Suốt thời gian mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, chị Bùi Thu Thủy (SN 1983, người Hà Nội) vẫn luôn là trụ cột nuôi dưỡng con nhỏ, chỗ dựa tinh thần cho cha, mẹ, bạn bè và là niềm hy vọng của hàng nghìn người mắc bệnh ung thư khác. Thay vì đắm chìm trong đau khổ, chị Thủy lại chọn một cách sống khác, luôn lạc quan, yêu đời dẫu trước mắt là một tương lai có phần bấp bênh vì bệnh tật hành hạ.
"Tôi đã chuẩn bị sẵn tâm thế để trở thành một người đàn ông"
5 tháng trước, chị Thủy bất ngờ phát hiện mình mắc bệnh ung thư vú. Trải qua nhiều đợt xét nghiệm, chị được bác sĩ kết luận đang ở giai đoạn 2 của thời kỳ phát bệnh. "Lúc đó tôi vô cùng hoang mang, sợ hãi".
Chị Thủy và con trai đi dạo cùng nhau - (Ảnh NVCC).
Chị Thủy rất tự hào về con và tin rằng, cậu bé vừa tròn 10 tuổi này chính là sức mạnh giúp chị vượt qua mọi khó khăn để kiên cường sống tốt hơn - (Ảnh NVCC).
Khoảnh khắc hai mẹ con cùng vào bếp - (Ảnh: Doãn Tuấn)
Mất một thời gian tìm hiểu, chị Thủy hiểu rằng trong các loại bệnh ung thư thì ung thư vú là một dạng dễ điều trị thành công nhất. Khi bình tĩnh lại, chị dần trở nên lạc quan hơn.
"Những người bệnh tôi quen cũng lạc quan giống tôi. Chúng tôi không sợ hóa chất, không sợ rụng tóc, xấu xí, không hấp tấp điều trị khắp nơi, cứ âm thầm, bình tĩnh và lặng lẽ chiến đấu ở bệnh viện vậy thôi", chị Thủy nói.
Chị cho biết, từ khi tóc rụng, chị sẵn sàng cạo trọc đầu và đã không ít lần để đầu trần ra đường. Nhưng đó không phải là một sự bê tha, không chỉn chu nhan sắc. Người phụ nữ ấy hàng ngày vẫn trang điểm nhẹ nhàng, vẫn nở những nụ cười tươi tắn và nhìn vào chị, chẳng ai nghĩ đó là một người mắc bệnh ung thư.
Chị Thủy nói mình rất may mắn khi không phải cắt bỏ toàn bộ ngực mà chỉ tiến hành phẫu thuật lọc ngừa các khối u.
Người phụ nữ này vẫn luôn tự tin ngay cả khi trên đầu không còn một sợi tóc - (Ảnh: Doãn Tuấn)
Những ai bị ung thư sẽ hiểu việc truyền hóa chất đau đớn, mệt mỏi nhường nào. Thế nhưng chị Thủy rất ít khi để người khác biết được nỗi đau của bản thân mình. Ngay cả cậu con trai tên Phạm Hanh Nguyên (tên thường gọi là bé Bốp, 10 tuổi) cũng chỉ có duy nhất 2 lần chứng kiến cảnh mẹ nôn ói, mệt mỏi.
"Tôi tự nhủ là phải kiên cường lên. Tôi không kể lể chi tiết về bệnh của mình và bố mẹ tôi cứ nghĩ tôi bị nhẹ, thi thoảng mới hỏi thăm. Con tôi cũng chỉ 2 lần biết mẹ mệt còn sau thì tôi không bao giờ để con thấy những điều ấy nữa vì sợ con buồn, con lo lắng", chị Thủy tâm sự.
Nụ cười tươi luôn nở trên môi người phụ nữ mạnh mẽ này - (Ảnh: Doãn Tuấn)
Dù tóc đã rụng, da dẻ có xấu đi, cơ thể ngày một yếu đuối hơn nhưng người phụ nữ vẫn luôn vui cười mọi lúc, mọi nơi, ngay cả khi đang nằm trong bệnh viện truyền hóa chất.
Chị cho biết, từ khi mắc bệnh ung thư, chị cảm thấy như mình sống vội vàng hơn. Mỗi ngày, chị đều làm việc rất nhiều để kiếm tiền trị bệnh, để nuôi con và lo tích cóp để lỡ mình có mất đi, sẽ có chút gì đó để lại.
Facebook cá nhân được chị biến thành cuốn nhật ký kể lại chuỗi ngày bị bệnh ung thư vú và ở đó, người ta chỉ nhìn thấy những bức ảnh có nụ cười tỏa nắng của chị.
Các loại bánh ngọt do chính tay chị Thủy làm
Các loại bánh ngọt chị Thủy làm để bán online và ship cho khách hàng. Chị cho biết, đây chính là công việc giúp chị mưu sinh và che lấp đi khoảng trống mỗi khi chợt thoáng thấy lo sợ về bệnh tình.
"Có những hôm tôi thức đến 2h sáng để làm bánh ngọt giao cho khách rồi 7h sáng hôm sau lại vào viện truyền hóa chất. Tôi sợ phải suy nghĩ lắm, lúc buồn, tôi lại lôi bột ra làm bánh, đi chợ, nấu cơm rồi vẽ ra kế hoạch đi du lịch, làm mâm cỗ Tết cổ truyền... để trong đầu không còn một khoảng trống nào có thể nhét thêm hai từ ung thư".
Nói về tình trạng sức khỏe hiện tại, chị Thủy cho biết, mọi thứ đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Bệnh của chị dần ổn định và sắp tới, chị sẽ chuyển sang giai đoạn điều trị nội tiết, các bác sĩ sẽ can thiệp nhằm hạn chế hoóc-môn buồng trứng khiến cơ thể thay đổi nhanh chóng.
"Rồi tôi sẽ xấu đi, da dẻ ít mịn màng hơn, lông chân tay có thể sẽ mọc dài hơn, ngực lép đi... (cười), nhưng mà tôi không sợ. Bây giờ tôi đã sẵn sàng tâm lý để sắp tới "biến hình" thành một người đàn ông rồi".
Lan truyền cảm hứng sống đến những người xung quanh
Hàng ngày có tới 5.000 người theo dõi facebook của chị Thủy, trong số đó, rất nhiều người là bệnh nhân mắc phải căn bệnh ung thư ở các giai đoạn khác nhau. Sự thành công trong điều trị và niềm tin yêu vào cuộc sống của chị Thủy là động lực để rất nhiều người cố gắng noi theo.
"Có cô gái gọi điện bảo tôi là, mẹ cô ấy bị ung thư nặng lắm và không chịu uống thuốc nhưng từ khi cô ấy kể cho mẹ nghe chuyện của tôi, cho mẹ xem ảnh và những dòng status trên facebook của tôi, bà lại vui vẻ, lạc quan và chấp nhận tiếp tục điều trị", chị Thủy kể.
"Hồi mới bị bệnh, tôi hay ngắm lại các bức ảnh lúc còn có tóc, có lông mi, lông mày và thương cho thân mình, nghĩ có lẽ sẽ chẳng bao giờ mình được xinh đẹp như xưa nhưng bây giờ tôi không nghĩ thế nữa. Đầu không tóc cũng đẹp lắm chứ (cười)", chị Thủy tâm sự.
Cũng có người thường xuyên inbox, nhắn tin hỏi chị cách trị bệnh ung thư vú và chị Thủy đều khuyên rằng, trong trị bệnh, quan trọng nhất vẫn là lòng ham sống và tinh thần lạc quan.
Ở bệnh viện, chính chị cũng là người động viên không ít bệnh nhân gượng dậy ăn miếng cơm, húp ít cháo để tiếp tục duy trì sức lực chống chọi với bệnh tật. Có người nhìn vào tinh thần vui sống của chị mà cũng dần trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn. "Họ nói với tôi, nhờ có tôi mà họ bỗng cảm thấy, hóa ra bệnh tật nếu mình nghĩ nó là nhẹ bỗng dưng rất nhẹ nhàng. Tôi là minh chứng giúp nhiều người tin rằng, không phải cứ bị ung thư là sẽ trở nên xanh xao, vàng vọt, tự ti rồi nghèo đói, khổ sở vì tôi vẫn lao động, tôi vẫn tự lo cho tôi được".
Những bức ảnh và status được chị Thủy chia sẻ nhận được sự quan tâm của nhiều người và không ít bệnh nhân tâm sự rằng, chị chính là niềm hy vọng sống của họ.
Cũng có người xin số tài khoản để gửi tiền giúp nhưng chị Thủy đều từ chối. "Tôi còn giới thiệu họ ủng hộ cho những người khó khăn hơn vì tôi tin, mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người".
Người chịu ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là bé Bốp. Từ khi biết mẹ mắc bệnh, em càng ngoan ngoãn, chăm học hơn.
Từ khi biết mẹ bệnh, Bốp càng ngoan và học giỏi hơn - (Ảnh: Doãn Tuấn)
Bé Bốp, con trai chị Thủy, dù mới chỉ 10 tuổi nhưng đã rất ra dáng một người đàn ông mạnh mẽ.
"Cuối tuần, con thường hay tham gia hội chợ bày bán các sản phẩm bánh ngọt mẹ và con cùng làm. Đối với Bốp đó không chỉ là hoạt động vui chơi mà còn giúp con thêm yêu, hiểu và trân quý đồng tiền do tự tay mình làm ra. Khi Bốp biết mẹ bị bệnh, em cũng rất kiên cường để đồng hành với mẹ đi qua những khó khăn", chị Thủy nói.