Theo Straits Times, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hôm 24/5 rằng sự bùng phát các ca đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi có thể kiềm chế được, trong bối cảnh nhiều chính phủ nói rằng họ sẽ triển khai các đợt tiêm chủng hạn chế để chống lại sự gia tăng nhiễm virus.
Các động thái này được đưa ra trong bối cảnh đã có 237 ca đậu mùa khỉ ghi nhận từ 19 quốc gia, bao gồm các trường hợp đã khẳng định bằng xét nghiệm lẫn nghi nhiễm, tức có biểu hiện lâm sàng rõ ràng nhưng còn chờ kết quả xét nghiệm.
Mẫu bệnh phẩm đậu mùa khỉ (Ảnh: REUTERS)
Theo Reuters, các quan chức WHO cho biết con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng, nhưng hầu hết các ca nhiễm trùng cho đến nay đều không nặng. Các nhà khoa học cũng không cho rằng bệnh có thể tiến triển thành đại dịch như Covid-19.
Khác với SARS-CoV-2 lây qua đường hô hấp, virus đậu mùa khỉ chỉ lây qua tiếp xúc dịch tiết giữa người và động vật và người với người, thông qua việc chạm vào dịch cơ thể, dịch từ vết thương, các mụn nước bị vỡ của người bệnh, hay dùng chung các vật dụng vệ sinh cá nhân vô tình dính dịch tiết... đó cũng là lý do căn bệnh lây truyền qua đường tình dục trong một số trường hợp được xác định gần đây.
Cũng vào ngày 24/5, Anh đã báo cáo thêm 14 ca, nâng tổng số ca lên 70 kể từ ngày 7/5. Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Cộng hòa Séc cũng ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên.
"Chúng tôi khuyến khích tất cả các quốc gia thành viên tăng cường giám sát bệnh đậu mùa khỉ để xem xét mức độ lây truyền và hiểu được căn bệnh đang đi đến đâu" - Reuters dẫn lời Giám đốc về chuẩn bị sẵn sàng các nguy cơ truyền nhiễm toàn cầu của WHO Sylvie Briand. Bà nói thêm rằng sự bùng phát lần này là "không bình thường", nhưng "có thể phòng ngừa được".
WHO đang nghiên cứu hướng dẫn mới cho các quốc gia về chiến lược tiêm chủng và đang triệu tập thêm các cuộc họp nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên giải quyết tình hình.
Vắc-xin ngừa đậu mùa ở người chính là thứ đồng thời ngăn chặn được đậu mùa khỉ. Từng có giả thuyết cho rằng tác dụng dần mờ đi trong cộng đồng của vắc-xin này góp phần vào sự lây lan. Bởi lẽ sau khi bệnh đậu mùa bị triệt tiêu toàn cầu, WHO đã ngừng khuyến cáo tiêm chủng mở rộng loại vắc-xin này vào năm 1980.
Một số quốc gia dừng chiến lược tiêm chủng đậu mùa trước đó vài năm, một số lại dừng sau vài năm. Do đó những người trong độ tuổi 30 trở xuống đến hơn 40 trở xuống không tiêm đậu mùa khi còn nhỏ.
Đại hội đồng Y tế Thế giới bầu lại Tổng Giám đốc WHO
Theo WHO, các quốc gia thành viên của WHO hôm 24/5 đã đồng thuận bầu lại Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus vào vị trí Tổng Giám đốc WHO nhiệm kỳ thứ 2. Tiến sĩ Tedrods được bầu vào vị trí này lần đầu vào năm 2017.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: BBC)
"Vinh dự này đi kèm với trách nhiệm lớn lao và tôi cam kết hợp tác với tất cả các quốc gia, các đồng nghiệp của tôi trên khắp thế giới và các đối tác quan trọng của chúng tôi, để đảm bảo WHO thực hiện sứ mệnh nâng cao sức khỏe, giữ cho thế giới an toàn và phục vụ những người bị tổn thương".
Nhiệm kỳ mới của tiến sĩ Tedros chính thức bắt đầu vào ngày 16/8.