Oppo Find X vừa có màn ra mắt ấn tượng tại kinh đô hoa lệ Paris, đại diện cho một bước tiến công nghệ gần hơn tới tiêu chuẩn smartphone full màn hình mà ai cũng đang hướng đến. Thay vì chọn phong cách "tai thỏ" tương tự Apple, Oppo lại bộc lộ cá tính qua một nét riêng: Thiết kế camera có khả năng trồi ra, thụt vào từ một bộ phận riêng của máy, không chiếm diện tích nào trên màn hình.
Khá khen cho Oppo đã hoàn thiện để thiết kế camera chuyển động của mình trở nên rất mượt mà, đồng bộ với giao diện màn hình. Trong toàn bộ làng công nghệ thì đây thực sự là một điểm hòa hợp, giao thoa hài hòa giữa cả phần cứng và phần mềm qua bàn tay nhào nặn của Oppo:
Thế nhưng, các chuyên gia đánh giá từ trang tin The Verge thì lại không nghĩ như vậy!
Theo họ, nếu dành cho việc thể hiện sở thích bản thân, hâm mộ thương hiệu hay là đi khoe bạn bè về một chiếc smartphone độc đáo, Find X là một lựa chọn không thành vấn đề. Hay đem đi chào hàng cho các cô các mẹ thích sự kết hợp giữa bóng bẩy và sang chảnh thì cũng đủ để đốn tim ầm ầm. Tuy nhiên, xét về giá trị tính năng thực tế cho người dùng thì đây như một "cải lùi" chứ không phải cải tiến nữa.
Vấn đề nằm ở ngay đặc trưng dễ thấy nhất của Find X: Bộ phận camera. Dù không chính thức công nhận, nhưng quả thật, việc thêm vào thiết kế cơ học chuyển động cho smartphone từ lâu đã được coi là một nước đi tối tăm, không hiệu quả và đi liền với rất nhiều rắc rối.
Có rất nhiều hệ quả tiêu cực kéo theo sau thiết kế đặc trưng này của Oppo Find X. Hãy chuẩn bị tinh thần đi, vì nếu có ý định săn tìm một chiếc Find X, không chắc là bạn giữ vững được tâm lý sau khi đọc hết đống này đâu:
- Trước tiên, nó sẽ ảnh hưởng đến tiêu chuẩn chống nước của smartphone. Bình thường như smartphone khác thì không sao, chứ lộn hết cả ruột gan camera ở trong ra ngoài, đóng mở liên tục thế kia chắc chắn sẽ không có chuyện đảm bảo smartphone được chống nước hoàn chỉnh.
- Tiếp tục, hiện nay gần như đi đâu cũng thấy các hãng dùng kính ốp cho cả mặt trước và mặt sau cho smartphone cao cấp, Find X cũng không phải là ngoại lệ. Đã có mặt kính thì phải có một chiếc case bảo vệ chống va đập thì tốt hơn, nhưng mọi chuyện sẽ tan thành mây khói với chiếc Find X và bộ camera nắp trượt của mình. Chưa kể, bụi, nước và những dị vật hoàn toàn có thể mắc vào những khe hở bị lộ ra từ đó, và biết đâu được, nhỡ một ngày xui xẻo đánh rơi smartphone đúng lúc đang bật camera trồi ra thì sao nhỉ?
- Chất lượng cấu hình camera thì sao? Từ trước tới nay, ai cũng biết phần cứng camera đóng một vai trò tối quan trọng trong công cuộc làm đẹp cho các cô nàng ưa sống ảo, chứ không hẳn cứ phó mặc cho những ứng dụng, tính năng phần mềm có sẵn là xong. Không phải tự nhiên mà iPhone X có camera lồi lên bề mặt thân máy dù trông khá gai mắt, vì nó giúp đảm bảo đủ thành phần được "nhồi" vào trong đó để làm nên một chiếc camera tốt. Trong khi đó, cả 2 camera trước/sau của Oppo Find X đều nằm ở một chỗ, nhiều khả năng không phù hợp để cùng đầu tư cấu hình, dẫn đến hoài nghi về chất lượng ảnh chụp so với đối thủ.
- Thời lượng pin cũng là "nạn nhân" của thiết kế này. Thử tưởng tượng một ngày có cả trăm lần mở máy lên và dùng khóa nhận diện khuôn mặt, chưa kể những lúc bật để chụp ảnh nữa, lần nào cũng thò thụt camera liên tục. Nhìn thì đặc biệt nổi lên giữa đám đông đấy, nhưng cứ thế thì bảo sao mà pin không bị ngốn một lượng lãng phí.
- Độ bền giảm sút: Dù không nói ra nhưng việc Apple theo đuổi tiêu chuẩn smartphone/laptop nguyên khối cũng không phải ngẫu nhiên mà xuất hiện, thậm chí còn bỏ hết cả nút bấm cơ học nữa. Thiết kế chuyển động từ trước đến nay đã không còn được trọng dụng, vì không cần biết nó đẹp và ấn tượng thế nào, thời gian chắc chắn sẽ khiến chúng trở nên già cỗi và kém bền bỉ hơn.
Oppo thực sự đã thành công khi muốn tạo ra một cú mở màn ấn tượng cho làng smartphone thế giới khi trình diễn một sản phẩm khác biệt của mình so với số đông. Nhưng ở một góc cạnh nào đó, nó vẫn chưa đủ tầm để đạt đến ngưỡng lý tưởng cho một chiếc smartphone mơ ước và thuyết phục một cách toàn diện. Tất cả vẫn phải cần thời gian làm lời giải đáp cho những thắc mắc hiện tại mà thôi.