0h đêm nay, Việt Nam đón công dân thứ 90 triệu

Tuổi Trẻ, Theo 16:42 31/10/2013
Chia sẻ

Dự kiến lúc 0g ngày 1-11, VN chính thức đón công dân thứ 90 triệu, đánh dấu thời khắc quan trọng: VN có 90 triệu dân. Và chúng ta đã, đang, sẽ làm gì để phát huy tiềm năng của một đất nước 90 triệu người?

Trong cuộc trao đổi với PV, ông Dương Quốc Trọng, tổng cục trưởng Tổng cục dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), nói:

- Nếu so với dự báo của tổng điều tra dân số - nhà ở lần 2 (năm 1989) thì dân số VN đã đạt 105 triệu người vào năm 2010 và mốc 90 triệu lẽ ra đạt từ năm 2002. Thời điểm 1-11-2013 mới đạt 90 triệu dân là chậm hơn so với dự báo 11 năm. Nhờ những nỗ lực nhằm giảm mức sinh thời gian qua, VN đã tránh sinh thêm 20,8 triệu người, đó là một con số rất ý nghĩa.

0h đêm nay, Việt Nam đón công dân thứ 90 triệu 1
Ảnh gia đình 2 con tại TP. HCM.

* Với 90 triệu người, VN đang đứng thứ 14 trong số quốc gia đông dân trên thế giới. VN có thuận lợi gì nếu nhìn về số lượng dân cư, thưa ông?

- 90 triệu là một con số, nhưng đây là con số 90 triệu con người, 90 triệu trái tim, khối óc. Đứng về mặt quy mô dân số, VN đứng thứ 14 thế giới, thứ 3 Đông Nam Á, VN thật sự là một cường quốc về dân số. Nhưng vấn đề là làm sao chúng ta cũng trở thành cường quốc về chất lượng dân số, nhất là về giáo dục, khoa học, về thể lực, chiều cao, sức bền... đáp ứng những yêu cầu về nhân lực để phát triển.
VN đã bước vào giai đoạn dân số vàng năm 2007, tức là 2 người lao động mới có một người phụ thuộc (trẻ em dưới 15 tuổi và người già trên 65 tuổi), giai đoạn này sẽ kéo dài trong 35 năm. Tuy nhiên, làm sao biến giai đoạn vàng này thành “vàng” thật sự, nghĩa là nhiều lao động nhưng chất lượng lao động phải nâng cao. VN có tỉ lệ người biết đọc biết viết cao, nhưng tỉ lệ được đào tạo về chuyên môn nghề nghiệp lại rất thấp. Vì thế giá trị thặng dư từ số lượng người lao động sẽ không lớn vì thật ra lương nhân công giản đơn không nhiều. Tôi cho rằng phải xem việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu thì chúng ta còn kịp thời gian để tận dụng giai đoạn dân số vàng. Kinh nghiệm các nước đều phát triển mạnh trong giai đoạn dân số vàng. Nếu không tận dụng được, chúng ta sẽ mãi chỉ là người đi sau.

* Như ông nói đang có nhiều thách thức, dù ở mặt nào đó, VN thật sự là một “cường quốc”?

- Có một số thách thức lớn riêng ở vấn đề dân số. Trong đó có tỉ số giới tính khi sinh đang chênh lệch ngày càng lớn, hiện ở mức trên 112 trẻ trai/100 trẻ gái. Mức sinh đã giảm nhưng đang khác nhau giữa các vùng, đòi hỏi phải có những chính sách phù hợp. Chẳng hạn, vùng núi phía Bắc, Tây nguyên giảm mức sinh càng nhanh càng tốt, nhưng TP.HCM, Long An thì mức sinh đã rất thấp rồi, như TP.HCM bình quân mỗi bà mẹ năm 2012 chỉ có 1,33 con, nếu giảm nữa không ổn.

Tôi từng nói mỗi phụ nữ TP.HCM hãy sinh đủ 2 con, mỗi phụ nữ VN cũng sinh đủ 2 con. Việc sinh đủ 2 con ấy là nghĩa vụ với gia đình và cả nghĩa vụ với quốc gia. Vì ở mức sinh ấy mới đảm bảo sự phát triển của đất nước và xã hội. Như Nhật Bản hiện có 127 triệu dân, mức sinh thấp khiến dự báo năm 2050 con số này giảm còn 90 triệu và năm 2100 chỉ còn 40 triệu, tương đương 1/3 so với 100 năm trước, điều đó không tốt và không đảm bảo sự phát triển.

* Giai đoạn dân số vàng này là giai đoạn có một không hai về nhân khẩu học. Nếu muốn tận dụng thật tốt, VN nên làm gì từ góc độ dân số mà ông đang phụ trách?

- Muốn tận dụng, mỗi công dân VN đều phải có nghề nghiệp và được đào tạo nghề. Một vấn đề nữa là làm sao có chính sách phát huy được nguồn lực trong dân. Bên cạnh đó, chúng ta đang xuất khẩu lao động giản đơn, nhưng chỉ cần lao động được đào tạo nghề điều dưỡng, thu nhập đã cao hơn rất nhiều. So với nhiều nước, tỉ lệ người VN biết đọc biết viết cao, song tỉ lệ người lao động được đào tạo nghề lại không cao. Thật ra ở giai đoạn hiện nay, dân số VN mới “vàng” về số lượng, chưa “vàng” ở chất lượng. Muốn phát triển, chúng ta phải biến vàng ở số lượng thành vàng cả về chất lượng dân số.

Chỉ 15,6% người lao động được đào tạo

Theo kết quả cuộc điều tra lao động và việc làm năm 2011, tỉ lệ người lao động qua đào tạo vẫn còn thấp. Trong 51,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, chỉ có hơn 8 triệu người được đào tạo, chiếm 15,6% tổng lực lượng lao động.

Như vậy, tuy nguồn nhân lực của VN trẻ và dồi dào, nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật thấp. Tỉ lệ lao động đã qua đào tạo cao nhất là ở Hà Nội (30,7%) và thấp nhất là đồng bằng sông Cửu Long (8,6%). Tỉ lệ lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên khác nhau đáng kể giữa các vùng. Nơi có tỉ lệ này cao nhất là Hà Nội và TP.HCM (17%), còn đồng bằng sông Cửu Long thấp nhất (3,4%).

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày