Nhiều gia đình phải đi ngủ nhờ
Đến tối 22/9, lực lượng chức năng thu dọn đống đổ nát sau vụ đổ sập đã rút quân, nhưng lực lượng an ninh, công an vẫn canh phòng cả đêm. Trong đêm, hơn 10 hộ gia đình đến tạm trú ở tòa nhà CT1B – Định Công (quận Hoàng Mai).
Khu nhà ở tạm của người dân ở Định Công vẫn còn ngổn ngang gạch đá. Sáng nay, nhân viên tòa nhà đã khẩn trương dọn dẹp.
Những căn phòng như thế này là nơi ở tạm của các hộ dân trong diện di dời.
Ở khu đô thị mới Định Công, người dân đến nhận phòng từ đêm qua và sáng nay rất ít người còn ở lại sắp xếp nhà cửa. Ông Kỉnh, nhân viên bảo vệ ở khu đô thị này cho biết, phải đến gần 1h sáng nay, công tác ký nhận phòng mới hoàn thành, có tất cả 16 hộ dân nằm trong diện di dời nhưng đêm qua mới chỉ có 11 hộ tới nhận.
Các căn hộ ở đây vẫn ngổn ngang phế thải vật liệu xây dựng. Chị Lê Thị Hải, một người dân nằm trong diện di dời cho biết: "8h tối qua (22/9), chúng tôi mới tập hợp ở phường để được dẫn xuống đây. Nhà cửa của tôi hiện đang bị niêm phong nên chưa lấy đồ đạc ra được".
Hiện trường nơi tòa nhà đổ sập sáng nay.
Chị Hải cho biết, gia đình chị nằm sát căn nhà bị sập. Đồ đạc trong nhà hiện vẫn chưa bị ảnh hưởng nhưng vì thuộc diện nguy hiểm nên chính quyền yêu cầu phải di dời. Tối qua, gia đình chị cũng không ngủ lại ở khu đô thị Định Công chưa có đồ đạc. Chúng tôi phải di chuyển đến nhà bạn bè ngủ nhờ. Mỗi người đi một nhà. Sáng nay tôi mới quay lại đây để xem xét tình hình. Gia đình tôi có 6 người mà được phân tạm nhà này thì hơi chật chội”, chị Hải chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Tuyên, một người dân khác thuộc diện tái định cư cho biết: “Lúc xảy ra vụ sập, tôi không có mặt ở nhà nên không nắm được tình hình. Khi về thì thấy căn nhà kế bên bị sập. Chính quyền dẫn theo 11 hộ dân tới đây tạm trú từ phòng 203 đến 601, tuy nhiên nhà ở đây chưa có đồ đạc và nhiều cát bụi nên chúng tôi chưa ở được ngay. Đồ đạc ở nhà cũ chưa lấy ra được nên tôi đang tính mua gấp 1 số vật dụng thiết yếu”, ông Tuyên nói.
Lối lan can lên tầng trên còn vương vãi gạch vữa.
Sáng nay (23/9), nhân viên tòa nhà đang gấp rút dọn dẹp lại các đống phế thải vật liệu xây dựng và quét dọn nhà cửa đón các hộ dân. Hiện ở đây đã được cấp điện nước đầy đủ.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quốc Hoa - phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết:"Quận sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp đỡ các gia đình gặp nạn. Sáng nay, có thêm 8 hộ gia đình đăng ký tạm cư mới, nâng tổng số hộ tạm cư lên 21 hộ".
Ông Hoa cũng nói thêm thời gian tới quận sẽ tiến hành rà soát lại các công trình kiến trúc cổ để bảo đảm vừa duy trì được các công trình có giá trị văn hóa, lịch sử, vừa đảm bảo an toàn cho người dân. Nếu cần thiết, có thể sẽ phải tháo dỡ hoặc tu bổ các công trình quá cũ.
