Cảm phục người thầy đặc biệt viết chữ bằng miệng

Hoàng Phong, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 08/11/2012

Từ một người tàn tật, chàng thanh niên đã khổ luyện để viết được chữ bằng miệng và trở thành người thầy giáo đặc biệt nơi thôn nghèo.

Nghị lực và những điều kì diệu 

Tìm về thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội, vừa hỏi thăm nhà anh Phùng Văn Trường đã được người dân đã chỉ tận tình: “Có phải anh Trường bị liệt tay liệt chân mà viết chữ bằng miệng đẹp lắm phải không chú?”. Khắp thôn, không ai không biết đến hình ảnh chàng thanh niên tàn tật, ngày ngày vẫn kèm cặp những em học sinh nghèo trong thôn học tập sau giờ tới trường của các em.

Gặp Anh Phùng Văn Trường trong căn nhà nhỏ, anh đang ngồi soạn bài để chuẩn bị ca học buổi chiều cho các cháu nhỏ trong thôn. Nhưng trang giáo án đơn sơ, mộc mạc vẫn được soạn ra không phải bởi tay của một người thầy giáo, mà bằng chính miệng của chàng thanh niên tàn tật Phùng Văn Trường. 


Cùng xem thầy giáo đặc biệt viết chữ bằng miệng


Cảm phục người thầy đặc biệt viết chữ bằng miệng 1
Anh Phùng Văn Trường làm bạn với chiếc xe lăn từ nhỏ

Anh Phùng Văn Trường (SN 1979), anh sinh ra là một đứa trẻ khỏe mạnh, phát triển bình thường như bao trứa trẻ khác trong thôn Nhân Lý. Mãi đến năm lên 3 tuổi, anh vẫn chưa đừng dậy được, tay chân bị liệt và không nắm được vật gì. Chạy vạy khắp nơi, gia đình đưa anh Trường tới bệnh viên khám thì được biết chân và tay của anh đều bị liệt. 

Lúc này, đôi tay anh Trường vẫn cử động được nhưng rất yếu và cấm nắm các vật rất khó. Với nghị lực của bản thân và sự động viên của gia đình, anh Trường vẫn đi học bình thường. Đến năm lớp 8, bàn tay và chân của anh yếu hẳn, không thể cử động được nữa. Và cũng từ đó, chuyện học tập của anh đã phải gác lại.

Cảm phục người thầy đặc biệt viết chữ bằng miệng 2
Sau nhiều cố gắng, đến năm lớp 8 việc học của anh Trường đã phải gác lại do bệnh tật

Cảm phục người thầy đặc biệt viết chữ bằng miệng 3
Bàn tay của anh ngày càng yếu ớt và không thể cầm nắm được vật gì

Anh cho biết: “Đến năm lớp 8, tôi vẫn cố gắng chống nạng tới lớp, nhưng tay và chân quá yếu, bị ngã thường xuyên. Nhiều lúc đang cố bước tôi là ngã lăn ra sân trường. Đặc biệt, đôi tay không thể cầm nổi cây bút để viết. Từ đó, tôi không thể tới lớp được nữa”

Thương con bệnh tật, việc học giở dang, gia đình anh Trường tìm đủ mọi cách chữa trị, nhưng tất cả đều không mang lại hiệu quả. Anh chỉ cho tôi xem nhưng vết mổ trong các lần phẫu thuật ở tay và chân, nhưng anh vẫn phải chịu cảnh bại liệt suốt đời.

Không cam tâm trước số phận, anh Trường quyết tâm quay trở lại với cây bút. Nhưng đôi tay đã vô cùng yếu ớt, không còn nắm được cây bút nữa. Anh có ý định viết chữ bằng miệng. Và chàng trai tàn tật đã bắt đầu những ngày thags khổ luyện ngậm bút vào miệng để viết chữ.

Cảm phục người thầy đặc biệt viết chữ bằng miệng 4
Anh đã khổ luyện để có thể viết được bằng miệng

Cảm phục người thầy đặc biệt viết chữ bằng miệng 5

Cảm phục người thầy đặc biệt viết chữ bằng miệng 6
Cuối cùng, anh Trường đã viết thành thạo bằng việc ngậm bút vào miệng

“Khi ngậm bút vào miệng để viết, sẽ bị khuất tầm nhìn và khó nhìn thấy nét chữ” anh Trường chia sẻ những khó khăn khi bắt đầu với việc viết chữ bằng miệng. Anh miệt mài bên những trang giấy, ban đầu anh ngậm bút chì để viết. Những nét chữ nguệch ngoạc, khó đọc cũng không làm anh nản chí. “Nhiều hôm ngậm bút vào miệng lâu quá, bị đau và sưng lên, lại phải nghỉ mấy hôm mới tiếp tục luyện viết được” anh Trường chi se khi nhớ về những ngày tháng khổ luyện của mình.

Và cuối cùng, chàng trai đầy nghi lực đã viết thành thạo bằng miệng. Những nét chữ nhìn vào, không ai nghĩ rằng nó lại được viết từ cây bút ngậm vào miệng. Đến người thường, cầm bút bằng tay cũng khó viết được nét chữ tròn, đều và đẹp như anh.

Cảm phục người thầy đặc biệt viết chữ bằng miệng 7

Cảm phục người thầy đặc biệt viết chữ bằng miệng 8

Cảm phục người thầy đặc biệt viết chữ bằng miệng 9
Cùng chiêm ngưỡng những nét chữ đẹp mê hồn được viết bằng miệng

Số phận mỉm cười khi anh đã bén duyên với một người phụ nữ thôn kế bên là chị Ngô Thị Hường. Hai anh chị đã cưới nhau được hơn 3 tháng và đang sống trong căn nhà nhỏ giữa thôn Nhân Lý. “Nhà tôi rất thương tôi, hiểu và thông cảm cho số phận của tôi” anh Trường chia sẻ trong nụ cười hạnh phúc khi nói về mái ấm của mình. 

Bén duyên nghề giáo

Với nỗ lực của bản thân, anh Phùng Văn Trường đã trở lại với cây bút, trở lại với những trang viết như người bình thường. Và cũng chính từ đây, anh đã bén duyên với nghề giáo. Ban đầu, anh kèm cho mấy đứa cháu con nhà anh chị học. Các cháu đều học tiểu học nên việc hướng dẫn cũng không quá khó đối với anh Trường. Dần dần, những em nhỏ trong thôn sau giờ học trên lớp, lại tới nhà nhờ anh Trường kèm cặp cho. Anh tỉ mỉ soạn từng trang giáo án, từng bài tập viết, từng phép tính để các em được học chu đáo. 

Cảm phục người thầy đặc biệt viết chữ bằng miệng 10
Hiện tại, anh Trường kèm cho hơn chục cháu nhỏ trong thôn học

“Mỗi đêm, mình đều phải viết sẵn các bài tập viết và các phép toán để hôm sau hướng dẫn cho các cháu làm. Vì các cháu đều là học sinh tiểu học, nên việc rèn luyện chữ viết và học cách tính toán khá quan trọng” anh Trường cho biết. Các cháu nhỏ trong thôn tiến bộ khá nhanh nhờ sự kèm cặp nhiệt tình và tận tâm của anh Trường. Tiếng lành đồn xa, phụ huynh nhiều cháu nhỏ khác cũng đến nhờ anh Trường kèm thêm cho sau giờ học trên lớp.

Cảm phục người thầy đặc biệt viết chữ bằng miệng 11

Cảm phục người thầy đặc biệt viết chữ bằng miệng 12
Người thầy giáo đặc biệt vẫn miệt mài bên những trang giáo án và tận tụy với các cháu nhỏ

Tại lớp học của mình, ngoài những kiến thức phải học, anh Trường còn dạy cho học sinh của mình những bài học về nghị lực sống, về những cách để vượt qua khó khăn và vươn lên trong cuộc sống. Từ một chàng trai tật nguyền, tay chân không có khả năng cử động, nghị lực đã giúp anh trở thành một người có ích cho xã hội. Và hơn hết, anh thấy được ý nghĩa cuộc sống của mình. “Ai sinh ra cũng có số phận riêng. Tôi bị tật như thế này nhưng may mắn hơn nhiều người là đâu óc vẫn minh mẫn, bởi thế, tôi luôn cố gắng để là một người có ích cho gia đình và xã hội” anh Phùng Văn Trường chia sẻ những suy nghĩ của mình.

Thấy sự tận tâm của anh trong việc kèm cặp các cháu nhỏ học, các phụ huynh đều cảm động trước nghị lực của người thầy đặc biệt. Họ đề nghị anh Trường nhận chút tiền bồi dưỡng để trang trải cuộc sống hằng ngày và lo thuốc thang. Những đồng tiền làm ra từ chính mồ hôi, công sức tuy ít ỏi nhưng đã giúp anh Trường phấn chấn hơn trong cuộc sống. Hơn ai hết, anh là người hiểu rõ nhất giá trị của những đồng tiền đó. “Tàn nhưng không phế, không phải là người vô dụng là điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất” - anh Trường vui vẻ khi nói về công việc hiện tại của mình. 

Về những dự định tương lai, anh Trường cho biết đang muốn theo học môn Tiếng Anh để có thể về kèm cặp giúp các cháu trong thôn. Anh cũng không ngừng trau dồi kiến thức để có thể dạy các em nhỏ được tốt hơn.

Nghề giáo đến với anh từ những nổ lực của bản thân, từ sự cảm động của những người xung quanh về một con người không chịu khuất phục trước số phận. Chính anh, là bài học quý giá nhất cho những học sinh của mình noi theo. 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày