Những ngày gần đây, câu chuyện liên quan đến top 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất bằng Google tại Việt Nam đang là chủ đề nhận được sự quan tâm, tranh cãi của nhiều người.
Kết quả này sẽ không có gì đáng bàn nếu như nó không bị đặt lên bàn cân so sánh với các quốc gia khác. Khi mà toàn cầu đang quan ngại chuyện nhà nước hồi giáo tự xưng IS, khủng bố ở Paris, biến đổi khí hậu... thì ở Việt Nam, dân tình có vẻ như chỉ chăm chăm vào... giải trí.
Không ít người dựa vào kết quả này đã đưa ra lời khẳng định chắc nịch rằng, người dân Việt Nam đang "quá hạnh phúc" và vì thế nên họ chỉ lo chơi chứ không hề lo nghĩ đến chuyện thế sự, thời cuộc.
Các từ khóa lọt top 10 hầu hết đều thuộc lĩnh vực giải trí.
Thế nhưng, khi lật lại vấn đề, có lẽ chúng ta nên đặt ra một thắc mắc khác rằng liệu kết quả mà Google công bố có sức nặng tới đâu, có đủ khả năng đại diện cho sự quan tâm của cả một Quốc gia hay không?
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Tạ Thu Hương, Giám đốc mảng truyền thông số của Mindshare Việt Nam và Blogger truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long.
Số lượt tìm kiếm không tương đương với số người tìm kiếm
Nói về top 10 từ khóa do Google vừa mới công bố, cả bà Hương và ông Long đều cho rằng: Nếu chỉ dựa vào kết quả này mà nhận định người Việt Nam không quan tâm đến chính trị - xã hội thì đó là một điều không công bằng và có phần "oan" quá!
Bà Tạ Thu Hương, nữ Giám đốc 8X tài ba của Mindshare Việt Nam. Năm 2014 và 2015, 4 dự án truyền thông số do bà phụ trách đạt giải Vàng, Bạc của MMA toàn cầu và châu Á Thái Bình Dương; 17 dự án đạt giải MMA Việt Nam.
Bà Tạ Thu Hương phân tích, Google là một công cụ tìm kiếm tuyệt vời. Tại thị trường Việt Nam, công cụ tìm kiếm Google có thị phần trên 90%. Hệ thống này ghi nhận lại những từ khoá được search, thể hiện nhu cầu, mong muốn, xu hướng trong phạm vi địa lý hoặc thời gian. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào điều này mà đưa ra bất cứ kết luận nào về mối quan tâm của toàn đất nước là chưa công bằng.
Lý do thứ nhất, lượt tìm kiếm trên Google được tính theo số lần từ khoá đó được tìm kiếm chứ không tính trên số người hay nói cách khác một người có thể tìm kiếm nhiều lần cho 1 từ. Vì thế, số lượt tìm kiếm không tương đương với số người Việt Nam tìm kiếm. Tuy nhiên, vì chúng ta đang so sánh với các nước khác trên cùng hệ thống của Google nên cần xem xét liệu so sánh Việt Nam với Singapore hay Nhật (làm ví dụ) có thỏa đáng không.
Ông Long và bà Hương cho rằng, việc top 10 từ khóa đều liên quan đến giải trí không có gì là đáng ngạc nhiên.
Thứ hai là nước có dân số trẻ với biểu đồ hình tháp. Khoảng 36% từ 15 đến 34 tuổi. Tỉ lệ sử dụng Internet chiếm xấp xỉ 44% trong đó 77% từ 15 - 34 tuổi (không xem xét đến nhóm 0 - 14 tuổi do không có số liệu tin cậy). Con số này cho thấy độ tuổi trẻ chiếm phần lớn dân số internet và họ là người đóng góp tích cực vào lượt tìm kiếm giải trí.
Cùng lúc đó, tỉ lệ dùng Internet tại Singapore & Nhật lần lượt khoảng 80% và 86% với dân số không trẻ như Việt Nam. Kết cấu đó cho phép ta ước tính người cống hiến vào lượt tìm kiếm chắc chắn đa dạng nhóm tuổi hơn. Mỗi nhóm tuổi chắc chắn có thị hiếu khác nhau. Vì thế, chúng ta có lẽ không nên dùng kết quả này để so sánh và vội vã kết luận rằng người Việt Nam chỉ mê giải trí, coi đó là "nỗi nhục quốc thể".
Hẳn năm nay là sự lên ngôi của ca sỹ Sơn Tùng MTP khi tên tuổi và những gì liên quan đến chàng trai SN 1994 này đang được cư dân mạng Việt Nam tìm kiếm điên đảo qua Google.