Vạ vật bên ngoài đợi được vào lấy đồ đạc
Có mặt tại hiện trường nơi xảy ra đổ sập sáng nay, rất nhiều hộ dân sinh sống trong khu sập đứng vạ vật bên ngoài, nhiều người nóng ruột lo cho tài sản trong nhà nên liên tục đứng xin công an vào trong.
Ngồi ăn miếng bánh mì lót dạ, chị Vui (là cán bộ ngành đường sắt) cho biết, gia đình chị có 5 nhân khẩu ở cạnh khu nhà đổ sập được hơn 20 năm nay.
Bên ngoài công an canh phòng nghiêm ngặt.
Người dân vạ vật đứng chờ bên ngoài.
Nhiều người trong khu nhà sập ăn bánh mì lót dạ.
“Hôm qua, tôi đang ở quê thì nhận được tin báo của chồng con nói về việc tòa nhà bị đổ sập, may mắn là cả nhà không sao, gạch đá chỉ đổ mép bên ngoài. Quá lo lắng tôi tức tốc từ quê lên. Đêm qua con trai tôi sang nhận nhà, tuy nhiên chưa có đồ đạc gì, nhiều muỗi không ngủ được nên cả nhà thuê khách sạn để ngủ”, chị Vui chia sẻ.
Chị Vui cho hay, sáng nay chị đứng chờ bên ngoài để mong muốn được vào nhà mình xem tài sản của gia đình có bị hư hại gì không. “Dù được các chiến sĩ công an bảo vệ hiện trường nói là gia đình yên tâm nhưng cũng mong sớm được về đây ở chứ ở bên khu nhà ở Định Công gia đình tôi không quen”, chị Vui nói thêm.
Bà Đông đứng chờ được vào nhà lấy tài sản.
Bà Nguyễn Thị Đông (sinh năm 1947) đứng theo dõi bên ngoài hiện trường cho biết, vợ chồng bà sinh sống ở đây suốt 40 năm qua, con cái thì đi làm ăn xa. Thời điểm xảy ra vụ sập hôm qua bà ở trong nhà rửa bát.
“Khu ở tạm mới cho người dân ở tận Định Công, xa quá 2 vợ chồng tôi già không đi được nên hôm qua sang nhà người quen ngủ nhờ. Cả đêm tôi không chợp mắt nổi, cứ nghĩ đến cảnh tượng đổ sập tôi lại giật mình”, bà Đông kể.
Sáng nay, nhiều người dân được công an cho vào trong lấy tài sản.
Nhiều người lấy các tài sản, đồ đạc cần thiết còn nhiều vật dụng khác như tủ lạnh, bếp gas... thì còn ở trong nhà.
Thuốc uống của bà Đông và đồ đạc còn ở trong nhà nên sáng nay bà đứng chờ công an cho vào nhà lấy thuốc để uống. Để đảm bảo tài sản cho người dân sống trong khu tập thể, lực lượng công an luôn canh phòng nghiêm ngặt và chỉ dẫn từng người một vào trong khi thật sự cần thiết, còn lại, không ai được vào trong để đảm bảo công tác điều tra.
Liên quan đến vụ sập tòa nhà biệt thự cổ, Đại tá Nguyễn Văn Quyền - Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự TP Công an Hà Nội, kết quả điều tra ban đầu vụ sập nhà là do tòa nhà sử dụng nhiều năm (110 năm) đã xuống cấp và thời tiết liên tục mưa trong những ngày qua dẫn đến tòa nhà bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực nên tự sập đổ một phần.
Đại tá Quyền cho biết qua công tác điều tra ban đầu xác định tòa nhà được xây dựng từ năm 1905, đã qua sửa chữa, tu tạo vào những năm 1990, có diện tích mặt bằng 1.164 m2, gồm 3 khối, khối thứ 2 có diện tích khoảng 300 m2 đổ sập sang hai bên lối đi của tòa nhà.