Chuyên gia "săn đầu người" Thạc Thắng: "Nhiều người hỏi tôi vì sao sinh viên ra trường giờ thất nghiệp nhiều thế?"

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 00:08 09/01/2016

"Tôi cũng không trả lời được rõ ràng nhưng tôi nghĩ một phần là do càng học lên cao, các bạn càng yêu cầu có một công việc cao hơn, trong khi đó lại ít kinh nghiệm nên khó tìm được việc ưng ý..."

Những nỗi khổ ít người biết về "thợ săn" nhân tài

Nhìn vào gương mặt trẻ trung, ít ai nghĩ, chàng trai 27 tuổi này đã có gần 6 năm kinh nghiệm trong giới headhunter và hiện đang là Giám đốc chi nhánh tại Hà Nội của công ty tư vấn tuyển dụng nhân sự First Alliances, thuộc tập đoàn lớn của Nhật Bản.

Chuyên gia săn đầu người Thạc Thắng: Nhiều người hỏi tôi vì sao sinh viên ra trường giờ thất nghiệp nhiều thế? - Ảnh 1.

Nguyễn Thạc Thắng, một du học sinh thành công sau khi về nước và lên làm "sếp" khi tuổi đời còn khá trẻ.

Gần 6 năm trước, sau khi tốt nghiệp ĐH Kent tại Vương quốc Anh, trở về nước, anh Thắng quyết định theo đuổi đam mê trở thành một "thợ săn" nhân tài chuyên nghiệp. Headhunter khi ấy vẫn còn là một nghề khá mới lạ tại Việt Nam.

Vì là nghề mới lạ nên nhiều người lầm tưởng rằng "thợ săn" nhân tài là nghề chỉ cần "buôn nước bọt" mà kiếm tiền "khủng", chọn cho doanh nghiệp một người giỏi, ở vị trí phù hợp là xong việc. Và, vì nó quá dễ dàng như thế, nên chuyện một anh chàng 27 tuổi có thể thăng tiến tới vị trí Giám đốc cũng không có gì lạ.

Thế nhưng đó hoàn toàn là những suy nghĩ sai lầm. Đối với anh Thắng, headhunter là một nghề khó khăn, vất vả và nhiều thách thức.

Chuyên gia săn đầu người Thạc Thắng: Nhiều người hỏi tôi vì sao sinh viên ra trường giờ thất nghiệp nhiều thế? - Ảnh 2.

Làm một "thợ săn đầu người" đã khó nhưng anh Thắng tạo dựng được uy tín riêng cũng bởi anh chuyên thực hiện các cuộc săn tìm nhân sự cấp cao cho nhiều doanh nghiệp.

Anh Thắng chia sẻ: "Nghề nào để vươn tới thành công cũng cần trải qua khó khăn. Đối với nghề tư vấn tuyển dụng nhân sự thì theo tôi, để theo được nghề này, cần có lòng kiên trì rất lớn".

Anh cho biết, có những vị trí, anh mất gần một năm trời mới có thể hoàn thành. Đôi lúc tưởng như đã nắm chắc phần thắng trong tay rồi nhưng ứng viên hay khách hàng lại thay đổi quyết định chớp nhoáng.

"Cũng có những khách hàng, dẫu bị ứng viên từ chối vẫn kiên quyết phải tuyển được chỉ mình người ấy. Điều đó thực sự là thử thách thú vị đối với cánh "thợ săn".

Chuyên gia săn đầu người Thạc Thắng: Nhiều người hỏi tôi vì sao sinh viên ra trường giờ thất nghiệp nhiều thế? - Ảnh 3.

Anh Thắng chia sẻ, hồi mới vào công ty làm việc, anh phải mất ít nhất 6 tháng nỗ lực không ngừng để chứng tỏ năng lực bản thân. Ảnh: Thu Hường.

Không hề tồn tại công việc nhàn, lương "khủng"

Theo anh, nhân sự khi đã ở vị trí cấp cao tại các doanh nghiệp thường có chuyên môn tốt, công việc ổn định với mức thu nhập khá trở lên. Vì thế, việc thuyết phục họ thay đổi việc làm không hề dễ dàng. Nhất là trong thời buổi hiện nay, khách hàng ngày càng yêu cầu cao ở ứng viên nhưng không phải lúc nào cũng sẵn sàng bỏ ra mức lương "trên trời" để tuyển dụng.

Chuyên gia săn đầu người Thạc Thắng: Nhiều người hỏi tôi vì sao sinh viên ra trường giờ thất nghiệp nhiều thế? - Ảnh 4.

Anh Thắng cho rằng, headhunter chính là người kết nối giữa khách hàng và ứng viên, giúp tư vấn, thuyết phục cả hai bên để đi đến những thống nhất chung giữa yêu cầu và quyền lợi liên quan đến việc làm.

"Khi ấy, vai trò của headhunter là phải thuyết phục được ứng viên đồng ý. Đối với họ, ở từng giai đoạn trong cuộc đời sẽ có những mong muốn khác nhau, ví dụ như môi trường làm việc, cơ hội học hỏi, phát triển các kỹ năng hay mức lương".

Thoạt nghe, nhiều người nghĩ ứng viên có "đặc quyền" nhưng không phải. Bản thân họ khi vươn tới vị trí cao cấp, họ đã trải qua một con đường không hề bằng phẳng. "Cá nhân tôi cho rằng, việc khó mới cần trả lương cao, nhưng đã khó thì không thể nhàn. Chúng ta không nên chỉ nhìn vào bề nổi công việc mà phán xét nhân sự cấp cao là "chảnh" hay đang sở hữu trong tay cái gọi là việc nhàn, lương khủng".

Chuyên gia săn đầu người Thạc Thắng: Nhiều người hỏi tôi vì sao sinh viên ra trường giờ thất nghiệp nhiều thế? - Ảnh 5.

Anh Thắng đi du lịch cùng đồng nghiệp trong công ty.

Ngoài việc "săn tìm" nhân sự giỏi cho khách hàng, công việc của anh còn giúp tư vấn việc làm, định hướng nghề nghiệp cho các ứng viên. Anh còn thường xuyên tham gia nhiều buổi hội thảo, nói chuyện, tư vấn việc làm cho các bạn trẻ.

Ấn tượng của anh qua các lần tiếp xúc đó là các bạn trẻ bây giờ rất năng động. Nhưng bên cạnh đó, khác với các nhân sự cấp cao là những người hiểu rõ mình cần gì và có kinh nghiệm làm việc, nhiều bạn trẻ hiện đang có điểm yếu là chưa biết rõ định hướng nghề nghiệp của mình cũng như còn non yếu các kỹ năng mềm, quá chú trọng vào vấn đề bằng cấp.

"Nhiều người hỏi tôi vì sao sinh viên mới ra trường giờ thất nghiệp nhiều thế? Tôi cũng không trả lời được rõ ràng nhưng tôi nghĩ một phần nguyên nhân là do càng học lên cao, các bạn càng có yêu cầu một công việc cao hơn trong khi lại ít kinh nghiệm nên khó tìm được việc ưng ý".

Chuyên gia săn đầu người Thạc Thắng: Nhiều người hỏi tôi vì sao sinh viên ra trường giờ thất nghiệp nhiều thế? - Ảnh 6.

Anh Thắng chụp ảnh cùng các đồng nghiệp trong một sự kiện do công ty tổ chức.

"Trong những buổi nói chuyện với sinh viên trẻ, dù các bạn có mơ tìm được việc nhàn lương cao, tôi vẫn rất tôn trọng điều ấy. Tôi nghĩ không phải bỗng nhiên họ mơ như thế. Thứ nhất, đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố từ nhận thức về bản thân, sự định hướng của gia đình, ảnh hưởng từ phim truyện, sách báo trong một khoảng thời gian nhất định. Thứ hai, đó là ước muốn riêng của họ nên cần phải được tôn trọng.

Tuy nhiên, ở góc độ là nhà tư vấn, tôi sẽ giúp các bạn hiểu, thị trường lao động hiện nay ra sao, doanh nghiệp đang chờ đợi điều gì từ các ứng viên và họ sẽ trao nghề lương "khủng" cho những nhân sự như thế nào. Tôi kể cho họ nghe các ví dụ cụ thể và tôi nghĩ, điều ấy ít nhiều ảnh hưởng đến nhận thức của họ".

Chuyên gia săn đầu người Thạc Thắng: Nhiều người hỏi tôi vì sao sinh viên ra trường giờ thất nghiệp nhiều thế? - Ảnh 7.

Dù được nhiều người đánh giá là "thợ săn" chuyên nghiệp nhưng anh Thắng luôn cho rằng, bản thân anh vẫn còn nhiều điều phải học hỏi, cố gắng. Ảnh: NVCC

Theo anh Thắng, những sinh viên trẻ muốn tìm được một công việc tốt thì trước hết, họ phải có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, biết rõ mình cần gì. Thứ hai là xây dựng cho mình một thái độ sống và làm việc tích cực. Thứ ba là phải nhận thức đúng về năng lực bản thân. Thứ tư là cố gắng trau dồi kỹ năng mềm, kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm làm việc.

"Tôi thấy các bạn trẻ Việt Nam rất thông minh nhưng các kỹ năng như phỏng vấn hay viết CV còn yếu. Nhìn chung các bạn không nên nặng nề chuyện bằng cấp lắm mà nên xem năng lực và kiến thức mình thật sự đang có là gì. Các bạn cũng nên suy nghĩ thực tế hơn thay vì thái độ trông chờ hay ước mong cao xa quá. Riêng đối với tôi, dù đã ở vị trí quản lý nhưng tôi luôn thấy mình có cả một khoảng trời cần cố gắng, học hỏi".

Nguyễn Thạc Thắng (SN 1989, Hà Nội).

Năm 2010, anh tốt nghiệp ĐH Kent, chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Vương quốc Anh.

Trở về nước, anh quyết định chọn theo đuổi công việc tư vấn tuyển dụng nhân sự cấp cao.

Trải qua 3 lần thay đổi nơi làm việc, hiện nay, anh đang là Giám đốc chi nhánh cho công ty chuyên về tư vấn tuyển dụng nhân sự nổi tiếng tại Việt Nam  - First Alliances.

Thạc Thắng được những người trong nghề đánh giá là có kinh nghiệm vững chắc trong lĩnh vực của mình, có mạng lưới quan hệ rất rộng; tính cách cởi mở và dễ chia sẻ. 

 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày