Vừa bị cho thôi việc, tôi đã được công ty mời quay về: Chấp nhận vì kinh tế khó khăn, phải bỏ qua lòng tự trọng

Vũ Anh, Theo Nhịp sống thị trường 15:00 28/04/2025
Chia sẻ

Thị trường lao động khó khăn nên mọi cơ hội đều quý giá.

Vừa bị cho thôi việc, tôi đã được công ty mời quay về: Chấp nhận vì kinh tế khó khăn, phải bỏ qua lòng tự trọng- Ảnh 1.

Bị cho thôi việc vào thứ 5 nhưng ngay thứ 2 tuần sau đó, Jessica Swenson, 48 tuổi, đã được công ty mời trở lại làm việc.

“Lúc bị sa thải tôi rất sốc vì mới được thăng chức nửa năm”, Swenson nói và cho biết bản thân đã rất lưỡng lự với lời mời quay lại. Khoản tiết kiệm của bản thân và thu nhập tốt của chồng khiến tình hình tài chính của gia đình không quá khó khăn. Cô định từ chối.

“Nhưng ai cũng biết thị trường lao động giờ khó khăn thế nào", cô nói và nhận đề nghị quay lại làm cộng tác viên.

Ban đầu, lòng tự trọng bị tổn thương, song chỉ vài tháng sau, Swenson nhận ra bị sa thải chính là cơ hội. Vị trí cộng tác viên giúp cô khởi động sự nghiệp viết lách tự do đã bỏ dở từ lâu.

Swenson đã có thêm nhiều khách hàng. Thu nhập chỉ bằng nửa trước, nhưng cô được tự do làm chủ thời gian.

Jessica Swenson nằm trong số những người lao động ở Mỹ bị công ty sa thải, rồi lại gọi về - một xu hướng có tên ‘Boomerang’. Trên các diễn đàn việc làm, nhiều người kể họ nhận được lời mời trở lại của những tập đoàn lớn như Meta, Salesforce hay Pratt & Whitney.

“Khách hàng của tôi có người nhận được cuộc gọi từ công ty cũ với nội dung: ‘Chúng tôi cần bạn trở lại vì đợt cắt giảm vừa rồi hơi quá tay”, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp Debra Wheatman, chia sẻ.

Một số từ chối thẳng thừng vì đã ổn định chỗ mới. Một số người quay về với tâm trạng lửng lơ, vừa đi làm, vừa âm thầm tìm việc khác.

Kristie Jones, một cựu quản lý kinh doanh phần mềm 55 tuổi đã thề sẽ không bao giờ quay lại sau khi bị ban lãnh đạo sa thải. Lòng tự trọng của cô đã bị tổn thương sâu sắc.

Cô kể một tối chủ nhật nhận được lời mời họp đột xuất. Sáng hôm sau, hợp đồng làm việc bị chấm dứt ngay tại cuộc họp. Đồ đạc cá nhân không kịp thu dọn đã bị đuổi khỏi văn phòng.

Vài tuần sau, một lãnh đạo mới gọi điện mời cô quay lại với lý do “tôi biết bạn được nội bộ đánh giá cao”.

“Lúc đó tôi chỉ nghĩ: ‘Anh đùa à?”, Jones kể và nói đã quyết định không làm thuê nữa. Với 6 tháng trợ cấp thôi việc, cô đã mở công ty tư vấn bán hàng. Quyết định quay lại không chỉ dựa trên lý trí, còn liên quan đến lòng tự trọng.

Vừa bị cho thôi việc, tôi đã được công ty mời quay về: Chấp nhận vì kinh tế khó khăn, phải bỏ qua lòng tự trọng- Ảnh 2.

Meta từng tuyển lại những nhân sự vừa bị sa thải vài tháng trước.

Andrea Derler, giám đốc nghiên cứu tại Visier, một công ty phần mềm nhân sự cho biết để có thể nối lại với nhân viên cũ, các công ty cần làm tốt khâu chính sách sa thải, tức đối xử tử tế khi cho nhân viên nghỉ việc. Nhờ công nghệ AI, các công ty giờ có thể nhanh chóng rà soát hồ sơ nhân viên cũ, từ hiệu suất làm việc đến kỹ năng, để mời đúng người quay lại khi cần.

“AI có thể tự động tìm kiếm những hồ sơ phù hợp, dù họ đã rời công ty từ lâu”, Derler giải thích.

Matt Massucci, CEO của công ty tuyển dụng Hirewell, cho biết các doanh nghiệp ngày càng ý thức được chi phí tuyển dụng. Công đoạn tuyển người, đào tạo đến 3-6 tháng vốn mất thời gian và tiền bạc. Nếu một cựu nhân viên quay trở lại làm việc, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Trước đó, hồi năm 2023, hàng nghìn nhân viên Meta bị sa thải cũng đã được mời quay trở lại công ty. Tình hình kinh doanh khả quan hơn đã khiến công ty mẹ của Facebook này dần bắt đầu tuyển dụng lại những kỹ sư và kỹ thuật viên bị đuổi vài tháng trước đó.

Phần lớn những vị trí tuyển dụng lại của Meta là kỹ sư phần mềm, phần cứng, các công việc liên quan đến kính thực tế ảo cũng như những mảng về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trung tâm dữ liệu...Các vị trí mảng hoạt động kinh doanh, vốn từng bị sa thải nhiều nhất trước đây, thì ít trường hợp được tuyển lại.

Tuy nhiên, các nhân viên cũ được tuyển dụng trở lại vào nhiều vị trí mới khác với trước đây hoặc với mức lương thấp hơn. Một cựu nhân viên giấu tên nói với tờ Business Insider rằng anh chấp nhận quay lại Meta làm việc ở cùng một vị trí nhưng giảm 10% lương.

Động thái tuyển dụng lại nhân viên cũ của Mark Zuckerberg giống với những gì Elon Musk đã làm với Twitter. Sau khi hoàn thành thương vụ 44 tỷ USD, nhà sáng lập Tesla đã sa thải hàng loạt rồi tuyển dụng lại nhân viên cũ của Twitter cho cùng một ví trí vì nhận ra giá trị của họ.

Theo: WSJ, Business Insider

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày