tưởng “vô mánh” ai dè gặp trúng đầu người

2 giờ chiều, tiếng xe đạp kêu cót két nặng nề, ông chậm chậm lái “vòng xe ve chai” vào con hẻm nhỏ số 295 trên đường Tân Hòa Đông, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân (TP.HCM). Điều đặc biệt, ông Hoàng thường chọn những dòng kênh nước đen kịt, ẩn chứa nhiều hiểm họa để mưu sinh.


Ông Hoàng “ve chai” trò chuyện cùng PV.

Nghề ve chai vốn bỏ ra chỉ cần mua được một chiếc xe đạp cà tàng là đã đủ “đồ nghề”. Nhưng để gắn bó suốt 35 năm giữa những con kênh ô nhiễm nặng như ở Sài Gòn thì quả là hiếm. Bén duyên với nghề từ khi mới 15 tuổi, ban đầu ông cùng với đàn em nheo nhóc đi nhặt nhạnh những mảnh ve chai để kiếm sống. Nhưng khi nhận thấy số tiền kiếm được chẳng đủ để lo cho cuộc sống cơm áo gạo tiền, ông một mình dò dẫm xuống các con kênh gần nhà để mò với hy vọng của cậu bé 15 tuổi khi ấy là tìm được “kho báu” để mong đổi đời.

Giờ đây, ngồi trước mặt chúng tôi là người đàn ông với nước da ngăm đen, rắn rỏi nhưng khuôn mặt luôn hiện lên vẻ khắc khổ, lam lũ. Buông tiếng thở dài, ông bắt đầu kể về chuyện nghề quanh những con kênh Sài thành. “Ban đầu khi ngâm mình dưới các con kênh hôi thối tôi cũng lo lắm, sợ bị nhiễm bệnh, rồi người qua đường bàn tán chế giễu, riết rồi quen. Đi cả một đôi ủng dày xuống đấy rồi mà mảnh sành sứ vẫn xuyên qua được, nhiều lúc lên bờ mới biết mình bị thương”.

Ngày nào cũng vậy, cứ đều đặn không kể nắng hay mưa, 7h sáng ông bắt đầu ngày làm việc và kết thúc vào 2h chiều. Ông Hoàng bắt đầu đi đến những con kênh dọc theo tuyến kênh Tân Hóa – Lò Gốm, rồi đến kênh gần khu vực Đầm Sen xuôi về kênh Tân Hiệp (Quận Tân Phú). Sau khi vật lộn mưu sinh trên dòng kênh đục ngầu ở Sài Gòn, ông đã phải cần mẫn, chắt chiu từng đồng bạc lẻ. Vậy nhưng, dù có làm gần hết cả đời người thì ông cũng không thể lo cho con cái ăn học đàng hoàng mà vẫn luẩn quẩn với kiếp… ve chai. 

Ông tâm sự: “Lâu nay tôi vẫn thế, sáng ra có tiền thì ăn tô hủ tiếu, còn không thì bánh mì. Nhưng tôi hay ăn xôi vì no được lâu hơn, nhờ thế mà tôi làm việc được cả ngày. Mấy chục năm nay như thế quen rồi, tôi chỉ ăn hai bữa sáng và tối thôi, còn buổi trưa thì tôi nhịn”.

Trong căn nhà nhỏ 9m2, là nơi ông và vợ chồng con gái sống hơn 24 năm nay. Chị Hiền (27 tuổi, con gái ông Hoàng) cho hay: “Nhờ số vốn tích được từ nghề lượm ve chai, bố tôi đã mua được căn nhà này. Khi đó, ông chỉ mua với giá 2 triệu 50 ngàn đồng thôi. Đây trước kia vốn là đất ruộng, hồi đầu nó ngập dữ lắm, giờ nâng nền nên chúng tôi không còn phải sống chung với nước nữa”. Mỗi ngày, số tiền ông thu được chỉ vài trăm ngàn, ngày ít chỉ được vài chục ngàn đồng.

Nhờ mưu sinh dưới các lòng kênh, cũng có khi người “thợ chài” bất đắc dĩ trúng được “mánh lớn”. Nhiều lần ông nhặt được hung khí đó là khẩu K54, dao, mã tấu… nhưng những thứ này ông đều đem giao lại cho công an phường. “Xung quanh đây ai cũng biết tôi hay nhặt được hung khí, kể cả mấy kẻ côn đồ. Có khi hóng được tin tôi nhặt được khẩu súng hay đao kiếm tụi nó lân la đến đòi mua lại, có khi còn lăm le muốn lấy không nhưng tôi đâu có chịu”. 

Chủ nhật vừa rồi ông mới nhặt được một khẩu súng và đã đem giao nộp cho công an. Bởi trong thâm tâm, người đàn ông “ve chai” luôn nghĩ “Bán nó thì được vài triệu đồng, với gia đình nghèo khó này thì đó không phải là khoản tiền nhỏ nhưng lỡ ai đó cầm súng này đi gây tội ác thì lương tâm mình sẽ phải cắn rứt cả đời”.


