Tai nạn bất ngờ
Chúng tôi tìm về Hà Tĩnh vào một ngày cuối năm Nhâm Thìn, nghe câu chuyện về chàng trai Phạm Sỹ Long làm cho những bước chân sải nhanh hơn trên con đường.
Dừng chân đầu xã Xuân Phổ hỏi thăm nhà chàng trai tật nguyền Phạm sỹ Long ai cũng biết. Ấn tượng đầu tiên khi bước vào nhà của gia đình Long là hình ảnh một chàng trai trẻ bị liệt toàn thân đang nằm bất động trên giường vẫn đang mải mê dùng miệng vẽ từng bức tranh, viết những dòng chữ thẳng tắp. Quanh bức tường căn phòng nơi chàng trai trẻ nằm là những bức tranh đang thơm mùi mực.
Ngày ngày, Long luôn nằm vẽ tranh viết chữ. Chưa kịp bắt chuyện thì chàng trai đã cất tiếng nhỏ nhẹ tự xưng mình chính là Long rồi mời khách ngồi chơi thông cảm cho mình không ngồi dậy pha nước tiếp chuyện. Vừa cặm cụi thực hiện nốt bức tranh đang dang dở, Long vừa kể về cuộc đời, về công việc về gia đình và mối tình đẹp mà mình đang ấp ủ trong một cuộc trò chuyện xen lẫn niềm vui và nỗi buồn của một chàng trai nghị lực vượt qua mọi hoàn cảnh.
Phạm Sỹ Long (SN 1988) là con trai duy nhất trong gia đình nhà nông có 4 anh em. Với tố chất thông minh nhanh nhẹn, Long là niềm hi vọng của bố mẹ, người thân. Nhưng rồi cuộc đời trớ trêu khi một tai nạn bất ngờ ập đến khiến cậu học trò đã bỏ lỡ giấc mơ hoài bão khi bị tàn phế suốt đời.
Những bức tranh do Long vẽ. Gạt dòng nước mắt lăn trên đôi má, Long nhớ lại: Một buổi chiều tháng 9/2003 đi chăn trâu cùng chúng bạn trong làng, mải vui đùa nên Long trèo lên cây phi lao để chơi, không may bị tuột chân rơi từ trên cây xuống đất bị chấn thương. Bác sỹ kết luận Long bị gãy 2 đốt cổ đèn, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có tiền để mổ kịp thời. Mãi sau gần một tuần vay mượn được tiền để đi phẫu thuật thì đã quá muộn nên từ đó Long đã trở nên tàn phế vĩnh viễn. Cơ thể Long đã bị liệt hoàn toàn nằm bất động một chỗ.
Cũng từ đây cuộc đời của chàng trai trẻ đã rẽ sang một hướng khác mịt mờ. Chiếc giường và chiếc xe lăn đã là người bạn tri kỷ của Long suốt đời.
Ngày tháng trôi qua Long chỉ nằm một chỗ, kể cả việc vệ sinh cá nhân cũng phải có mẹ đỡ đần túc trực. Long chỉ có thể ngồi đựơc trên xe lăn một lúc cho đỡ mỏi rồi lại nằm tiếp bởi tay chân của Long đã bị teo tóp và không cử động được.
Bà Trần Thị Hà (53 tuổi, mẹ của Long) rơm rớm hai hàng nước mắt kể: "Cũng chỉ vì hoàn cảnh gia đình lúc đó khó khăn quá, không kịp thời đưa thằng Long đi phẫu thuật nên nó mới bị tàn phế. 9 năm qua tôi luôn phải túc trực bên con để chăm sóc miếng ăn, lo cho giấc ngủ. Nhiều hôm Long nó thấy mẹ vất vả vì nó quá nên nó đã nghĩ đến cái chết, muốn buông xuôi tất cả để khỏi phải làm khổ bố mẹ, những lúc như thế cả hai mẹ con lại ôm lấy nhau mà khóc. Nhờ bố mẹ nhiều lần khuyên bảo con đừng làm điều gì dại dột và Long đã suy nghĩ thấu đáo để vượt lên cuộc sống..."
Nghị lực
Chuỗi ngày đằng đẵng chỉ biết tủi cực, đau khổ cho cơ thể của mình đã thôi thúc Long muốn làm một việc gì đó có ích.
Ngồi bên Long khi anh đang miệt mài tô những đường nét trên bức tranh, tôi mới thực sự cảm nhận được tài năng và nghị lực của Long. Những bức tranh mà người bình thường dùng tay để tô màu cũng khó đạt được độ tinh như Long đang dùng miệng để cặp cây bút uyển chuyển đưa đi đưa lại ngang dọc trên bức tranh.
Hàng chục những bài thơ, bài hát cải biên do Long sáng tác. Khi tôi hỏi về manh nha ý tưởng dừng miệng để viết thơ, vẽ tranh? Long hồi tưởng: "Tình cờ một hôm (năm 2009) đang ngồi trên chiếc xe lăn để xem tivi thì có chương trình trên VTV nói về khả năng kỳ diệu của một người đàn ông ở nước ngoài có số phận không may mắn khi bị bại liệt chân tay nhưng có thể dùng miệng để viết chữ. Tôi chợt nhận ra số phận của người đó giống hệt như mình, tại sao người đó làm được mà mình lại không thử sức? Tôi đã bảo mẹ mua giấy bút về để bắt đầu luyện tập...".
Từ ngày đó trong con người của Long như có một bản năng tiềm ẩn đã bắt đầu đến lúc trỗi dậy, Long chỉ khao khát mình có thể vượt lên chính mình để làm được một điều gì đó ý nghĩa, có ích.
