Đã là “dân kinh tế”, thật không ngoa khi nói 10 người thì 9 người mơ được vào làm ở các công ty thuộc nhóm BIG bởi danh tiếng, cùng cơ hội phát triển rộng mở. Mỗi một lĩnh vực sẽ có một nhóm BIG riêng như: BIG4 ngân hàng tại Việt Nam (BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank), BIG3 tư vấn (McKinsey & Company, Boston Consulting Group và Bain & Company). Đối với dân kế - kiểm, thì BIG4 trong lòng họ đó chính là PwC, Deloitte, KPMG và EY.
Để làm việc tại những công ty thuộc nhóm BIG nói chung và BIG4 kiểm toán nói riêng, các ứng cử viên phải trải qua những vòng tuyển dụng gắt gao với hàng hoạt tiêu chí khó nhằn. Vậy nên, thật không sai khi nói những ứng cử viên trúng tuyển vào đây chính là “chiến binh nghìn máu”. Biết là khó nhưng không ít bạn trẻ Việt trúng tuyển vào các công ty BIG4 không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài.
Dù có xuất phát điểm khác nhau, làm việc tại các công ty ở nhiều quốc gia trên thế giới, song điểm chung là họ đều phải trải qua hành trình nỗ lực không ngừng và có riêng cho mình những mẹo siêu hay ho trong hành trình đăng ký vào các công ty kiểm toán hàng đầu.
1. Nguyễn Vân Trang: Tư vấn Thuế Quốc tế tại PwC (Singapore)
Vân Trang từng là du học sinh trường Đại học Northampton (Anh). Trước khi “nhảy” sang làm việc tại PwC Singapore, cô nàng từng có quãng thời gian làm việc tại BIG4 kiểm toán tại Việt Nam, rồi thi tuyển vào công chức.
Hành trình công việc của Vân Trang có thể tóm gọn lại trong vòng một vài cột mốc: Đi làm ở một công ty thuộc BIG4 Việt Nam - muốn ổn định - đi làm công chức nhà nước - cơ hội đến - "quay xe" trở về BIG4 nhưng lần này là "xuất ngoại".
"Mình apply trực tiếp, thuộc dạng Experienced Hires (ứng viên từng có kinh nghiệm) nên quy trình có thể khác so với các bạn mới tốt nghiệp/ thực tập. Các bạn được chuyển tiếp công việc trong mạng lưới của công ty (ví dụ chuyển thẳng từ PwC Việt Nam qua PwC Singapore", Vân Trang chia sẻ.
Vân Trang hiện làm tư vấn Thuế Quốc tế tại PwC
2. Thái Doanh Nghi: Nhân viên kiểm toán tại Deloitte (Mỹ)
Thái Doanh Nghi từng là du học sinh ngành Kiểm toán tại trường Đại học DePaul (Mỹ). Cô nàng từng có 3 năm liền luôn đạt thành tích tối đa GPA 4.0/4.0 ở các học kỳ. Đến năm 3, Doanh Nghi đã trúng tuyển thực tập sinh ngành Kiểm toán tại Deloitte. Sau quá trình cố gắng, cuối cùng cô đã được lời mời làm việc chính thức tại công ty kiểm toán hàng đầu thế giới này.
3. Lê Công Minh: Quản lý dự án tại Deloitte (Ba Lan)
Công Minh từng là học sinh Học viện Ngân hàng. Sau khi tốt nghiệp, chàng trai được nhận vào làm quản lý công nghệ tại một công ty nổi tiếng. Đang trên đà sự nghiệp thăng tiến, Minh lại đột ngột đến Ý học chương trình Quản lý quốc tế khi đạt được học bổng toàn phần.
Sau khi sang Ý du học được 6 tháng, Minh đã tìm kiếm việc làm. Trải qua nhiều vòng phỏng vấn, Công Minh được nhận vào làm tại công ty Deloitte, chi nhánh Ba Lan. Chỉ sau 1 tháng thử việc, Minh được mời làm vị trí quản lý dự án công nghệ.
Công Minh từng là học sinh Học viện Ngân hàng
4. Nguyễn Ngọc Hải: Senior Finance Analyst (Chuyên viên phân tích tài chính cao cấp) và Data Scientist (Nhà khoa học dữ liệu) tại KPMG (Úc)
Tốt nghiệp Đại học SP Jain School of Global Management (Úc), Hải đăng ký vào nhiều công ty cùng lúc sau đó thành công đỗ vào KPMG. Chỉ sau 6 tháng làm việc, anh được thăng chức làm Senior Finance Analyst (Chuyên viên phân tích tài chính cao cấp) và Data Scientist (Nhà khoa học dữ liệu) tại KPMG.
5. Nguyễn Thị Thùy Linh - Trợ lý Luật sư tại PwC (Việt Nam)
Trước khi vào PwC (Việt Nam), Thùy Linh từng là sinh viên ngành Luật tại trường Đại học Luật Hà Nội. Đến đây, nhiều người không khỏi bất ngờ bởi tại sao Linh là một sinh viên ngành Luật mà lại có cơ hội làm việc tại BIG4. Trên thực tế, dù nổi tiếng với lĩnh vực kiểm toán, nhưng BIG4 còn cung cấp nhiều dịch vụ khác cho các doanh nghiệp như: Dịch vụ thuế (tư vấn thuế, tư vấn hải quan, dịch vụ kế toán, dịch vụ chuyển giá…), Dịch vụ pháp lý (các BIG hiện đều đã tách dịch vụ pháp lý thành một công ty luật riêng)...
Chưa dừng lại ở đó, Linh không có xuất phát điểm nổi bật về học vấn, từng bị xếp hạng loại trung bình với điểm GPA là 2.24. Tuy nhiên, với định hướng rõ ràng, cô nàng vẫn thành công chinh phục BIG4.
Mặc dù có xuất phát điểm và theo đuổi lĩnh vực khác nhau, song các bạn trẻ trên đều nhận định quá trình apply vào BIG4 không hề dễ dàng.
1. Nguyễn Thị Thùy Linh: Trợ lý Luật sư tại PwC (Việt Nam)
Cô nàng tiết lộ thông thường các công ty BIG4 sẽ mở đơn tuyển thực tập sinh vào tháng 8, tháng 9 hàng năm. Đối với mỗi lĩnh vực khác nhau quá trình thi tuyển sẽ có những yêu cầu riêng. Thông thường quy trình sẽ gồm 4 vòng:
+ Vòng kiểm tra: Candidate (ứng cử viên) có thể làm online hoặc offline về lĩnh vực chuyên môn bạn ứng tuyển. Đối với một số trường hợp, candidate sẽ phải làm thêm bài trắc nghiệm tính cách online trên hệ thống. Bí quyết của Linh là nắm vững kiến thức trong lĩnh vực của mình, có kỹ năng tra cứu quy định nhanh và kỹ năng viết logic, rõ ràng, rành mạch.
+ Phỏng vấn với HR: Ở vòng này có thể phỏng vấn và thuyết trình về một chủ đề nhất định theo nhóm, hoặc phỏng vấn cá nhân để tìm hiểu về kỹ năng, định hướng nghề nghiệp của bạn trong tương lai.
Linh tiết lộ các công ty BIG4 sẽ mở đơn tuyển thực tập sinh vào tháng 8, tháng 9 hàng năm
+ Phỏng vấn với manager (quản lý) và phỏng vấn với partner (giám đốc, tổng giám đốc): Ở vòng này nhà tuyển dụng sẽ tìm hiểu để có cái nhìn sâu sắc hơn về trình độ chuyên môn và các kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp bạn đang có và lý do tại sao bạn chọn công ty là nơi bắt đầu hành trình nghề nghiệp của mình. Một số trường hợp ứng viên sẽ được nhận ngay khi kết thúc vòng phỏng vấn với quản lý.
Ngoài ra, các vòng thi tuyển tại BIG4 đều được thực hiện bằng tiếng Anh hoặc cả tiếng Anh và tiếng Việt. Bên cạnh kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, Linh cho rằng kỹ năng và sự tự tin là chìa khóa để chúng ta vượt qua các vòng thi tuyển tại BIG4.
2. Nguyễn Vân Trang: Tư vấn Thuế Quốc tế tại PwC (Singapore)
Theo Vân Trang, để vào được BIG4 thì bản lĩnh, nỗ lực hay chăm chỉ thì ai cũng có. Tuy nhiên, sự nhạy bén để nắm bắt cơ hội không phải ai cũng có thể sở hữu. Chia sẻ về những kinh nghiệm ứng tuyển vào BIG4, cô nàng nhấn mạnh vào 5 điều sau:
- Xây dựng CV cân bằng giữa học tập và ngoại khoá.
- Tiếng Anh tốt, biết thêm 1 ngoại ngữ khác như Trung, Nhật, Hàn là một điểm cộng cực lớn.
- Chú ý các đợt tuyển dụng (nếu là sinh viên mới tốt nghiệp hoặc intern) vì mỗi năm chỉ có 2 đợt thôi.
- Chăm chút Linkedin (đối với các bạn đã có kinh nghiệm).
- Và điều cuối cùng là hãy tự tin vào chính mình.
3. Nguyễn Ngọc Hải: Senior Finance Analyst và Data Scientist tại KPMG (Úc)
Để trúng tuyển vào BIG4, Hải khuyên các bạn ứng viên cần chuẩn bị thật kỹ về kiến thức chuyên môn, cũng như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình để nhà tuyển dụng nhanh chóng phát hiện tiềm năng của bạn:
"Riêng mình, mình luôn tự nhủ với bản thân đó là hãy luôn biết mình là ai, tự tin vào năng lực, biết được những giá trị mình đang mang lại và cố gắng phấn đấu cho những thứ mình xứng đáng", 9x chia sẻ thêm.
Hải khuyên các bạn ứng viên cần chuẩn bị thật kỹ về kiến thức chuyên môn cùng kỹ năng mềm
4. Thái Doanh Nghi: Nhân viên kiểm toán tại Deloitte (Mỹ)
Một nhà tuyển dụng từng tiết lộ với Doanh Nghi rằng họ chỉ xem hồ sơ tầm 5 giây nên BẮT BUỘC: Hồ sơ phải ngắn và thể hiện hết khả năng của ứng viên. Doanh Nghi học được tips rất hay khi viết hồ sơ là sử dụng các từ mạnh ở đầu câu liên quan tới ngành mà bạn ứng tuyển. Điều này rất hiệu quả đối với những bạn chưa có kinh nghiệm chuyên ngành.
"Ví dụ như thay vì nói 'Làm trưởng nhóm của một câu lạc bộ gồm 5 người', mình có thể thay thế bằng 'Dẫn dắt nhóm gồm 5 thành viên để tổ chức các sự kiện liên quan đến văn hoá ở trường đại học'. Như vậy khi nhà tuyển dụng đọc lướt qua, sẽ đọc được ngay các động từ chỉ hành động mà họ tìm kiếm ở một ứng cử viên.
Ngoài ra, việc làm quen và mở rộng các mối quan hệ công việc với các anh, chị đi trước đã và đang làm ở công ty lớn cũng giúp rất nhiều trong việc học tập kinh nghiệm và được giới thiệu công việc" - Doanh Nghi cho hay.
Còn ở vòng phỏng vấn, để thành công vượt qua vòng này, các ứng viên cần có tâm thế thoải mái. Lời khuyên là: Hãy trả lời phỏng vấn như đang trò chuyện với người đối diện, chứ không phải hỏi đáp.
Nhi chia sẻ hồ sơ xin việc phải ngắn và thể hiện hết khả năng của mình
Đảm nhận vị trí Senior Finance Analyst (Chuyên viên phân tích tài chính cao cấp) và Data Scientist (Nhà khoa học dữ liệu) tại KPMG (Úc), Ngọc Hải nhận mức lương 100 triệu đồng/tháng. Còn đối với Vân Trang, với số tiền mà cô nàng đạt được trong quá trình làm việc tại PwC (Singapore) có thể chi tiêu khá thoải mái tại Singapore, vi vu du lịch khắp nơi. Đây cũng là lý do chính khiến nhiều bạn trẻ mơ ước làm việc tại BIG4.
Nhìn mức lương thì có vẻ hào nhoáng nhưng để có thu nhập “khủng” như vậy, các bạn trẻ trên đã phải đánh đổi bằng những đêm thức trắng, rồi bao công sức lên kế hoạch ứng tuyển vào những công ty kiểm toán hàng đầu…
Còn về môi trường làm việc, bên cạnh sự chuyên nghiệp hay áp lực cạnh tranh đồn đại về các công ty BIG4, điều Công Minh ấn tượng hơn cả ở công ty của mình đó chính là tinh thần cố gắng giúp đỡ nhân viên mới hòa nhập.
"Như khi có một nhóm đồng nghiệp đang nói chuyện bằng tiếng Ba Lan, nếu thấy mình đi qua họ sẽ auto chuyển sang tiếng Anh. Hoặc khi được thêm vào nhóm chat, sẽ luôn có câu giới thiệu cùng dòng nhắn 'Bây giờ có bạn mới, mọi người dùng tiếng Anh nhé', thế là mọi người lại chuyển hết sang dùng tiếng Anh cho mình bớt lạc lõng", Minh tâm sự.
Về phần Doanh Nghi, cô nhận thấy môi trường làm việc ở BIG4 vô cùng khắt khe, đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao nhưng không vì thế mà công ty tạo áp lực cho nhân viên. Công ty cô đang làm việc rất thoải mái và dành nhiều sự đầu tư cho tinh thần của nhân viên.
Tổng hợp