Ngôi nhà xập xệ của ông Hoàng nơi 3 thế hệ sống cùng nhau

Cả cuộc đời gắn bó với nghiệp ve chai, biết bao lần ông nhặt được những vật có giá trị như vài phân vàng, hay chính tang vật của những kẻ trộm cắp không trót lọt ném xuống kênh để phi tang. Có lần, ông đang mò mẫm dưới đám rác đang trôi lềnh bềnh trên mặt nước thì đụng phải một vật cứng, khá nặng. Cố gắng lôi lên mặt nước, ông phát hiện ra đó là một chiếc sườn xe máy, mò chừng một tiếng sau, ông tìm thêm được 10 chiếc sườn nữa. Đến nỗi, ông phải thuê xe ba gác chở đi bán.

Lần khác, ông mò lên được một chiếc két sắt, phá bỏ ra bên trong có rất nhiều giấy tờ. Ông Hoàng đã giữ lại két sắt còn giấy tờ đem lên giao nộp cho công an phường. Có người sau khi đến nhận toàn bộ giấy tờ và đem biếu ông chút quà cảm ơn.

Nhưng có lẽ cả cuộc đời nhặt phế liệu, ông Hoàng không bao giờ quên được lần đụng phải thi thể người chết, có khi đó là một phần người không đầy đủ chỉ còn lại cái đầu. Ông kể: “Cái nghề này nhiều lúc nó cũng ác với mình, chuyện đụng phải xác động vật chết dưới kênh không còn hiếm. Nhưng đôi khi tôi lại gặp phải cả xác người chết”. 

Ông nhớ, chục năm về trước, trong lần đi mò tại một con kênh ở quận Tân Phú, đang lò mò khua tay vơ mấy đám cỏ cây đọng dưới kênh rồi vứt lên bờ thì đụng phải một vật hình tròn, được bao lại, cảm giác nặng tay, ông nhặt lên . Nhìn vật được đựng kín trong túi ni lông đen, trong bụng ông mừng thầm chắc là “trúng mánh”. Nhưng khi ngửi thấy có mùi hôi thối khó chịu, ông vội mở ra thì tá hỏa khi đó là đầu người. Hoảng quá ông chạy vội lên bờ rồi đi báo công an.

Bốn đời… gắn với rác

Thao thao bất tuyệt kể về câu chuyện nghề của mình, rồi người đàn ông bỗng im lặng trầm tư khi đứa cháu 4 tuổi gọi hai tiếng ông ngoại. Ông đắng đót: “Tính đến nay gia đình tôi đã có 4 đời làm cái nghề này rồi, không biết đến bao giờ mới thoát được kiếp nghèo này. Mấy đứa cháu lớn lên không có tiền cho chúng nó học rồi lại giống như đời tui, đi nhặt ve chai từ nhỏ”.

Ngày ấy, cha ông là một tay cửu vạn ở chợ đầu mối, còn mẹ gánh nước thuê. Nhưng rồi công việc nặng nhọc trong khi sức khỏe ngày càng sa sút, hai ông bà đành xin nghỉ để đi làm cái nghề “tự do tự tại” đó là nhặt phế liệu. Cái vòng kim cô bắt đầu đeo bám cả gia đình ông từ đời cha mẹ cho đến đời cháu. 

Ngồi cạnh ông là bà mẹ già năm nay gần 80 tuổi, cụ Huỳnh Thị Sổ, chua xót tâm sự: “Làm lụng vất vả với nghề nhặt phế liệu nhưng cuộc đời con cháu cũng không khá hơn đời cha ông nó. Không học hành, không chữ nghĩa trong cái nhà này đã lâu rồi không còn xa lạ. Đứa con gái lớn của thằng Hoàng không biết đến một con chữ, đến khi nó lấy chồng sinh con thì con của nó cũng thế. Cuộc đời người lớn gắn với rác, giờ con nít nhà này cũng thế thôi!”. 

Hằng ngày, người dân trong hẻm vẫn bắt gặp cụ bà lọm khọm với cô con gái út và 2 đứa cháu nhỏ đi vào các con hẻm nhỏ khác, bới rác tìm phế liệu.

Chia tay gia đình cả bốn đời gắn với “rác” khi mặt trời dần xế bóng. Chúng tôi bắt gặp những bóng người lố nhố đi nhặt nhạnh ve chai trở về xóm nghèo nhỏ ở cạnh nhà ông Hoàng. Tiễn khách ra về ông nói vội: “Chúng tôi cũng muốn chuyển nghề, nhưng học hành chẳng có, nghỉ cái nghề này chả biết làm nghề gì để tự nuôi bản thân huống hồ là lo cho tương lai của tụi nhỏ. Cảnh nghèo cứ bám lấy chúng tôi bao đời nay vẫn thế”.

Trao đổi với PV, bà Trần Thị Bạch Phấn (tổ trưởng khu phố 13, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) cho biết, ông Nguyễn Văn Hoàng có gia cảnh khó khăn nhưng chưa bao giờ vi phạm pháp luật. Ông đã được công an phường Bình Trị Đông, UBND Quận Bình Tân nhiều lần trao tặng bằng khen vì ông là một trong những nhân tố tích cực trong phong trào toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày