Một chiếc AirPods fake có giá thành phẩm vào khoảng 40 tệ (tương đương 140 nghìn đồng), xuất xưởng có giá 50 tệ (tương đương 175 nghìn đồng), bán buôn ở khu chợ điện tử Hoa Cường Bắc tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc với mức giá 60-70 tệ (tương đương 210-245 nghìn đồng), các trang thương mại điện tử mua lại với giá 100-300 tệ (tương đương 350 nghìn-1 triệu đồng), khi đến tay hộ kinh doanh nhỏ lẻ mức giá sẽ cao hơn 400 tệ (tương đương 1,4 triệu đồng) một chút.
Trần Duệ - một người ông chuyên kinh doanh AirPods fake tại khu chợ điện tử SEG ở "thung lũng Silicon Trung Quốc" Hoa Cường Bắc tự hào khoe sản phẩm "chất lượng cao" trong tay: "Yên tâm đi, đồ của chúng tôi thì ngay cả CEO Apple là Tim Cook có đến xem cũng không phân biệt nổi đâu!"
Tháng 9/2016, Apple cho ra mắt sản phẩm tai nghe không dây AirPods đã thu hút sự quan tâm và thích thú của vô số tín đồ công nghệ trên khắp thế giới. Với giá thành phẩm phần cứng ước tính chưa tới 300 tệ (tương đương 1 triệu đồng) và được bán ra với mức giá ban đầu là 1.276 tệ (tương đương 4,45 triệu đồng), một số người cho rằng Apple đã thu lời đến hơn 400%.
Có lẽ sau điện thoại iPhone thì tai nghe không dây AirPods là sản phẩm thành công nhất của Apple. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Nghiên cứu thị trường Counterpoint, lượng tiêu thụ tai nghe không dây TWS trên toàn thế giới trong năm 2019 là 120 triệu chiếc và AirPods chiếm tới gần một nửa thị trường. Dự tính trong năm 2020, quy mô tai nghe TWS tăng lên 230 triệu chiếc và AirPods sẽ chạm mốc 89 triệu.
Tốc độ phát triển cực nhanh, lại thêm lợi nhuận thu về cực lớn, thế nên AirPods hiển nhiên không tránh khỏi "số kiếp" bị làm nhái. Được biết, vào đầu năm 2017, khi AirPods 1 mới chính thức lên kệ được hơn 1 tháng, thì tại Hoa Cường Bắc đã bắt đầu xuất hiện hàng fake. Ban đầu, hàng fake chỉ mô phỏng được vẻ bề ngoài của AirPods xịn, thế nhưng trải qua vài năm nghiên cứu và phát triển, hiện tại công nghệ làm nhái đã lên đến trình độ thượng thừa. Phần cứng, phần mềm hay thậm chí là cả các tính năng hiện đại khác như: kết nối tự động, định vị, đổi tên thiết bị, tăng giảm âm lượng, sử dụng Siri để điều khiển thiết bị bằng giọng nói… đều được làm y như thật.
AirPods fake càng giống thật thì những người sản xuất và buôn bán chúng càng phát tài. Rất nhiều hộ kinh doanh đồ điện tử ở Hoa Cường Bắc đều vui vẻ chia sẻ về những tấm gương giàu có nhờ AirPods fake xung quanh mình: "Những người theo ngành này từ mấy năm trước giờ đều giàu sụ cả rồi.", "Bạn tôi chuyên sản xuất linh kiện ở Thâm Quyến đã mua được mấy căn nhà rồi đấy.", "Lúc làm ăn thuận lợi có khi mỗi ngày kiếm được mấy trăm nghìn tệ (100 nghìn tệ tương đương 350 triệu đồng) ấy chứ!"…
2 năm trước, Lý Phi đã gia nhập ngành sản xuất tai nghe không nhãn hiệu (một dạng hàng nhái nhưng sản phẩm không có logo bắt chước hàng xịn). Anh cho biết, thông thường khi mới bắt đầu công việc này, người ta sẽ đi tìm người trong ngành để lấy được khuôn mẫu. Khi AirPods 1, 2, 3 ra mắt chưa bao lâu đã có người nhanh chóng mô phỏng khuôn mẫu sản phẩm, và loại khuôn này luôn đảm bảo tạo ra những sản phẩm có vẻ ngoài giống y hệt sản phẩm gốc, người không chuyên khó lòng phân biệt được thật giả.
Một số người khác chọn cách an toàn hơn là tìm kiếm "khuôn mẫu trung tính". Kỳ thực, khuôn mẫu trung tính chỉ khác loại khuôn mẫu bình thường ở chỗ được thay đổi thông số kỹ thuật cho to hơn hoặc nhỏ hơn bản gốc.
Bên cạnh đó, cũng có những người chờ không nổi khuôn mẫu nên đã tự đi móc nối để lấy được bản thiết kế của AirPods trước cả khi sản phẩm mới nhất được bày bán. Nghe thì có vẻ hơi khó tin, nhưng từ lâu việc này được coi là "bí mật công khai" trong ngành sản xuất hàng fake. Giống như việc trước khi iPhone mới chính thức lên kệ luôn có những người nắm trong tay bản thiết kế sản phẩm để tiến hành sản xuất trước các loại ốp cho chiếc điện thoại thời thượng, và tất nhiên việc "đi tắt đón đầu" này sẽ khiến họ luôn là người kiếm bộn tiền.
Lý Phi tổng kết một cách ngắn gọn: "Đây là một cuộc giao dịch dựa trên tiền bạc và các mối quan hệ."
Phần cứng của AirPods được cho là khá đơn giản, còn về phần mềm thì phức tạp hơn vì cần có chip Bluetooh. Một số nhãn hiệu lớn như Apple, Huawei đều có chip Bluetooh riêng, một số loại tai nghe TWS khác dành cho điện thoại hệ điều hành Android được những nhà sản xuất hàng fake ở Hoa Cường Bắc cân nhắc lựa chọn chip của những thương hiệu bình dân hơn.
Sau khi có được vẻ bề ngoài giống hệt và con chip thích hợp, rất nhiều xưởng sản xuất AirPods fake đều chỉnh sửa các thông số khác dựa theo linh kiện mà mình có. Một số xưởng sản xuất đủ mạnh có đội ngũ kỹ thuật riêng để điều chỉnh phần mềm, một số nhỏ hơn thì chọn cách đi thuê ngoài.
Có một điều không thể không công nhận là kỹ thuật của các công xưởng sản xuất hàng fake ở Trung Quốc ngày càng thành thục và phát triển, khiến cho hàng fake ngày càng trở nên tinh vi hơn.
Nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài, rất khó phân biệt giữa AirPods hàng auth và hàng fake. Nhiều ông chủ ở Hoa Cường Bắc cho biết, ngay cả độ nhạy, cảm ứng hay cách điều chỉnh âm lượng… của hàng auth thì AirPods fake đều có thể bắt chước được. Tuy nhiên, khi sử dụng sẽ thấy chất lượng giữa chiếc tai nghe 100 tệ (tương đương 350 nghìn đồng) và 1.000 tệ (tương đương 3,5 triệu đồng) là hoàn toàn khác biệt.
Hiện tại, phần khó làm giả của AirPods là chức năng giảm tiếng ồn. Những chiếc tai nghe fake được hạn chế tiếng ồn chủ yếu dựa vào khả năng tự có của con chip, hoặc nút tai nghe được chế tạo to hơn bình thường một chút. Rất nhiều ông chủ ở Hoa Cường Bắc đang khao khát kỹ thuật hạn chế tiếng ồn của Apple.
AirPods fake được tiêu thụ qua cả 2 con đường online và offline, trong đó Hoa Cường Bắc là thị trường offline chính, còn khu Quang Minh và Bản Điền ở Thâm Quyến là "mặt trận" buôn bán online chủ yếu.
Tại Hoa Cường Bắc thường bán giá khá rẻ và lấy số lượng bù lại. Đa phần những ông chủ ở đây đều có công xưởng sản xuất, bất kỳ khuôn mẫu nào cũng có thể làm nhái được. Nếu không có sẵn khuôn mẫu, người ta sẽ phải chi trả thêm tiền chế tạo, tuy nhiên sau đó các công xưởng này có thể sản xuất hàng loạt và bán rẻ cho rất nhiều đối tác khác với số lượng lớn để thu lời.
Trần Duệ - một ông chủ ở Hoa Cường Bắc chia sẻ cửa hàng của mình mỗi ngày đều bán được vài chục hoặc cả trăm chiếc AirPods fake. Đối tượng khách hàng chủ yếu là những cửa hàng online, tiểu thương ở các thành phố nhỏ và cũng có không ít những đơn hàng từ nước ngoài.
Vào thời kỳ làm ăn phát đạt, mỗi ngày Trần Duệ có thể kiếm được tới vài trăm nghìn tệ, tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến cho doanh số chỉ bằng 1/3 trước đây. Bên cạnh đó, rất nhiều người không trụ nổi nên đã chuyển hướng sang làm công việc khác.
Trần Duệ tiết lộ giá AirPods fake khá đa dạng: AirPods 2 có giá 50-90 tệ (tương đương 175-413 nghìn đồng), AirPods 3 có giá 70-120-150-220 tệ (tương đương 244-419-523-767 nghìn đồng)… tùy theo loại chip được lắp đặt trong đó.
Hiện tại, những chiếc AirPods fake được đóng gói thủ công nên lớp màng bọc nilon ở ngoài khá thô và sần. Trần Duệ cho biết nếu muốn đóng gói đẹp như sản phẩm chính gốc thì phải đầu tư mua máy móc đắt đỏ, tuy nhiên việc này sẽ khiến giá thành phẩm cao hơn vài tệ. Đa phần các công xưởng Hoa Cường Bắc đều chọn cách đóng gói cũ, bởi theo họ thì "bóc ra rồi cũng như nhau cả" nên không cần thiết phải tốn thêm tiền bạc cũng như công sức cho việc đó.
Một ông chủ khác ở Hoa Cường Bắc là Trương Cường còn đưa ra mức giá rẻ hơn khi bán buôn cho khách hàng ngoại quốc. Theo Trương Cường, anh ta đã bán cho vị khách Philippines của mình những chiếc AirPods 2 với giá chỉ từ 22-30 tệ (tương đương 77-105 nghìn đồng). Tất nhiên, những sản phẩm này có chất lượng không cao, chủ yếu là hàng tồn kho, hàng lỗi hoặc hàng được tân trang lại.
Thậm chí, Trương Cường còn tiết lộ nếu dùng linh kiện kém chất lượng hơn thì chi phí sản xuất những chiếc tai nghe này còn chưa tới 10 tệ (tương đương 35 nghìn đồng). Cũng theo ông chủ Trương, trước đây khách hàng hải ngoại của anh chủ yếu là ở Đông Nam Á, Trung Đông và Nam Mỹ, còn hiện tại khách hàng Âu Mỹ đang tìm đến ngày một nhiều.
Một lô AirPods fake được xuất xưởng
Bên cạnh các mặt hàng rẻ kém chất lượng, thị trường tai nghe không dây fake cũng có những sản phẩm đắt đỏ và cao cấp hơn với mức giá từ 300-400 tệ (tương đương 1-1,4 triệu đồng). Ông chủ Lý Phi có một người quen chuyên sản xuất loại hàng fake cao cấp này, mỗi tháng anh ta cho ra đời hơn 3 triệu sản phẩm, thế nên thu nhập lên đến 10-20 triệu tệ (tương đương 35-70 tỷ đồng)/tháng. Những ông chủ giàu sụ này thường khá kín tiếng và không bao giờ rêu rao về sản nghiệp của mình.
Ngoài con đường buôn bán offline, những người kinh doanh AirPods fake còn phát tán sản phẩm của mình đi khắp Trung Quốc thông qua các kênh bán hàng online. Tuy nhiên, khi đăng bán sản phẩm trên những trang thương mại điện tử, họ không chú thích đây là AirPods mà thường giới thiệu là "tai nghe Apple Hoa Cường Bắc", "công nghệ đen Hoa Cường Bắc", "Apple bên thứ 3"… Một số cửa hàng khác lại sử dụng chữ tiếng Anh gần giống với bản gốc để rao bán như: AirPors, AirPros, AirPlus… nhằm lách luật trên các website bán hàng online.
Không những vậy, một số công xưởng còn nhận đặt AirPods fake theo yêu cầu, khách hàng có thể đưa ra những tiêu chí riêng cho sản phẩm, từ hộp đựng, hình ảnh cho đến số seri…
Và mặc dù đi mua AirPods fake nhưng người ta vẫn có thể mua phải hàng fake kém chất lượng với giá cao. Bởi chỉ nhìn bề ngoài thì gần như không thể phân biệt được chất lượng của những chiếc tai nghe hàng nhái ấy.
Kỳ thực, Apple đã sớm biết về việc AirPods fake được sản xuất và bày bán tràn lan ở Trung Quốc. Nhân viên của một Apple store tiết lộ, trước đây từng có người lợi dụng chính sách đổi mới miễn phí của cửa hàng mà đem AirPods fake đến đổi lấy hàng thật. Được biết, hiện hãng vẫn đang cẩn thận so sánh và nghiên cứu những sản phẩm fake ấy.
Theo một số nguồn tin, trong năm nay lượng tiêu thụ AirPods fake lên đến 200 triệu chiếc, chiếm 50% thị trường tai nghe không dây TWS ở Trung Quốc, điều đó có nghĩa Apple đã phải chia một nửa thị phần cho những sản phẩm hàng nhái này.
Thế nhưng theo một số ông chủ ở Hoa Cường Bắc, trái với việc làm nhái iPhone, đối với những chiếc AirPods fake thì Apple dường như không quan tâm lắm. Một số người cho rằng, có lẽ AirPods fake không gây quá nhiều ảnh hưởng đến lợi nhuận của Apple nên hãng này cũng chỉ mắt nhắm mắt mở. Cho đến hiện tại, họ chưa từng phải đối mặt với bất kỳ rắc rối nào từ phía Apple nên vẫn tiếp tục duy trì công xưởng sản xuất của mình.
Nhiều người cho rằng công nghệ sản xuất AirPods fake nở rộ như hiện nay khá giống với tình trạng làm nhái điện thoại di động cách đây 10 năm. Đối mặt với hàng chính hãng chất lượng tốt giá cao và hàng fake giá rẻ nhưng chất lượng một lời khó nói hết, sự lựa chọn cuối cùng vẫn nằm trong tay những vị "Thượng đế" khó tính.
Nguồn: QQ