Bánh tét chữ độc đáo nhất Sài Gòn hút khách vào dịp Têt Ất Mùi

Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 26/01/2015

Bánh tét có chữ đã "hạ giá" từ 600 nghìn đồng/cặp xuống 400 nghìn đồng/cặp, thu hút càng nhiều khách Sài Gòn đặt mua trong những ngày cận Tết Ất Mùi.

Với mong muốn tạo sự mới lạ, độc đáo và mang nhiều ý nghĩa hơn trong dịp Tết, chị Nguyễn Thị Thanh Phương (trú tại địa chỉ số 7, đường số 2, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP. HCM) đã sáng tạo ra những đòn bánh tét có chữ rất độc đáo thay cho bánh tét nhân mặn hoặc ngọt truyền thống. Tùy theo khách hàng đặt trước, khi một cặp bánh tét được cắt ra sẽ thành những lời chúc: Chúc mừng năm mới, Vạn sự như ý, An khang thịnh vượng...

Theo chị Phương, ngày xưa chị được bà nội dạy gói bánh tét nhưng hồi đó chỉ mới ghép lại được một ký tự. Sau nhiều năm tìm hiểu và có chút kinh nghiệm học từ bà nội, chị bắt đầu cải tiến bánh tét thành nhiều kí tự hơn. Qua nhiều lần thất bại, đến khoảng 1 năm trước chị mới thành thạo công đoạn làm bánh tét có chữ.

Chị Phương cho hay, nguyên liệu quan trọng nhất là nếp, trước đây làm nhân có chữ đã kì công nhưng làm nếp có chữ thì lại càng phức tạp, nhiều công đoạn hơn. Để khắc chữ phải qua nhiều công đoạn xử lý nếp (xào nếp chín được 30% và trộn với nước màu tự nhiên từ trái cây) rồi mới tiến hành khắc chữ theo những khuôn chữ được cắt bằng lá chuối từ trước.


Nếp phải ngâm với nước trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó vo thật sạch. Lúc này, sẽ trộn với nhiều gia vị vào nếp để bánh khi nấu chín sẽ có mùi vị ngon hơn. Đối với nhân, đậu xanh đãi vỏ, hấp chín rồi cho vô cối giã thật nhuyễn. Ngoài ra còn có thêm lạp xưởng, tôm khô, thịt heo, trứng muối tùy theo yêu cầu của khách hàng. Lá cẩm, lá ngót được nấu lên để lấy nước nhuộm màu nếp, gấc chín cho vào để bánh có màu tạo ra màu sắc và hương thơm đặc trưng cho món bánh tét.

Bánh tét chữ độc đáo nhất Sài Gòn hút khách vào dịp Têt Ất Mùi 1
Chị Phương cho biết: "Tôi vẫn sử dụng loại nếp dẻo bình thường để nấu bánh, quan trọng là công đoạn mình xử lý nếp như thế nào thôi. Để hoàn thành loại bánh tét đặc biệt, tôi phải mất 2 tiếng gói và 10 tiếng nấu".

Bánh tét chữ độc đáo nhất Sài Gòn hút khách vào dịp Têt Ất Mùi 2
Theo chị Phương, trong quá trình chế biến nếp phải thường xuyên đè nếp để cho tạo độ kết dính khi nấu, như thế chữ sẽ rõ hơn.

Sau khi hoàn thành công đoạn quan trọng để tạo chữ, chị sẽ dùng lá chuối gói đòn bánh tét. Hiện nay, đòn bánh tét có chữ của chị Phương đã cải tiến và có giá thành rẻ hơn lúc mới ra. Đòn bánh tét giờ chỉ còn nặng 1,3kg (trước là 2kg), độ dài bánh khoảng 16cm, vì thế khách hàng dễ mua hơn so với đợt bánh đầu tiên. Giá bánh tạo thành một câu chúc là 400.000 đồng/cặp. Ngoài những đòn bánh tét có hương vị mặn, ngọt chị Phương còn làm ra những đòn bánh tét chay nhằm đáp ứng theo yêu cầu của khách hàng.

Chữ trên bánh tét được chị thiết kế trên máy tính sau đó mới cắt ra giấy rồi đặt trên lá chuối để tạo khuôn chữ. Khuôn lá chuối này sẽ được dùng để đặt lên nếp và khắc thành những con chữ thích hợp. Chị Phương cho hay, khách hàng hiện nay thường thích kiểu chữ thư pháp hơn nên lượng đặt bánh tét này ngày càng tăng. Việc nếp tạo ra chữ khi làm bánh tét theo chị Phương là lần đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn.

Bánh tét chữ độc đáo nhất Sài Gòn hút khách vào dịp Têt Ất Mùi 3
Chị Phương còn khéo léo tạo nhân bánh thành một thỏi vàng độc đáo của thời xưa với ý nghĩa năm mới phát tài phát lộc.

Bánh tét chữ độc đáo nhất Sài Gòn hút khách vào dịp Têt Ất Mùi 4
Những chữ kết hợp nhiều màu sắc từ nước màu tự nhiên trộn với nếp tạo thành một món ăn ý nghĩa trong dịp năm mới.

Loại bánh tét nhân chữ khi được chị Phương bán ra thị trường, rất nhiều người đã tìm đến mua. Bánh chủ yếu được làm tại Trà Vinh đưa lên nên khi khách muốn mua hay xem hàng thì phải gọi điện báo trước. Bánh tét và bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết của người Việt Nam và nó càng mang ý nghĩa đặc biệt hơn khi có những lời chúc ấm áp đi kèm.