Mới đây, chiếc xe Polestar 2, một trong những chiếc xe điện đầu tiên của Trung Quốc được thị trường châu Âu biết đến, nhưng giờ lại phải đối mặt với việc thu hồi toàn bộ vì lỗi phần mềm. Đây là một bước thụt lùi đáng xấu hổ cho dự án liên doanh giữa hãng Geely Automobile với công ty con Volvo Cars của họ.
Phát ngôn viên của Polestar cho biết, công ty đã phải yêu cầu chủ sở hữu của gần 2.200 chiếc Polestar 2 ở châu Âu và Trung Quốc đưa chiếc xe của mình đến các trung tâm dịch vụ được ủy quyền công ty để xử lý một lỗi phần mềm làm chiếc xe dừng hoạt động hoàn toàn. Cho đến nay, vẫn chưa có vụ tai nạn nào được ghi nhận liên quan đến lỗi phần mềm này.
Mặc dù vậy, đối với một hãng ô tô Trung Quốc đang nuôi mộng xây dựng thương hiệu tại một thị trường khó tính như châu Âu, lỗi phần mềm dẫn đến thu hồi toàn bộ sản phẩm này là một sai lầm khó sửa chữa cho chặng đường sau này của họ.
Trước đó vào năm 2017, Geely và Volvo đã lập nên liên doanh Polestar. Chiếc Polestar 2 là chiếc xe chạy điện toàn bộ đầu tiên của họ, được thiết kế để thách thức Tesla. Không chỉ có nhiều công nghệ hiện đại, giá bán của nó nằm trong khoảng giữa Model 3 và Model Y của Tesla.
Những chiếc xe đầu tiên xuất xưởng từ nhà máy của Polestar ở tỉnh Zhejiang đã đến tay khách hàng châu Âu vào tháng Tám vừa qua. Trong tháng trước, Polestar 2 đứng thứ 3 về doanh số tại Na Uy – một thị trường đi đầu về xe điện – với 928 chiếc được bán, sau mức 1.116 chiếc Model 3 của Tesla và 1.974 chiếc Volkswagen ID. 3. Giá khởi điểm Polestar 2 chưa đến 60.000 Euro (khoảng 70.700 USD).
Ông Stefan Bratzel, giám đốc Trung tâm Quản trị Ô tô tại Đại học Khoa học Ứng dụng ở Bergisch Gladbach, Đức, cho rằng: "Đây chắc chắn là một lỗi lầm rất khó chịu cho Geely khi mới ở giai đoạn ra mắt thị trường, do nó làm giảm niềm tin của người dùng vào thương hiệu. Bất cứ vấn đề nào khác liên quan đến chất lượng xuất hiện trong vài tháng tới đều sẽ trở nên rất nguy hiểm."
Trong hơn một thập kỷ qua, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hầu như không có nỗ lực đáng kể nào để đột phá vào thị trường ô tô phương Tây. Những người gia nhập thị trường này trước đây như Brilliance Auto Group và Jiangling Motors đều tỏ ra kém cỏi trong các bài kiểm tra va chạm và không được người mua xe trong khu vực đón nhận.
Nhưng sự nổi lên của xe điện đang mang đến cho các nhà sản xuất Trung Quốc một cơ hội mới và Geely đang cố gắng tận dụng thời cơ này. Chủ tịch của Geely, Li Shufu hiện đang là cổ đông đơn lẻ lớn nhất của Daimler. Bản thân Geely cũng đã thâu tóm Volvo từ Ford vào năm 2010, cũng như rót thêm vốn và công nghệ vào biểu tượng ô tô một thời của Thụy Điển này. Trong năm 2018, Geely thành lập một trung tâm kỹ thuật tại Rauheim, một thị trấn nhỏ tại Đức, nhằm thu hút các kỹ sư và nhân viên từ những trụ sở gần đó của hãng Opel Automobile.
Nỗ lực của họ dường như đã mang lại một số kết quả. Michael Dunne, giám đốc công ty tư vấn ZoZo Go, cho biết Polestar 2 đã có kết quả ấn tượng trong bài kiểm tra lái thử tại California vào tháng trước. Nhưng thách thức lớn nhất đối với Polestar là thiết lập được một thương hiệu mạnh và họ đang vấp ngã ngay từ bước đầu tiên khi vấp phải một tiêu chuẩn mới của xe điện: phần mềm.
"Ngày nay, điều khó khăn nhất đối với các nhà sản xuất ô tô là làm chủ phần mềm, với các dòng code đang ngày càng phức tạp và thay đổi nhanh chóng." Ông Dunne cho biết. "Lần thu hồi xe là một bước lùi nghiêm trọng bởi vì nó liên quan đến độ an toàn của phương tiện."
Không chỉ Geely, Trung Quốc đang rất cần mở rộng thị trường ra quốc tế để giải quyết tình trạng dư thừa năng lực sản xuất. Trong khi các hãng ô tô Trung Quốc có thể sản xuất được 40 triệu chiếc xe mỗi năm, nhưng doanh số nội địa hàng năm đã tăng chậm lại, chưa đến 25 triệu chiếc mỗi năm. Lượng xuất xưởng ra nước ngoài trong nửa đầu năm 2020 cũng đã sụt giảm mạnh 20%, xuống còn chưa đến 400.000 xe.
Tham khảo: Nikkei