Nhiều người nhắc về PGS.TS Nguyễn Duy Thăng là người đầu tiên ở Việt Nam chữa được ung thư bằng tế bào gốc, nhưng nói vậy chưa thật sự đúng. Với ung thư, không có khái niệm khỏi bệnh, lành bệnh. Người ta chỉ gọi là lui bệnh một phần và lui bệnh hoàn toàn. Dù vậy, những gì bác Thăng đã làm được với những bệnh nhân của mình là một điều kỳ diệu, một phép màu mà có lẽ những bệnh nhân đó đã không dám mơ trước khi đến bệnh viện TW Huế.
Ngày 25/6/2014, bệnh nhân Lê Thị Sau (52 tuổi, trú Thị xã Hương Thủy, tỉnh TT-Huế) được ra viện sau khi lành bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn cuối. Chị Sau là ca bệnh ung thư đầu tiên tại Việt Nam được ghép tế bào gốc thành công.
Ngày 21/11, bệnh nhân thứ hai là Trần Thị Thu (48 tuổi, phường Kim Long, TP Huế) với bệnh tương tự chị Sau - được chữa lành, ra viện.
Ngày 22/1/2015, bệnh nhân Nguyễn Thị Vui (58 tuổi, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế) bị ung thư tủy xương được chữa khỏi bằng tế bào gốc.
Ngày 13/2/2015, bệnh nhân Lê Thị Kiều Diễm (40 tuổi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) bị ung thư vú giai đoạn cuối di căn ung thư lên não, phổi, cột sống ra viện với phương pháp tương tự.
Đây là 4 trong 10 bệnh nhân trong đề tài cấp Nhà nước độc lập đầu tiên "Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng" được Bộ KH&CN cho phép riêng BV Trung ương Huế triển khai 2013 - 2015 và PGS.TS. Nguyễn Duy Thăng làm chủ nhiệm đề tài.
Tôi cảm thấy có một niềm vinh dự đặc biệt khi có thể được gặp gỡ bác Thăng tại Huế. Bác Duy Thăng gầy hơn tưởng tượng của tôi, làn da sạm đen lấm tấm những vết đồi mồi, giọng nói trọ trẹ ấm áp và nụ cười lúc nào cũng tươi rói.
Trong suốt buổi nói chuyện, bác thường đặt hai bàn tay gọn gàng lên nhau, thỉnh thoảng chỉnh lại tấm bảng tên trước ngực một cách cẩn thận. Bác bày tỏ ý muốn được xưng là "bác", thay vì "tôi" trong buổi phỏng vấn. "Ở đây, người ta gọi bác là bác. Bác là bác sĩ, gọi một cách thân mật như vậy". Bác cười tươi giải thích, chúng tôi làm sao có thể từ chối khác đi đây?
PGS.TS. Nguyễn Duy Thăng, PGĐ BV Trung ương Huế là bác sĩ đầu tiên tại Việt Nam chữa lui nhiều bệnh ung thư hoàn toàn bằng tế bào gốc.
Trong suốt những lần có cơ hội được gặp và nói chuyện với bác, điều tôi luôn cảm thấy đó là một niềm vui nhẹ nhàng được bác truyền đi tới những người xung quanh. Như thể, nếu bác không khoác áo blouse trắng và tôi không biết trước bác là Phó giám đốc của một bệnh viện, là người tìm ra cách chữa ung thư buồng trứng và ung thư vú - tôi sẽ nghĩ đây đơn giản là một người đàn ông đang sống những ngày tháng thật sự vui vẻ và bình yên . Đôi khi, trong lúc đi theo sau bác qua các hành lang của khu truyền máu, tôi băn khoăn không biết bác đã lấy đâu ra sức lực, niềm say mê tìm tòi không dứt, để vẫn nghiên cứu và học hỏi mỗi ngày.
Người cãi án tử cho bệnh nhân ung thư
Với các bệnh nhân ung thư, khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn thường không có cơ hội lui bệnh. Mâu thuẫn là ở chỗ, không nhiều người có khái niệm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. "Để có được ngày hôm nay, là nhiều thế hệ không làm được và bác cũng chứng kiến nhiều lần thất bại. Các bệnh nhân, cứ đến giai đoạn muộn là bệnh viện lại trả về. Thầy mình chấp nhận với điều đó, mình cũng chấp nhận thì không còn gì để nói". Bác Thăng chia sẻ về động lực đã thôi thúc bác bắt tay và nghiên cứu đề tài này.
