Charles & Keith (C&K) - thương hiệu thời trang đến từ Singapore có thể nói là một trong những nhãn hàng phát triển nhanh, rộng và đình đám nhất. Với mức giá nhẹ nhàng dành cho những người có thu nhập thấp và trung, thương hiệu từng bước vươn mình ra thế giới, đạt được độ phủ rộng lớn ở nhiều quốc gia trên khắp 5 châu.
Nhưng sự phát triển ấy cũng đi kèm những cái giá phải trả, đặc biệt là khi chạm đến Trung Quốc - thị trường vốn nổi tiếng là một thiên đường dành cho các thể loại hàng nhái, đến mức cả người bản địa cũng bị lừa.
Mới đây, truyền thông Trung Quốc đã ghi nhận sự việc rất nhiều người tiêu dùng đã phải "nộ khí xung thiên" vì mua hàng từ thương hiệu Cherlss & Keich. Đọc kỹ lại nhé, là Cherlss & Keich, không phải C&K kia đâu. Mà thực ra thì cũng khó trách họ, vì đây quả thực là một pha nhái hàng đỉnh cao. Cherlss & Keich đã bắt chước hàng nguyên bản gần như toàn bộ mọi thứ: từ danh sách mặt hàng, thiết kế store, cho đến cả giao diện website.
Giao diện website Cherlss & Keich (trên) và Charles & Keith (dưới)
Giống như Charles & Keith, cửa hàng "Cherlss & Keich" cũng bán túi xách, giày dép, phụ kiện tương tự, với font chữ và logo gần như tương đồng. Nếu chỉ nhìn lướt qua thì rất dễ tạo ra sự nhầm lẫn.
Font chữ ngoài store cũng y hệt
Rất nhiều người đã lên mạng xã hội để bày tỏ sự tức giận, vì đây rõ ràng là một hành động cố ý nhằm trục lợi từ các khách hàng vốn không mấy quen mặt với những chữ cái latin.
"Cảm giác như nuốt trúng 10 con ruồi vậy. Lúc về Nam Kinh, tôi đi shopping cùng mấy người bạn và không chú ý lắm, chỉ nhận ra vì màu sắc đóng gói hơi khác so với hàng gốc. Khi lấy ra xem lại thì thực sự ức chế. Bản thân "tiểu ck" (tên gọi của người Trung Quốc dành cho Charles & Keith để phân biệt với "đại CK" là Calvin Klein) vốn đã có giá rất phải chăng rồi. Còn lũ bắt chước này đơn giản chỉ mượn tên người khác để xuất hiện trên thị trường." - một tài khoản cho hay.
Một khách mua hàng sau khi biết đây là hàng nhái đã thực sự tức giận và đòi hoàn lại tiền, nhưng đã bị từ chối. Người này bèn mang chiếc túi đứng trước cửa hàng rao bán, dĩ nhiên là với mức giá rẻ hơn.
Được biết, thương hiệu nhái đỉnh cao này chỉ mới xuất hiện vào đầu hoặc giữa năm 2019, vận hành bởi một công ty Trung Quốc có trụ sở tại Quảng Châu. Hiện tại, các cửa hàng tên Cherlss & Keich đã xuất hiện ở các tỉnh Quảng Đông, Tứ Xuyên, Hồ Nam và cả Thượng Hải.
Đối với Charles & Keith, thương hiệu này hiện có 95 cửa hàng trên toàn quốc. Và bởi luật bản quyền hình ảnh của Trung Quốc còn khá "kỳ cục" và nhiều bất cập, nên hiện cũng chưa rõ bản nhái kia có phải chịu hậu quả pháp lý nào hay không.
Để nói về vấn đề bản quyền tại Trung Hoa Đại Lục thì có rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười. Đầu tháng 12, thương hiệu Muji đình đám của Nhật Bản đã thua trong vụ kiện bản quyền với 2 công ty nhái tên khác, và buộc phải trả 626.000 nhân dân tệ (hơn 2 tỉ đồng tiền Việt) tiền bồi thường cùng lời xin lỗi công khai.
Nguyên do là bởi trước khi Muji tiến vào Trung Quốc, các công ty này đã sớm đăng ký cái tên "Muji" trên thị trường nội địa. Dĩ nhiên là nhìn qua thì ai cũng biết 2 công ty này đã muốn kiếm lời trên một cái tên đã thành thương hiệu toàn cầu, nhưng tòa án cũng chẳng thể làm khác được. Ai đến trước hưởng trước, Muji nguyên bản đơn giản là kẻ đến sau.
Muji cũng không phải là nạn nhân duy nhất của câu chuyện này. Apple cũng đã từng thua rất nhiều vụ kiện liên quan đến cái tên "IPHONE", chỉ vì tên gọi này đã được một công ty Trung Quốc đăng ký trước đó, nhưng là để bán đồ da thuộc.