Được đánh giá là một trong những bộ phim tình cảm gia đình hay nhất năm, Wonder – Điều Kỳ Diệu còn truyền cảm hứng cho khán giả về lòng tốt và nguồn năng lượng sống tích cực. Câu chuyện về quá trình hóa thân thành Auggie Pullman của Jacob Tremblay, về nguồn cảm hứng khiến tác giả R. J. Palacio viết nên Điều Kỳ Diệu và về những mảnh đời giống như Auggie sẽ khiến mọi người xúc động và có niềm tin nhiều hơn về những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Từ thiên thần Auggie cho đến gương mặt nhí Jacob Tremblay
Auggie Pullman quả là thiên thần nhí của Wonder. Dù mắc phải hội chứng Treacher Collins khiến gương mặt bị biến dạng, Auggie vẫn là một cậu bé đáng yêu, lạc quan và đam mê thiên văn học. Nghị lực của cậu bé và tình yêu thương từ gia đình, bạn bè, thầy cô trong phim đã làm nên một thông điệp nhân văn về việc lan truyền lòng tốt và sự tử tế.
Hóa thân vào Auggie trong phim là gương mặt nhí Jacob Tremblay - người cũng có trái tim ấm áp không kém. Để hóa thân thành Auggie, mỗi ngày Jacob phải mất đến 2 tiếng cho công việc hóa trang. Đặc biệt, để hiểu hơn về nhân vật của mình, Jacob còn cùng ba mẹ ghé thăm một bệnh viện ở Toronto để tìm gặp những người bạn mắc phải hội chứng có gương mặt bất thường và trao đổi thư từ với họ.
Những người bạn tại bệnh viện đã đến tham dự buổi ra mắt phim Wonder và chụp hình cùng Jacob
Nguồn cảm hứng cho Wonder bắt nguồn từ tình huống giữa đời thực
Có lẽ quyển sách Wonder – Điều Kỳ Diệu đã không được thành hình nếu như R. J. Palacio – khi ấy vẫn còn là một nhà thiết kế minh họa, không gặp phải một tình huống đặc biệt. Ý tưởng cho cuốn sách nảy ra trong một lần tác giả đi mua kem cho con trai, khi cô sợ con trai mình sẽ có phản ứng tiêu cực với một cô bé có khuôn mặt dị tật bẩm sinh đang đứng xếp hàng bên cạnh.
R. J. Palacio – tác giả của Điều Kỳ Diệu
Palacio chia sẻ: "Tôi đang đứng trước cửa hàng bán kem với đứa con trai 3 tuổi của mình. Thằng bé đã nhìn thấy một bé gái với khuôn mặt khác thường bên cạnh. Thằng bé sợ hãi và đã òa khóc. Trong sự vội vã, tôi đã dắt thằng bé rời khỏi đó thật nhanh vì sợ cô bé sẽ bị tổn thương bởi phản ứng của thằng bé. Sau đó, tôi bắt đầu suy nghĩ … tôi đã làm gì thế này, tất nhiên, tôi chỉ cần quay sang con bé và bắt đầu một cuộc trò chuyện để cho thấy rằng không có gì thực sự đáng sợ cả".
Câu chuyện cảm động về những "Auggie phiên bản đời thực"
Câu chuyện của Wonder – Điều Kỳ Diệu cũng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều những bệnh nhân mắc phải hội chứng bất thường ở khuôn mặt. Shane Vysocky và Emily là 2 trong số 600,000 trường hợp tại Mỹ được chẩn đoán gặp phải vấn đề với sọ não, và đã được Wonder tiếp thêm sức mạnh.
Shane Vysocky được chẩn đoán mắc phải hội chứng Crouzon khiến hộp sọ cậu phát triển không bình thường và khiếm thính. Cũng giống như Auggie, Shane đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, trong đó có cuộc phẫu thuật tái tạo hộp sọ khi cậu lên 3 và phẫu thuật thêm lần nữa khi cậu lên 6.
Shane phải đeo thiết bị cố định trên đầu mà cậu vẫn gọi là "vầng hào quang" (halo)
Cũng giống như Auggie, Shane đã mang theo ba lô và bữa trưa đến trường. Cậu bé thậm chí còn mang theo bản chụp CT gần đây nhất của cậu để giải thích cho những người bạn mới về những gì cậu đã trải qua. Shane cho biết cậu đã đồng cảm và được Auggie truyền sức mạnh rất nhiều.
Còn Emily thì cũng rất thích Halloween giống Auggie. Cô chia sẻ: "Tôi có thể đi loanh quanh giống như mọi đứa trẻ khác với cái mặt nạ và không ai nghĩ rằng tôi trông kỳ cục". Emily được chẩn đoán bị hội chứng bẩm sinh hiếm gặp trên khuôn mặt tên là Goldenhar khi mới được 3 tuần tuổi. Cũng giống như Auggie, Emily đã trải qua hơn 20 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ.
Emily (thứ 2 từ trái sang) cùng gia đình
Wonder đã truyền động lực cho Emily bớt nhút nhát trước những cái nhìn chằm chằm và những câu hỏi từ người lạ. Cô bắt đầu tự tin hơn và chia sẻ nhiều hơn với mọi người về hội chứng của mình để mọi người hiểu rõ cô hơn. Thậm chí cô còn dùng skype với bạn bè và thuyết trình tại trường học.
Phim dự kiến khởi chiếu từ 29/12/2017.