Chàng trai 20 tuổi suốt 3 năm tự nguyện phân luồng GT giờ cao điểm ở Hà Nội

Thành Nam, Theo Trí Thức Trẻ 09:42 22/05/2015
Chia sẻ

Hơn 3 năm nay, Thắng luôn tự nguyện làm công việc phân luồng giao thông vào mỗi giờ cao điểm ở ngã tư Quan Nhân – Cống Mọc (phường Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội).

Chàng trai 20 tuổi, Nguyễn Hoàng Thắng (phường Quan Nhân, Thanh Xuân) đang học lớp 6 tại Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân đã khiến nhiều người đi qua ngã tư Quan Nhân – cầu Cống Mọc cảm phục bởi sự nhiệt tình đáng nể của em. Bất kỳ thời tiết có nắng hay mưa, cứ vào giờ cao điểm Thắng đều đặn xuất hiện để phân luồng giao thông. 

Bắt gặp Thắng đang làm “nhiệm vụ” phân luồng giao thông vào giờ cao điểm buổi chiều ngày 21/5 tại ngã tư Quan Nhân – cầu Cống Mọc. Vì nhiều lý do như: đường hẹp, phân luồng giao thông chưa rõ ràng, không có đèn tín hiệu, mật độ giao thông đông… khiến nút giao này luôn trong tình trạng ùn tắc, phường Nhân Chính cũng thường xuyên cắt cử nhiều người trong tổ tự quản trật tự phường điều tiết giao thông ở đây. 

Nguyễn Hoàng Thắng đang điều tiết giao thông tại ngã tư Quan Nhân - cầu Cống Mọc. 

Tại nút giao đông đúc, nhiều người thắc mắc về “đồng chí” Thắng bởi trang phục áo phông, quần vải, dép xốp khi cùng nhiều trật tự phường điều tiết giao thông. Tuy nhiên, đối với những người thường xuyên qua đây thì họ đã quen với sự hiện diện của Thắng với nụ cười thân thiện.

Không phải là thành viên của tổ tự quản trật tự phường nhưng Thắng luôn tham gia phân luồng giao thông mỗi ngày. 

Mặc cho những giọt mồ hôi đang lấm tấm trên khuôn mặt, Thắng vẫn thoăn thoắt đôi tay điều khiển các phương tiện đi theo hướng về cầu Cống Mọc. Tiếng còi đanh như lấn át toàn bộ tiếng ồn ào của xe cộ. Các phương tiện dừng, lưu thông theo tín hiệu của Thắng và những người trong tổ tự quản trật tự phường, hầu như không bao giờ xảy ra xung đột.

Chia sẻ về công việc của mình, Thắng cho biết, em làm công việc này chỉ vì thích và như một thói quen hàng ngày. “Em thường ra đây làm vào giờ cao điểm. Bắt đầu từ tháng 9/2014, em làm bảo vệ cho quán bia Quan Nhân nhưng chỉ chịu trách nhiệm điều khiển giao thông ở đây. Xong việc em lại về nhà, nhà em ở trong ngõ Quan Nhân”. 

Anh Nguyễn Văn Nam (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường xuyên phải đi lại trên đường Quan Nhân – cầu Cống Mọc này và luôn bắt gặp Thắng phân luồng giao thông ở đây. Lúc đầu cũng thấy hơi ngạc nhiên và nghĩ là có ai thuê Thắng nhưng một lần ngồi nói chuyện với mọi người ở quán nước ở đây mới biết Thắng làm việc này hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện và không ai bắt ép”.  

Thường xuyên nhìn thấy Thắng làm công việc phân luồng giao thông, anh Trịnh Chí Anh, nhân viên quán bia Quan Nhân cho biết: “Ngày nào tôi cũng thấy Thắng có mặt ở đây, chẳng kể nắng mưa hay Chủ nhật. Gần như là lúc nào có tắc đường là thấy Thắng ra phân luồng ngay”. 

Với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc mình làm, Thắng được nhiều người dân tại đây rất yêu mến. Hơn 3 năm làm quản lý tại quán bia đầu đường Quan Nhân, ông Mai Văn Dôi (64 tuổi, quê Ứng Hòa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất phục thằng bé Thắng này bởi sự nhiệt tình của nó. Sáng, trưa, chiều đều thấy nó ở đây. Có Thắng giao thông ở đây cũng bớt ùn tắc đi nhiều. Đặc biệt, có những ngày không có các đồng chí tổ tự quản trật tự phường tới nhưng một mình Thắng vẫn phân luồng giao thông được tốt”. 

Cũng theo ông Dôi, nhiều ngày mưa to, Thắng vẫn một mình điều khiển giao thông ở đây. Bố Thắng ra gọi về nhưng Thắng vẫn không về. Cuối cùng, bố phải mang áo mưa ra để Thắng tiếp tục công việc của mình. Có ngày Thắng làm việc ở đây tới hơn 7h tối mới về nhà. 


Mặc dù không được đào tạo lớp nghiệp vụ nào nhưng, mọi điều lệnh phân luồng giao thông của Thắng đều rất chuyên nghiệp. 

Được biết, trước đó Thắng đi đến nhiều điểm ùn tắc giao thông khác ở phường Nhân Chính để phân luồng nhưng từ tháng 9/2014, Thắng được ông Đức (chủ quán bia Quan Nhân) “trả lương” 800.000 đồng/ tháng (số tiền này ông Đức muốn động viên Thắng chứ không phải trả công – PV) để chỉ phải phân luồng giao thông ở ngã tư này. Ngoài ra Thắng không bị ép buộc phải làm công việc này. 

Hòa nhã với mọi người, Thắng còn là người có tinh thần trách nhiệm cực cao, yêu công việc mình đang làm. Thế nhưng, công việc của Thắng đã từng gặp những rắc rối bởi những con người “lạ”. “Năm 2013, trong lúc Thắng đang phân luồng giao thông ở đây thì bị một thanh niên say rượu xông vào đánh. Mọi người đều chạy ra can ngăn và phẫn nộ với thanh niên kia. Trong năm 2014, Thắng cũng bị một người đàn bà vô lý chửi bới vì Thắng ngăn không cho xe đi khi đang phân luồng giao thông. Mọi người ở đây đều rất ủng hộ Thắng và cám ơn Thắng” – ông Dôi kể. 

Thắng luôn nghiêm túc và nhiệt tình với công việc mình đang làm. 

Được coi là người “đồng nghiệp” đặc biệt, Thắng luôn đồng hành cùng mọi người trong tổ tự quản trật tự phường Nhân Chính điều tiết giao thông. Thắng được đánh giá là người làm được việc và đã có đóng  góp đáng kể trong giảm ùn tắc ở ngã tư Quan Nhân – cầu Cống Mọc này. “Đứng trên phương diện cá nhân tôi hoan nghênh tinh thần vì cộng đồng của cháu Thắng. Thắng không được trả lương hay trả công về công việc mình đang làm này nhưng vẫn nhiệt tình tham gia. Thế nhưng, xét trên quy định, luật pháp việc làm của Thắng không được phép bởi Thắng không được đào tạo qua lớp nghiệp vụ nào. Trong trường hợp xảy ra chuyện không hay thì chúng tôi không biết giải quyết thế nào.” – ông Nguyễn Đình Tuấn, tổ tự quản trật tự phường Nhân Chính chia sẻ.  

Cũng theo ông Tuấn, trong hơn 1 năm làm việc cùng với Thắng thì chưa xảy ra sai sót gì. Thắng luôn phối hợp cùng các đồng chí trong tổ tự quản trật tự cùng điều tiết giao thông. “Chúng tôi đã nhiều lần đuổi Thắng về vì thấy vất vả, nắng nóng nhưng nó không về. Chắc là việc làm này đã ngấm vào máu nó mất rồi” – ông Tuấn hóm hỉnh nói. 

Trời mưa, Thắng vẫn miệt mài với công việc tự nguyện của mình. 

Theo tìm hiểu, Thắng đang học lớp 6 tại Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân. Thắng rất thích làm công việc phân luồng giao thông ngay từ khi còn nhỏ. Khi trên địa bàn phường có lễ hội đông đúc, các điểm giao thông ùn tắc Thắng đều có mặt. Mặc dù, Thắng đang được trả công 800.000 đồng/tháng nhưng đây không phải lý do để Thắng làm việc này. Số tiền em được nhận chỉ như một sự động viên và khích lệ chàng trai này tích cực hơn mà thôi.  

Việc làm của chàng trai 20 tuổi này khiến nhiều người phải cảm phục và ủng hộ. Không được thông minh, nhanh nhẹn như nhiều bạn đồng trang lứa nhưng Thắng được nhiều người yêu mến và tôn trọng bởi sự nhiệt huyết cống hiến của mình trong nhiều năm qua. 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày