Xã hội rất đơn giản, phức tạp là con người! Làm tốt 3 điểm, thăng chức tăng lương chỉ còn là chuyện nhỏ

Như Nguyễn, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 17:51 29/08/2021

Vì sao bạn luôn rất nỗ lực, nhưng người được thăng chức tăng lương lại không phải bạn? Vì sao nghiệp vụ của bạn tốt, nhưng lại không có được đãi ngộ tốt nhất? Vì sao bạn luôn rất kính nghiệp, nhưng lãnh đạo cứ luôn không nhìn thấy?

Vì bạn chưa đủ thực tế ư? Không! Chẳng qua cũng chỉ vì bạn chưa biết cách làm sao để xây dựng các mối quan hệ, đối thoại một cách khéo léo trên cơ sở chăm chỉ làm việc.

Càng là những người mới ra đi làm, sẽ càng nghĩ kiểu: Mình cứ làm tốt việc của mình là được! Cầm bao nhiêu tiền thì làm bấy nhiêu việc! Cứ làm tốt, công ty nhất định không bạc đãi!

Ngốc ạ, tới giờ phút này bạn vẫn tin cái gọi là "bạn chỉ cần nỗ lực, ông trời ắt tự có an bài" ư? Mở to cái đôi mắt nằm mơ giữa ban ngày của bạn ra, xem xem những đồng nghiệp được thăng chức tăng lương, rồi lại nhìn những lãnh đạo ngon lành cành đào phía trên bạn xem, có ai chỉ cứ chịu khó làm việc thôi là được như vậy hay không? Bạn càng đi lên, bạn càng phát hiện ra rằng, tạo những mối quan hệ tốt đẹp quan trọng tới nhường nào!

Bài viết ngày hôm nay, tôi muốn chia sẻ với bạn ba chiêu giúp nâng cao EQ ở nơi làm việc.

Thứ nhất, tranh thủ nhiều thời gian trao đổi với lãnh đạo

Đối với nhiều công ty mà nói, lấy được lòng lãnh đạo mới là mấu chốt. Làm tốt việc, đó là nghĩa vụ; được lãnh đạo tín nhiệm, mới là bản lĩnh.

Ở nơi làm việc, bạn cần phải tranh thủ được càng nhiều thời gian trao đổi, đối thoại với lãnh đạo càng tốt, để họ thường xuyên thấy được sự đáng tin cậy từ bạn. Đừng sợ người khác đố kị, cũng đừng lo lắng người khác bàn tán sau lưng, nói bạn thích thể hiện, thích bợ đỡ. Đã gọi là đi làm kiếm tiền thì bạn quản nhiều việc như vậy để làm gì! Người quyết định bạn có được thăng chức tăng lương hay không, không phải là những người bàn tán linh tinh đó, mà là lãnh đạo của bạn.

Nếu bạn không cho rằng mình nên biết cách nói chuyện, nếu bạn ngày ngày chỉ biết cắm mặt vào làm việc chăm chỉ, không cần có sự trao đổi qua lại, vậy thì bạn đã nhầm rồi. Chỉ cắm đầu vào chăm chỉ làm việc, bạn không lo lắng công lao của mình sẽ bị người biết ăn nói hơn giành mất ư? Bạn không lo lắng sự nỗ lực, vất vả của mình mỗi ngày, một chút cũng không được ông chủ nhìn thấy ư? Vì vậy, chỉ biết làm việc thôi là chưa đủ, bạn còn phải biết cách ăn nói!

Chẳng hạn, bạn và đồng nghiệp S. cùng nhau tăng ca, tăng ca tới tận 23, 24h. Bạn làm xong rồi, chẳng nói chẳng rằng, lập tức thật thà đi về nhà luôn. Nhưng S. người ta lại gửi cho lãnh đạo một tin nhắn nói: "Sếp cứ yên tâm ạ, công việc hôm nay cũng xem như đã hoàn thành rồi, chắc không có vấn đề gì quá lớn. Ngày mai tôi sẽ đến sớm kiểm tra lại thật kĩ càng thêm một lần nữa. Sếp nghỉ ngơi sớm đi ạ."

Bạn tự hỏi mình xem, nếu bạn là lãnh đạo, bạn sẽ thích kiểu người nào hơn? Đây gọi là biết thể hiện, biết biểu đạt, biết làm việc. Với tiền đề là bạn đã hoàn thành tốt công việc của mình, hãy tranh thủ thời gian trao đổi, đối thoại với lãnh đạo, để họ thấy được sự tích cực và đáng tin cậy của bạn.

Xã hội rất đơn giản, phức tạp là con người! Làm tốt 3 điểm, thăng chức tăng lương chỉ còn là chuyện nhỏ - Ảnh 1.

Thứ hai, dám nhận những dự án và áp lực lớn

Bạn có thể chịu được bao nhiêu áp lực, bạn sẽ xứng đáng với thành công lớn bấy nhiêu! Một người có đáng để cân nhắc hay không, thứ mà lãnh đạo khảo nghiệm đầu tiên chính là khả năng chịu áp lực của người đó.

Chẳng hạn, lãnh đạo sắp xếp nhiệm vụ mới, muốn tìm người mới đảm trách công việc, lúc này, bạn tuyệt đối đừng vì muốn để lại một ấn tượng khiêm tốn trong mắt cấp trên mà "uyển chuyển" nói: "Thưa sếp, tôi vẫn chưa có kinh nghiệm thực tế ở mảng này, bình thường làm cũng không quá tốt, tôi lo mình làm không tốt…", bạn tưởng đó là khiêm tốn, nói kiểu lấp lửng một chút, rồi định sau đó sẽ thêm câu chốt "nhưng sếp yên tâm, tôi nhất định sẽ cố gắng hết sức hoàn thành nhiệm vụ này" để khiến sếp vui, cho thấy mình có chí tiến thủ. Nhưng thực tế lại là hỏng bét!

Bạn nghĩ như vậy, người ta cũng nghĩ như vậy. Lãnh đạo có thể sẽ nghĩ có lẽ bạn chưa thực sự thích hợp, hay là để tìm người khác xem sao. Một khi trong đầu họ đã nghĩ "hay là để tìm người khác xem sao" là lúc đó bạn gần như mất đi cơ hội rồi. Lỡ như đối thủ cạnh tranh của bạn cũng ở đó, người ta trực tiếp đồng ý nhận luôn nhiệm vụ, trực tiếp nói: "Thưa sếp, tôi sẽ nhận nhiệm vụ này, lúc trước tôi vừa hay cũng đã từng làm qua XX…" Có thể người này bình thường không bằng bạn, nhưng vào lúc mấu chốt, người ta cho thấy sự chủ động trong gánh trách nhiệm và tinh thần dám thử thách bản thân, bạn nghĩ xem, lãnh đạo sẽ chọn ai?

Vì vậy, khi gặp những trường hợp như này, bạn phải học cách nói: "Cảm ơn sếp đã tin tưởng, tôi nhất định sẽ cố gắng hết sức làm tốt việc này, không phụ kì vọng của sếp". Nó không trực tiếp nhắc tới việc bạn sẽ làm tốt tới đâu, chỉ cho thấy thái độ dám chịu trách nhiệm, tinh thần muốn gánh vác, muốn thử thách, đây mới là lời mà lãnh đạo muốn nghe.

Trước tiên hãy nắm chắc cơ hội trong tay, rồi dần dần mở đường cho những khó khăn về sau. Ví dụ, đầu tiên tìm hiểu tình hình thông qua nghiên cứu thị trường và phân tích tính khả thi, sau đó tận dụng cơ hội để báo cáo và phản hồi về những khó khăn, và cuối cùng xin một số nguồn lực với sự giúp đỡ của người có thẩm quyền. Khi đã có nhân lực, vật lực, tài chính và các hỗ trợ khác của công ty, bạn còn lo không hoàn thành được việc ư? Đây mới là cách để tiến lên xa hơn!

Xã hội rất đơn giản, phức tạp là con người! Làm tốt 3 điểm, thăng chức tăng lương chỉ còn là chuyện nhỏ - Ảnh 2.

Thứ ba, nâng cao EQ và năng lực xã giao

Tuyệt đối đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ cần nỗ lực làm việc thật chăm chỉ là sẽ tự nhiên nhận được đãi ngộ tốt hơn. Nếu thực sự đơn giản là vậy, vậy thì ai cũng có thể được hàng chục triệu một tháng rồi phải không?

Tuyệt đối đừng chỉ biết cúi đầu kéo xe đi thẳng tắp, bạn cần phải học cách nâng cao EQ và khả năng xã giao của mình, học cách đi tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp. Bạn cho rằng những người muốn lên cao, những người lên cao một cách nhanh chóng, họ không biết nhìn sắc mặt người khác, không biết lấy lòng cấp trên? Có ai "được ăn ngon" ở công ty mà không biết cách ăn nói, không khéo ăn khéo nói? Có ai làm tốt công việc quản lý mà không có EQ cao?

Những quản lý giỏi ở nơi làm việc đều có một đặc điểm: họ vừa đáp ứng được kì vọng của phía trên, vừa biết cách giữ chân những người ở phía dưới. Muốn làm tốt điều này, không thể chỉ dựa vào việc chăm chỉ làm việc, mà nó còn phụ thuộc rất nhiều vào EQ, vào năng lực xã giao và ứng biến.

Xã hội rất đơn giản, phức tạp là con người. Ở nơi làm việc, nếu muốn thuận lợi tiến lên, một EQ cao và một năng lực xã giao là điều không thể thiếu.