Bán chó mèo dạo, người đàn bà nuôi 6 đứa cháu học Đại học

, Theo Mask Online 07:01 28/08/2014

(Mask) - Gần 10 năm lăn lộn ở TP.HCM, mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau, cô tự nguyện nuôi 6 người cháu ruột ăn học thành tài.

Người phụ nữ ấy chính là cô Nguyễn Thị Bê (63 tuổi, quê ở Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Nhớ lại chuyện cũ, cô Bê bảo, lúc đó mình hơn 50 tuổi nhưng vẫn một mình lầm lũi vào TP.HCM kiếm sống. “Vào đây không biết gì, kiếm đồng tiền khó lắm. Cô làm nhiều nghề như bán áo quần, bán bún rồi cuối cùng là làm nghề bán chó, mèo dạo”, cô nói.


Mỗi ngày đều đặn từ sáng đến tối, không kể nắng mưa, cô Bê vẫn đẩy chiếc xe của mình ra góc đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TP.HCM) mong kiếm được ít tiền để trang trải cuộc sống. Buổi sáng nhịn ăn, buổi trưa chỉ có ít cơm dường như đã thành thói quen của cô bao năm qua.

Cuộc đời của người đàn bà bán động vật dạo này cũng có nhiều thăng trầm. Cô không lập gia đình mà chọn cách sống độc thân bao năm qua, hy sinh tuổi thanh xuân để nuôi các cháu ruột khôn lớn.

Chuyện là em trai của cô kết hôn với người vợ đầu sinh được 4 người con. Nhưng khi người con thứ tư vừa chào đời thì người mẹ qua đời, bỏ lại chồng cùng 4 đứa con thơ. Cậu út không có sữa mẹ nên từ bé đã thường xuyên ốm yếu. Thương em trai mình cảnh gà trống nuôi con, các cháu còn thơ dại thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, cô Bê thường xuyên quan tâm, cưu mang các cháu. 

Đến khi người em trai đi bước nữa, sinh thêm 2 đứa con nữa, cô Bê lại nhận nuôi thêm 1 cháu, còn 1 cháu nữa thì mới đây cũng vào TP.HCM theo học và ở cùng cô. Gánh nặng kinh tế càng nặng thêm nhưng cô Bê vẫn vượt lên khó khăn, cố gắng chăm sóc các cháu chu đáo.






Mỗi chú chó, mèo được cô Bê đem bán chỉ lãi được 20 - 30 nghìn đồng/con.



Lúc rỗi khách, thấy chó mèo ướt lông, cô lại đi lấy ít mùn cưa về rải cho chúng. Với cô, bán được một con chó, con mèo không chỉ giúp 7 cô cháu mưu sinh mà còn giúp nó tìm được người chủ tốt.


Gần 5 năm nay, cô Bê ngày nào cũng tất tả với chiếc xe chở đầy chó mèo trên một góc phố nhỏ ven đường Nguyễn Kiệm. Bất kể nắng mưa, cứ khoảng 5 giờ sáng là cô lại một mình đẩy chiếc xe nhỏ ra đường, trở về cũng là lúc phố đã lên đèn. Số chó, mèo này chủ yếu là cô mua đi bán lại kiếm lời. Hoặc có khi khách quen người ta cho hoặc đôi lúc họ chạy qua thấy cô rồi kêu tới nhà bán. 

Mỗi ngày cô kiếm được 30 - 50 nghìn đồng, có hôm may mắn được 200 - 300 nghìn đồng. Hôm gặp chúng tôi khi đã 6h tối nhưng cô vẫn chưa bán được con nào. Thu nhập ít ỏi, bấp bênh nhưng cô vẫn cố gắng chắt chiu gom góp từng đồng rồi vay mượn thêm để lo cho các cháu ăn học.

Đến nay, nhờ nguồn thu nhập nói trên mà cô Bê đã nuôi các cháu thành tài. Ngoài người cháu lớn không học đại học, 4 trên 5 người cháu của cô Bê đã học xong đại học: Một người là thạc sĩ, một người là kỹ sư xây dựng, một là kỹ sư Nông Lâm và một là kỹ sư CNTT. Người cháu út của cô vẫn đang theo học trung cấp và có ý định sẽ học liên thông lên Đại học. Giờ 4 người cháu đầu của cô Bê đã ổn định cuộc sống, có gia đình riêng, còn 2 cháu nhỏ tuổi nhất chưa lập gia đình. Các cháu đều muốn đón cô về sống cùng để tiện chăm sóc nhưng cô Bê vẫn muốn sống cùng, chăm lo cho 2 cháu út. Hằng ngày, cô vẫn tự mưu sinh để kiếm thêm thu nhập, không muốn mình trở thành gánh nặng cho các cháu.


Ngày đắt khách lắm cô cũng chỉ bán được 2 đến 3 con chó/mèo, kiếm được 50- 60 nghìn đồng, ngày ế khách coi như không có đồng nào.

Năm nay 63 tuổi nhưng nhìn cô Bê già hơn tuổi vì cuộc sống nhiều lam lũ. Người phụ nữ ấy da đen sạm, dáng gầy guộc, liêu xiêu và vẻ khắc khổ luôn hiện trên khuôn mặt. Cứ thế, cuộc sống của cô không hề có thời gian cho riêng mình, lúc nào cô cũng tất bật với nỗi lo cơm áo gạo tiền cho các cháu. Nhưng điều quan trọng nhất cô nhận được là 6 người cháu đều coi cô như mẹ ruột và có cuộc sống ổn định. 

Tìm đến nơi cô Bê sinh sống, khi nhắc đến người đàn bà bán chó mèo dạo nuôi các cháu học Đại học, những người hàng xóm sống quanh đó đều vui vẻ kể về cô với thái độ cảm phục. Như để khẳng định chắc chắn chuyện của cô Bê với chúng tôi, cô Vũ Thị Bình - Tổ phó tổ 119, Khu phố 17, Phường 3, Quận Gò Vấp (TP.HCM) còn nhấn mạnh rằng: "Chuyện cô Bê nuôi 6 đứa cháu ruột ở đây nhiều người biết. Giờ các cháu của cô đã phương trưởng và có nghề nghiệp ổn định khiến hàng xóm đều cảm phục tấm lòng và nghị lực của cô".

Huy Hoàng
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày