Ngoài 51 cây xanh đã bị bứng, đốn để làm nhà ga trước Nhà hát TP, khi nhà ga trung tâm Bến Thành (từ công viên 23-9 đến chợ Bến Thành, Q.1) - một trong ba nhà ga ngầm khu vực trung tâm TP.HCM - được khởi công sẽ có 57 cây xanh bị bứng, đốn.
Theo ông Lê Khắc Huỳnh - phó thường trực Ban quản lý đường sắt đô thị TP, hiện dự án đang chờ Bộ Giao thông vận tải phê duyệt thiết kế cơ sở, dự kiến khởi công trong năm 2015.
Ông Nguyễn Văn Dung, phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1- đơn vị được giao trách nhiệm quản lý cây xanh khu vực trung tâm TP, cho biết 57 cây xanh nói trên (18 cây loại 1 - đường kính gốc 10-20cm, cao dưới 6m và 39 cây loại 2 - đường kính gốc 30-70cm, cao 6-12m) gồm các loại như dầu, sao đen, bò cạp...
Có giải pháp nào hạn chế đến mức thấp nhất cây xanh bị đốn hạ và thay vì đốn hạ có thể bứng dưỡng trong điều kiện thiếu mảng xanh như hiện nay? Chúng tôi tiếp tục chuyển câu hỏi này của nhiều bạn đọc đến người có trách nhiệm.
Ông Nguyễn Văn Dung cho rằng ông thấu hiểu sự tiếc nuối của người dân TP vì: “Để xây dựng tòa nhà vài chục tầng có thể mất vài năm nhưng để trồng những cây cổ thụ mang tính biểu tượng của TP như vậy mất cả trăm năm”.
Tuy nhiên, theo ông Dung, vì mục tiêu phát triển hiện đại giao thông TP nên phải có sự đánh đổi. Đối với dự án xây nhà ga trung tâm Bến Thành, ông Dung cho biết kế hoạch chung là vậy nhưng còn phụ thuộc nhiều vào việc xác định vị trí làm tường vây.
Khi đó, lực lượng quản lý cây xanh phải ra trực tiếp hiện trường để đánh giá loại cây nào có thể bứng dưỡng được, cây nào bắt buộc phải đốn hạ, chứ hiện nay chưa xác định được cây nào phải đốn, cây nào phải bứng...
Cũng theo ông Dung, đối với những cây xanh quá cao lớn, nằm sát công trình, hoặc bên trong vị trí tường vây bắt buộc phải đốn hạ. Vì đối với những cây cao lớn, rễ ăn sâu, xuyên qua các công trình ngầm khác như cáp điện, viễn thông... việc bứng dưỡng phải đào một khu vực rất rộng, sâu nhưng chưa chắc lấy được đầy đủ bộ rễ để đảm bảo cây có thể sống được sau này.
“Nhưng trên tinh thần chúng tôi luôn xem xét mọi khả năng để bứng dưỡng cây xanh và hạn chế việc đốn hạ” - ông Dung cho biết.
Theo ông Lê Khắc Huỳnh, sau khi các nhà ga được thi công hoàn tất, tùy theo thiết kế được phê duyệt, nguồn vốn... khu vực có cây xanh bị bứng, đốn sẽ được trồng lại mảng xanh phù hợp.
Xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành Theo ông Lê Khắc Huỳnh, công trình xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành (Q.1) nằm ở vị trí phía trước chợ Bến Thành (khu vực vòng xoay Quách Thị Trang) và nối dài đến công viên 23-9, được xây dựng ở độ sâu khoảng 40m dưới lòng đất. Nhà ga này là một hạng mục của gói thầu số 1a thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (Q.9). Theo thiết kế, công trình nhà ga Bến Thành của tuyến metro số 1 sẽ chừa sẵn chỗ để sau này kết nối với các tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương, Q.12), tuyến metro số 3a (Bến Thành - Tân Kiên, H.Bình Chánh) và tuyến metro số 4 (Thạnh Xuân, Q.12 - Hiệp Phước, H.Nhà Bè). Như vậy, nhà ga có bốn tuyến metro hoạt động bảo đảm phục vụ hành khách đi lại trên các tuyến đường từ khu trung tâm đến các cửa ngõ TP. Nhà ga metro Bến Thành được xây dựng và lắp đặt các thiết bị có công nghệ hiện đại như các nước tiên tiến phục vụ hành khách đi lại. Đồng thời cùng với việc phục vụ hành khách đi metro, nhà ga còn tận dụng không gian ngầm làm trung tâm thương mại nhằm mang tới các dịch vụ tiện nghi cho hành khách đi mua sắm. Nhà ga nằm ở khu vực trung tâm TP nên các cửa lên, xuống nhà ga sẽ kết nối với các khu thương mại dịch vụ ở các khu vực xung quanh như chợ Bến Thành, khách sạn và các trung tâm mua sắm trên các tuyến đường lân cận. Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP, đơn vị đang hoàn chỉnh thiết kế gói thầu số 1a xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành và tuyến metro ngầm kết nối đến nhà ga Nhà hát TP. Ông Lê Khắc Huỳnh cho biết dự kiến cuối năm nay sẽ làm công tác sơ tuyển nhà thầu, trong năm 2015 triển khai thi công và dự kiến hoàn thành công trình vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019. |