WannaCry đang làm điên đảo thế giới, nhưng khó tin là hacker chỉ thu về được "mấy đồng bạc lẻ"

T.S, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 16/05/2017
Chia sẻ

Nhiều người tin rằng WannaCry có thể khiến các hacker đứng đằng sau giàu nứt đố đổ vách nhưng điều này hoàn toàn không đúng.

Virus tống tiền (ransomware) WannaCry được cho là đã lây nhiễm được tới 200.000 máy tính tại 150 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Với mức "tiền chuộc" ít nhất 300 USD và sẽ tăng lên theo thời gian nếu nạn nhân chần chừ, nhiều người nghĩ rằng những kẻ xấu đứng đằng sau WannaCry đã kiếm được hàng triệu USD. Dù vậy, có vẻ như mức độ phá hoại của virus này là có thật nhưng… đời không như mơ với kẻ xấu. Dẫn nguồn trang Business Insider, WannaCry mới chỉ mang về được cho tác giả của nó trên dưới 50.000 USD và không dừng lại ở đây, 50.000 USD này vẫn chưa được và không dễ để có thể rút ra.

WannaCry đang làm điên đảo thế giới, nhưng khó tin là hacker chỉ thu về được mấy đồng bạc lẻ - Ảnh 1.

"Nạn nhân" của WannaCry bị đòi 300 USD dưới hình thức bitcoin.

"Nạn nhân" của WannaCry được yêu cầu thanh toán tiền chuộc bằng bitcoin, một đồng tiền kỹ thuật số đề cao tính nặc danh của người dùng. Dù vậy, bitcoin hoàn toàn có thể bị theo dõi khi tất cả các giao dịch đều được ghi lại trong một cuốn sổ cái gọi là blockchain. Điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể theo dõi các khoản thanh toán được chuyển qua lại trong mạng lưới. Theo các chuyên gia phân tích, virus WannaCry hiện đang hướng nạn nhân đến việc thanh toán vào ba "chiếc ví" khác nhau.

WannaCry đang làm điên đảo thế giới, nhưng khó tin là hacker chỉ thu về được mấy đồng bạc lẻ - Ảnh 2.

Loại virus, mã độc tống tiền là không mới nhưng WannaCry được xem là mã độc có ảnh hưởng lớn nhất.

Bằng cách kiểm tra ba chiếc ví này, bạn có thể hình dung được tương đối chính xác số tiền đã được thanh toán. Ở thời điểm thực hiện bài viết, WannaCry đã mang về cho chủ nhân số bitcoin tương đương với 49.603 USD. Số tiền này vẫn đang tiếp tục tăng lên nhưng chưa hề có dấu hiệu những người đứng đằng sau nó muốn rút tiền ra. Nếu tính mỗi máy đều trả một số tiền tối thiểu để loại bỏ mã độc là 300 USD, chưa đến 170 máy bị tấn công đã thực hiện thanh toán cho nhóm người xấu. Một số ý kiến cho rằng việc yêu cầu người dùng thanh toán bằng bitcoin, một kiểu tiền chưa quen thuộc với nhiều người, khiến số lượng máy bị tấn công trả tiền chuộc là rất ít.

Nếu không may bị nhiễm mã độc ransomware, các chuyên gia khuyến cáo bạn không nên thực hiện thanh toán bởi như vậy là cổ súy hành động xấu của hacker. Ngoài ra, ngay cả khi thanh toán, cũng chẳng có gì đảm bảo bạn sẽ nhận lại được toàn bộ dữ liệu của mình nguyên vẹn.

(Tổng hợp)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày