10 từ khóa Google được "lùng sục" nhiều nhất của người Việt - Có phải dân họ toàn làm, còn dân mình toàn chơi?

Dũng Phan, Theo Trí Thức Trẻ 09:09 25/12/2015

Mới đây, Google đã công bố các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại một số quốc gia trong năm 2015. Và người ta bắt đầu so sánh, khi ở nhiều nước, đó là những từ khóa liên quan chính trị, kinh tế... Còn ở Việt Nam, 9/10 từ là ca khúc, phim ảnh...

 

Tại Việt Nam có thể tóm lược như sau: 4/10 từ khóa mà người Việt Nam tìm kiếm nhiều nhất liên quan đến ca sĩ Sơn Tùng MTP, với 3 bài hát và 1 bộ phim, từ khóa xếp đầu bảng cũng là một bài hát đình đám: “Vợ người ta” của nhạc sĩ Mạnh Quỳnh. 5 từ khóa còn lại đều thuộc về giải trí như phim, chương trình truyền hình hay ca khúc đình đám khác.

Câu chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu đồng thời với việc công bố 10 từ khóa của Việt Nam  Google cũng công bố 10 từ khóa của một số quốc gia khác. Và ở đó, sự khác biệt giữa Việt Nam và các quốc gia lân cận đã hiện ra rất rõ ràng. Tại Singapore, người dân hầu như không quan tâm đến giải trí, mà chủ yếu quan tâm đến chính trị - xã hội, công nghệ và thể thao. Người Nhật Bản bận tâm đến sức khỏe, riêng từ khóa xếp đầu là vấn đề mà cả thế giới quan tâm nhất lúc này: tổ chức hồi giáo IS. Các quốc gia như Malaysia, Hàn Quốc…. đều có tỉ lệ cân bằng giữa giải trí – thể thao – xã hội chứ không hoàn toàn 100% giải trí như ở Việt Nam.

"Không phải dạng vừa đâu" là từ khóa được tìm kiếm nhiều thứ 3 trên Google.

Như vậy, nếu mục tiêu mà Google hướng tới qua việc công bố các kết quả này, là giúp phản ánh phần nào sự bận tâm của người dùng mạng tại mỗi quốc gia đó, thì rõ ràng mối quan tâm của dân mạng Việt Nam mang một cái gì đó rất “bình dân” và ít lo nghĩ hơn so với cư dân mạng ở các quốc gia khác. Suy nghĩ theo lối “AQ” thì dân Việt Nam ta khá yêu đời. Tuy vậy, nếu điều mà người dân tại quốc gia kém phát triển quan tâm chỉ là bài hát đó có hay không? Bộ phim đó có hấp dẫn không? Trong khi ở các quốc gia phát triển quan tâm là những điều cần suy nghĩ như xã hội, chính trị, sức khỏe. Thì khả năng tụt hậu ở quốc gia kém phát triển so với quốc gia phát triển sẽ còn tiếp tục. Đấy là lý do vì sao xuất hiện một bộ phận cư dân mạng…chửi chính cư dân mạng, than khóc cho chính bảng xếp hạng này, và gọi đó là “nỗi nhục quốc thể”.

Nhưng có phải đó là sự phán xét quá vội vã?

Trước tiên chúng ta xem xét sự việc ở chính 10 từ khóa ấy. Sơn Tùng MTP là một ca sĩ sinh năm 1994, có thể coi là ca sĩ trẻ đình đám nhất làng giải trí Việt Nam hiện tại. Vậy ai sẽ nghe nhạc của anh, xem phim rạp của anh? Đó là lớp trẻ thuộc thế hệ 9x và 10x, chứ không phải là lớp người trung niên thích nghe nhạc xưa của Trịnh Công Sơn, hay Văn Cao. Vậy thì người search Google các bài hát của Sơn Tùng MTP để nghe mỗi ngày phải là thế hệ 9x và 10x. Và vì lượng người dùng Internet thuộc thế hệ trẻ này chiếm phần lớn trong cư dân mạng Việt Nam, nên top 10 quan tâm của cư dân mạng Việt Nam phải dẫn đầu ở đó. Đấy là mặt sau của vấn đề mà Top 10 từ khóa của Google không chỉ ra được.

Vì lượng người dùng Internet thuộc thế hệ trẻ này chiếm phần lớn trong cư dân mạng Việt Nam, nên top 10 quan tâm của cư dân mạng Việt Nam phải dẫn đầu ở đó.

Hãy cùng nhìn lại một chút về lịch sử Internet tại Việt Nam. Chính thức xuất hiện vào năm 1997, phát triển mạnh vào năm 2003, bùng nổ trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2009, và tăng tốc độ vũ bão lên tới 36 triệu người dùng vào năm 2014. Khoảng thời gian mà Internet tại Việt Nam bùng nổ, trùng với khoảng thời gian mà thế hệ 8x, 9x kéo dài đến 10x bắt đầu có điều kiện về kinh tế, máy vi tính để tiếp cận với Internet dễ dàng hơn. Trong khi đó các thế hệ cha anh 6x, 7x trở lui về trước, trừ những người có chuyên môn, còn lại vì điều kiện khó khăn và hoàn cảnh chưa phát triển mạng, mà ít được tiếp xúc với Internet.

Có nghĩa rằng, không như các quốc gia phát triển khác có sự đồng đều trong việc sử dụng Internet: cư dân mạng tại Việt Nam chủ yếu là người trẻ thuộc lớp 8x đến 10x chiếm tỉ lệ lớn. Mà điều quan tâm nhất của các bạn trong cái độ tuổi ăn, tuổi chơi đó đương nhiên là phim và nhạc. Vì thế họ không có lỗi trong cái đam mê rất phù hợp với nhu cầu sinh lý phát triển bình thường đó. Vậy sao lại oán trách họ vì những từ khóa search Google ấy?

Top 10 từ khóa Google của Việt Nam không đại diện cho mưu cầu của tầng lớp cư dân mạng Việt Nam. Và vì thế không có quyền phán xét rằng đấy là “nhục quốc thể” khi so với các nước phát triển khác, nơi họ có sự tương đối đồng đều giữa người trẻ và người già cùng nhau sử dụng Internet. Chính sự phổ cập và mức sống cao đã giúp người lớn tuổi ở các nước phát triển tiếp xúc nhiều với mạng Internet không kém gì so với giới trẻ. Mà điều người thuộc thế hệ đó quan tâm nhiều hơn đương nhiên là sức khỏe, chính trị và xã hội. Cuối cùng khiến cho chúng ta nhìn vào và vội vã phán xét rằng dân ta toàn chơi còn dân họ toàn làm. Một suy nghĩ hình thành vì chính thói tự ái và tự ti của người nghèo.

Phía sau Top 10 từ khóa Google của Việt Nam, lại là những lời chê bai nhau của người Việt Nam, chúng ta ném đá vào chính chúng ta, cùng nhau đi “nhục quốc thể” cho một bảng xếp hạng mà không phản ánh đúng thật sự bản chất của vấn đề. Và đó mới là điều đáng buồn, chứ không phải buồn vì từ khóa “Vợ người ta” xếp đầu.