Vườn quốc gia Bạch Mã quanh năm không khí mát mẻ, trong lành, là lựa chọn của nhiều du khách yêu thiên nhiên khi đến Huế.
Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ Vườn quốc gia Bạch Mã vừa ra thông báo yêu cầu du khách không mang theo thức ăn và tổ chức ăn uống tại các điểm tham quan, tuyến đi bộ trong khuôn viên Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã (huyện Phú Lộc, TP Huế).
Quy định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5 với mục đích tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái và giảm thiểu tác động của rác thải đến hệ động, thực vật hoang dã.
Theo thông báo, các địa điểm như Hải Vọng Đài, Ngũ Hồ, thác Đỗ Quyên, những điểm dừng chân hấp dẫn bậc nhất trong vườn sẽ không còn là nơi để bày biện ăn uống. Thay vào đó, VQG Bạch Mã đã bố trí các điểm phục vụ ăn uống tại nhà hàng Bạch Mã và các bãi đỗ xe tại km16 (đầu đường mòn Đỗ Quyên), km19 (đầu đường mòn Hải Vọng Đài), cũng như tại nhà trú mưa ở ngã ba rẽ vào Ngũ Hồ.
Đại diện trung tâm cho biết, việc siết chặt các quy định liên quan đến ăn uống là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm gìn giữ cảnh quan tự nhiên, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, đồng thời giảm thiểu sự xâm phạm vào đời sống của các loài động vật hoang dã vốn rất nhạy cảm với rác thải và thức ăn thừa do con người để lại.
Với hệ sinh thái phong phú, Bạch Mã hiện là nơi cư trú của hàng ngàn loài động, thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và đã được ghi danh trong Sách đỏ. Đây không chỉ là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch yêu thiên nhiên mà còn là một kho tàng sinh học có giá trị lớn về mặt bảo tồn và nghiên cứu khoa học.
Trung tâm cứu hộ gấu Vườn quốc gia Bạch Mã được xây dựng quy mô lớn
Được kỹ sư người Pháp M. Girard phát hiện từ năm 1932, Bạch Mã từng là khu nghỉ dưỡng lý tưởng thời thuộc địa với hàng chục biệt thự, khách sạn, bể bơi, chợ, nhà hàng và bưu điện. Ngày nay, dấu tích của khu nghỉ dưỡng Pháp vẫn còn hiện diện xen giữa rừng già, tạo nên vẻ đẹp giao thoa giữa kiến trúc cổ và thiên nhiên hoang sơ.
Sau đợt điều chỉnh quy hoạch năm 2008, VQG Bạch Mã được mở rộng lên tổng diện tích 37.487 ha, nằm trải dài trên địa bàn của thành phố Huế (trước đây là tỉnh Thừa Thiên Huế) và tỉnh Quảng Nam. Từ đó đến nay, Bạch Mã không chỉ là một địa chỉ du lịch sinh thái nổi bật ở miền Trung mà còn là điểm dừng chân lý tưởng cho những ai yêu thích trekking, khám phá và tìm kiếm sự thư giãn giữa thiên nhiên.
Đáng chú ý, VQG Bạch Mã hiện còn có trung tâm cứu hộ gấu, một điểm đến mới mẻ đang được đầu tư và phát triển theo hướng du lịch giáo dục, giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã.
Việc không cho phép mang đồ ăn vào rừng không chỉ là một quy định hành chính đơn thuần, mà còn là lời mời gọi du khách cùng chung tay bảo vệ "viên ngọc xanh" của dãy Trường Sơn. Du lịch không chỉ là tận hưởng mà còn là trách nhiệm với môi trường, với cộng đồng và với chính thế hệ mai sau.