"Trước khi bác thành công, trước khi có đề tài này và được cho phép nghiên cứu, bác quá trăn trở khi luôn luôn phải chứng kiến bệnh nhân cứ ra đi. Điều đó cứ đeo đuổi cuộc đời bác, và dù bác mong muốn có thể thay đổi, nhưng nó gần như quá sức của mình. Giống như khi Giáo sư Tôn Thất Tùng trả lời một nhà báo của Pháp khi được hỏi về phương pháp phẫu thuật gan Tôn Thất Tùng. Người nhà báo hỏi: "Vì sao giáo sư lại thành công với phương pháp này?". Thầy Tùng nói một câu đơn giản: "Đằng sau phương pháp này, là cả một nghĩa trang". Chính nghĩa trang ấy đã thôi thúc thầy Tùng phải nghiên cứu. Bác cũng vậy, chứng kiến bệnh nhân cứ ra đi, bác lại càng quyết tâm nghiên cứu."
Phần này của câu chuyện rất quen thuộc: Những khó khăn. Điều khác biệt duy nhất đó là khó khăn không đến từ cơ sở vật chất hay tiền bạc, mà đến từ chính bản thân các thành viên tham gia đề tài, đến từ chính trách nhiệm của họ với người bệnh của mình. "Khi thực hiện đề tài này, nếu mình không đủ khả năng, bệnh nhân sẽ tử vong ngay sau đó." Bác Thăng chia sẻ hết sức thẳng thắn. "Để nói với bệnh nhân, mình phải có khoa học, mình phải khẳng định rằng việc làm của mình là khoa học. Và nhất quyết không được phép đưa bệnh nhân ra làm chuột bạch. Mình là người thầy thuốc, mình không được cho phép bản thân mình nghĩ đến điều đấy, nói gì là làm."
Cho đến tận bây giờ, bác Thăng vẫn còn nhớ như in về cái ngày ra viện của chị Nguyễn Thị Sau - bệnh nhân đầu tiên đã được chữa khỏi ung thư bằng phương pháp tế bào gốc. Chị Sau từng là một phụ hồ ở Hà Nội, đã từng đến bệnh viện 3 lần với đủ cấp độ: từ uống thuốc vì được chẩn đoán u nang buồng trứng, cho đến ngày vào viện và nhận tin mình mắc ung thư, và rồi những ngày hoá trị, phẫu thuật,…. nhưng không mang đến kết quả lâu dài. Lần thứ 4, khi chị quyết định bỏ cuộc, bác Thăng đã tìm đến và đặt lên tay chị một cơ hội, với mức chi phí được bệnh viện hỗ trợ hoàn toàn. Chị Sau nhận lời, bởi chị không còn con đường nào khác, và bởi có lẽ, sự quả quyết và niềm tin của bác Thăng khi đó đã tạo nên sự dũng cảm để chị Sau tiếp tục chiến đấu đến cùng.
Và cái ngày chị Sau ra viện, bác Thăng đã rơi nước mắt. Không phải chỉ là giọt nước mắt hạnh phúc khi nhìn thấy nghiên cứu của mình đã thành công, mà còn bởi rồi từ đây, phương pháp này sẽ mở ra một định hướng mới cho điều trị ung thư, và rằng nhiều người sẽ được cứu, sẽ được sống tiếp cuộc đời còn dang dở của mình, một điều mà có lẽ họ đã nghĩ là không tưởng.
Một tâm hồn đáng kính
Nói về thành công của mình, bác Thăng khiêm nhường cho biết, thật ra để có được kết quả này - đó là cả một công lao của một tập thể. "Bác hay ví đây giống một dàn hợp xướng hoàn chỉnh, không thể người thì đàn, người thì saxophone mà mỗi người lại một phách khác nhau được. Ở đây, bác đóng vai trò như một nhạc trưởng, kết nối mọi người với nhau".
Đứng trước bác Thăng, có lẽ điều đầu tiên bạn cảm nhận cũng sẽ giống như chúng tôi, đó là sự nhỏ bé trước một con người vừa thông thái, vừa mẫn tiệp, vừa rất giản dị và vô cùng nhân ái. Bác đã dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu, để tìm cách chữa cho những ca bệnh hiểm nghèo, những bệnh nhân đã cầm chắc án tử, như thể bác đã giành lấy hết trách nhiệm về phần mình. "Niềm vui lớn nhất của bác chính là khi bệnh nhân nở một nụ cười, và đặc biệt là khi bệnh nhân được ra viện khỏe mạnh, được về nhà trong điều kiện tốt nhất."
Trong buổi trò chuyện đầu tiên của chúng tôi và bác Thăng tại Hà Nội, bác đã chẳng thể giấu diếm sự tự hào xen lẫn trìu mến khi nhắc đến cán bộ tại bệnh viện TW Huế. "Có lẽ đây là văn hóa Huế. Nói thì quá chung chung, nhưng cho đến giờ phút này, các cháu cứ vào Huế, cứ thử đi lại trong bệnh viện một ngày mới thấy, thế nào là văn hoá Huế."
Mãi sau này, khi có dịp đến Huế và phỏng vấn các bệnh nhân ở đây, tôi mới hiểu là bác Thăng chẳng hề nói sai. Một bệnh nhân đến tái khám, kể với tôi bằng một cảm xúc vẫn đang nghèn nghẹn ở cổ. "Khi tôi truyền hoá chất, đêm nằm đau và mệt không ngủ được, cô điều dưỡng túc trực bên ngoài cứ ghé vào để kiểm tra bình truyền. Tôi nhớ mãi lúc cô điều dưỡng bước vào, chân đi tất, hóa ra là để lúc đi lại không gây tiếng động, làm bệnh nhân thức giấc".
"Mình nói 100 lần không bằng mình làm gương, mình không lấy tiền bệnh nhân, mình giúp đỡ họ một cách tận tình. Những hành động ấy sẽ đọng lại hơn 100 lần nói. Bác chưa bao giờ nhận quà hay cầm 1 đồng của bệnh nhân". Bác Thăng nghĩ một chút rồi bật cười: "Những ngày như ngày thầy thuốc Việt Nam, nhà bác có thể mang hoa tặng cả xóm."
Một điều nữa khiến chúng tôi phải nghiêng mình trước bác, đó là niềm say sưa trong học tập, trong nghiên cứu. Bác hào hứng chia sẻ với chúng tôi, sau khi phương pháp điều trị bằng tế bào gốc đi vào ổn định, bác sẽ bàn giao cho người khác để nghiên cứu các dự án nghiên cứu khác. "Khoa học chưa bao giờ là đủ. Khi mình tập trung nghiên cứu một lĩnh vực nào đó, mình cảm thấy say sưa tìm hiểu, đào sâu thêm và tìm tòi những điều mới. Không có một lĩnh vực nào mình biết hoàn chỉnh và mình phải cố gắng tìm đến nguồn cuội của nó. Khoa học chưa bao giờ là kết thúc, đặc biệt là trong Y học".
"Bác có 2 người thầy, khi nằm trên giường bệnh, thời gian chỉ còn 1 tháng nữa thôi, vậy mà thầy vẫn nằm trên giường đọc sách. Thầy của mình như vậy, mình cũng phải nhìn đó để cố gắng hơn. Họ chính là tấm gương thôi thúc bác phải tiếp tục học hỏi, tiếp tục nghiên cứu không ngừng".
Nếu hỏi tôi, tôi nhớ điều gì nhất khi nghĩ về bác Thăng, tôi sẽ nói đó là hình ảnh bác đi dọc hành lang bệnh viện, mỉm cười với tất cả những ai bác gặp, thỉnh thoảng ngâm nga một điệu hát và sẵn sàng dừng lại để trò chuyện với bệnh nhân hoặc một cô lao công của toà nhà. Vì gặp bác, tôi bỗng cảm thấy mình đầy ắp lòng tin, tin vào sự phát triển của Y học Việt Nam, tin vào trái tim của những người thầy thuốc chân chính, và tin rằng đâu đó trên cuộc đời này, vẫn còn có những người đang ngày đêm nghiên cứu, cống hiến cuộc đời mình cho khoa học, để âm thầm mở lối cho cả một thế hệ chúng tôi có đủ mạnh mẽ tiến về phía trước.
PGS.TS Nguyễn Duy Thăng là một trong 20 đề cử của hạng mục Top 10 nhân vật truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2015.
Cổng bình chọn của WeChoice Awards 2015 chính thức được mở vào ngày 8/1 để độc giả tham gia vote cho những đề cử của mình tại tất cả các hạng mục trong khuôn khổ giải thưởng năm nay.
Ở giải thưởng WeChoice mùa 2, độc giả chỉ có thể bình chọn cho các đề cử qua app WeChoice Awards được tích hợp trong ứng dụng đọc tin Kenh14.vn. Download tại đây: trên IOS và trên Android.
Vào ngày 26/1, cổng bình chọn sẽ được đóng. Sau đó, BTC sẽ công bố những cái tên được vinh danh nằm trong các hạng mục giải thưởng của WeChoice Awards 2015 thông qua lễ trao giải được tổ chức tại Tp.HCM.