Theo tờ New York Times (NYT), thương vụ 44 tỷ USD của tỷ phú Elon Musk mua lại Twitter đã đưa cuộc chơi của các đại gia công nghệ lên một tầm cao mới.
Trước đây những ông trùm công nghệ khi muốn mua gì đó sẽ phải nhờ sự hậu thuẫn của công ty họ làm chỗ dựa. Nhà sáng lập Jeff Bezos phải dựa vào Amazon để mua Whole Foods còn Mark Zuckerberg phải dựa vào Facebook để mua Instagram, WhatsApp, Oculus... Mục đích cuối cùng của những cuộc mua bán này vẫn là vì phục vụ sự phát triển của công ty.
Thế nhưng thương vụ Twitter của Elon Musk thì hoàn toàn khác bởi đây là câu chuyện giữa cá nhân nhà sáng lập Tesla với mạng xã hội 240 triệu người dùng. Tỷ phú Elon Musk không dựa vào công ty nào để mua Twitter và cũng chẳng vì lợi ích của doanh nghiệp nào hết ngoài chính bản thân ông.
“Elon Musk thích, ông ấy mua”- Câu đùa này nổi tiếng đến mức nhiều người đã gạ nhà sáng lập Tesla mua lại vô số thứ đang có vấn đề trên thế giới để sửa lại cho đúng (Make It Right).
Trên thực tế, nếu nhìn lại quãng đường lập nghiệp của Elon Musk thì cũng có thể hiểu phần nào tính cách của ông.
Elon Musk
19 tuổi: bán máy tính PC trong KTX của trường Đại học
24 tuổi: bắt đầu gây dựng Zip2 (sau bán cho Compaq)
28 tuổi: bắt đầu gây dựng X (sau trở thành PayPal)
30 tuổi: bắt đầu gây dựng SpaceX
32 tuổi: bắt đầu gây dựng Tesla
44 tuổi: bắt đầu gây dựng OpenAI
45 tuổi: bắt đầu gây dựng Neuralink
45 tuổi: bắt đầu gây dựng Boring Co
51 tuổi: mua Twitter
Quay trở lại thương vụ Twitter, tờ NYT nhận định dù có phải hùn vốn với các nhà đầu tư khác để mua lại Twitter thì Elon Musk vẫn sẽ là người kiểm soát mạng xã hội này.
“Con chim (biểu tượng của Twitter) đã được tự do”, là những gì Elon Musk tuyên bố sau thương vụ 44 tỷ USD trên, thế nhưng tự do dưới sự cho phép của ai thì nhà sáng lập Tesla này lại chẳng nhắc đến.
Về phía truyền thông, mọi người cũng đều bất ngờ và tranh cãi trước quyết định của Elon Musk khi ông phải cầm cố cổ phiếu Tesla để mua về mảng kinh doanh hầu như không liên quan đến tất cả những lĩnh vực mà vị tỷ phú này đã làm trước đó.
Không chỉ gặp thách thức về tài chính, Elon Musk còn phải gánh thêm 13 tỷ USD nợ từ Twitter, một công ty đã không hề sinh lợi nhuận trong 8/10 năm hoạt động. Thương vụ này được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái, đúng như những gì Elon Musk từng công khai lo lắng. Quảng cáo trực tuyến, chiếm 90% nguồn thu của Twitter, đã suy giảm khi các hãng tiết kiệm chi phí chuẩn bị cho suy thoái.
Trong năm 2021, tiền lãi phải trả của Twitter lên đến 50 triệu USD và với những khoản nợ chồng lên khi Elon Musk mua mạng xã hội này, công ty sẽ phải gánh mức lãi nợ lên đến 1 tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng báo cáo tài chính cho thấy Twitter chỉ xoay sở được khoảng 630 triệu USD dòng tiền để thanh toán nợ trong năm 2021. Điều này đồng nghĩa mạng xã hội này đang kiếm ít tiền hơn so với khoản lãi vay phải trả hàng năm.
Vậy tại sao Elon Musk, vị tỷ phú giàu nhất nhì thế giới với hãng xe điện nổi tiếng toàn cầu cùng vô số những công ty từng sáng lập lại vẫn muốn thâu tóm Twitter, một thương vụ chẳng đem lại nhiều lợi nhuận về lý thuyết?
Chưa từng có tiền lệ
Nhìn vào đế chế của những ông lớn Thung lũng Silicon hiện nay, mọi người đều thấy một xu thế bành trướng chung. Phần lớn tài sản của Elon Musk nằm trong cổ phiếu hãng xe điện Tesla, nhưng vị tỷ phú này cùng nhà sáng lập Jeff Bezos của Amazon lại vẫn đấu nhau trong cuộc đua vũ trụ không gian đầy tốn kém.
Trong khi đó, nhà sáng lập Mark Zuckerberg của Meta (Facebook) thì đổi hướng sang vũ trụ ảo. Tỷ phú Peter Thiel của Paypal thì tham gia vận động hành lang với hàng tỷ USD quyên góp cho chính trị.
“Đây là một kỷ nguyên mới khi chúng ta phải đối mặt với những tỷ phú thay vì các công ty của họ như đã từng làm trong thế kỷ 20”, giáo sư Richard Walker của trường đại học California thừa nhận.
Đồng quan điểm, chuyên gia Michael S. Malone chuyên nghiên cứu lịch sử ngành công nghệ cho biết trước đây phần lớn các đại gia sau khi xây dựng đế chế thì sẽ nghỉ hưu, thành lập quỹ từ thiện hoặc đầu tư để quyên góp tài sản. Vậy nhưng mọi chuyện đã khác.
“Trước đây chưa bao giờ có chuyện như này khi các tỷ phú thay vì nghỉ hưu lại đi kiến tạo hàng loạt những đế chế mới”, ông Malone cho biết.
Trên thực tế, giới nhà giàu từ lâu đã có truyền thống chen chân vào mảng truyền thông. Tỷ phú Bezos mua lại tờ Washington Post với 250 triệu USD. Đại gia Marc Benioff của Salesforce mua lại tạp chí Time trong khi Pierre Omidyar của eBay tự phát triển hãng truyền thông của riêng mình.
Tuy nhiên theo NYT, khác với những thương vụ tham gia truyền thông trước đây của các tỷ phú ngành công nghệ, Elon Musks thực sự muốn tạo ra thay đổi và tạo nên một truyền kỳ tiếp theo nữa trong những công trình đế chế của mình sau những Paypal, Tesla, SpaceX...
Xu thế mới?
Thống kê của hãng số liệu Dealogic cho thấy thương vụ Twitter của Elon Musk chỉ đứng thứ 10 về giá trị trong bảng xếp hạng những vụ mua bán ngành công nghệ lớn nhất từ năm 1995 đến nay.
Tuy nhiên như đã nói ở trên, đây là thương vụ đầu tiên trong lịch sử khi một ông lớn ngành công nghệ thâu tóm mạng xã hội nổi tiếng chỉ vì sở thích chứ không màng đến lợi ích cho doanh nghiệp nào cả.
“Tôi chẳng quan tâm đến lợi ích kinh tế”, Elon Musk hùng hồn tuyên bố vào tháng 4/2022 khi nói về thương vụ Twitter.
Vậy những tuyên bố này bị sứt mẻ đôi chút khi giá cổ phiếu giảm khiến nhiều chuyên gia ước tính giá trị của Twitter không còn là 44 tỷ USD, thậm chí là chưa nổi 30 tỷ USD. Điều này khiến Elon Musk muốn rút khỏi thương vụ để rồi lâm vào vụ kiện lùm xùm và cuối cùng vẫn phải chấp nhận mức giá 44 tỷ USD.
Ngay sau khi trở thành ông chủ mới Elon Musk liên tục có những quyết định cải tổ mạnh tay mà nhiều người dự đoán là sẽ cắt giảm chi phí để đảm bảo Twitter không trở thành gánh nặng tài chính quá lớn cho vị tỷ phú này.
Câu chuyện còn trở nên nực cười hơn nữa khi vào đầu tháng 10/2022 khi thương vụ chưa hoàn thành, Elon Musk đã cho ra mắt dòng nước hoa của mình với lời nhắn nhủ: “Hãy mua nước hoa của tôi để tôi có thể mua Twitter”.
Với giá 100 USD/lọ nhưng 30.000 sản phẩm đã bán hết sạch khiến giáo sư Walker của đại học California phải thừa nhận thế giới đang bước vào một kỷ nguyên thống trị mới của những ông trùm công nghệ.
“Không có một trở ngại nào trước những đế chế mới này khi các ông trùm liên tiếp xây dựng hệ sinh thái của mình. Từ công đoàn cho đến truyền thông đều dần bị thâu tóm. Mọi nguồn thông tin dần bị một nhóm người giàu kiểm soát vậy mà họ vẫn nói đến sự tự do”, giáo sư Walker lo lắng.
Đồng quan điểm, chuyên gia phân tích Richard Greenfield của LightShed Partners nhận định giờ đây chẳng ai có thể thay đổi được Facebook ngoài Mark Zuckerberg hay Snap ngoài Even Spiegel.
“Trước đây chẳng ai sở hữu Twitter cả. Giờ đây thì 1 ông chủ quyết định tất cả”, ông Greenfield cảnh báo.
Cũng theo chuyên gia phân tích này, nếu thương vụ mở rộng đế chế sang mảng mạng xã hội của Elon Musk, người vốn không có kinh nghiệm trong ngành này, trở nên thành công thì đây sẽ là tiền đề cho hàng loạt tỷ phú công nghệ bắt chiếc, tạo nên một xu thế chưa từng có trước đây.
“Nếu thương vụ này trở nên thành công thì bạn sẽ thấy hàng loạt tỷ phú theo gót làm điều tương tự”, chuyên gia Greenfield dự đoán.
*Nguồn: NYT