Chân dung chủ nhân biệt phủ xây từ 2.000m3 gỗ

Người đưa tin, Theo 21:07 13/05/2015

Dư luận xôn xao trước những hình ảnh ngôi nhà của đại gia xứ Nghệ được xây dựng giống hệt như Tử Cấm Thành (Trung Quốc) với số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Kiến trúc đồ sộ với những đường nét chạm khắc rất tinh xảo, công trình này đã thu hút sự tò mò của hàng nghìn người.


Gian chính của ngôi nhà được ví như Tử Cấm Thành (Trung Quốc).

Biệt phủ lớn nhất Việt Nam?!

Theo tìm hiểu của phóng viên, chủ nhân ngôi nhà “đặc biệt” này chính là đại gia Lê Đình Cường (SN 1964) trú tại xã Nghi Phú (TP. Vinh, Nghệ An). Men theo đường Lê Nin (TP. Vinh) rẽ theo hướng Cửa Lò, chúng ta có thể nhìn thấy ngôi nhà có thiết kế đặc biệt này.

Được xây dựng bằng 2.000m3 gỗ trên diện tích 4.000m2, ngôi nhà của ông Cường được người dân ví như biệt phủ Tử Cấm Thành “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Để thiết kế được ngôi nhà đặc biệt này, ông Lê Đình Cường phải mất một khoảng thời gian khá dài và tốn hàng trăm triệu đồng mới tìm được mẫu phù hợp ý mình.

Ông đã phải cất công đi tìm chọn thuê 50 thợ chạm khắc gỗ chuyên nghiệp đến từ làng nghề nổi tiếng ở tỉnh Bắc Ninh và cho sang Trung Quốc để học theo kiểu kiến trúc Tử Cấm Thành.

Năm 2004, sau một năm ròng rã nghiên cứu, học các chi tiết theo các tòa nhà ở Tử Cấm Thành, những người thợ bắt đầu bắt tay vào xây dựng. Phải mất hơn năm năm làm việc liên tục những người thợ mới hoàn thành ngôi nhà gỗ “khủng” này.

Ngôi nhà được bao quanh bởi dãy hàng rào kiên cố cao gần 3m, xây dựng rất công phu, ốp năm loại đá. Đỉnh tường của hàng rào được lợp bằng ngói vảy tráng men lượn sóng như con rồng trông rất đẹp.

Toàn bộ khuôn viên gồm có năm gian nhà, hai cái chòi. Riêng ngôi nhà khách được xây dựng trên 400m2, dài 28m, nền móng cao 2,8m với 46 cột gỗ có đường kính 1,2 - 1,4m. Các loại gỗ ông Cường dùng để xây nhà chủ yếu là đinh hương, giáng hương, cẩm lai...

Nội thất trong ngôi nhà hầu hết đều làm bằng chất liệu gỗ và được thiết kế rất công phu, tinh xảo theo phong cách riêng không giống ai. Các xà ngang, bậc cửa được chạm trổ rất tinh vi với các họa tiết quan trọng như long, ly, quy, phượng, tùng, cúc, trúc, mai,.. và rất nhiều loại chim thú.

Ngoài những gian nhà lộng lẫy, chủ nhà còn cho xây một cái chòi để thưởng lãm trà và rượu. Được biết bên dưới cái chòi đó là một căn hầm chứa nhiều loại rượu rất quý. Xung quanh chòi có hồ bao quanh theo phong cách cổ xưa rất đặc biệt.

Trong khuôn viên nhà ngoài, những gian nhà chính bằng gỗ còn có một dãy nhà phía đằng sau làm bếp và phòng vệ sinh rộng mấy trăm mét nối căn nhà chính bằng cầu thang gỗ. Trong khuôn viên nhà ông Cường còn có hàng chục cây lộc vừng, cây sanh, cây si cổ thụ được chủ nhân trồng men theo bờ rào rất mát và thẩm mỹ. Những cây cảnh trong khuôn viên được ông Cường mua với giá hàng trăm triệu đồng.

Đại gia trong giới kinh doanh gỗ

Nhiều người trong giới xây dựng định giá “biệt phủ” của ông Lê Đình Cường lên tới hàng trăm tỉ đồng. Trước số tiền khủng đó, nhiều người dân đang thắc mắc chủ nhân ngôi nhà này làm gì mà xây dựng được công trình kiến trúc “khủng” như vậy.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Cường là con trai của một thầy thuốc cắt thuốc Bắc giỏi nổi tiếng ở xứ Nghệ. Ông tham gia vào lĩnh vực kinh doanh từ rất sớm. Trước đây, ông từng đi buôn trâu, buôn bò, xe máy,...

