Meichan (Nguyễn Hà Trang, SN 2000, Hà Nội) vốn là một trong những YouTuber “xinh ngoan iu” được rất nhiều bạn trẻ mến mộ. Nhắc đến Meichan là nhắc tới hàng loạt những thành tích đúng chuẩn “con nhà người ta” như: Cựu học sinh Anh 1 trường chuyên Amsterdam, học bổng 100 % Đại học Yonsei ở Hàn Quốc, làm việc chung với Lisa BLACKPINK,...
Sở hữu ngoại hình nhỏ nhắn, chẳng ai nghĩ Meichan lại có thể làm được rất nhiều thứ và luôn mang đến một năng lượng tích cực cho người đối diện. Có thể nói, Meichan chính là hình mẫu đại diện cho những bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z năng động, “dám” nói sẵn sàng và chấp nhận đối đầu với nhiều thử thách trong cuộc sống để làm những gì mình thích.
Trong WeTalk tập 2, Meichan trở thành khách mời Gen Z và cùng thảo luận, chia sẻ về những điều đã làm được cũng như cách cô nàng chinh phục chính bản thân mình. Đặc biệt, host Nam Khánh cùng Meichan cũng không ngại nhắc đến một chủ đề đang được nhiều bạn trẻ quan tâm và nhắc tới trong thời gian gần đây là “Overthinking” - hội chứng suy nghĩ quá mức.
Host Nam Khánh: Những ngày đầu Meichan rất khiêm tốn về định hướng của mình. Vậy giữa Meichan của năm 18 tuổi và ở hiện tại đã có những thay đổi lớn gì trong suy nghĩ?
Nhiều lắm, rất nhiều!
Có thể nói, cô bé ngồi ăn mì năm đó khi đặt chân đến Hàn Quốc vẫn là mình thôi nhưng vô tư, hồn nhiên, ngây ngô hơn bây giờ khá nhiều. Nếu nói đến khác biệt lớn nhất thì điều mình nghĩ ra đầu tiên chắc là mình của bây giờ bình tĩnh hơn rất nhiều so với hồi đó.
Khi ấy, lý do mà bản thân mình tự nói ra là: “Tôi sẽ không làm YouTuber đâu, tôi makeup chưa đẹp,...”. Mình đoán lý do bản thân mình hồi đó tự nói ra như vậy là để mình tự chê bản thân trước khi người khác chê mình. Mình của ngày xưa hay đi tìm sự công nhận của người khác và có nhiều tự tin, lo lắng về việc ai đó sẽ chê mình. Còn mình của bây giờ thì bình tĩnh hơn, có sự tự tin hơn, biết tự chấp nhận, tự công nhận bản thân hơn. Và chính vì thế nên là sẽ ít nói những câu như thế hơn.
Host Nam Khánh: Meichan đã từng bao giờ dám đối mặt với những bình luận chê bai tiêu cực chưa?
Mình thấy rất “trộm vía” vì tệp người theo dõi mình đều rất dễ thương. Các bạn ấy còn khá nhỏ, đều là các bạn trẻ nên họ cũng đón nhận mọi thứ với tâm trí cởi mở. Thường những nội dung của mình, các bạn sẽ xem như tham khảo, còn lại là giải trí. Nên thực tế mình ít gặp những bình luận tiêu cực, chê bai.
Nhưng hỏi có dám đối mặt hay không thì mình có. Vì mình có niềm tin riêng của mình là những gì đã quyết định chia sẻ ra sẽ ít nhiều có ích cho một đối tượng nào đó. Có thể là 10 người, 20 người hoặc là một, hai người thôi, thì mình vẫn cảm thấy là nó có ý nghĩa, ít nhất là đối với mình và những người đó. Đấy là sự khác biệt giữa mình của bây giờ và ngày xưa.
Host Nam Khánh: Có một nhận định khá truyền cảm hứng thời gian gần đây là: “Bạn hãy bắt đầu trước khi bạn sẵn sàng”. Meichan thấy nhận đình này thế nào?
Mình có nghe và suy nghĩ là thì đúng là mình từ trước đến giờ luôn làm mọi thứ khi mình chưa sẵn sàng. Vì tính cách của mình là khi muốn gì đó sẽ phải làm luôn, nhanh chóng chuẩn bị cho dù chưa đủ sẵn sàng.
Giống như khi mình làm YouTube, mình rất nghiệp dư, không biết chỉnh sửa hay làm gì hết. Nhưng mình cứ cầm máy lên và quay thôi. Tính cách mình là như vậy, sẽ luôn làm những gì bản thân muốn.
Mình cũng mới nghe một cái câu gần đây người ta nói là: “Nếu bạn làm một điều gì đó mà lúc nhìn lại sản phẩm đó, bản không cảm thấy ngại thì có thể lúc đấy bạn đã bắt đầu hơi muộn rồi”. Mình không biết nó có đúng 100% không nhưng thường những trường hợp rất thành công họ luôn xuất phát điểm khá khiêm tốn hay thậm chí là ngây ngô.
Host Nam Khánh: Có bao giờ chị Meichan dám thử sức với một cái lĩnh vực mới mà mình chưa có nhiều cái sự kiến thức hay chuẩn bị tinh thần về lĩnh vực đó không?
Mình là một đứa khá dám “làm này làm kia” nhưng mà mình sẽ có tính toán. Ví dụ khi quyết định gap year, mình phải lên kế hoạch trong năm đó mình sẽ làm gì, được lợi hay mất gì.
Từ trước đến này, mình cũng luôn dám làm cái mới vì mình không sợ bị dốt và cũng không sợ người ta thấy mình dốt. Tại vì mình chưa biết thì học và mò từ từ thôi. Mình khá trân trọng quá trình phát triển, không cần thiết từ đầu đã phải giỏi. Tuy nhiên mình sẽ luôn chọn làm những điều mà cảm giác bản thân có năng khiếu, mình làm giỏi được.
Còn những gì mà xa vời quá kiểu như “làm ca sĩ” thì không nha. Cái này không phải vì sợ mà vì cảm thấy đây không phải chuyên môn của mình. Mình không có năng khiếu khoản này thì mình sẽ không làm thôi.
Host Nam Khánh: “Self-reflection” - khả năng tự phản ánh bản thân cũng là cụm từ được nhắc đến gần đây. Meichan có thể nói thêm về khả năng này và nó đã giúp ích hoặc là nó đã góp phần như thế nào trong những cái quyết định cuộc sống của mình?
Self-reflection, sự tự đánh giá, tự nhìn nhận bản thân và tự đánh giá lại những cái trải nghiệm trong cuộc sống của mình để mà có thể là rút ra một bài học gì đó, hay là mình biết thêm về chính bản thân mình thôi.
Vì chúng mình thay đổi mỗi ngày, nếu mình không có sự tự nhìn nhận lại sẽ khó khăn hơn cho bản thân trong công cuộc phát triển. Nếu mình không để ý đến những sự thay đổi của chính mình dễ dẫn đến trường hợp bị hoang mang với chính bản thân. Đối với mình, sự tự nhìn nhận lại này nó là một kỹ năng rất cần thiết, rất quan trọng và có ích. Nếu chúng ta có kỹ năng tự nhìn nhận bản thân, thì nó là một dạng đặc quyền mà không phải ai cũng có được.
Cuộc sống bây giờ quá nhanh, đôi khi sẽ bị quên đi việc nhìn nhận lại. Mình thường suy nghĩ và tự hỏi bản thân, phân tích một chút để nhận ra rất nhiều thứ mới mẻ ở bản thân. Ví dụ: “Tôi thấy không đồng tình với quan điểm này nhưng tại sao tôi lại không đồng tình? À, vì nó khác với những gì tôi được dạy. Nhưng như thế thì cái tôi được dạy đúng hay những người này được dạy đúng?”.
Như vậy mình có nhiều hướng phân tích, mở rộng thế giới của mình hơn và học thêm được nhiều điều. Rồi dần dần, mình sẽ là một người có EQ cao hơn. Bởi mình nhận ra là có những thứ cần sự quan sát, phân tích cẩn thận và từ đó có những hành động tinh tế hơn.
Host Nam Khánh: Vậy thì làm sao để chúng ta có thể luyện self-reflection mà không bị overthinking?
Mình là một người “ô dề thinking” nha mọi người, mình rất “ô dề thinking” đó.
Có rất là nhiều lần mình thực hiện self-reflection và cảm thấy rất tệ về bản thân. “Trời ơi Meichan tại sao lại tệ như thế? Tại sao lại có những suy nghĩ này về người khác? Tại sao mình lại có những hành động như thế này?”,... là kiểu có những cái mình làm mà mình không thể chấp nhận được. Nhưng mà nó đã xảy ra rồi, mình không làm gì được.
Cách mình làm ở đây là có sự thấu cảm với chính bản thân. Mình không hoàn hảo, mình sẽ cố gắng tốt lên mỗi ngày. Và có thể là mình sẽ không bao giờ hoàn hảo nhưng ít nhất mình có tốt lên. Đó cũng là câu quote ở trên điện thoại của mình “We are always a product in progress” - Chúng ta luôn có sản phẩm trong quá trình hoàn thành và luôn luôn là như vậy.
Mình có một niềm tin là từ bây giờ đến cuối đời, mình vẫn đang luôn được hình thành thôi và sẽ không có điểm dừng. Nó cũng mở ra một tương lai rất là rộng mở, đem lại nhiều niềm tin và hy vọng hơn chút nên hãy thấu cảm với chính bản thân mình.
Đó là tips để tránh overthinking. Mình vẫn overthinking nhưng mà đỡ hơn.Tránh thôi chứ khó loại bỏ được nó hoàn toàn. Overthinking cũng không quá tệ đâu. Mình có chữ think ở trong đấy mà, mình có suy nghĩ mà. Thì có suy nghĩ sẽ luôn luôn vỡ ra điều này, điều kia để mình phát triển.
Host Nam Khánh: Nếu bây giờ hỏi Meichan kể tên một vài những cái kì tích đã xảy ra với mình thì đó sẽ là cột mốc nào trong cái hành trình sự nghiệp hay là học tập của Meichan?
Thật ra với mình nó đúng là kỳ tích nhưng nếu cứ nhắc đi nhắc lại thì cảm giác đang hơi đề cao bản thân thái quá. Nên mình sẽ dừng từ cột mốc.
Những cột mốc đáng nhớ của mình là lần đầu đi nước ngoài - du học Hàn Quốc, hay lần đầu nghiêm túc làm YouTube rồi có 5000 subscriber đầu tiên sau ra là 100.000. Còn những cái cột mốc về sau đấy nữa như là có fanmeeting đầu tiên chẳng hạn. Rồi cột mốc về mặt công việc, trải nghiệm trong công việc là đi làm với cả những ngôi sao mà hồi nhỏ rất thích. Mình thích Hyomin T-ara và sau này được làm việc, gặp idol liên tục thì là cột mốc mà mình thấy: “Woa, rất là ảo” mà mình gọi là kỳ tích. Vì Hà Trang ngày bé sẽ không thể nào tưởng tượng sẽ có ngày được làm việc với thần tượng tại Hàn Quốc.
Ngoài ra, sẽ có một số cột mốc nữa như thời điểm mình tự lập 100%, hoàn toàn tách khỏi bố mẹ, tự lập về tài chính và cuộc sống nói chung. Nhìn chung thì, mình có nhiều cột mốc đáng nhớ lắm, kể hết ra cảm giác như đang tự luyến vậy.
Host Nam Khánh: Đâu có gì tự luyến, đó đều là những nỗ lực và cố gắng của mình mà! Nhưng Meichan có phải là một người “Self-made” không?
“Self-Made” à, không đâu. Mình có nhiều đặc quyền nhưng nếu nói “Self-Made” 100% thì mình nghĩ là không có ai. Trong cuộc sống mình luôn nhận sự giúp đỡ từ người khác mà. Nhiều khi mọi người nhận xét: “Bạn này học giỏi thế” nhưng đó là mẹ dạy mình bao nhiêu năm, đi làm vất vả cho mình ăn học đầy đủ rồi bao nhiêu thầy cô giáo nữa. Như vậy đâu phải là “Self-Made”.
Đương nhiên là mình phải cố gắng rất nhiều nhưng mình không phủ nhận những sự giúp đỡ, mình rất biết ơn điều đó. Nếu mà nói 100% “Self-Made” và tự hào quá về cái việc mà “tôi tự cái này, tôi tự cái kia” thì cá nhân mình cảm thấy là hơi lãnh cảm với thế giới xung quanh quá.
Host Nam Khánh: Nếu mà hỏi mình rút ra điều gì sau câu chuyện với Meichan dám làm gì thì mình nghĩ là Meichan dám overthinking!
Thật ra overthinking nó cũng là một cái triệu chứng đi kèm của self-reflection. Nhưng mà để thấu hiểu được những cái bên trong thì mình phải chấp nhận thôi, cũng thú vị mà. Cảm giác tự nhiên một ngày mình nhận ra điều gì đó ở bản thân mà trước đây chưa bao giờ biết, thấy vui và bất ngờ lắm đó.
Mình không chỉ overthinking mà còn có phần tích cực thái quá. Bạn bè hay đùa mình là tích cực một cách mù quáng. Mình thấy đây là một điều may mắn. Vì mình biết có nhiều bạn bị overthinking dẫn đến những triệu chứng tâm lý tiêu cực. Mình cũng đang suy nghĩ cách có thể giúp những bạn đó có thể trở nên tích cực hơn nhưng mình chưa tìm ra câu trả lời.
Nên nhìn chung mình khá may mắn đó vì overthinking nhưng vẫn rất tự tin và tích cực!