World Cup 2018: Khoa học đằng sau những pha ăn vạ trong bóng đá

ZKNIGHT, Theo Trí Thức Trẻ 01:01 01/07/2018
Chia sẻ

Ăn vạ xảy ra nhiều gấp đôi khi trận đấu đang có tỉ số hòa, gấp 5 khi bóng ở trong vòng cấm địa.

Chẳng có kỳ World Cup nào mà không có những tình huống gây tranh cãi, trong đó, một cầu thủ giả vờ nắm cẳng chân lăn qua lăn lại hay ôm mặt gào thét trên sân nhằm cầu xin sự thương cảm từ phía trọng tài.

Nói thẳng ra thì họ ngã ra rồi nằm đó ăn vạ.

Ngay trong lượt trận đầu tiên của World Cup 2018 , hậu về Lucas Hernandez của đội tuyển Pháp thừa nhận mình đã cố tình ăn vạ mong tiền vệ Mathew Leckie của Australia bị đuổi khỏi sân, đồng thời câu giờ giúp đội tuyển Pháp có chiến thắng 2-1 trước Australia.

Hậu vệ người Tây Ban Nha Gerard Piqué cũng tố cáo Cristiano Ronaldo ăn vạ nhiều lần trong trận đấu đầu tiên tại World Cup 2018. Sau khi giả vờ ngã, và kiếm được một quả phạt đền ngay đầu trận đấu, Ronaldo còn quay ra cười như thế này:

World Cup 2018: Khoa học đằng sau những pha ăn vạ trong bóng đá - Ảnh 1.

Ronaldo có thói quen “tự lăn ra đất”, Piqué nói.

Những tình huống ngã ăn vạ đã trở nên quá quen thuộc với người hâm mộ bóng đá. Đến nỗi bây giờ, nó đã trở thành một phần đặc trưng của môn thể thao vua: Cầu thủ ôm mặt nhăn nhó, nằm vật trên sân, lăn qua lăn lại trong tiếng hét đau đớn, nhưng sau đó lại đứng dậy bình thường, liếc mắt tinh quái rồi tiếp tục thi đấu.

Chúng khiến những cổ động viên trung thành với bóng đá phải tức giận, còn những người đã không xem bóng đá càng hoài nghi về tính công bằng của môn thể thao vua. Tất nhiên, quy tắc và luật trong bóng đá đều cấm những hành vi phi thể thao này. Vậy mà, ăn vạ vẫn liên tục xuất hiện thường xuyên trên sân cỏ.

"Tôi xem nó như một kỹ năng", cựu ngôi sao bóng đá Mỹ Alexi Lalas nói với Associated Press. "Có những tình huống ăn vạ tốt và có những tình huống ăn vạ xấu. Việc phải diễn đó cũng để tôn lên một diễn biến trên sân, tôi không coi nó là sự xúc phạm đến trận đấu hay người xem".

Mặc dù những tình huống ăn vạ nghệ thuật như một bộ phim hài, vẫn có một logic lạnh lùng đằng sau chúng. Luật bóng đá có xu hướng ưu tiên cho cầu thủ ăn vạ, và các nhà kinh tế học hành vi đã phát hiện ra cách họ lợi dụng nó khéo léo đến thế nào.

Hãy cùng tìm hiểu về khoa học đằng sau những cú ngã ăn vạ trên sân cỏ.

World Cup 2018: Khoa học đằng sau những pha ăn vạ trong bóng đá - Ảnh 2.

Có một logic lạnh lùng đằng sau những pha ăn vạ đoạt giải Oscar như thế này

Tại sao các cầu thủ thi nhau ăn vạ?

Cầu thủ bóng đá ngã ăn vạ vì một lý do rất rõ ràng: họ muốn gian lận. Trong bóng đá, ăn vạ có thể được sử dụng để buộc trọng tài cho dừng trận đấu. Nó cũng có thể mang lại một cú phát bóng, thậm chí một thẻ đỏ.

Đối với một tình huống trong vòng cấm địa của đối phương, cầu thủ ăn vạ có thể mang về một quả penalty, theo thống kê gần 90% sẽ được chuyển thành bàn thắng. Những hình phạt trong bóng đá đem lại lợi thế lớn hơn nhiều so với điều tương tự trong bóng rổ. Nó cũng là lý do chúng ta hiếm khi thấy cầu thủ bóng rổ ngã lăn ra sân và ôm mặt ăn vạ.

Các nhà khoa học nghiên cứu hành vi ăn vạ trong bóng đá phát hiện ra các cầu thủ cũng chỉ đang bắt chước các hình thức gian lận khác tìm thấy trong thế giới tự nhiên. Ví dụ như những con cua bị thương cố tỏ ra khỏe mạnh như những con khác để tránh bị bắt nạt.

Gian lận là một cách dễ dàng để đạt được lợi thế, do đó, cũng không có gì ngạc nhiên khi nó được sử dụng thường xuyên trong các cuộc thi đấu thể thao.

Mặc dù vậy, các cầu thủ vẫn phải đối mặt với áp lực khi họ gian lận bằng cách ăn vạ. Một thẻ phạt hoặc nguy cơ bị người hâm mộ quay lưng sẽ khiến họ tiết kiệm và tính toán nhiều hơn cho những cú ngã giả vờ của mình.

Có một vài nguyên tắc ăn vạ trong bóng đá mà các nhà khoa học Australia đã tìm ra, trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí PLOS One năm 2011.

World Cup 2018: Khoa học đằng sau những pha ăn vạ trong bóng đá - Ảnh 3.

Càng gần trọng tài, các cầu thủ càng thích ăn vạ

Nguyên tắc đầu tiên là, khi cầu thủ càng ở gần trọng tài, họ càng có khả năng ăn vạ lớn hơn. Trọng tài là khán giả quan trọng nhất, là yếu tố then chốt trong những pha ăn vạ.

Nhóm nghiên cứu phát hiện khoảng cách với trọng tài có thể khiến một cú ngã ăn vạ thành công gấp 3 lần. Ngược lại, nó cũng khiến nguy cơ bị phát hiện tăng lên, tệ hơn có thể khiến cầu thủ diễn kịch phải nhận một thẻ vàng.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 60 trận bóng đá trong 10 giải đấu và phân loại các cú ngã của cầu thủ, kiểm tra xem họ ngã như thế nào, bị tác động ra sao.

"Gian lận xảy ra khi cá nhân được lợi từ những tín hiệu sai sự thật đạt đến đích là người nhận nó", các nhà nghiên cứu viết. "Ngã ăn vạ được coi là loại tín hiệu gian lận tự do, vì cái giá và lợi ích của việc gian lận chỉ phụ thuộc vào cách trọng tài phản ứng với tín hiệu mà không phát sinh từ việc sinh ra tín hiệu".

Nghe thì phức tạp, nhưng đại ý các nhà khoa học muốn nói là ăn vạ trong bóng đá không phải hành vi khách quan. Nó là một sự cố tình biểu diễn cho người khác xem, mà khán giả của màn kịch chỉ có một mà thôi, chính là trọng tài.

Ăn vạ xảy ra nhiều gấp đôi khi trận đấu đang có tỉ số hòa, gấp 5 khi bóng ở trong vòng cấm địa

World Cup 2018: Khoa học đằng sau những pha ăn vạ trong bóng đá - Ảnh 4.

Tỷ lệ các pha ăn vạ xảy ra dựa trên kết quả tạm thời của trận đấu

Nguyên tắc thứ 2 được khoa học khám phá, đó là mối quan hệ của những pha ăn vạ với kết quả tạm thời của trận đấu. Theo đó, khi đang có kết quả hòa, các cầu thủ có xu hướng ăn vạ nhiều gấp đôi so với khi đội họ thắng hoặc thua.

Điều này chỉ ra bản thân hành động ăn vạ là không ngẫu nhiên. Nó thiên về việc muốn tìm kiếm một cơ hội dẫn trước đối thủ, hơn là câu giờ hoặc gỡ hòa.

Tiếp theo đó, vị trí trên sân cũng quan trọng. Một cầu thủ có khả năng ngã ăn vạ gấp hai lần khi họ đang tấn công so với khi phòng thủ. Càng gần khung thành đối phương, hành động ăn vạ càng có xác suất xảy ra cao hơn.

World Cup 2018: Khoa học đằng sau những pha ăn vạ trong bóng đá - Ảnh 5.

Tỷ lệ các pha ăn vạ xảy ra theo vị trí trên sân

Đó là một điều dễ hình dung, nhưng có một nguyên tắc khá phản trực giác. Khi các cầu thủ ăn vạ càng nhiều, trọng tài sẽ càng cảnh giác được điều đó. Mặc dù vậy, cầu thủ lại có khả năng thành công cao hơn. Và khi trận đấu càng có nhiều penalty, các cầu thủ càng có xu hướng ăn vạ nhiều hơn trong thời gian còn lại.

Bây giờ, chúng ta hãy xem xét các yếu tố trên trong một tình huống thực tế. Trận tranh vé vào tứ kết World Cup 2014 giữa Mexico và Hà Lan đã có tỷ số hòa cho đến phút bù giờ. Tỷ số hòa có thể là một yếu tố khiến Arjen Robben giả vờ ngã ngay trong vòng cấm địa của Mexico để mang về một quả penalty cho Hà Lan:

Màn kịch của Robben trong trận đấu với Mexico năm 2014

Một lập luận hợp lý là Robben có nhiều khả năng bị cài chân bởi hậu vệ người Mexico Rafael Márquez. Vì trước đó anh ấy đã giả vờ ngã quá nhiều nhưng không thành công. Trong suốt cả trận, Robben đã ăn vạ tới 5 lần.

Một điều cuối cùng, ăn vạ có thể trở thành một truyền thống của đội bóng và lối chơi của một cầu thủ. Trong World Cup 2014, Tạp chí Wall Street Journal phát hiện ra rằng Brazil là đội bóng hay ăn vạ nhất. Trong 32 trận đấu, Brazil có tổng cộng 17 pha ăn vạ, lấy đi 3 phút 18 giây bóng lăn tại World Cup.

Neymar là cầu thủ ăn vạ nhiều nhất với tổng cộng 5 lần nằm sân đau đớn nhưng trở lại thi đấu chỉ sau 15 giây. Năm nay, một quán bar ở Brazil thậm chí còn khuyến mại 1 ly miễn phí cho khán giả, cứ mỗi khi Neymar của họ ngã trên sân.

Trong trận đấu của Brazil với Costa Rica, chúng ta lại thấy Neymar ngã trong vòng cấm địa. Suýt chút nữa thì Brazil đã được hưởng một quả phạt đền, cho đến khi trọng tài sử dụng công nghệ VAR và phát hiện Neymar chỉ giả vờ để ăn vạ:

Neymar giả vờ ngã trong vòng cấm Costa Rica (22/6/2018)

Nhưng một mặt, chúng ta cũng phải thông cảm với siêu sao bóng đá người Brazil. Tuy có thói quen ăn vạ, Neymar cũng vừa lập kỷ lục là cầu thủ bị phạm lỗi nhiều nhất trong một trận World Cup suốt 20 năm trở lại đây.

Trong trận Brazil gặp Thụy Sĩ, anh đã bị phạm lỗi tới 10 lần, ít hơn 1 lần so với kỷ lục của Alan Shearer đội tuyển Anh trong trận đấu với Tunisia tại World Cup 1998. Neymar cũng là cầu thủ bị phạm lỗi nhiều nhất trong lịch sử bóng đá Brazil kể từ năm 1966.

Chả trách, quán bar ở Brazil lại nghĩ ra một cách độc đáo để thu hút khách hàng mỗi khi Neymar ngã như vậy.

Tham khảo Vox, Cbssports

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày