Mới đây, bản tin thị trường lao động quý III/2015 do Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố hôm 24/12 ghi nhận cả nước có hơn 1,1 triệu lao động thất nghiệp. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 14 - 24 tuổi tăng từ 6,7% lên 7,3%, cao hơn 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước, đặc biệt là ở thành thị.
Cử nhân và thạc sĩ chiếm tỷ lệ thất nghiệp 20% (225.500 người). Theo đánh giá, số lượng cử nhân, thạc sĩ không có việc làm gia tăng đáng kể so với con số 199.000 người của quý trước. Bên cạnh đó còn có 117.300 người có trình độ CĐ cũng đang thất nghiệp, tăng rất nhiều và nhanh so với vài tháng trước đây.
Lý do khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng có rất nhiều yếu tố tác động, nhưng ở góc nhìn của nhiều nhà tuyển dụng, một trong những nguyên nhân lớn khiến các bạn trẻ không thể tự tìm việc làm sau khi ra trường cũng bởi họ đã nuôi giấc mơ "việc nhàn, lương cao" quá dài.
Mỗi năm, tại Việt Nam có tới hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp.
Để hiểu thêm nhìn nhận của các nhà tuyển dụng về giấc mơ "việc nhàn, lương cao" của giới trẻ, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với CEO Phương Bùi và CEO Trần Quân.
- Phương Bùi (tên khai sinh là Bùi Thị Phương, SN 1989). Cô đang là CEO - chủ tịch hội đồng quản trị hệ thống trung tâm Anh ngữ Aten gồm 12 cơ sở tại Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Vì đam mê kinh doanh, cô gái trẻ này đã khởi nghiệp từ năm thứ nhất bằng việc mở Shop thời trang. Cô từng bỏ ngang ĐH Ngoại thương khi chỉ còn một thời gian ngắn nữa là tốt nghiệp. Bằng tài năng và trí tuệ của mình, Phương Bùi đã chứng tỏ mình là một người phụ nữ bản lĩnh với thành tích khởi nghiệp rất ấn tượng.
- Trần Quân (SN 1989, quê Ứng Hòa - Hà Nội), từng tốt nghiệp Đại học Kinh Doanh & Công Nghệ Hà Nội sau đó trúng tuyển bậc Ths của ĐH Kinh tế Quốc Dân nhưng anh đã bỏ ngang khi chỉ còn vài tháng tốt nghiệp để theo đuổi đam mê.
Hiện anh đang là CEO, Giám đốc chuỗi 5 cửa hàng thực phẩm sạch uy tín tại Hà Nội.
"Việc nhàn là khi thấy mình thật sự thích công việc đang làm"
CEO Phương Bùi bắt đầu nói về giấc mơ việc nhàn lương cao bằng một câu chuyện khá thú vị. Cô kể lại, có một dây chuyền máy móc bỗng nhiên ngừng hoạt động, khiến nhà tư bản công nghiệp thiệt hại hàng triệu đô-la mỗi ngày. Ông quyết định thuê một chuyên gia về sửa chữa nó. Vị chuyên gia đến, lấy ra một cái tuốc nơ vít, siết một con ốc, và hệ thống chạy trở lại bình thường. Hóa đơn thanh toán: 10.000 đô-la.
Nhà tài phiệt cảm thấy tức giận và đòi một hóa đơn chi tiết. Ông chuyên gia rất vui vẻ, ghi giá của từng phần việc mình đã làm: 1. Vặn một con ốc, giá 1 đô-la; 2. Biết phải vặn con ốc nào, giá 9.999 đô-la.
Phương nói cô đã từng rất thích câu chuyện này vì nó phản ánh rất đúng giấc mơ "việc nhàn, lương cao" của không ít bạn trẻ. Ai cũng muốn được làm người chuyên gia kia, sẽ phải làm việc rất ít mà lại được hưởng công rất nhiều.
Phương Bùi hiện đang là Chủ tịch hội đồng quản trị trung tâm Anh ngữ Aten.
Thế nhưng cái khó là ở chỗ biết "phải vặn con ốc nào". Xã hội vẫn luôn có những công việc nhẹ nhàng, lương cao dành cho những ai biết mình cần phải làm gì, trong khi người khác lại không biết. Mức giá mà nhà tài phiệt phải trả cho vị chuyên gia kia không nằm ở khối lượng công việc mà do hiệu quả mà nó đem đến.
"Tuy nhiên để đạt đến mức độ ấy, tôi nghĩ vị chuyên gia đã tốn không ít công sức học tập, rèn luyện bản thân, biết làm việc theo tư duy, kiến thức và kinh nghiệm đúc kết được, biết tự chủ được bản thân và nắm rõ mục đích mình cần gì. Đó là những người thực sự có năng lực và mức lương cao là một sự đền đáp hoàn toàn xứng đáng với họ", Phương Bùi phân tích.
Để có được thành công ngày hôm nay, Phương Bùi tin rằng, cô đã phải nỗ lực rất nhiều. Với cô, thành công nào cũng cần sự đánh đổi và có một "cái giá" riêng.
"Tuy nhiên, cũng có một giấc mơ việc nhàn, lương cao khác mà tôi dám chắc rằng có nhiều bạn trẻ mơ đến hơn. Đó là mơ mình không phải học, không phải làm gì nhiều nhưng vẫn có nơi an nhàn, lĩnh lương hậu hĩnh. Những người này thì tôi không còn gì để bàn luận vì thực sự giấc mơ của họ là quá xa lạ với tôi".
Mỗi ngày Trần Quân phải làm rất nhiều việc, từ gặp gỡ khách hàng, xây dựng chiến lược kinh doanh cho đến cả việc bắt tay vào làm công việc dành cho nhân viên cấp dưới như thế này.
Nhưng anh nói, điều ấy làm anh thấy rất hạnh phúc vì anh nghĩ "việc nhàn tại tâm".
Đồng tình với ý kiến này, CEO Trần Quân tâm sự: "Bản thân tôi cũng là người đi lên từ đôi bàn tay trắng, từ nhân viên rồi lên đến cấp quản lý và làm CEO, tuyển dụng, đào tạo nhân sự. Cá nhân tôi cho rằng, mọi thứ đều có giá của nó, nếu chúng ta không chịu cố gắng làm việc thì sẽ không thể an nhàn mà ngồi nhận lương được vì chẳng có con đường nào lại phủ toàn hoa hồng như thế.
Hơn nữa, việc có nhàn hay không còn là do tâm mỗi người. Hàng ngày, tôi rất bận rộn vì nhiều đầu việc, từ gặp gỡ khách hàng cho đến đối tác, lập kế hoạch kinh doanh nhưng tôi không bao giờ cảm thấy vất vả. Tôi thấy mình rất nhàn bởi vì tôi đang làm công việc mà mình yêu thích".
"Chúng tôi đã từng rất thất vọng khi biết về giấc mơ "lạ" của nhiều bạn trẻ"
Phương Bùi chia sẻ, trước đây cô từng tham gia trực tiếp vào việc tuyển dụng nhân sự của công ty, Cô đã phỏng vấn hàng trăm người nhưng không lâu sau đó đã phải giao cho người khác vì cảm thấy quá thất vọng trước sự kì vọng mơ hồ của các bạn sinh viên mới ra trường vào công việc trong khi bản thân họ chưa biết có thể làm được gì cho tổ chức.
"Rất nhiều người tìm đến xin phỏng vấn và họ làm tôi thấy thất vọng khi hầu như ai cũng mơ được làm ở một môi trường tốt, ít cạnh tranh, cơ hội thăng tiến nhiều và lương cao trong khi nhìn lại thì bản thân thiếu đủ thứ, từ năng lực chuyên môn cho đến các kỹ năng mềm", Phương Bùi nói
Cô cho biết, đối với một nhà tuyển dụng, tiềm năng họ nhìn thấy ở một nhân viên không hoàn toàn xuất phát từ năng lực hiện có mà là do tính cách, phẩm chất và định hướng tương lai của nhân viên đó.
"Kỹ năng, kinh nghiệm là những thứ có thể đào tạo được và hầu như ai mới ra trường cũng thiếu những điều ấy. Nhưng điều làm nên sự khác biệt là tinh thần học hỏi, chăm chỉ, khả năng vượt khó, luôn biết mình đang đứng ở đâu và mình cần gì. Những nhân sự như thế, tôi cho là họ sẽ có rất nhiều khả năng phát triển. Trong khi đó, những người luôn mơ mộng, chờ đợi một công việc đem lại thu nhập cao nhưng lại không muốn hao tổn tâm sức thì sẽ mãi mãi không bao giờ tiến bộ được", Phương chia sẻ.
Người mới đi làm, mới ra trường có thể yếu kém về kỹ năng nhưng nếu suy nghĩ của họ cũng không đúng nữa thì không thể đào tạo được. Tôi không thể giúp họ và không ai có thể giúp họ được", Trần Quân khẳng định.
Tương tự, Trần Quân cho biết, anh đã từng đánh trượt không ít ứng viên ngay từ phút thứ 3 của cuộc phỏng vấn khi nhận ra họ đang nuôi giấc mơ đi làm chỉ vì cái gọi là "việc nhàn, lương cao".
"Những người nuôi "hoa mộng" ấy, họ phải trải qua chuyện bị đào thải, bị thất nghiệp ê chề thì mới có thể tự thấu hiểu được sai lầm của mình".
Theo anh, thói lười lao động và tham lam chính là nguyên nhân chính khiến các bạn trẻ lâm vào cảnh thất nghiệp, nhàn rỗi thời gian. "Thích việc nhàn, lương cao là biểu hiện của sự lười biếng và tham lam. Cá nhân tôi ngay từ khi ra trường, bắt tay vào kinh doanh thì thấy mình có hàng tá việc phải làm. Vì thế, tôi nghĩ, thành công chỉ đến với những ai biết chăm chỉ và dám đi con đường mình tin là đúng".