Vực dậy tài chính cá nhân tuổi 28: Tiết kiệm từng đồng, tìm nguồn thu phụ

Nguyễn Quỳnh Trang - Thiết kế: Hoàng Sơn, Theo Phụ nữ Việt Nam 19:08 08/10/2022
Chia sẻ

Giải bài toán tài chính cá nhân khó nhất trong cuộc đời.

“Ở tuổi 28, mình từ bỏ công việc hiện tại, mong muốn theo đuổi đam mê trở thành 1 blogger, sang châu Âu để học hỏi về lập nghiệp, mơ ước về một công ty nhỏ do chính mình điều hành. Nhưng sau 1 chuyến đi dài, vừa tốn tiền, vừa bị lừa vì thiếu hiểu biết, mình nhận ra số tiền tiết kiệm chỉ đủ để sống trong 3 tháng tiếp theo. Tiền nhà vẫn phải đóng, tiền cơm vẫn 3 bữa/ngày, xăng xe đi lại,... mà số tiền tiết kiệm chỉ còn ít ỏi, cũng chưa kiếm được công việc mới nào ổn.

Trước khi nghỉ việc, mình cứ đinh ninh rằng với khả năng và kinh nghiệm đã tích lũy trước đó, mình thừa sức kiếm được công việc tốt hơn trong vòng 2 tháng. Nhưng đời không như mơ. Thời gian 2 tháng trôi qua quá nhanh, với 10 lần đi phỏng vấn nhưng vẫn thất nghiệp vì sự kén chọn. Lý do là mình cũng không còn trẻ, phải quyết tâm tìm được vị trí lương vừa cao vừa ổn định, nên không thể cứ nhắm mắt chọn bừa. Sự kén chọn đó khiến mình lâm vào tình trạng rất kẹt tiền.

Không thể gọi điện nhờ vả bố mẹ hay bạn bè vì sĩ diện hão, cũng chẳng có ai đủ thân để có thể bỏ mặt mũi xuống vay tiền. Trải qua việc thiếu tiền đến cùng cực, khiến mình nhận ra, trước kia mình đã không ‘nghèo đủ’, nên suy nghĩ về tài chính vẫn còn non nớt. Thế là công cuộc tiêu tiền - kiếm tiền thế nào của cô gái 28 tuổi như trở lại vạch xuất phát”- Bùi Quỳnh (30 tuổi, blogger) chia sẻ về câu chuyện tài chính khi thất nghiệp của mình. Quỳnh cho biết, chỉ vì không có sự tính toán kỹ lưỡng và lường trước rủi ro, đã khiến cô nàng phải giải 1 bài toán kinh tế khó nhất trong gần 30 năm cuộc đời.

Cùng lắng nghe câu chuyện của Bùi Quỳnh:

Nhặt từng đồng tiền lẻ để “bám trụ”

Thời điểm đó, mình luôn có suy nghĩ nhất định sẽ vượt qua được tình trạng thiếu tiền này, vẫn chưa là bước đường cùng khiến mình gục ngã. Vậy nên, “tự lực cánh sinh” là cụm từ diễn tả mình khi đó chính xác nhất.

Ở cái tuổi mà bạn phải tự chịu trách nhiệm với những lựa chọn sai lầm, thay vì ngồi trách móc bản thân, mình tìm cách để giải quyết nó. Sau nhiều ngày cân đo đong đếm, mình tạm thời đưa ra giải pháp bằng cách giảm chi tiêu khi nguồn thu chưa ổn định. Không có gì quá cao siêu cả nhưng lại có hiệu quả ngay.

Vực dậy tài chính cá nhân tuổi 28: Tiết kiệm từng đồng, tìm nguồn thu phụ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Pinterest

Trước hết để tiết kiệm, mình tận lực gom tiền về 1 mối. Khoản tiền đầu tiên mình nghĩ đến là trợ cấp thất nghiệp từ bảo hiểm. Số tiền hàng tháng mình nhận được là khoảng 6-7 triệu đồng. Kể từ ngày đi nhận bảo hiểm xã hội, chợt nhận ra rằng mình chưa hề chuẩn bị bất cứ điều gì cho việc nghỉ hưu. Về hưu là cả một vấn đề, khi mà ở Việt Nam, độ tuổi nghỉ hưu ở nữ giới là 60. Vậy nếu sống đến 80, 90 tuổi, thì mình lấy tiền đâu mà sống? Đây cũng là một trong những lý do khiến mình càng quyết tâm phải dành tiền cho việc nghỉ hưu càng sớm càng tốt.

Gạt bỏ nhu cầu không cần thiết

Ngay cả khi chưa thất nghiệp, mình đã là một người sống khá tiết kiệm. Nhưng bây giờ, điều này càng trở nên “keo kiệt” một chút, do: Không có nguồn thu nhập chính, không đầu tư gì, không có nghề tay trái, tiền chủ yếu sẽ chỉ đến từ việc tiết kiệm. Thế nên, tiết kiệm và chỉ chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu là tôn chỉ trong 3 tháng tiếp theo của mình, khi chưa tìm được công việc phù hợp.

Để tiết kiệm trong những ngày này, mình gạt bỏ hết nhu cầu không cần thiết ra khỏi cuộc sống và thực hiện 1 số thói quen mới:

Vực dậy tài chính cá nhân tuổi 28: Tiết kiệm từng đồng, tìm nguồn thu phụ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa - Pinterest

- Ăn uống sang chảnh: 1 ngày ăn của mình không được vượt quá 100k, nếu đi chơi với bạn thân thì cùng lắm chỉ 300k quay đầu. Vốn dĩ không phải nhân vật ưa tiệc tùng nên điều này được thực hiện khá thoải mái. Hát hò nhậu nhẹt gì đó với mình là điều xa xỉ.

- Mua sắm đồ hiệu: Thật may mình chẳng đam mê quần áo hay những thứ trang trí vẻ bề ngoài. Tuy vậy, sự chỉn chu và nghiêm túc là vấn đề cơ bản nhất trong tủ đồ của mình. Vì yêu cầu công việc trước đây, mình cần phải sắm sửa vài bộ đồ cao cấp 1 chút. Nhưng từ khi nghỉ làm, điều này được gạt bỏ hoàn toàn ra khỏi cuộc sống của mình. Về cơ bản thì đồ tối giản là sự lựa chọn tuyệt vời.

- Ghi chép lại từng khoản chi nhỏ nhất: Vốn đã có thói quen ghi chép chi tiêu hàng ngày, nên việc này khá dễ đối với mình. Khi mức chi tiêu bị giới hạn xuống chỉ còn 1/2 so với ngày còn đi làm, mình phải thống kê lại hết tất cả, để xem còn có thể cắt bỏ khoản nào. Mình nhận ra rằng, những khoản tiền tiêu pha nhiều nhất nằm ở: tiền ăn vặt như trà sữa, kem, ăn ngoài, mua những đồ linh tinh, mua đồ khuyến mại theo lô,... Và thế là, phải chấm dứt kiểu chi tiêu này thôi, nếu không muốn chẳng còn đồng nào dính túi.

Chi tiêu thông minh hơn mỗi ngày

Sau khi điều chỉnh lại chi tiêu, gạt bỏ những thứ không cần thiết ra khỏi cuộc sống. Mình bắt đầu lại với cuộc sống khoa học hơn với số tiền ít ỏi. Học nấu ăn tại nhà thay vì ăn ngoài, cân nhắc ngân sách để đủ tiền sống đến cuối tháng. Không mua sắm gì cả và bỏ qua tất cả những kiểu mua sắm “giảm giá” càng mua càng ham. Nói không với tiệc tùng, gần như cách ly với việc vui chơi trong thời gian chưa tìm được việc,...

Khi làm được những điều đó, số tiền mình tiêu trong 1 tháng được cộng dồn lại chỉ khoảng hơn 4 triệu 1 chút. Mình bất ngờ nhận ra rằng, hóa ra việc tiết kiệm là một sự thách thức, có mệt mỏi nhưng cũng học được rất nhiều điều. Ví dụ như: 1 bữa ăn đủ dinh dưỡng có thể chỉ cần tiêu 25-30k, không nên đi chợ vào buổi sáng vì đồ ăn có thể đắt hơn, không vào siêu thị mua đồ mà thay bằng ra chợ, không tiêu tiền cho trà sữa hay bánh ngọt có thể giúp bạn giảm cân mà chẳng cần cardio mỗi ngày.

Nhờ có những ngày tháng sống như thế, mình mới hiểu ra, chỉ khi chuyện cơm áo gạo tiền ép đến cùng, con người ta thì mới có khả năng thức tỉnh giữa cuộc sống xa hoa hàng ngày. Và rồi biết rằng nếu không tìm hiểu về tài chính cá nhân, thì tất cả số tiền bạn kiếm được đều sẽ hóa vào hư vô. Một người có thể sống với chi phí thấp, cần phải có những suy nghĩ, tư duy nhanh và mạnh, hành động dứt khoát và kỷ luật cao. Những đức tính này sau này giúp mình quản lý tiền ngày một tốt hơn. “Liệu cơm gắp mắm” chính xác là cụm từ dành cho mình trong những ngày chẳng có nguồn thu ổn định.

Dù tiết kiệm thế nào cũng không đủ: Bạn cần phải có nguồn thu

Tiết kiệm đến đâu mà không có nguồn thu, thì bạn cũng sẽ cháy túi. Mình không thể sống tằn tiện, không gặp gỡ, không đầu tư, không phát triển như thế mãi được. Vì vậy, giải pháp tiếp theo khi chưa tìm được công việc đúng mong muốn, mình chọn “bán mình rẻ 1 chút”. Chuyện bán mình này được thực hiện trong những khoảng thời gian rảnh rỗi.

Sau khi lượn lờ ở các nhóm tìm việc làm tự do tại nhà, bỏ qua các công việc có mức thu nhập quá thấp. Mình lựa chọn nghề tay trái, là chụp ảnh chân dung. Vừa luyện tay nghề, vừa kiếm được mức thù lao kha khá, dù công việc phải phơi nắng nhiều và vất vả. Ngoài ra, mình còn nhận viết bài cho 1 số dự án, viết blog,... Nhìn chung thì những công việc này giúp mình kiếm lại chút ít để duy trì cuộc sống.

Tài chính tạm thời ổn định, mình cân nhắc về công việc chính thức nhiều hơn. Cân nhắc giữa 2 lựa chọn: Làm quản lý với mức lương thấp, và làm nhân viên với mức lương cao. Cô gái 28 tuổi khi đó lựa chọn làm 1 nhân viên đa di năng, vừa có thể đưa ra ý kiến với sếp, vừa có thể nhận được mức lương và hoa hồng cao. Quyết định đó đã dẫn đến 1 công việc ổn định cho tới năm 30 tuổi và bài học quản lý tài chính cá nhân đắt giá.

Ở tuổi 30 mình vẫn luôn biết ơn khoảng thời gian 2 năm đó. Nếu năm 28 tuổi, bản thân không tự vực dậy tài chính, thì làm sao có tuổi 30 rực rỡ. Chính vì có những lúc khó khăn như thế, khiến mình của hiện tại càng trân trọng hơn cơ hội học cách kiếm tiền và giữ tiền gần như hoàn hảo.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày