Tại xã Bình Thuỷ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Mỗi năm cứ vào ngày mùng 9, mùng 10 tháng 5 âm lịch, Đại lễ Kỳ Yên đều được tổ chức, với sự háo hức, mong chờ của người dân nơi đây.
Lễ hội được tổ chức tại đình Bình Thuỷ, ngôi đình 236 năm tuổi này đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Quay ngược về quá khứ, để tìm hiểu lịch sử của lễ hội này, chúng tôi được biết vào năm 1944, vua Bảo Đại thứ 19 ban Sắc phong thần cho đình Bình Thủy là “Tỉnh Hậu Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần”. Từ đó đến nay, đình thần Bình Thủy thờ Thành hoàng bổn cảnh, vị thần cai quản địa phương sở tại. Đại lễ Kỳ Yên được tổ chức để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thắng lợi, nhà nhà ấm no, đồng thời cũng là dịp người dân tri ân các bậc tiền nhân có công khai phá và xây dựng vùng đất này.
Lễ hội Kỳ Yên được tổ chức hàng năm là 1 lễ hội truyền thống hết sức đặc biệt của người dân An Giang
Người dân hay gọi đùa, đây là lễ hội hoá trang miền Tây. Bởi vào dịp này các thanh niên, người lớn, trẻ em, mọi người, mọi tầng lớp, mọi độ tuổi đều có thể tham gia hoá trang thành "mọi".
Bên cạnh phần cúng lễ nghiêm trang, thành kính thì "mọi" là những nhân vật không thể thiếu trong đoàn rước ngày lễ hội. Người tham gia sẽ bôi lọ nghẹ, vẽ những hình ảnh tuỳ thích lên gương mặt. Ngày xưa, khi thời đại 4.0 chưa bùng phát, "mọi" chỉ đơn giản với quần áo lá và cách hoá trang truyền thống. Ngày nay, "mọi" phát triển với rất nhiều phiên bản như: châu phi, da đỏ, ma cà rồng, zombie, chú hề, cô tiên…
Trong lễ hội, "mọi" sẽ nhảy múa và ca hát hết mình, có những mọi còn tạo dáng rất nhiệt tình để nhiếp ảnh gia bắt những những khoảng khắc "có một không hai".
"Mọi con" là những nhân tố rất đáng yêu và được đặc biệt quan tâm trong dịp lễ hội. Mọi con là những đứa trẻ theo chân cha mẹ, ông bà để hoá trang tham gia lễ. Thông thường "cát xê" cho "mọi con" là… một ổ bánh mỳ. Hình ảnh những đứa trẻ tự hoạ mặt mình theo đủ kiểu và cùng nhau chơi rất vui khiến những người lớn cũng vui lây. Người dân cũng theo đó mà đặt những cái tên rất hài hước cho các "mọi" như "mọi" chúa, "mọi" hề, "mọi" đại ca….
Lễ đua thuyền truyền thống cũng là một phần rất đặc biệt của lễ Kỳ Yên đình Bình Thuỷ. Giải đua thuyền này do nhân dân trong xã đứng ra tổ chức. Những người có uy tín, được coi trọng trong địa phương sẽ là trọng tài Ban tổ chức, chính quyền địa phương hỗ trợ về mặt an ninh trật tự.
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trong lễ hội.
Các thanh niên trong xã sẽ cùng nhau thiết kế những be tàu bằng thân chuối, với đủ loại phụ kiện trang trí đính kèm. Vào ngày lễ, người dân sẽ đồng hành cùng đoàn xe rước Sắc Thần, diễu hành quanh cù lao. Sau đó những chiếc bè sẽ được thả trôi cặp mé sông để các "mọi" cổ vũ cho những người đua thuyền. Mặc dù chỉ là giải đua thuyền "cấp xã", nhưng năm nào cũng có hàng ngàn người dân đứng kín 2 bên bờ sông Năng Gù cùng hò reo, cổ vũ cho các đội đua.
Đại lễ Kỳ Yên tại Bình Thuỷ, An Giang không chỉ là một lễ hội tín ngưỡng đơn thuần, mà còn là cách người dân nơi đây lưu giữ lại nét văn hoá truyền thống miền Tây Nam Bộ.
Hoà cùng với không khí lễ hội, thứ chúng tôi ấn tượng nhất đó chính là sự hồn hậu, hào sảng của những người dân miền Tây. Có lẽ, niềm vui và sự nhiệt thành chính là thứ khiến con người nơi đây gắn kết với nhau hơn bao giờ hết.