"Lúc thằng Long bảo tôi mua cho nó mấy cái bút và tập giấy về để nó học viết, học vẽ thì tôi cữ nghĩ là nó nói đùa. Nhưng sau đó Long nhất quyết nên tôi cũng chiều theo ý của con. Những ngày đầu nó hì hục cả ngày để luyện tập, cứ mỗi lần thấy con ngậm cái bút lên miệng để tập viết nhưng bút lại cứ rơi xuống đất mà tôi rơi nước mắt. Nhưng những lúc như thế Long càng miệt mài luyện tập, có những hôm đến giờ ăn cơm mà cũng nhịn để luyện tập...", bà Hà kể.
Bài thơ của Long sáng tác. Quả thật, nghĩ thì dễ làm thì khó ngàn lần. Với một người bình thường lành lặn khỏe mạnh mà thử ngậm bút vào miệng ngồi viết đã khó bội lần và chưa mấy ai có thể thực hiện được. Một người toàn thân bại liệt, chân tay bất động như Long chỉ nằm ẹp trên giường ngóc cao đầu dậy để ngậm bút viết có lẽ còn khó vạn lần. Thế mà Long đã tập và quyết tâm tập cho kỳ được.
Long kể về giai đoạn đầu khi bắt đầu tập ngậm bút: "Ròng rã một tuần đầu, cứ ngậm bút lên để tập viết là hai hàm răng lại đau tê, bút cứ rơi, cổ thì mỏi không chịu nổi. Rồi đến việc đặt nét bút để viết thì khó gấp trăm lần, có ngày phải đến hàng trăm tờ giấy bị bỏ đi. Do ngậm bút nhiều và chưa quen nên đến giờ ăn thì hai hàm răng đau buốt không nhai nổi cơm...", Long nhớ lại.
Làm thơ, vẽ tranh bằng… miệng
Khó và vất vả nhưng không thể ngăn nổi nghị lực của chàng thanh niên tật nguyền. Sau hơn một tháng quên ăn quên ngủ Long đã bắt đầu tạo được những dòng chữ đầu tiên tròn trĩnh trên những trang giấy. Mỗi ngày nâng thành tích viết chữ của mình lên một chút, rồi dần dần thành quen Long đã viết những nét chữ một cách gọn gàng thẳng hàng như người bình thường, không những thế nét chữ của Long còn sạch đẹp rõ ràng. Nếu nhìn bình thường không ai dám nghĩ nét chữ của Long lại được viết bằng những ngòi bút được ngậm từ miệng.
Long trên chiếc xe lăn trong một lần được người thân đưa đi chơi.
Viết chữ thành thạo cơ bản, Long bắt đầu chuyển sang tập vẽ tranh bằng bút chì, bút lông... rồi tất cả đã không phụ lòng say mê của chàng trai tật nguyền. Từng ngày những nét vẽ của Long lại một mượt mà sắc sảo.
Vốn có tố chất thông minh học giỏi từ bé nên Long đã sáng tác được nhiều bức tranh sinh động ghi lại cảnh sinh hoạt của người dân quê, những cánh đồng lúa, những bông hoa, cánh cò, lũy tre, hàng cau trước sân...
Tiếng lành đồn xa về tài vẽ tranh của Long, nhiều người tìm đến xem, có người thấy đẹp đã ngỏ ý muốn mua tranh của Long về treo nhưng Long không bán. Anh miệt mài ngày đêm vẽ ra hàng chục bức tranh tặng cho những ai thật sự đam mê và thích thú tranh của mình.
Điều làm mọi người nể phục nhất có lẽ là tài sáng tác thơ của Long, chỉ tính riêng trong vòng 3 năm trở lại đây Long đã sáng tác gần 50 bài thơ tình yêu, cuộc sống và con người. Những vần thơ sâu sắc, thấm đậm ý nghĩa cuộc sống hiện tại với những nỗi lòng không biết tỏ cùng ai. Trong số đó, có nhiều bài thơ giải bày về chính số phận, nghị lực của bản thân mình khiến nhiều người đọc phải rơi nước mắt như bài "Ca khúc cho người tật nguyền"; "Mất ngủ"; "Lời hứa gió bay"....
Long còn sáng tác một số bài hát như "Ánh trăng đêm rằm"... Viết vẽ thành thạo, Long còn tập dùng miệng để bấm điện thoại, bấm điều khiển ti vi, lấy đồ... và làm nhiều việc khác…
Chia tay Long chàng trai tật nguyền đa tài, tôi được Long bật mí kể về mối tình trong sáng đẹp đẽ như chuyện cổ tích của mình đang ấp ủ: mới đây có cô bạn gái là sinh viên ở một trường Đại học miền Nam tình cờ biết nghị lực và hoàn cảnh của Long đã tìm cách liên lạc. Hai người rất đồng cảm chia sẻ niềm vui nỗi buồn…
Mặc dù vậy nhưng Long cũng đang giấu trong lòng mình mà chưa muốn công khai với mọi người về người yêu của mình, lý do là bạn gái của Long đang học và chưa xin được việc, còn Long thì chỉ nằm một chỗ. Long sợ những khó khăn đó sẽ làm hai bạn không thể vượt qua nổi.
Tôi chia tay Long mà lòng thầm cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với Long một người vượt lên số phận…
Bài thơ: “Tình yêu dối lừa” mà Long viết tặng cô bạn gái đồng cảm với sốn phận của mình: "Trước khi quen anh thì em đã biết Anh là người bị liệt toàn thân Không e ngại em đã gọi điện làm quen
Anh bất ngờ khi nhận được phôn em
Vì bối rối nên nhiều lần nói lắp
Em không trách mà cũng chẳng chê anh
...".
(Bài: Tình yêu dối lừa) |