Khi có vốn và mối quan hệ, ông Cường chuyển sang kinh doanh xuất nhập khẩu các loại gỗ. Ông mua gỗ từ Lào rồi vận chuyển về Việt Nam sau đó chế biến xuất khẩu sang các nước như Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc,... Ngoài ra, ông còn mua đất làm trang trại, kinh doanh vàng bạc, đá quý,... Từ đó, ông Lê Đình Cường trở thành đại gia giàu có nổi tiếng ở xứ Nghệ. Nhiều người đồn đoán tài sản của ông có thể vượt quá hàng nghìn tỉ đồng.

Hiện tại, vợ chồng ông Cường có hai người con, một gái, một trai. Do đặc thù công việc, ông Cường rất ít khi ở nhà mà chủ yếu ở bên Lào để tiện công việc làm ăn. Trừ những người làm công, rất ít ai có cơ hội vào tận bên trong để chiêm ngưỡng ngôi nhà “độc nhất vô nhị” này.

Những ngôi nhà gỗ trăm tỉ đồng gây “bão” dư luận

Người dân tại phố núi Điện Biên từng choáng ngợp trước độ chịu chơi của một vị đại gia khi chi gần 200 tỉ đồng để dựng căn nhà gỗ vô cùng hoành tráng. Ngôi nhà gỗ độc đáo này được thiết kế dạng nhà sàn, trải rộng trên diện tích gần 500m2, nằm trong một khu du lịch sinh thái của tỉnh Điện Biên.

Ngôi nhà sàn bằng gỗ lim độc đáo này thuộc sở hữu của đại gia Bùi Đức Giang và từng được xác nhận kỷ lục Guiness Việt Nam về nhà sàn bằng gỗ lim lớn nhất Việt Nam.

Công trình thi công hơn hai năm với trên 10.000 công thợ, sử dụng hơn 500m3 gỗ lim quý hiếm, “ngốn” cả trăm tỉ đồng. Nhà có bảy gian với 16 cột cái đường kính 45cm, hệ thống cột quân và cột hiên rộng 40cm. Bao quanh nhà là 200m tường bê tông vững chắc.

Một tài sản khủng không kém là nhà vườn nằm trong khuôn viên chính rộng đến 5.000m2 của đại gia Nguyễn Đức Lượng (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Trường Linh) tại Chí Linh, Hải Dương. Các chi tiết trang trí trong nhà đều được dát vàng. Gia chủ dùng tới 60 cây vàng để làm đẹp cho các vật dụng.

Từng được nhiều người đặt cho danh hiệu “đệ nhất nhà gỗ xứ Bắc”, ngôi nhà của ông Đào Văn Hạ ở Bình Lục (Hà Nam) sử dụng hàng trăm m3 gỗ. Chỉ riêng việc chở vật liệu vào, gia chủ đã phải mở một con đường mới với giá gần trăm triệu. Công đục chạm gỗ là 650 triệu đồng, nếu hoàn thiện, chưa kể nội thất cũng "ngốn" của gia chủ trên 4 tỉ đồng.

Cuộc đua thể hiện đẳng cấp?

Dường như, Việt Nam đang có một cuộc đua về những biệt phủ gỗ tiền tỉ. Liệu, câu chuyện này có liên quan đến sự thể hiện, khoe mẽ hay không? Một chuyên gia xã hội học khi trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin từng chia sẻ rằng, một xã hội phát triển, thể hiện bằng thu nhập quốc dân, bằng mức sống, chất lượng sống của con người, bằng môi trường tự nhiên và xã hội thân thiện, bằng văn hóa ứng xử.

Nếu đạt được điều đó, người ta không cần phải cố gắng chạy theo những cái nhất nữa. “Tất nhiên, nếu ai đó “lấy le thiên hạ” bằng những lao động chân chính thì là điều đáng mừng. Điều đó chứng tỏ, đất nước đang trên đà bước sang một tầm cao mới. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Đáng sợ nhất là những người không đủ năng lực để chứng minh sự nổi trội của mình một cách tử tế lại thể hiện “ta đây” bằng những thứ không quan trọng lắm”, vị chuyên gia đưa quan điểm.