Đồng tình với quan điểm này, ông Long phân tích, có rất nhiều sự kiện giáo dục, thể thao, kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường... mang tính chất toàn cầu hoặc toàn quốc trở thành đề tài bàn luận nóng hổi của cư dân mạng. Ví dụ như việc Việt Nam thông qua luật thừa nhận người chuyển giới, chương trình giờ trái đất, tệ nạn đa cấp biến tướng, thành tích của Ánh Viên v.v...
Blogger truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long.
"Điều này phản ánh rằng các sự kiện phi giải trí vẫn có thể thu hút sự quan tâm của cư dân mạng. Tuy nhiên, đó là những sự quan tâm mà tôi cho rằng chỉ có tính chất nhất thời (như thành tích của Ánh Viên), hoặc mang tính chu kỳ (như chiến dịch Giờ trái đất) chứ không mang tính thường trực như việc ngày nào cũng có thể tìm nghe nhạc Sơn Tùng", ông Long bày tỏ quan điểm.
Từ đó, nhà truyền thông này đưa ra kết luận, cần có những số liệu đầy đủ và chuyên sâu hơn để so sánh mối tương quan về từ khóa tìm kiếm trong từng hạng mục của năm này và các năm trước mới đủ cơ sở kết luận xem các vấn đề chính trị - xã hội đang được cư dân mạng dành sự quan tâm nhiều hay ít.
"Top 10 từ khóa mà Google đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo"
Theo Blogger Ngọc Long, với 52% của hơn 90 triệu dân đã có cơ hội tiếp cận Internet và gần như 100% có sử dụng Google, thì số liệu này đủ sức nặng để phản ánh sự quan tâm của đại đa số cư dân mạng Việt Nam. Thế nhưng, kết quả này không nhất thiết sẽ phản ánh đầy đủ sự quan tâm của mọi người nói chung khi đa phần những người dùng mạng đều còn khá trẻ.
Dựa vào kết quả này, có thể phần nào khẳng định, giới trẻ Việt Nam đang rất quan tâm đến lĩnh vực giải trí.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng giới trẻ đang có xu hướng dịch chuyển từ đọc báo truyền thống qua cập nhật tin tức trên Facebook. Cho nên, kết quả tìm kiếm hàng đầu của Google phải cộng thêm kết quả tìm kiếm hàng đầu của Facebook nữa mới thực sự chuẩn xác.
Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, chúng ta chỉ nên nhìn nhận những gì Google đưa ra như một sự tham khảo.
Bà Hương cho biết, khi nghiên cứu sự quan tâm của dư luận xã hội, bà thường không chọn cách tin vào những công bố như top 10 từ khóa mà Google đưa ra. "Tôi có để ý đến chúng nhưng chỉ xem như một cách tham khảo".
Chuyên gia Truyền thông số cho biết, bà có rất nhiều nguồn để sử dụng, bao gồm cả nguồn tự đầu tư của công ty và các nguồn có sẵn trên mạng. "Những nguồn miễn phí bao gồm: Google Search, Google Trend, Youtube Dashboard... Nguồn từ Google Analytic, Youtube Insight, Facebook Insight ... từ các trang mình quản lý. Nguồn hợp tác: từ các đối tác chiến lược. Ngoài ra, tôi thường sử dụng các nguồn trả phí: consumer survey, công cụ Social listening tool như Boomerang, Buzzmetric".
Bà Hương cho biết, dựa vào những phân tích qua các công cụ như vậy, bà được biết tìm kiếm và thông tin (bao gồm trao đổi email và mạng xã hội) mới là nhu cầu hàng đầu, giải trí đứng vị trí thứ hai.
"Tuy nhiên, tìm kiếm và thông tin thì không phân rõ thông tin chính trị - xã hội hay thông tin giải trí nên tôi khó đưa ra câu trả lời chính xác rằng người Việt Nam nhìn chung đang quan tâm điều gì. Nhưng cá nhân thì tôi không nghĩ là chúng ta không màng đến thế sự. Trong cuộc sống ngày thường, bố và ba chồng tôi luôn nói về chuyện chính trị, còn các bà, các mẹ, đồng nghiệp trẻ của tôi không mấy khi đề cập đến vấn đề chính trị - xã hội. Các đồng nghiệp nam giới thì còn có thảo luận. Có vẻ lĩnh vực này được nam giới quan tâm nhiều hơn nữ giới chứ không phân theo tuổi tác chăng?", bà Hương nói thêm.
Bà Hương cũng nhìn nhận, gần đây kênh truyền hình quốc hội ra đời, có nghĩa là Đài tiếng nói VOV cũng có nghiên cứu kỹ trước khi đầu tư phát sóng. "Không có đối
tượng quan tâm, họ đâu thể kích hoạt cả một chương trình chính trị - xã
hội như thế?", bà nói.